12 thg 4, 2013

THƠ CÁCH TÂN của Lão thi sĩ ĐÀO ANH KHA nhà văn VŨ NGỌC TIẾN


Lời thưa của nhà văn Vũ Ngọc Tiến: 
Dịch giả- Nhà thơ- Họa sĩ- Nhà quốc tế ngữ Đào Anh Kha (1923- 2012) quê ở Triệu Phong- Quảng Trị, từng bị giặc Pháp cầm tù năm 1943, ra tù, ông tắm mình trong các hoạt động cách mạng suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, có thời gian là thư ký riêng cho ông Lê Duẩn tại chiến khu miền Đông. Sau ngày tập kết (1954), vì bản tính kiên cường, trực ngôn nên suốt đời ông chịu nhiều thiệt thòi, bị lũ người cơ hội vô văn hóa chèn ép. Lứa thanh niên học sinh, trí thức Thủ đô Hà Nội những năm 60 thế kỷ trước ngưỡng mộ và coi những bản dịch tác phẩm của Sếch-pia do ông thực hiện là mẫu mực về dịch thuật. Ông cũng là người sáng lập và là Chủ tịch nhiều năm của Hội quốc tế ngữ Việt Nam. Thơ ông viết bằng song ngữ Việt- Pháp từ trẻ đến già đều rất tài hoa, thấm đẫm tinh thần triết học Hiện sinh, nhuyễn với Đạo học của Lão Tử và Thiền học của Trúc Lâm tam tổ. Nhiều lần ông thủ thỉ với nàng thơ bằng tiếng Pháp mà thực chất là tuyên ngôn thơ của ông theo tinh thần Hiện sinh chủ nghĩa rất mới lạ.

Công chúng phương Tây biết đến thơ ông từ lâu. "Đối với công chúng phương Tây, có lẽ đây sẽ là sự phát hiện trước một nhà thơ độc đáo Việt Nam - một phong thái rõ nét hiện đại nơi một tâm hồn dịu dàng, trầm tư mặc tưởng và hướng thiện theo lối phương Đông" (lời NXB Thế giới). Nhà soạn nhạc và viết báo người Pháp Giăc-cơ-lơ-puyn cũng đã viết về ông: "Thế rồi bỗng nhiên nổi lên ở Pa ri, ở Matxcơva, ở Bắc Kinh hoặc ở Hà Nội cái "gã nhà thơ" biết rằng "Vì yêu, hưởng ít cho nhiều". Đào Anh Kha, nhà thơ đích danh, nhưng mà xuỵt! Thơ là tĩnh lặng." ...  Kẻ học trò của thầy Đào Anh Kha vì bận việc đi Bình Phước và An Giang nên không kịp làm giỗ 100 ngày, nay trân trọng giới thiệu chùm thơ cách tân của ông trích trong tập thơ song ngữ Việt- Pháp Lễ ca tình yêu của tôi (Plains-Chants de mon Amour) do Nxb Thế Giới ấn hành năm 1997 tại Hà Nội. Ông cách tân thơ, rõ rồi. Nhưng cách xong rồi, cái tân còn lại trong thơ ông là tình và minh triết của nhà thơ. Bởi thế, khi dịch sang tiếng Pháp, thơ ông dễ dàng được công chúng phương Tây mở lòng đón nhận…

ANH LÀ
Anh là con chim Lời nở từ trứng Tưởng tượng
Chắp cánh bay cho lặng thầm ý tưởng
Anh là con sâu Lời đục trái tim trai sạn
mở lối thông cho máu thắm đi về
Anh là con mọt Lời khoét gỗ đá Vô tri
Ăn nát vỏ bóc trần cây Vô giác
Anh là bột mầu Lời vẽ ông Thiện ông Ác
Trên mỗi cửa Đền phân vế ghét và thương
Anh là mảnh trăng Lời soi bóng lẻ cô đơn
Đưa tiếng gió ru hời qua biển khổ
Anh là nguyệt cầm Lời không thôi ngân tiếng khẽ
Chỉ mình em nghe rõ, bạn tình ơi!...


CHUYỆN CỦA GÃ ĂN MÀY
Tôi đang ngồi mé lề đường, lưng còng dưới gánh nặng tháng năm, nghẻo đầu nghìn gương mặt hồ đầy ngấn lệ, hai gối run lẩy bẩy với những vết thương đang thành sẹo nghe chừng còn rớm máu,
Thân cây cằn cỗi đang chờ đón phút tàn lụi, sắp sửa trở về với cát bụi vô tri,
Gã đầy tớ trăm năm của vị chúa Đời tột đỉnh giàu sang mà quá ư bủn xỉn, để cuối cùng trở thành gã ăn mày sống thoi thóp trong đói khát, hoài nghi và thất vọng.
Giữa bóng đen mù mịt của tâm tư, lóe lên một tia lửa nhỏ và mắt tôi sáng bừng: Vào giây phút ấy NÀNG TIÊN xuất hiện.
Và PHÉP LẠ bắt đầu: lão ăn mày thoắt hóa thành gã vị thành niên cường tráng, hồ hởi và hăng say, đô mắt sửng sốt mở to trừng trừng nhìn NÀNG, Ôi, mỹ vật kỳ quan của Vũ trụ, hẳn chưa bao giờ có, hay là mãi muôn đời vẫn có trên cái thế giới vốn thờ ơ và bí ẩn, cứ mãi mãi thôi chết đi đi rồi sống lại này?
NÀNG nhẹ nhàng bước đến, trong tiếng nhạc hân hoan của mùa Xuân đang trỗi dậy, và trong những nét mầu chưa bao giờ đến thế ngạt ngào hương.
Đứng sát bên tôi, chừng chỉ trong gang tấc. Nhưng, một khoảng cách lớn hơn mênh mông vẫn lạnh lùng ngăn đôi hai thực thể.
Từ lòng đất tối đen, một dòng nhựa mang chín muồi những CHẤT TINH HOA trào lên thân cây, và trong thoáng chốc những cành xanh vươn mọc, những chồi non nhú mình, rồi nghìn vạn đóa hoa rực rỡ nở tung. “Lạ thay, suốt cả trăm năm, chưa bao giờ cây mình lại sung mãn và huy hoàng đến vậy!”
Không thể giấu vào đâu những lớp sương tuyết mái đầu, những chặng đường đi bí hiểm hằn sâu lên vầng trán, cùng đôi tròng mắt cao ngạo nhìn thấu suốt mọi tim gan, CHÀNG TRAI đã trăm tuổi chợt đứng dậy, nâng cao hai bàn tay- hai bàn tay trọn đời DUY NHẤT TRONG SẠCH- về phía NÀNG. Hắn đã lại bắt đầu cái nghiệp ăn mày trước vị chúa ĐỜI, chẳng bao giờ lìa bỏ đam mê và cao vọng.
NÀNG TIÊN vẫn dịu dàng đứng đấy, lộng lẫy và kiêu sa, nhìn hắn và mỉm cười. Nụ cười nửa chế riễu nửa xót thương, nửa trầm trồ nửa trách móc. Ôi, cái nụ cười khơi dậy con người đang đi hành khất trăm tiếng khóc lời ca, trăm đường bay nhịp múa, cái nụ cười đã thực sự biến thành một gã thần đồng!
Nhưng, với những thanh âm trong sáng và quyền lực hơn mọi lời ca của hắn, NÀNG khẽ bảo:
- Nhà thơ ơi, ÔNG đã nhìn ngược thời gian! Chúng ta đành phải xa nhau, xin đừng trách TÔI, mùa xuân, cớ sao đi về phía trước!
Rất nhẫn nhục gã đáp lại rằng: 
- Vâng, tôi biết rõ thân phận, cũng như nghiệp chướng của mình: Đã là nhà thơ, xin cứ mãi làm kẻ ăn mày… ăn mày cho chính mình, và cho mọi kẻ bất hạnh khác.
      
Rồi tôi cúi đầu ra đi.
***
Đi đã rất xa, bấy giờ đã là xa lắm. Bỗng, tiếng nói thân thương, chỉ có thể từ NÀNG vang lên… Và tôi, không biết từ bao giờ đã lại hóa thành cái lão ăn mày mang dáng dấp hiền triết, đang rạp mình trên chiếc gậy tiên tri, ngoái đầu vui vẻ…
- ĐỢI CHỜ EM nhé, hỡi CHÀNG THƠ! Đợi đến kiếp sau, dù có phải đi qua trăm đợt luân hồi, sẽ có ngày tự EM sẽ đến với ANH.
- Còn lâu lắm đấy, tôi bình tĩnh đáp.
- Miễn rằng ANH đừng dứt đi tiếng hát, miễn là TIẾNG HÁT ANH chẳng tắt giữa trần gian. Rồi sẽ chấm dứt nghiệp chướng ăn mày. ANH trở thành thượng đế vị chúa tể đứng trên mọi thời gian và không gian, đó là Tình yêu từ trái tim và trí tuệ của ANH vĩnh viễn chiếm lĩnh tâm hồn EM.     


LƯU LUYẾN
Trăm năm đi suốt chặng đường
Vượt qua sông máu núi xương hãi hùng
Ngoái trông biển lệ trập trùng
Ơ kìa, quả Đất vẫn bừng rạng đông.
Ai rằng sắc sắc không không?
Xa xa lại nở nụ hồng
Sắc ngời đất thấp hương lồng trời cao
Ngày lên vẫn thắm ngọt ngào
Tôi đi, gửi lại lời chào nghe hoa
Hoa ơi nào phải hư vô!
Nhưng mà còn một câu ca
Tôi còn tha thẩn dứt ra sao đành
Ước gì cả kiếp lênh đênh
Đổi thành một giọt sương lành trên em.
Xa em tôi mất Niết Bàn
Hẹn mai về lại cõi trần bên em

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog