Thứ hai
ngày 7 tháng 4 năm 2014 7:03 PM
Một nữ doanh nhân vừa
trở về từ hội chợ quốc tế tổ chức ở Hồng Kông, điều chị ấy chia sẻ là cảm giác
xấu hổ.
Đã
bỏ ra 500 đô la Hồng Kông mua vé vào tham quan, với cái phù hiệu ghi rõ người
Việt Nam trên ngực, bỗng nhiên chị bị chặn lại ở cửa vào gian hàng của một công
ty kỹ thuật của Đức, trong khi thành viên của đoàn là người Nhật thì vào tham
quan thoải mái. Nhân viên của công ty này thẳng thừng thông báo không tiếp đón
người Việt.
|
Sau trao đổi, một bạn Nhật cùng đoàn đưa cho chị cái phù hiệu ghi là người Nhật
để chị có thể vào xem các sản phẩm quan tâm. Tuy nhiên, sự trục trặc đó đã lấy
hết sự hưng phấn nhiệt tình nơi nữ doanh nhân này.
|
Chị định gặp ban tổ chức
hội chợ để làm cho ra lẽ chuyện phân biệt, nhưng đã phải ngừng ý định khi người
của gian hàng nói rằng, họ không hoan nghênh người Việt bởi vì đã xảy ra nhiều
chuyện phức tạp, trong đó có chuyện "ăn cắp". Hai từ ấy làm cho một
người Việt đang ở nước ngoài giật mình. Nỗi xấu hổ đã ngăn chị phản kháng!
Đã từng có rất nhiều
người nói rằng, khi ra nước ngoài, họ đều từng chịu nỗi xấu hổ đó. Sau này, để
tâm tìm hiểu về cái nhìn thiếu thiện chí với người Việt, nữ doanh nhân biết
thêm nhiều câu chuyện về hành vi xấu của người Việt ở nước ngoài đã làm hoen ố
hình ảnh của dân tộc mình.
Tại nhiều ga tàu điện
của Nhật, cơ quan quản lý đã để hẳn biển ghi bằng tiếng Việt cảnh báo không nên
trốn vé đi tàu, không được ăn cắp, ở đây có lắp đặt camera theo dõi! Ngay trong
các resort 5 sao tại miền Trung, thỉnh thoảng vẫn thấy một thông báo bằng tiếng
Việt (không có bản thông báo tiếng Anh), rằng nếu khách lấy đi vật dụng trong
phòng, sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn gấp ba giá trị!
Nhiều công ty không muốn
hợp tác với người Việt vì đã có kinh nghiệm về chuyện bị ăn cắp công nghệ, kỹ
thuật, mà luật pháp tại Việt Nam
chưa quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền sáng chế.
Đặc biệt trong lĩnh vực
viết phần mềm, không thiếu những kỹ sư công nghệ thông tin chẳng mấy chốc đã
mua nhà, đi xe tiền tỷ nhờ ăn cắp bản quyền phần mềm, thêm thắt và ngang nhiên
đem bán cho khách hàng khác.
Một người Nhật từng nói:
"Các anh cho rằng ăn cắp mấy đồng tiền trong ví ở ga tàu điện là rất xấu,
nhưng lại rất bàng quan với chuyện đồng nghiệp mình ăn cắp bản quyền sáng tạo
trị giá hàng trăm triệu đồng. Chính suy nghĩ đó làm hại hình ảnh dân tộc các
anh đó. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận cộng tác với những người như
vậy".
Mỗi người Việt đi ra
nước ngoài tìm cơ hội đã bao giờ tự hỏi, mình phải làm gì để hình ảnh đất mình
không hoen ố, như để lại một gia tài về uy tín cho thế hệ tương lai?
Và bỗng nhớ lại câu
chuyện của một học sinh lớp 8. Cô bé ấy là lớp trưởng, nhiều năm đạt học sinh
giỏi.
Nhưng các bạn trong lớp đều biết rằng gần đây cô bé học sút đi, trong giờ
làm bài kiểm tra thỉnh thoảng vẫn chép bài của bạn. Cuối năm học, cô bé ấy đạt
học sinh giỏi, không quên chụp hình bảng điểm khoe trên Facebook.
Điều kinh khủng là hàng
trăm bạn học của cô bé vào "like" dù biết rõ sự thật. Những biểu hiện
thỏa hiệp với gian dối, bình thường hóa tất cả những mầm mống của cái xấu đã
không gặp phản kháng ngay từ lứa tuổi mà tính cách đang dần định hình sẽ trở thành
một đặc tính của thế hệ hôm nay.
Thỏa hiệp với sự dối trá
là điều nhiều người đang làm, để chứng tỏ mình rộng lượng, nhân hậu, biết yêu
thương. Sự nhầm lẫn lung tung các khái niệm không chỉ xảy ra ở những học sinh
trung học, mà nó còn quẩn quanh biểu hiện trong lối sống của người trưởng
thành.
Các mạng xã hội còn cổ
vũ thêm sự thỏa hiệp đó, cho con người thỏa mãn với cái màu mè giả tạo, tiếp
tay cho sự thành công nhanh chóng nhờ bất cần giữ đạo đức!
Không giật mình với hiện
tượng xấu, cái xấu sẽ bám vào và trở thành đặc tính đại diện cho dân tộc mình.
Sự cố nữ doanh nhân nói trên gặp phải ở hội chợ Hồng Kông mới là hồi chuông
cảnh báo, thức tỉnh một nền giáo dục mang nặng lý thuyết!
Bích Hồng/ Theo Doanh
nhân Sài Gòn Tran Nhuong.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét