NGUYỄN DU lòng lại băn khoăn.
Trần gian nay lại có thằng chơi ta (Trịnh Kim Thuấn)
Thời gian vừa qua tôi đã khá kinh ngạc,
nếu không muốn nói rất kinh ngạc trước những sai lầm trong các cuốn từ điển tiếng
Việt do GS Nguyễn Lân biên soạn mà nhiều người đã chỉ ra. Nhưng hôm nay được biết
có người còn cả gan sửa cả Truyện Kiều thì phải nói là quá kinh ngạc !
Trước hết xin có đôi lời
với ông kĩ sư tên là Đỗ Minh Xuân — dịch giả, à quên, sửa giả Truyện Kiều.
Nếu dụng ý
của ông là muốn “phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại quần chúng” ( lời ông Vũ
Khiêu) thì công bằng mà nói đó là một dụng ý không thể nói là không đáng hoan
nghênh. Nhưng ông lại dùng cái cách sửa đổi quá nhiều chữ trong tác phẩm, như
tác giả Thế Anh viết trong bài SAO ÔNG VŨ KHIÊU LẠI NỐI GIÁO CHO VIỆC SỬA TRUYỆN
KIỀU VÔ LỐI? : “Ông Đỗ Minh Xuân đã thay thế khoảng 1/3 chữ nghĩa của Truyện Kiều
mà ông cho là rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh” thì thật
là một việc có lẽ chưa từng có trong lịch sử văn học thế giới (?).
Tôi không có
cái vinh hạnh được ông cho một bản ” tân Truyện Kiều” của ông nên không nêu ra
đây được nhiều câu chữ hay ho mà ông đã thay cho những câu chữ “dở ẹc” của cụ
Nguyễn. Tôi chỉ xin phép ông đưa ra một câu của ông làm ví dụ ( một câu thôi
trong số những câu tôi đã đọc đươc, để khỏi làm mất thì giờ của những ai hạ cố
đọc những dòng này) để thấy được tài năng của ông:
Đây là lời
quan xử án khen sự đẹp đôi của Thúy Kiều với Thúc Sinh :
”Thực là tài tử giai nhân
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn”
( Điển cố ở đây là chuyện hai họ
Châu và Trần bên Trung Hoa xưa đời đời kết thông gia với nhau và trước đây người
ta cho đó là một nét văn hóa đẹp).
Câu thơ trên
đã được/ bị ông sửa lại như vầy:
” Lứa đôi còn có gì cần nhiều hơn”.
Đến đây thì,
xin lỗi ông, tôi không thể nhịn được nữa mà phải kêu lên: “Ối giời ơi. Thơ ơi
là thơ”. Thiết nghĩ chẳng cần nói gì thêm nữa nhưng lại cứ ngứa mồm. Với tôi,
cái câu này của ông vừa tối nghĩa vừa chẳng hơn gì câu nói thường. Việc sửa câu
thơ trên của ông giống như việc người ta đang thưởng thức cà phê, ông đem đổ toẹt
đi, thay vì thứ gì cao sang hơn, ông lại mang cho họ nước ốc ao bèo !
Thôi việc chữ
nghĩa là việc của các nhà chuyên môn. Tôi chỉ muốn nói với ông điều này. Ông là
kĩ sư, tôi không rõ về nghành nào, cũng không biết ông đã đóng góp được những
gì cho ngành mình. Nhưng ông lại muốn có những đóng góp trong lĩnh vực văn chương
nghệ thuật. Quý quá. Không phải ai cũng được như vậy. Nhưng ông ạ, tác phẩm nghệ
thuật không phải là một cái máy. Với cái máy, người ta có thể cải tiến nhiều lần
để nó ngày càng có tính năng tốt hơn. Nhưng với tác phẩm nghệ thuật thì không,
trừ phi chính tác giả làm việc đó. Ông thử hình dung xem, bay giờ ông sửa tới
1/3 chữ nghĩa Truyện Kiều, thêm chút nữa chắc ông thành đồng tác giả? Mai kia
con cháu ông lại thấy chữ nghĩa của ông không hợp với chúng, chúng lại sửa 1/3
nữa, rồi lại 1/3 nữa… thì hỏi ông còn đâu là tác phẩm của cụ Nguyễn Du? Ông đã
mang cách làm trong nghề kĩ thuật của ông để áp dụng vào nghệ thuật mất rồi.
Mà tôi cũng
thấy lạ, tại sao ông lại ngại… điển cố nhỉ? Điển cố chẳng nhẽ không hay? Nhờ đọc
Truyện Kiều mà ta biết thêm nhiều điển cố chẳng nhẽ không thú vị? Điển cố, theo
tôi nghĩ có lẽ cũng chẳng phải trở ngại gì đáng kể khi thưởng thức Truyện Kiều.
Bằng chứng là dân ta trước đây đa phần ít học, thậm chí nhiều người không biết
chữ, nhưng người ta vẫn khoái nghe Truyện Kiều, vẫn thuộc Truyện Kiều. Một điều
nữa, thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật không chỉ có HIỂU, mà còn có CẢM, phải
không ông?
Cuối cùng, với
ông, tôi muốn nói điều này, có gì không phải ông bỏ quá cho. Ông chọn đề tài sửa
Truyện Kiều, phải nói là bản lĩnh phi thường đấy, nhưng ông đã làm một việc khá
giống với Đông – ki – sôt, vì tôi nghĩ (không biết có chủ quan không) chắc sẽ
chẳng có ai ủng hộ ông, ngoài ông Vũ Khiêu và vài người giống như ông GS họ Vũ.
Tuy nhiên ông đã thành công, phải nói là rất thành công, nếu ông định làm một
quả… xì — căng — đan !
Bây giờ dám
xin có vài lời mạo muội về bác GS Vũ Khiêu.
Phải nói rằng
nếu tôi kinh ngạc về việc làm của ông kĩ sư một thì tôi kinh ngạc về việc ủng hộ
ông ấy của GS Vũ mười.
Việc bác GS
Vũ khen ngợi hết lời “công trình” của KS Xuân tôi biết chắc làm cho rất nhiều
người biết qua về bác rơi vào trạng thái từ ngạc nhiên đến kinh ngạc. Nhưng
bình tĩnh lại, tôi nảy ra được hai ý thế này.
Thứ nhất (ý
này hơi ngộ nghĩnh một chút) nhà nước đã có quy định tuổi nghỉ hưu. Ai nghỉ hưu
ở tuổi này nên gọi là nghỉ hưu lần thứ nhất. Vì sau khi nghỉ hưu nhiều người vẫn
còn làm việc đươc. Với những người này cũng nên quy định tuổi “nghỉ hưu” lần thứ
hai, để đề phòng sau tuổi ấy người ta dễ bị lẩm cẩm !
Thứ hai, kết hợp với
vụ từ điển mà tôi đã nói ở phần đầu, làm sao tôi cứ thấy ” lăn tăn” về những
danh hiệu cao quý mà một số nhà nọ nhà kia…”quốc doanh” đã được tặng. Thế mới lạ
chứ.
Trần Quang Hùng theo Quê Choa 12/4/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét