30 thg 4, 2014

Máu đã chảy, hố ngăn đã đào quá sâu... FB Lê Nguyễn Hương Trà


Kể nghe chuyện này!

Ông bác mình, năm xưa vợ đang mang bầu thì thoát ly lên núi, hoạt động trong lực lượng vũ trang của Khu ủy khu V. Bác gái ở lại bị o ép nhiều thứ, nhưng nhờ anh ruột làm Quận trưởng nên cũng nương dựa và qua được. Trong chiến dịch bảo vệ Hiệp định Paris năm 1973, một đêm người ta phát hiện ra ông Quận trưởng bị bắn chết. Trên ngực còn ghim tờ giấy. Đại khái là thừa lệnh Chính phủ Cách mạng lâm thời, thực thi bản án dành cho tên ác ôn nhiều nợ máu với nhân dân và cách mạng!

Sau chiến tranh, bác làm trong ngành Công an mang cấp hàm tá, hai người đẻ thêm một chị nữa. Tui nhớ chuyện xảy ra chừng năm 81- 82, trong một lần các đồng chí cũ họp mặt hàn huyên chuyện xưa tích cũ gì đó, bác gái bất ngờ phát hiện: kẻ thi hành án năm xưa với ông Quận trưởng chính là chồng mình. Bác khóc lóc um xùm, bác trai thì giải thích là lệnh của tổ chức không từ chối được, vì trong đội chỉ có bác là người thông thuộc địa hình.

Đây là một trong hàng ngàn bi kịch chiến tranh của gia đình Việt Nam. Đôi khi bản thân cũng tự hỏi, rơi vào trường hợp này mình sẽ phản ứng ra sao!?

Bác gái sau khi khóc lóc chửi rủa đã đời thì im re. Không nói không cười với chồng, cũng không bỏ nhà đi. Bác sống như cái bóng. Hơn 30 năm trôi qua, mấy lần về miền Trung ghé thăm vẫn thấy bác như vậy, chỉ nói chuyện với 2 đứa con và giữ gương mặt lạnh lùng với chồng. Miệng đời mỗi kẻ suy diễn một kiểu, người bảo đó là cách bác trả thù cho anh, nhưng thực sự thế nào thì có mình bác biết.

Chỉ là chuyện trong một gia đình mà cũng khó hóa giải rồi!

Máu đã chảy, hố ngăn đã đào quá sâu. Chuyện hòa giải dân tộc, trên lý thuyết và vài cố gắng lẻ loi thôi chứ thực tế là khó, khó lắm. Lịch sử của anh em nồi da xáo thịt không thể viết lại được

LÊ NGUYỄN HƯƠNG TRÀ  (Phước Béo ).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog