14 thg 4, 2014

Làm bàn “đá vào lưới nhà”? Của Phó Nhòm Tây Bắc .


 Nếu không có việc thu hồi luận văn và học vị thạc sĩ, đuổi việc Đỗ Thị Thoan, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội và ép PGS.TS Nguyễn Thị Bình về "hưu non" thì chắc không mấy ai biết đến cái luận văn "phản động" của cô giáo trẻ này? Ngay như Phó nhòm mình ngày nào cũng lần mò khắp các trang mạng, cũng tịt thì lỳ, chẳng biết mô tê răng rứa...

Ấy thế mà nhờ có ai đó "chỉ đạo" đánh cho tơi bời khói lửa hai người phụ nữ này mà sự việc được tung ra khắp bàn dân thiên hạ, chẳng những trong nước mà bốn biển năm châu ai cũng rành. Người nào có thời gian còn có thể nghiên cứu một cách tỉ mỉ toàn văn bản luận văn hơn trăm trang được lưu truyền trong cái "thế giới phẳng lì" này. Không một tài năng nào, kể cả Tôn Ngộ Không - Đại thánh, có thể dùng 72 phép thần thông biến hóa mà giấu nhẹm đi được!.


Sau cuộc chỉ đạo đó, kết quả là:

- Cô Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên), chưa đầy 30 tuổi, bị thu mất bằng thạc sĩ, mất việc làm; mà theo như đánh giá của PGS Ngô Văn Giá thì cô này suốt từ còn nhỏ cũng chỉ có ăn với học, chẳng biết gì đến chính trị, chính em.

- Giáo sư Nguyễn Thị Bình thì bị ép phải nghỉ hưu trước quy định gần 5 năm, trong khi nhà trường còn đang thiếu giảng viên có uy tín như bà Bình.

- Một sự việc chỉ thuộc một cá nhân mà trở thành vấn đề xã hội, khiến quá nhiều người quan tâm, tạo thành một làn sóng xôn xao khắp các trang mạng, mặc dù hệ thống báo chí "lề phải", được chỉ đạo nghiêm ngặt: không cho thông tin.

- Hôm nay lại xuất hiện Thư ngỏ: Vi phạm tự do học thuật trong vụ thu hồi bằng thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan trên trang mạng của GS. Nguyễn Đăng Hưng, BVN... gồm 30 chữ kí đầu tiên của các GS - Tiến sĩ người Việt ở Hải ngoại, gửi Trường Đại học sư phạm Hà Nội và Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt nam. Thư này đã bày tỏ sự phản ứng của giới trí thức dân tộc và "yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hủy bỏ quyết định thu hồi bằng Thạc sĩ của bà Đỗ Thị Thoan và công bố các hồ sơ liên quan đến việc này. Ngoài ra, để tiến tới một nền giáo dục Việt Nam lành mạnh và tân tiến, chúng tôi yêu cầu nhà nước mở cuộc điều tra về những lý do đã dẫn đến vụ tái thẩm định, và thiết lập những biện pháp để ngăn ngừa sự tái diễn trong tương lai việc can thiệp một cách lén lút, bất hợp pháp vào các quy định có hiệu lực pháp lý".

Theo Thư ngỏ thì những yêu cầu đó xuất phát từ 3 yếu tố sau:

- trực tiếp vi phạm qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (điều 22, Quyết định 33/2007/QĐ-BGDĐT), theo đó thì văn bằng chỉ có thể thu hồi nếu phát hiện hành vi gian lận, cấp cho người không đủ điều kiện, do người không có thẩm quyền cấp, đã tẩy xóa sửa chữa, hoặc đã để người khác sử dụng.

- đi ngược lại những nguyên tắc công lý căn bản, không cho tác giả luận văn và người hướng dẫn có cơ hội để phản biện, không công bố rõ ràng các lý do, luận cứ, bằng chứng, hồ sơ liên hệ đến việc tái xét và thu hồi

- vi phạm nghiêm trọng quyền tự do học thuật."

Thế là công tác tư tưởng của chúng ta, bằng những chỉ đạo "thông minh" nào đó, khiến sự việc đang bé xé ra to, khác gì giập lửa bằng dầu hỏa, thật là, chả biết "cầu thủ" nào đã có sáng kiến làm bàn bằng cách "đá vào lưới nhà" như thế?!

Cũng nói thêm rằng, cái cách chỉ đạo công tác tư tưởng theo kiểu “đá vào lưới nhà”, xưa nay không hiếm. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật lẽ ra nó cũng bình thường tồn tại, có thể khi đọc được thì người đánh giá thế này, người nhìn nhận thế kia. Nếu cứ mặc nó thì nếu nó kém cỏi, tồi tệ, tự nhiên sẽ bị công chúng tẩy chay, không đọc. Nó hay thì người ta khen vài câu...thế rồi ai nhớ thì nhớ, ai quên thì quên. Nhưng lạ là, hễ thấy tác phẩm gai gai, chạm nọc thì các nhà tư tưởng giẫy lên như đỉa phải vôi rồi tìm cách thu hồi, hủy bỏ, cho vào máy nghiền ra bột... Còn tác giả thì bị đối xử như kẻ thù!...Thiết tưởng từ thời "nhân văn giai phẩm" đã tạo ra một bi kịch lớn, gây dấu ấn trong lịch sử, nhưng đến nay vẫn chưa hết "nọc".

Dù sao thì những tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học... cũng không bao giờ trở thành vũ khí đánh đổ được một chế độ xã hội, bởi nó: “Văn học không phải võ học, tuyệt nhiên không có sức mạnh đè bẹp chông gai, càng không có bàn tay khổng lồ dẹp cơn bão tố, không thể làm Bồ Tát cứu thế, cũng không thể làm gian hùng loạn thế...” (Nhà văn Ngụy Minh Luận, Trung Quốc). 

Những học trò của Mác đáng lẽ phải nhớ câu kinh điển nổi tiếng của ông: “Vũ khí phê phán không thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí, lý luận chỉ trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. Nhưng phải hiểu rằng, lý luận, văn học, ý thức nói chung có thâm nhập được vào quần chúng hay không thì nó phụ thuộc vào nội dung của nó có văn minh, có trung thực hay không, có thuyết phục được lòng người không. Quần chúng không ngu muội hay ấu trĩ mà có thể tiếp thu những gì xấu xa, vô bổ, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi mà thông tin không còn là độc quyền.

Hãy thận trọng hơn, chớ để tình trạng chữa cháy bằng dầu hỏa, tình trạng làm bàn “đá vào lưới nhà”, gây cười cho thiên hạ!

Theo Phó Nhòm Tây Bắc ngày 14/4/2014.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog