Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ . Ca Dao VN. Gót Phiêu Du.
Tôi cũng như hàng triệu người dân khác biết ông là cựu chủ tịch thành phố Hà Nội. Cái chức to này ông giữ những 9 năm, 158 ngày (từ 14 tháng 12, 1994 – 20 tháng 5, 2004), nghĩa là cũng trọn hai nhiệm kì. Hai nhiệm kì đứng đầu thủ đô đấy nhé!
Trên trang Wikipedia có ghi: “Hoàng Văn Nghiên, sinh năm 1941, Tiến sỹ; nguyên Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội”.
Vậy ra, ông không chỉ có cao chức quyền mà còn cao cả học vấn. Người như ông thật đáng nể bởi thiên hạ dễ được mấy ai.
Ông đúng là hình mẫu cho mọi người, nhất là tuổi trẻ phấn đấu, noi theo.
Tôi cũng nằm trong số đó, nhưng tôi không phấn đấu được như ông vì tài hèn, cũng không noi được ông vì đức kém tuy thực lòng vẫn rất ngưỡng mộ những người như ông.
Thế rồi, một chiều đông se lạnh, đọc báo thấy người ta nhắc đến ông, không phải là sự tri ân hay ngưỡng mộ như tôi vẫn tưởng.
Người ta đòi nợ ông! Có nhầm không nhỉ? Ông thì mắc nợ ai? Nhưng mà giấy trắng mực đen rành rành đây. Thôi chết, ông nợ thật rồi! Ông nợ dân, nợ nhà nước – nợ cái biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa hơn mười năm mà chưa chịu trả.
Căn biệt thự bề thế ấy, Đảng và Nhà nước cho ông mượn khi còn đương chức, âu cũng là một thứ đặc quyền đặc lợi để tạo điều kiện cho ông toàn tâm toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Lẽ ra, khi thôi chức, ông nên trả lại thì mới phải đạo - đạo làm công bộc dân. Bởi dù chức to quyền lớn nhưng nghỉ hưu rồi thì ông lại là dân. Cái chức to quyền lớn ấy là Đảng giao cho ông có thời hạn. Ông xong nhiệm vụ, công thì Đảng và nhà nước ghi còn nhà thì phải trả, thế mới là sòng phẳng. Đằng này…
Ông cứ cù chầy mãi, suốt tám năm kể từ khi thôi chức, bằng cuộc trường kì kháng chiến đấy ông ạ. Đã không chịu trả biệt thự, ông lại còn ỷ eo. Khi thành phố tìm đất, xây nhà mời ông đến thuê ở, ông vẫn không chịu, đòi nhà to hơn. Kì thực, ông chỉ muốn xỏ rễ ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa để trường kì “mai phục”, chờ thời mua lại căn biệt thự công này như đã từng làm đơn xin mua mấy năm trước mà chưa được.
Xứ mình kể cũng lạ. Công tư nó cứ xoắn vào nhau như cặp tình nhân. Quan chức như các ông tuy lương chưa phải là nhiều nhưng bổng lộc hẳn là không ít. Vậy mà còn được nhà nước ưu ái này nọ? Nước mình có 63 tỉnh thành, gấp đôi con số ấy là quan đầu tỉnh (Bí thư, Chủ tịch) cộng với hàng trăm vị khác có chức vụ tương đương trở lên, nếu vị nào cũng đòi một biệt thự công, chắc chẳng ngân sách nào ôm cho xuể.
Câu chuyện biệt thự của ông làm tôi nhớ đến lời Đức Giê-su dạy: “Của Xê-da trả về cho Xê-da”. Dường như điều đó đã thành qui luật của đời. Ông cũng chẳng còn trẻ trung nữa mà ôm làm gì cái biệt thự của nhà nước cho nó nhọc óc. Nội việc dư luận lên tiếng chê trách cũng đã đủ mệt lắm rồi. Bởi chẳng ai tin, ông túng đến nỗi không tậu được cho mình một căn nhà mặt phố thật ưng ý?
Cho nên, thiển nghĩ, ông hãy một lần “dũng cảm” nói không với biệt thự nhà nước, chắc chắn dư luận sẽ rất hoan nghênh thậm chí là ngợi ca ông – người đầu tiên nêu gương sáng để các vị công bộc khác đang khư khư ôm giữ nhà công vụ trong cả nước noi theo.
Nguyễn Duy Xuân TranNhuong.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét