8 thg 7, 2014

Sợ hoa và sợ các bà già … của André Menras, Hồ Cương Quyết/ BVN Phạm Toàn dịch


 Tâm trạng tôi khi đợi tàu đón ra Hoàng Sa thật giống tâm trạng chàng trai quê đợi cô nàng thị dân thành Arles người không bao giờ đến với chàng trai quê ấy, song tôi không muốn tự tử vì tuyệt vọng như nhân vật truyện dài của Alphonse Daudet tác phẩm đã gợi hứng cho nhà soạn nhạc Bizet tạo ra vở nhạc kịch nổi tiếng.

Thì tôi ngồi đọc vậy.

Đà Nẵng. Từ ngày 21 (tháng sáu) tôi đợi hoài con tàu Cảnh sát biển sẽ phải đưa tôi ra quay đoạn phim về cái dàn khoan lưu manh HY 981. Đó sẽ phải là đoạn mở đầu cuốn phim tôi sắp làm về những ngư dân vẫn tiếp tục nghiệp kiếm sống của mình ở Hoàng Sa. Trong lúc chờ đợi tôi có thời giờ đọc báo. Tất tật các báo. Và thế là tôi đọc được tờ Lao Động. Tôi chú ý ngay đến một tấm ảnh, rõ ràng là ảnh không bị photoshop chỉnh sửa: một bà già bị tóm ngang lưng từ phía sau bởi một người đàn bà hung hăng đầu đội mũ sắt và mặt thì bịt kín, và phía trước là một người đàn bà nữa cũng hung hăng lôi bà đi. Xung quanh họ là vô số đàn ông lăng xăng bặng nhặng như thế để ngăn chặn mọi can thiệp.

Không thể, rõ ràng đây không thể là một cuộc người ta đến để trợ giúp y tế cho một bà già 97 tuổi. Ngược lại, nhìn nét mặt bà cụ, thấy rõ là bà chống cự lại.  Người ta đến để lôi bà ra khỏi ngôi nhà xuềnh xoàng được bà con địa phương dựng cho để tỏ lòng tri ân những mạng chồng con bà đã hy sinh cho cuộc chiến. Từ một «Bà Mẹ Anh hùng» bây giờ bà thành bà mẹ không được người ta ưa, bị xua đuổi khỏi mảnh đất bà hy vọng sống thảnh thơi ở đó, và vào cuối cuộc đời đầy sóng gió, bà lại bị dứt ra khỏi nơi chân bà đang đứng. Thành một bà mẹ bị hành hạ, bầm dập, phẫn nộ, người mẹ nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lăng mới: cuộc chiến tranh của những dự án bất động sản ngon lành cho những kẻ đang xua đuổi những người dân lành như người ta phủi bụi. Bê tông và những trái tim đá một bên chống lại bên kia chỉ có một hơi thở mong manh và đang cạn kiệt của  một đời nô lệ chèo thuyền bị cột chặt vào con thuyền.

Theo những cách diễn giải luật pháp Việt Nam, tôi không rõ bà Lành có được quyền gì. Tôi không biết chi tiết vụ việc này. Tôi không có trách nhiệm đến đây để tìm hiểu vụ việc này. Nhưng thực ra tôi cũng biết là có vô số vụ việc như vậy ở Việt Nam bây giờ, những người dân lành bị xua đuổi, bị mất những tài sản nghèo nàn, bị hành hạ và bị bỏ tù nếu họ cưỡng lại sự tham lam của những cán bộ của Đảng đang cúc cung phục vụ bọn chủ dự án. Người ta gọi đó là công cuộc phát triển. Điều mà tôi biết, ấy là luật pháp phải bảo vệ ho, làm cho họ yên tâm trong cuộc sống, đem lại cho họ những chọn lựa để sống được một cách yên lành những ngày tuổi già. Nhưng lực lượng Công an thô bạo, ngu xuẩn, hèn hạ, bất nhân, được đem vào thế chỗ cho luật lệ và giẫm đạp lên luật lệ đó. Một thực tại buồn mà tôi bắt gặp sáng nay 6 tháng Bảy tại Trung tâm Y tế Phường An Hải Tây , quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Khi tôi đến phòng cấp cứu mang theo bó hoa và nói với viên y sĩ trực xin gặp bà Phạm Thị Lành là người tôi biết rõ bà không hề ốm đau gì sất, thì viên y sĩ đã tròn mắt ngạc nhiên, và sau đó thì với vẻ mặt lạnh tanh ông ta nói gì đó về “Lãnh đạo” (Tiếng Việt trong nguyên văn – ND). Khi tôi bảo ông ta rằng người tôi muốn gặp là bà Lành chứ không phải các “lãnh đạo” thì ông ta lại càng chui vào vỏ như con sò bị đe dọa, và ông yêu cầu tôi chờ ở bên ngoài. Chứng 5 phút sau, có 4 người mặc thường phục đến, hai người vào phòng cấp cứu còn hai người kia đi thẳng lên gác. Trước đó, để tự giới thiệu, tôi đã đưa cho viên y sĩ trực bài báo mới in ngày hôm đó trên báo Thanh Niên cho biết tôi là ai và tôi đến Việt Nam làm gì. Cốt để cho họ thấy rằng tôi không phải là “phần tử khủng bố của các thế lực phản động nước ngoài”. Hai người trẻ tuổi ra ngồi ở góc phòng cấp cứu đối diện chỗ tôi ngồi và chăm chú đọc bài báo tôi đưa. Tiếp đó là lệ thường những cuộc trao đi đổi lại bằng điện thọai di động từ một vị sếp vô hình vô ảnh cho cấp dưới hỏi thêm thông tin … Sau khoảng 10 phút đợi chờ cho hết kiên nhẫn, tôi đứng dậy và tới bên hai người trẻ tuổi: – “Các cháu là Công An chứ gì? Có thế này thôi: nói với các sếp của các cháu là tôi đến đây đem hoa tặng bà Lành để bày tỏ lòng kính trọng và an ủi bà đôi chút sau khi bà bị lực lượng của các cháu tấn công thật là bất nhẫn. Tôi không can thiệp tí tẹo nào vào công việc, nhưng tôi nghĩ là các cháu cần tỏ ra một chút kính nể với người đã đào giếng lấy nước cho các cháu đang uống đây. Trước hết, đó là chuyện biết ơn, chuyện nhân tình, chuyện nhân phẩm”.

Cậu thanh niên trả lời tôi một cách lễ độ có vẻ vô cùng bối rối, và họ nói như đấm bị bông khiến tôi cũng chẳng buồn nghe: «Đây là phòng cấp cứu, thuộc quyền của bác sĩ trưởng khoa». Nhưng bác sĩ trưởng khoa lại đá bóng sang cho các “lãnh đạo”. Anh nào cũng trốn tránh việc phải ra quyết định: một sự dũng cảm thường gặp ở những kẻ hèn, như những con cá trong nước thuộc một hệ thống trách nhiệm tập thể mà chẳng có riêng ai chịu trách nhiệm hết.  Cuối cùng thì anh bạn trẻ tiếp chuyện tôi cho một anh thứ ba mang đến cho tôi hai số báo Công an Nhân dân trong đó, theo lời anh, có những lý giải cho thấy báoLao Động đã nói sai sự thật. Hiển nhiên là nói như thế thì tôi sẽ chẳng đọc!

Nói ngắn gọn là thế này: bà Lành sai. Bà bị xúi giục bởi con trai tên là Minh. Nếu bây giờ tôi chụp ảnh bà nhận hoa, ảnh này sẽ bị khai thác theo ý xấu…  Kết luận: không thể gặp bà Lành được. Tôi chỉ còn cách cuốn gói.

Tôi không muốn tranh cãi «lý lộn» với công an hoặc luật gia. Truyện lý lộn sẽ thành trò nhàm vớ vẩn bên cạnh thái độ cụ thể của nhà cầm quyền. Với tôi, thì mọi sự đã rõ, bà Lành 97 tuổi, bà Mẹ Anh hùng, bị bắt giam với sự a tòng của các bác sĩ và Công an của cái hệ thống kiểu Tàu tìm cách khóa miệng người dân, đặc biệt là những người yếu thế nhất. Một hệ thống sợ cả hoa và những người già. Một hệ thống sẽ phải thay đổi hoặc là phải chết. Thưa bà Lành, tôi không quen biết bà, nhưng tôi yêu bà!

A.M. HỒ CƯƠNG QUYẾT    (Quê Choa ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog