Gia đình Lập đã chờ, bạn bè Lập đã chờ, độc giả Lập đã chờ, những người yêu mến Lập đã chờ, những người khát khao tự do, dân chủ đã chờ, từ hôm qua, hôm nay, là Lập sẽ được ra khỏi nơi giam giữ, trở về nhà mình, vì thời hạn tạm giữ theo luật định đã hết, vì Lập không làm gì nên tội, vì Lập không đáng bị bắt giữ. Nhưng Lập vẫn chưa về. Vợ con Lập cả ngày hôm nay đã lên gặp cơ quan công an hỏi tin chồng, cha thì được bảo là chờ sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Chờ đến ngày mai nữa liệu Lập có được ra? Hay từ tạm giữ Lập sẽ bị tạm giam và bị khởi tố cho một vụ án? Ngay từ đầu tôi đã cùng mọi người yêu cầu trả tự do cho Lập, không chỉ vì lý do sức khỏe, mà vì Lập là người yêu nước đàng hoàng, chính trực, với cả tư cách công dân và nhà văn. Nếu bị giam cầm lâu ngày sức khỏe của Lập cố nhiên là điều rất đáng lo ngại, và điều này chúng ta có quyền yêu cầu các cơ quan tố tụng có sự đối xử nhân đạo với Lập. Nhưng tôi vững tin Lập biết chủ động và tỉnh táo vượt qua thử thách này của đời mình.
Như trong tấm ảnh Lập ngồi ở khu mộ nhà thơ Phùng Quán ở Huế tháng 8/2013 với trước mặt là bài thơ khắc trên đá của bậc đàn anh một thời hoạn nạn không quên lời mẹ dặn: "Yêu ai cứ bảo là yêu / Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành ghét / Dù ai cầm dao dọa giết / Cũng không nói ghét thành yêu".
Nhớ bạn trong khi chờ bạn sớm về, tôi đưa lại đây bài viết tựa cho tập "Chuyện đời vớ vẩn" của Lập.
VỚ VẨN NHƯNG LÀ CHUYỆN ĐỜI
Những câu chuyện được lấy ra từ ký ức của một người đàn ông đã ngoài tuổi “tri thiên mệnh”.
Những câu chuyện được viết ra từ cảm xúc của một nhà văn thành danh.
Những câu chuyện được kết nối bằng những phận người và bằng những chiêm nghiệm cõi người kéo dài từ một làng quê miền Trung qua những thành phố lớn theo bước đường đời của một con người.
Những câu chuyện đậm chất hồi ức và mang chất truyện ngắn.
Đó là những câu chuyện đời mà tác giả gọi là vớ vẩn. Gọi là vớ vẩn chứ không phải coi là vớ vẩn. Vì đời sống là sống đời thật. Vì mỗi người chỉ có một cuộc đời và chỉ sống có một lần. Và vì dẫu có được sống mãi thì con người cũng không sao hiểu thấu và cắt nghĩa được cái sống của mình tại sao lại thế. Thật trịnh trọng và nghiêm trọng từng khoảnh khắc sống vụt qua, từng cuộc đời trôi qua. Ở cái thì hiện tại, mọi sự dường như đều có ý nghĩa. Chỉ khi lùi vào quá khứ, nhiều cái ý nghĩa chợt vớ vẩn. Để rồi ai nửa đời hay cuối đời nhìn lại đều có chung tâm trạng của nhà thi sĩ Vũ Hoàng Chương thốt lên câu hỏi ngẩn ngơ “Ta đã làm chi đời ta?”.
Có phải thế là vớ vẩn không, cuộc đời ta sống?
Có phải vớ vẩn thế mới là cuộc đời ta sống?
Chưa chi tôi đã suy luận rồi. Rõ là của người cũng đã ở vào cái tuổi như tác giả, cái tuổi trẻ đã qua già đang tới, khi khát vọng trở thành hoài niệm và hoài niệm là khát vọng. Thường người ta hoài niệm thì hay tiếc nuối, và tiếc nuồi thì hay kể lể và triết lý rông dài. Nhưng Lập hoài niệm là kể chuyện có truyện, kể một cách giản dị, xúc động, với những chi tiết được lọc qua cái rây trí nhớ và được nói ra tự nhiên mà khéo léo qua miệng một người viết văn có nghề. Như chi tiết con Hà bị chết bom tay còn giữ chặt 5 hào bạc trong tay. Như chi tiết thằng Dư cõng em lết đi trên đường làng mà không hay đứa em đã chết trên lưng mình. Những chi tiết khiến người đọc rơi nước mắt vì sự sống thực.
“Khi đó mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc.” Nước mắt không rơi hồi nhỏ không phải vì trẻ con chưa sống nhiều chưa hiểu đời, càng chưa biết cái chết là điều khủng khiếp nhất đối với con người. Nhưng tôi tin, người đàn ông Nguyễn Quang Lập bây giờ đã khóc cho cô bé Hà ngày đó khi viết lại chi tiết ấy, khóc cho một lứa bạn bè tuổi thơ, khóc cả cho mình. Những câu truyện về quãng đời tuổi nhỏ ở vùng quê Ba Đồn bên dòng sông Gianh là phẩn nổi trội nhất trong tập sách này. Ở đó có những phận đời kiếp người tuổi nhỏ tuổi lớn mà cậu bé Nguyễn Quang Lập đã thấy đã chứng kiến rồi sau bao tháng năm lăn lộn trên đường đời giờ họ hiện về trong miền tâm tưởng của nhà văn Nguyễn Quang Lập để được hiện hình lên câu chữ.
Thế mà vớ vẩn thật sao? – tôi theo dòng suy luận của mình như hỏi thầm Lập khi đọc những dòng viết của bạn mình.
Vớ vẩn tất! – tôi như nghe Lập thầm đáp lại từ những con chữ. Ai biết được mình sẽ sống như thế, sẽ trở thành như thế. Ai biết được mình sẽ thấy những to tát, nhăng nhố của đời như thế. Ai biết được sao số phận mỗi người một khác, đời người dài ngắn khác nhau, sướng khổ khác nhau, vinh nhục khác nhau như thế. Ai biết được người lành người tốt thì khổ, người cơ hội xảo trá thì sướng. Cứ như tất cả đều là trò chơi của ngẫu nhiên, định mệnh. Thế không phải là vớ vẩn à! Nhưng xuyên suốt toàn bộ những thứ vớ vẩn đó có một cái không vớ vẩn: đó là nỗi buồn người, mày ạ. Chao ôi, sống cuộc đời là buồn. Nhưng không buồn sao gọi là người.
Tôi nghĩ ra vậy chưa hẳn điều Lập định nói. Nhưng là cái tôi nghĩ Lập đã nói trong những bài viết được tập hợp ở sách này. Thì hãy cứ đọc cuốn sách như chứng tích của một thời đã qua và đang qua, của một người và của nhiều người, những ai đã sống thực và sống kỹ cuộc đời mình, để thấy chuyện đời vớ vẩn nên “làm người là khó”. Nhưng đọc để còn thấy cái gì đã làm nên một Nguyễn Quang Lập nhà văn. Cái truyện lấy làm tên chung của cả tập “Chuyện đời vớ vẩn” còn là nói một quy luật sáng tác văn chương, một cảm thức thế sự nhân sinh. Chính là từ những chuyện đã sống qua, tưởng như đã quên lãng, đã lặn mất trong tiềm thức, bỗng một ngày sống dậy bắt con người phải kể ra, nói ra không chỉ như là kỷ niệm, hồi ức của riêng mình, mà còn để gửi gắm, khơi gợi một nỗi niềm nhân thế, đó là khả năng của nhà văn.
Nguyễn Quang Lập từ khi vào thế giới mạng đã cống hiến thêm cho độc giả những cái viết mới bằng một cách viết mới mà tập tạp văn này, sau Ký ức vụn và Bạn văn, là một ghi nhận mới.
Hà Nội 15.9.2011
Fb Phạm Xuân Nguyên
CHỖ CỦA MỘT NHÀ VĂN KHÔNG PHẢI Ở TRONG TÙ
Huy Đức
Cho đến 16:00 chiều nay, 15-12-2014, khi chị Hồ Thị Hồng yêu cầu, cơ quan An ninh Điều tra vẫn không trình ra được phê chuẩn của Viện kiểm sát về việc tiếp tục giam giữ chồng chị. Theo đúng Luật, nhà văn Nguyễn Quang Lập phải được ra khỏi trại giam từ lúc 9:00 sáng nay, tính từ thời điểm anh bị mất tự do ngay khi đang ở trong nhà mình (anh bị đưa vào tù từ lúc 14:00 ngày 6-12-2014).
Nguyễn Quang Lập đến với thế giới blog rất tình cờ. Tai nạn giao thông vào năm 2001 thực sự là một biến cố lớn lao trong đời anh. Nó biến một người đàn ông ở độ tuổi 40s đầy năng lượng thành một người tàn phế. Anh hôn mê suốt ba tháng và nhiều tháng sau đó gần như chỉ nằm một chỗ.
Bạn Nguyễn Thanh Sơn (Nguyen Thanh Son) đưa anh sang Singapore . Sau khi khám, các bác sĩ ở đó nói thật với anh, y học bó tay, chỉ một cách có thể giúp cải thiện là tự anh luyện tập. Những năm sau đó, Nguyễn Quang Lập bắt đầu một hành trình đầy khát vọng: Anh tập đi từng bước, từng bước… Cả khu tập thể Linh Đàm (Hà Nội) không ai nhận ra cái hình hài xiêu vẹo, lê lết từng tấc đó là nhà văn Nguyễn Quang Lập một thời hào hoa. Họ quan sát cách rèn luyện của anh và gọi anh là “Ông Kiên Trì”.
Khi đã có thể đi lại được, Nguyễn Quang Lập vẫn phải xa dần những cuộc tụ tập bạn bè. Bởi, từ Linh Đàm ra Phố khá xa, anh chỉ có thể di chuyển bằng taxi trong khi, tiền đâu! Cô độc nhưng Nguyễn Quang Lập rất ghét khách tới thăm. Cái phong bì, ký cam và những gương mặt nghiêm trọng chỉ khẳng định anh là một người bệnh tật. Sau những giờ luyện tập, Nguyễn Quang Lập một mình trở về với từng trang viết.
Từ cuối tháng 3-2005, Yahoo mở dịch vụ blog 360; khi nó có mặt ở Việt Nam , Nguyễn Quang Lập được con cái khuyến khích chơi blog. Khi tôi ghé thăm anh ở khu tập thể Linh Đàm, Nguyễn Quang Lập chỉ căn hộ vắng tanh, lạnh lẽo, nói: “Con đi học, vợ lo buôn bán từ sáng tới tận 10 giờ đêm. Tôi tìm niềm vui qua những âm thanh lao xao của tiếng còm (comments)”.
Thân khuyết tật nhưng tâm hồn lành lặn; có lẽ ít ai có thể cống hiến những trang viết dí dỏm, tinh tế và đầy lạc quan như những gì Bọ – Nguyễn Quang lập – đã làm trong giai đoạn này
Nhưng cũng chính blog đã giúp Nguyễn Quang Lập nhận ra sứ mệnh lớn hơn của nhà văn trước một đất nước càng đi càng bế tắc. Nếu chỉ để “mua vui”, Bọ có đủ đơn đặt hàng từ các báo để thu về mỗi tháng 4-5 chục triệu. Các ban biên tập và các “fans” của những “chuyện đời vớ vẩn” vừa rất đông lại chẳng ai lo “nhạy cảm” khi chơi với Bọ. Nhưng, Nguyễn Quang Lập đã không chỉ nghĩ tới mình.
Vào thời điểm trước khi bị bắt, blog của Nguyễn Quang Lập thường xuyên có khoảng 1000 “visitors”. Lúc nào cũng có một nghìn người đọc và chờ đợi các bài viết mới đưa lên blog Quê Choa. Chúng ta cứ tưởng tượng, trước mặt người đàn ông nửa người bị liệt ấy là “quảng trường” của một nghìn người.
Nguyễn Quang Lập biết, chỉ có lưỡi dao dân chủ mới có thể phẫu thuật được những khối u đang di căn trong lòng chế độ này. Nhưng, như một trí thức có trách nhiệm, anh chỉ sử dụng “quảng trường” đó để truyền đi những tiếng nói ôn hòa nhất, đánh thức ý thức công dân trong các bạn đọc, gồm cả những người đang phụng sự Chế độ.
Trước sau, Nguyễn Quang Lập vẫn chỉ là một nhà văn. Một nhà văn làm gì cũng với tinh thần lãng mạn. Blog chỉ là một cuộc chơi tạm thời, văn chương mới là sự nghiệp trọn đời của Nguyễn Quang Lập.
Trong khoảng ba năm gần đây, chúng ta thấy rất ít bài viết riêng của ông; bởi, ba năm qua là khoảng thời gian Nguyễn Quang Lập viết nhiều nhất. Ít ai có thể biết, Bọ chỉ dành ít phút giữa những trang viết để “post” bài. Hai cuốn tiểu thuyết đã được Nguyễn Quang Lập hoàn thành chỉ vài tuần trước khi anh bị bắt.
Từ lâu Bọ Lập đã muốn chuyển giao blog Quê Choa để tập trung viết văn nhưng như nhà văn Phạm Thị Hoài nói, Quê Choa chỉ có vai trò khi nó là tiếng nói ở bên trong.
Khi các bloggers khác như Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) bị bắt, Nguyễn Quang Lập biết nguy hiểm đang cận kề. Nhưng cũng chính lúc này, anh quyết giữ gìn blog. Nguyễn Quang Lập hiểu, Quê Choa không còn thuộc về một mình anh, nó là tiếng nói ít ỏi còn lại của lề dân. Anh không có quyền tự mình bịt mồm nó.
Năm 2011, khi nghe tin có một ông thầy ở chùa Quang Minh (Bình Phước) có thể chữa được bệnh bại liệt, Nguyễn Quang Lập tìm mọi cách để gặp thầy. Cho dù lý trí của anh nhắc nhở rằng, không thể có điều kỳ diệu đó, Nguyễn Quang Lập vẫn rất háo hức. Anh lấy bàn tay phải đỡ bàn tay trái mềm nhũn lên, mắt sáng rực khi nói tới việc đầu tiên bàn tay ấy sẽ làm khi có thể lại cầm, nắm được. Nhưng ông thầy Bình Dương đã không thực sự có phép mầu.
Khi nói về chính trị, thỉnh thoảng mắt Bọ Lập cũng sáng lên. Nguyễn Quang Lập hy vọng Nhà nước này vẫn có thể lắng nghe những tiếng nói lương tri để hồi phục các tính năng của nó. Vụ bắt bớ làm tôi nhớ đến bàn tay mềm nhũn của Bọ Lập. Đấy là di chứng của chấn thương sọ não chứ không phải chấn thương ở chân tay.
Nguyễn Quang Lập không phải là một nhà bất đồng chính kiến. Anh không có ý định làm chính trị hay làm cách mạng. Không phải vì anh sợ hãi, anh không làm, đơn giản vì anh chỉ là một nhà văn.
Nguyễn Quang Lập chưa bao giờ có ý định làm một anh hùng. Dù những gì anh cống hiến ở Quê Choa là một sự hy sinh quả cảm. Bịt miệng một tiếng nói ôn hòa như blog Quê Choa chỉ có giá trị tự lên án. Nhà tù không phải là nơi dành cho một nhà văn muốn bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa. Hãy trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Nguồn: FB Trương Huy San
9 NGÀY CỦA LẬP
Phạm Ngọc Tiến
Cứ thấp thỏm cái hạn 9 ngày của Lập. Một người bạn nói chắc như đinh đóng cột Lập sắp được về nhà. Bạn này nói mấy hôm trước. Không dám giấu hôm nay có mấy cuộc rượu nhưng nóng ruột không uống được. Lát lại vào mạng. Lát lại giở máy điện thoại tìm tin nhắn. Nhưng không có gì cả. Đã qua 9 ngày. Cũng nói thực nếu không phải Lập bệnh tật như thế thì cũng chả sốt ruột nhiều làm gì. Căn bệnh liệt nửa người do chấn thương não được luyện tập cả một quá trình mới cho Lập đi lại thập thễnh chỉ cần nhốt ít ngày không vận động Lập có nguy cơ liệt lại. Buồn vô chừng. Đọc được bài của Huy Đức viết về Lập càng buồn. Thôi thì trích mấy câu cuối bài của Huy Đức vậy. (Bài: Chỗ của một nhà văn không phải ở trong tù). Đoạn trích đây:
"....Nguyễn Quang Lập không phải là một nhà bất đồng chính kiến. Anh không có ý định làm chính trị hay làm cách mạng. Không phải vì anh sợ hãi, anh không làm, đơn giản vì anh chỉ là một nhà văn.
Nguyễn Quang Lập chưa bao giờ có ý định làm một anh hùng. Dù những gì anh cống hiến ở Quê Choa là một sự hy sinh quả cảm. Bịt miệng một tiếng nói ôn hòa như blog Quê Choa chỉ có giá trị tự lên án. Nhà tù không phải là nơi dành cho một nhà văn muốn bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa. Hãy trả tự do cho nhà văn Nguyễn Quang Lập.".
FB Phạm Ngọc Tiến/ Phó Nhòm Tây bắc .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét