3 thg 2, 2014

NGƯỜI NGỰA - NGỰA NGƯỜI - Từ tác phẩm văn học đến sân khấu . TRẦN TUẤN TIẾN bình luận .

Tác giả chuyển thể (từ tác phẩm văn học lên sân khấu và phim ảnh) phải nắm thật vững, thật chính xác cái “hồn cốt” của tác phẩm. Có như vậy tác phẩm văn học mới đúng là đứa con “ruột” của tác giả. Không thể mượn tên tác giả để “đẻ” ra một sản phẩm “quái thai”. 


  Đón năm Giáp Ngọ -2014, tôi chạnh lòng nghĩ đến cảnh những năm đất nước nằm dưới ách nô lệ, người dân nước ta phải sồng kiếp trâu ngựa. Truyện ngắn “Người ngựa-ngựa người” của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã phác họa nên hình ảnh của người “phu xe tay” trong những giờ phút đón giao thừa mừng năm mới.
Người phu kéo xe tay cố nhịn đòi, chịu lạnh để mong có khách chạy chuyến xe cuối cùng trong năm kiếm chút tiền ít ỏi về cho vợ con đón năm mới. Nào ngờ vị khách “xộp” mà người phu xe mong mỏi mãi mới có là một cô gái “bán hoa”. Theo yêu cầu của cô, người phu xe đã bấm bụng, gò lưng chạy hết phố này đến phố khác để cô gái ấy đi “kiếm khách làng chơi”. Vậy mà... khi tiếng pháo giao thừa nổ vang, người phu kéo xe tay thất vọng nhìn “cô gái bán hoa” thẫn thờ như cái bóng vô hồn gieo mình xuống ghế xe. Cô cũng đang đi kiếm tiền nhưng không kiếm được. Lấy gì trả công cho người phu xe? Cô chỉ xin lấy “vốn tự có” của mình để “trả” công người phu xe đã mệt bã mồ hôi vì kéo cô đi lùng khách khắp xó xỉnh. Cái cô trả là cái người phu xe không “dám” vì sợ lây bệnh xã hội. Vả lại người phu xe đang “khát” tiền mang về cho vợ con chứ đâu có phải cái chuyện bướm ong lằng nhằng ấy.

Đêm giao thừa, hai người, hai số phận, hai cách hành nghề kiếm sống khác nhau nhưng đều chung một hoàn cảnh: không tiền. Đau đớn thế đấy, nhục nhã thế đấy. Cái kiếp người “cơm vãi, cơm rơi” sống kiếp trâu ngựa mà cũng không được sống cho tròn kiếp “người ngựa, ngựa người”. Chuyện ngắn của Nguyễn Công Hoa mang tính tố cáo hiện thực. Một tiếng kêu giữa đêm giao thừa đen tối của cảnh “nước mất, nhà tan”. Tiếng cười của Nguyễn Công Hoan thấm đầy nước mắt của sự xót xa, cảm thông với kiếp sống của người cùng khổ. Nó mang tính bi hài và tố cáo rất cao. Đọc xong chuyện ngắn “Người ngựa, ngựa người” ta thấy cổ mình như nghẹn đắng. Ta như muốn thốt lên: cuộc sống sao mà khắc nghiêt, cay đắng thế! Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân đưa lớp dân nghèo đến với Đảng và đi theo Đảng.

Mấy năm gần đây, trên sân khấu hài NSƯT Xuân Hinh – cây hài nổi tiếng của sân khấu chèo – đã cùng NSƯT Thanh Thanh Hiền hai nhân vật chính của câu chuyện “Người ngựa, ngựa người”, với giọng hát tuyệt vời “trời cho”, với tài diễn xuất điêu luyện, hai nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả những trận cười nghiêng ngả. Tiếc rằng tác giả chuyển thể và nghệ sĩ biểu diễn đã không nắm được cái “hồn” của tác phẩm văn học. Họ nặng về việc đi sâu vào các câu nói tếu táo (nhiều khi “tự nhiên” thái quá) để “câu” tiếng cười của khán giả. Nhưng cái cốt lõi của tác phẩm văn học là nỗi đau cùng cực của người lao động trong cảnh sống cơ hàn thì lại bị lãng quên. Tiếng cười (hơi bị lạm dụng) làm “nhòe” chủ đề chính của tác phẩm văn học và làm khán giả hiểu sang một khía cạnh khác. Nó mang tính “nhục dục” hơn là tố cáo sự thật.

Ở tác phẩn văn học nó là câu chuyện bi hài về cuộc sống con người lao động. Lên sân khấu nó lại bị lệch hướng sang chuyện khác nên chủ đề tố cáo và lên án bị bỏ rơi. Chắc cụ Nguyễn Công Hoan còn sống sẽ phải bực mình vì đứa con tinh thần của mình bị “lai căng”, biến dạng quá thể.

Tôi có nghe chuyện lão tác giả Học Phi nghe tin đài Truyền hình Việt Nam dựng kịch bản của mình. Mặc dù tuổi đã cao, cụ Học Phi cũng “vi hành” đến tận trường quay để “khảo sát”. Cụ ngồi nghe chăm chú nhưng đọan nào diễn viên thoại sai lời văn hay thiếu đoạn văn (do đạo diễn cắt gọt) cụ hô to: “Dừng lại. Thiếu be bét”. Cụ nói: “Muốn có một đoạn văn, một câu thoại, tác giả đã phải “chết” trong nhân vật, trong tình huống đó. Không thể chưa hiểu mà đã cắt bỏ, làm sai lệch như thế được”. Cụ còn đề nghị: “Thà không có con còn hơn sinh ra loại dở người”. Nếu không tôn trọng tác giả thì không được dựng tác phẩm đó nữa.

Thế nên, tác giả chuyển thể (từ tác phẩm văn học lên sân khấu và phim ảnh) phải nắm thật vững, thật chính xác cái “hồn cốt” của tác phẩm. Có như vậy tác phẩm văn học mới đúng là đứa con “ruột” của tác giả. Không thể mượn tên tác giả để “đẻ” ra một sản phẩm “quái thai”.

“Yêu nhau như thế khác gì ghét nhau”
                                                
TRẦN TUẤN TIẾN


(theo Phó Nhòm Tây Bắc).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog