22 thg 4, 2014

MỘT CÂU CHUYỆN VỀ Y ĐỨC của TRỊNH KIM THUẤN


 BỆNH VÔ CẢM : căn bệnh “ ung thư tâm hồn “. Nói đến thể xác thì sợ nhất là bệnh ung thư. Còn nói đến tâm hồn thì căn bệnh “ vô cảm “ cũng được ví dụ, bởi nó có sức tàn phá ghê gớm, tiếc thay, căn bệnh đó đang lan ra từ trong nhà ra ngoài phố (google.com.vn.giaidap).

Song song theo dõi việc Việt Nam có chính thức tổ chức Asiad 18 hay không ? và bệnh sởi bùng phát trong cả nước, nhiều nhất là ở bệnh viện Nhi TW, số tử vong “cao ngạc nhiên”, sau chuyến viếng thăm của Phó TT Vũ Đức Đam, đến nay Việt Nam vẫn chưa công bố DỊCH SỞI  ?

Việc Asiad đã ổn , sau khi Thủ tướng chính phủ quyết định rút lui, cả nước thở phào nhẹ nhỏm, hoan nghênh quá xá, dù vẫn có một ít người không hài lòng !

Trên các báo : trái và phải, blog hay face book : Việc bệnh sởi gây chết nhiều trẻ thơ ầm ỉ, sôi động lên, nhiều hơn đợt mấy đứa trẻ sơ sinh chết vì tiêm vắc xin ở bệnh viện Hương Hoá (Quảng Trị) năm rồi, người bị chê trách nhiều nhất vẫn là bà Tư lệnh Ngành Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến……


Biết rồi, khổ lắm ,nỏi mãi ! Định không nói, nhưng xem bài : Bà Tiến hay ông Lùi cũng rứa thôi!  Của Huy Cường theo FB Đỗ Trung Quân  thì buồn quá, chẳng cần lặp lại, cũng là 1 chuyện kể đơn sơ lại nhiều ngậm ngùi cho đất nước nầy .

…………………………………………………………………………………………..

Khi tôi khéo léo hỏi ông (có ghi âm) về chuyện Y đức thì vị giáo sư bạc đầu này nhận ra ngay.

Ông nói:

- Tôi không trả lời anh đâu, nhưng tôi kể cho anh nghe câu chuyện của chính gia đình tôi, rồi anh làm gì thì làm.

Tôi nghe xong câu chuyện mà xúc động. Câu chuyện này có lẽ đủ tư cách giải thích tất thảy những chuyện vui buồn của ngành y tế, từ chuyện tiêm vaxin chết người đến chuyện Cát Tường, chuyện dịch sởi v.v…

Nghe xong câu chuyện này, thiết nghĩ các bạn sẽ hiểu rằng nếu bây giờ, bà Kim Tiến xuống, bà Kim Tiền lên hoặc ông Kim Lùi nhậm chức, thì cũng rứa cả thôi.

Cảm ơn Giáo sư V.N.L kính mến, cảm ơn nhân vật chính trong câu chuyện bi hài này là BS Huy, ông đã nói lên cái code của sự thể, khỏi phải tư duy nhiều hơn khi ta là dân Việt.

Dưới đây là câu chuyện của GS Võ Như Lành.

- Một lần tôi về phép đúng vào dịp người em tôi bị đau vùng bụng cấp, rất nguy kịch, phải đi bệnh viện ngay ban đêm.

Là nhà nghề tôi leo lên xe đi cùng. Vào khu vực phòng cấp cứu, tôi vui mừng nhận ra vị trưởng phòng cấp cứu là BS Huy, một học trò giỏi của tôi trong trường y.

Khi khiêng băng ca vào phòng, hai lần tôi giáp mặt với BS Huy nhưng tôi chợt nhận thấy hình như anh ta không muốn chào tôi.

Anh đeo khẩu trang nhưng làm sao tôi quên được vầng trán, ánh mắt, dáng đi của một SV đặc biệt đã học tôi 6 năm trời.

Và đêm ấy, theo gợi ý của cô y tá và sự chỉ dẫn của một người lạ, người nhà tôi phải chi ra 2 triệu bôi trơn cho kíp mổ.

Một tuần sau em tôi ra viện.

Tôi cầm tiền lên thanh toán viện phí và chủ trương đối diện với tay sinh viên xưa, nay đã trở thành kẻ bất trị này.

Khi tôi vào phòng y vụ, vừa chìa giấy tờ ra thì cô nhân viên chừng 30 tuổi đứng bật dậy, giọng nói trầm ấm, thân tình:

- Mời thầy đi theo em.

Mặc dù tôi chưa dậy cô này ngày nào nhưng nghe giọng nói thân thiện, tác phong rất chân tình, tôi vô thức bước theo cô.

Cô đưa tôi lên thẳng phòng …cấp cứu. Đến cửa, cô nói:

- Mời thầy vào, Sếp em đang chờ thầy!.

Cô mở cửa ấn tôi vào căn phòng mát rượi và đi ra.

Khi chỉ còn hai người, BS Huy ôm chầm lấy tôi. Anh nói ngay:

-Thầy ngồi đi, em biết là thầy giận em lắm. Rồi em sẽ giải thích ngay để thầy hiểu.

Tôi lắng nghe.

Vẫn con người ấy, thông minh, lanh lợi, tin cậy và thân tình. Anh ta nói:

“Và nếu hôm đó, thầy trò mình nhận nhau, tay bắt mặt mừng thì có thể, người nhà thầy…chết!.

Nếu kíp mổ nhận thấy họ đang phải thức ba tiếng đồng hồ giữa đêm khuya để mổ một ca không – phong – bì thì chất lượng chuyên môn, các biện pháp hỗ trợ sẽ chạy theo kiểu không – phong – bì thầy ạ.

Bởi vậy, khi gặp thầy, em làm lơ, tính sau kíp mổ sẽ gặp lại thì Thầy đã về rồi.

Hôm nay, em xin tạ tội cùng thầy và em phải nói rằng, em có được như ngày hôm nay là nhờ thầy, Xin thầy đừng từ chối món quà này của em, coi như vài thang thuốc bổ để chăm sóc thầy khi không được gần thầy” .

Huy nói rồi lấy một gói giấy mỏng, gói ghém chu đáo sẵn nhanh tay nhét vào túi trong áo veston của tôi.

Tôi hoàn toàn mất tự chủ.

Sự thể diễn ra hoàn toàn ngoài suy đoán, dự cảm của tôi. Huy vẫn như cậu sinh viên hiếu hạnh, chu đáo và giỏi giang năm xưa.

Cuối cùng, tôi hỏi:

- Tôi có dạy các anh làm thế không?

- Dạ, thưa thầy, cái lỗi chính nằm ở chỗ ấy ạ. Cái chính là vì các thầy đã không dạy những cái đó, những cái cần – phải – dạy.

Tôi ớ ra, hỏi cho rõ thì BS Huy nhẹ nhàng:

- Ngày làm luận văn tốt nghiệp, các thầy cho một câu hỏi: Người BS chế độ XHCN khác với người BS tư bản ở chỗ nào?

Nếu ai trả lời rằng, điểm khác biệt đó là người BS XHCN không cần tiền bạc vẫn làm tốt chức phận của mình thì được điểm cao.

Thực tế không phải thế.

Tôi bắt đầu hiểu ra vấn đề. Hình như toàn bộ bi kịch là ở đây. Hình như chúng tôi có lỗi. Không có BS nào là không cần tiền cả. Tôi ngậm ngùi thăm hỏi hoàn cảnh BS Huy. Anh nói:

“Sau khi ra trường, con về phục vụ tại một bệnh viện chuyên ngành chăm sóc cán bộ tại Hà Nội.

Bệnh nhân của BV này toàn loại VIP.

Đến bữa trưa, con đem cặp lồng cơm đã nguội hắt có vài cọng rau muống đen xì và nửa quả trứng kho mặn vợ chuẩn bị ra ăn trong khi những bệnh nhân kia chơi gà luộc nửa con, giò chả ngập chân răng và họ luôn có quyền bắt ne bắt nét chúng con.

Đến một lúc, con nghĩ: tại sao cùng là người sao họ sướng thế. Sao mình ra sức phục vụ, ăn học từng ấy năm, tận tụy, hiểm nguy mà khổ thế.

Phải “chặt”!.

Lần đầu con chặt, cầm cái phong bì cũng hơi run tay nhưng về sau quen dần, càng chặt càng bén, chặt nhát nào ra nhát ấy.

Về sau con cũng đứng lớp, cũng dạy học trò nghề y cao quý này, ra trường chúng cũng biết chặt, chúng chặt giỏi hơn con, chặt nhát nào ra nhát ấy”.

Tôi không biết nói gì lúc này nữa.

Trong không gian này, tôi không biết ai là thầy, ai là trò nữa. Hình như BS Huy đang dạy cho tôi bài học vỡ lòng về sự bất hợp lý trong những vận động xã hội đã xảy ra, đang xảy ra.

Trên đường về, tôi giở phong bì ra, đếm được mười triệu. Tôi lẩm cẩm nghĩ: Lãi 8 triệu và một bài học quý từ cuộc sống, thôi thì….

                                                          HUY CƯỜNG (QUÊ CHOA 21/4/2014)

Vài hôm nữa đến ngày 30/4 mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông liền một dãy. “Đánh thắng giặc Mỹ. Ta xây dựng bằng mười ngày nay. Lời Hồ Chủ Tịch . Gần tròn  39 năm,  Đảng và Nhà nước luôn hô hào đổi mới, đổi mới liên tục…. nhưng bây giờ Tiến hay Lùi ? hẳn mọi người đã rõ. Cái lùi về văn hoá, đạo đức mới đáng sợ hơn cả .

Trước 30/4/1975  ở miền Nam, các bác sĩ khi khám bệnh cho các bệnh nhân ở các phòng mạch tư hay công đều phải kê toa, bệnh nhân đem Toa thuốc đến các Nhà thuốc tây mua (nhà thuốc nào cũng đặng), tuyệt đối các Bác sĩ không được bán thuốc trực tiếp cho bệnh nhân.

Ngày nay, tại các phòng khám của các bác sĩ, sau khi khám xong, bác sĩ bán thuốc trực tiếp cho bệnh nhân , họ cắt bỏ đi những nhãn thuốc để bệnh nhân không biết  tên viên thuốc đó là gì, những viên thuốc trần, nếu cần vị bác sĩ ấy sẽ nghiền thành bột trộn chung lại…. như thế ấy . Trong các bệnh viện, bác sĩ điều trị kê toa, người nhà bệnh nhân phải đến mua thuốc tại cửa hàng thuốc trong bệnh viện, căn dặn không được mua bên ngoài…. Có người tiếc tiền, mang toa thuốc đó ra các hiệu thuốc bên ngoài mua, thì vẫn các loại ấy, giá rẻ hơn 20 -30% , chuyện nầy nhỏ nhưng vẫn kéo dài đến nay, nói chi đến ăn chận từng mũi vắc xin, tiền  trợ cấp trẻ em khuyết tật,tiền  khẩu phần ăn của các bệnh nhân tâm thần, nhân bản phiếu xét nghiệm …..

Đừng hô hào nữa, chấm dứt ngay tình trạng vô lý, phi lý  nầy được không ?

Theo lời kể của anh Huỳnh Văn Phát ( 9 Phát) hiện ngụ ấp An Bình, xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) :

  Khoãng năm 1967 – 1968,  Anh đi lính nghĩa quân ở Chi khu Lấp Vò (Quận Lấp Vò), nhà nghèo, con đông ( 4,5 đứa rồi), thường bị đau ốm. Vì là lính, mỗi lần ốm anh nhập vào Quân Y viện Long Xuyên (bệnh viện quân y khu vực) để điều trị. Xuất viện thì vài ba tháng sau lại nhập viện.

Vị Trưởng Quân Y viện là Thiếu tá Bác sĩ Nguyễn Thanh Giang ( những người ở Long xuyên – An Giang biết cả), để tâm đến anh lính trẻ mà nghèo lại đông con nầy, ông Giang hỏi han gia cảnh của anh Phát, ông Giang đã làm các thủ tục cần thiết giúp cho anh Phát được xuất ngũ vì lý do sức khoẻ. Những người ở miền Nam đều biết tờ giấy nầy, nếu mua thì phải tốn rất nhiều tiền . Nhận được giấy xuất ngũ, quá bất ngờ, không thể tin được…. (vì không tốn một đồng bạc nào !)

Mấy ngày sau, hai vợ chồng xoay được ít tiền, đến chợ Long xuyên mua một chục cam ngon (thời ấy trái cây bán tính bằng trái chứ không tính kg) và hai chục trứng gà, chờ đến hết giờ làm việc, đến nhà riêng ông bác sĩ Giang, cám ơn gởi quà. Anh Chín Phát kể lại : “Ông Giang vui vẽ tiếp anh chị và khuyên ở nhà cố gắng làm ăn, nuôi dạy con cái …. Có dịp đến Long xuyên thì “phải” ghé thăm ông… còn quà thì hãy đem về cho mấy đứa cháu, ông cương quyết không nhận, và bảo : Nếu không nghe lời, bỏ lại mà về, thì từ nay về sau đừng nhìn mặt ông nữa. Về nhà cố gắng làm ăn, đến 30/4/1975 Anh, chi Chín Phát sản xuất thêm 3,4 đứa con nữa …..

Đến nay anh Chín Phát đã ngoại thất thập cổ lai hy, con cái đều lớn, dựng vợ gã chồng xong xuôi cả. Trong các con của anh, có người con trai đang là bác sĩ, hiện là chủ 3 phòng khám tư nhân khá lớn ở An Giang, đó là chuỗi Phòng khám “Duy Tân “. Anh Chín Phát vẫn xuề xoà, thời gian rãnh là đi tìm cây thuốc nam cho các phòng thuốc từ thiện, góp công và tiền vào các bếp ăn từ thiện của các bệnh viện ….

 Nhưng kỹ niệm giữa anh Chín Phát với ông Thiếu tá bác sĩ Nguyễn Thanh Giang thường kể lại cho tôi nghe thì là dấu ấn không phai đối với anh, còn đối với tôi  là một câu chuyện về y đức ngày xưa ….. Mà ở miền Nam thời ấy, những bác sĩ như ông Giang cũng có nhiều .

Đám cưới xóm bên, có chơi nhạc sống. Ca sĩ Hai Lúa đang ca bài Đêm Nguyện Cầu  , giọng hắn ta ngân cao ……
                       
Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài. 
………………………………………………….
Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền.
Vì đất nước đang còn ưu phiền.
Còn tiếng khóc đi vào đêm tường triền miên
………………………………………………….. 

21/4/2014 TRỊNH KIM THUẤN

Phụ chú :  Ông Bác sĩ Nguyễn Thanh Giang, chuyên khoa Tai,Mắt,Mũi, Miệng có người vợ cũng là bác sĩ bà Dương Tuyết Ngọc khoa sản, Hai ông bà có 1 bảo sanh viện tư nhân là Bảo sanh viện An Bình (Cầu Cái Sơn – Long xuyên) sau 30/4/1975 nhà nước quản lý, nay đã bán cơ sở nầy lại cho ông bác sĩ Bay, hiện là Phòng khám tư nhân Bình Dân, do bác sĩ Bay làm chủ .



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog