19 July 2014
Gia đình Gavina
Đang chuẩn bị hành lý đi nghỉ hè, tôi nhận một cuộc gọi từ một người bạn chưa gặp suốt 30 năm qua. Jose Gavina hiện vẫn là Chủ Tịch TGD của Gavina Coffee.Tôi quen biết Jose từ ngày hắn vừa được cha truyền lại ngôi trong công ty. Gọi là “ngôi” nhưng Gavina chỉ là một hãng rang cà phê khá nhỏ, khoảng 5 nhân viên trong một xưởng chật chội, khu Vernon.
Lúc đó, tôi đang làm cho ngân hàng. Một người em họ vừa vượt biên qua Mỹ, chưa thông thạo Anh ngữ và lối làm việc của dân bản xứ, nên quấy rối tôi thường xuyên.Nhưng cũng phải phục cho ý chí và sức làm việc của gia đình hắn. Từ 1 quán cà phê nhỏ, hắn làm thêm 3 tiệm khác ở khu Los Angeles chỉ trong 2 năm (hắn luôn khoe là lúc đó Schultz mới bắt đầu Starbucks). Hắn cần 1 nhà cung cấp chịu rang cà phê theo công thức đã quen bên nhà, đậm đặc, hơi cháy (French roast), pha nhiều robusta, cho thêm chicory (như Cafe Du Monde bên New Orleans)…Các nhà máy rang lớn từ chối làm vì rắc rối cho quy trình sản xuất. Qua giới thiệu của một bạn Mễ, tôi dẫn hắn đi gặp Jose. Sau đó, tôi còn giúp Jose phát triển vào thị trường gốc Việt với cùng công thức pha trộn trên.
Gia đình Gavina cũng vượt biên từ Cuba sau khi “cách mạng” đánh tư sản và đồn điền cà phê nhỏ bé của ông nội Jose bị tịch thu (chỉ có 4 acres và 9 nhân công gì đó, nhưng vẫn bị coi là cường hào địa chủ, hắn giải thích). Đến Miami khoảng 1963, sống khổ cực quá, cả gia đình lại khăn gói qua Los Angeles, bắt đầu đi bỏ mối cà phê, rồi tiến lên 1 hãng rang nhỏ. Đó là tất cả gia tài khi Jose thừa hưởng vào năm 1980 gì đó.
Nghe nói tôi đã quay về Mỹ sống, sau một thời gian dài ờ Á Châu, Jose mời tôi lên gặp ngay, vì tôi cho hắn biết là tôi sẽ đưa gia đình đi nghỉ hè, có thể hơn 1 tháng hay lâu hơn.
Sau 30 năm, Gavina đã trở thành một đại gia cà phê tại vùng West Coast. Tôi ngạc nhiên bước vào một cơ xưởng tối tân, mới xây xong vài năm trước, rộng hơn 15,000 mét vuông, với máy móc hiện đại điều khiển phần lớn trong phòng điện toán. Tuy vậy, công ty cũng có đến 250 nhân viên; và 3 thế hệ của gia đình Gavina chiếm đến 30% nhân số. Tôi cười,” một chế độ gia đình trị độc tài toàn hảo”.
Thương vụ công ty lên đến gần 300 triệu đô la và khế ước lớn nhất là từ chuỗi McDonald’s cho loại cà phê nổi danh hiện nay (McCafe). Cô cháu của Jose làm R&D, cùng với 2 nhân viên khác, suốt ngày sáng tạo và thử nghiệm qua public tests tìm những công thức mới phù hợp với khách hàng mục tiêu. Tôi hỏi,”uống cà phê suốt ngày thì làm sao ngủ được?”Cô nói,”quen rồi, chỉ thiếu thì giờ, chứ bây giờ có chiếc ghế bố trong phòng lab, tôi sẽ quay ra ngủ ngon lành.”
Sau đó, Jose đưa tôi lại một quán ăn Cuban nhỏ cách đó vài miles.Món ajiaco và fufu…khá hợp khẩu vị. Tôi chúc mừng hắn, biết bám trụ và tập trung với cà phê, xây dựng đế chế Gavina làm hãnh diện cho một gia đình tị nạn nghèo khó; và cho cả những người di dân mới. Tôi nói có một đại gia cà phê Việt Nam muốn phát triển qua Mỹ, bạn có muốn bán Gavina hay liên doanh? Hắn lắc đầu,” tôi sẽ về hưu trong vài năm nữa và thế hệ sau của gia đình đã sẵn sàng để tiếp nối. Đây là một di sản,chứ không phải là một business.Năm rồi, có 2 quỹ đầu tư trả đến 240 triệu đô để mua Gavina và cả đại gia đình từ chối”. Hắn nhắc lại ngày nào đến văn phòng gặp tôi, hắn phải đậu chiếc xe cà tàng cách xa cả trăm mét, vì sợ khách hàng coi rẻ.
Tôi hỏi sau khi về hưu, bạn có định về Cuba sinh sống, hưởng nhàn ở quê hương cũ. Jose cười,” ngày nào còn ‘hoàng đế cách mạng và triều đình’ ngày đó không có tôi.”
Chàng lãng tử Bobby
Rời Gavina đã hơn 2 giờ trưa, tôi lại phải chạy xuống South Coast Plaza để gặp Bobby (tên họ Ba Lan của hắn dài, khó nhớ, chỉ biết 3 mẫu tự cuối là ..ski). Hắn nói cũng rất cần gặp tôi trước khi tôi đi nghỉ hè.
Bobby là một thái cực 100% khác với Jose. Sinh ra trong một gia đình trung lưu khá giả ở Michigan, hắn chơi American football (bóng bầu dục) và làm quarterback cho đội high school. Đẹp trai, cầu thủ nổi tiếng, được gái bu đông nghẹt, Bobby là một playboy có hạng, lêu lỏng không học hành. Hắn nói, nếu tao không chơi football, chắc chẳng bao giờ tao học xong trung học.Tương lai hắn khá rực rỡ vì nhiều đại học danh tiếng muốn tuyển hắn về chơi cho trường. Sau đó là phải chói sáng để thành cầu thủ nhà nghề của NFL.
Tuy nhiên, hắn bị chấn thương trong một tai nạn xe cộ; và giấc mộng vàng son tan vỡ theo đôi chân khập khễnh. Sau trung học, có thời gian hắn phải đi làm lao động trong một garage sửa xe. Tuy nhiên, Bobby vẫn có rất nhiều bạn và tình nhân, hắn ăn nói có duyên và có một trí nhớ kỳ diệu về những chuyện tiếu lâm…tục tĩu.
Tôi quen hắn cũng hơn 30 năm nay, khoảng sau 1980 gì đó , vì ở gần khu phố và gặp nhau hàng ngày trên sân tennis. Trong 30 năm đó, hình như hắn có 6 đời vợ, một lô con cái không rõ rệt, và đặc biệt là kinh doanh trong vài chục business với nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi cũng thuộc dạng tuỳ hứng và “trời ơi” trong business, nhưng Bobby là bậc thầy. Hắn từng làm chủ trường mẫu giáo, một night club thoát y, vài quán rượu, cửa hàng bán điện thoại di động, tiệm uốn tóc, chủ vài chiếc taxi, môi giới địa ốc, cả một nhà quàng và tiệm bán quan tài. Vì business lúc lên lúc xuống, nên đời Bobby rất trôi nổi đặc thù. Khi thì mời bạn bè ra khoe chiếc du thuyền, siêu xe…khi thì năn nỉ cho mượn vài trăm đô la để mua thực phẩm cho vợ con.
Nhưng Bobby có hai nhân cách chính: luôn luôn thành thực, không bao giờ nổ bậy…và luôn luôn giữ đúng lời hứa (có lẽ trừ ra với đàn bà). Trên hết, dù giàu hay nghèo, lúc nào hắn cũng lạc quan, yêu đời và làm mọi người quanh hắn …happy.
Hắn cũng đoán bắt thời cơ khá bén nhậy. Hắn là chủ của một trong những cửa hàng đầu tiên bán DTDD (trước Metro PCS), bán sexy lingeries cho phụ nữ (trước Victoria’s Secret), làm phim sex (trước Deep Throat)…Cách đây 8 năm, Bobby đoán được sự phát triển của điện gió (wind energy) và chạy ra mua khoảng 1,000 acres đất bỏ hoang ở Wyoming cạnh một dự án lớn đến 5 tỷ đô la đang do nhóm PCW đang triển khai.
Tuy nhiên, ngoài tiền túi, Bobby còn vay ngân hang hơn 500 ngàn đô la cho miếng đất.Và vì không bán được cho ai, Bobby phải chịu đựng trả lãi suất hàng năm suốt 7 năm trời, dùng lợi nhuận của các công ty khác bù vào. Cách đây 2 năm, hắn xoay không nổi và chờ ngân hàng tịch thu. Thấy tội hắn, tôi và 8 ông bạn khác, mỗi đứa cho hắn vay 20 ngàn để cầm cự.
Tôi đến tiệm Vie De France ở South Coast Plaza hơi trễ. Bobby đang ngồi ăn trưa với một cô gái tóc vàng, khoảng 30, khá đẹp. Hắn giới thiệu cô là sinh viên MBA tại Chapman University, vừa qua đây từ Croatia. Nhìn đống túi đựng toàn hàng hiệu từ Fendi, Versace đến Cartier, Gucci, tôi đùa, luận án MBA của cô chắc phải là luxury brand building. Sau đó, cô cáo lỗi, phải chạy qua Fashion Island lấy 2 món đồ đặt trước, để yên cho 2 ông già ngồi tán chuyện …quá khứ và dirty jokes.
Bobby hỏi nhỏ, 12 ngàn đô mỗi tháng, 3 ngày một tuần, mày thấy con bé có đáng đồng tiền bát gạo không? Tôi cười,” Tao ra khỏi lĩnh vực này hơn 6 năm nay, từ khi lấy vợ. Hoàn toàn không biết gì về thị trường này. Mà mày kêu tao có gì gấp vậy?”
Hắn cười sướng,” Tao bán được miếng đất thổ tả bên Wyoming rồi. Sau thuế, còn lời được gần 8 triệu đô la. Phải đem tiền trả cho mày lẹ, chứ không tao xài hết. Tối nay mày đi party với tụi tao được không?” Bobby giao tôi chi phiếu 20 ngàn đô cộng tiền lời 2 năm qua, 14% mỗi năm.
Nguyên tắc làm ăn của tôi là không bao giờ cho vay hay mượn tiền từ bạn bè bà con. Kẹt quá, khi phải xuất tiền thì tôi cho vào hồ sơ gọi là “donation” để tiện sổ sách. Và quên hẳn chuyện đòi. Kinh nghiệm cho thấy mỗi lần “tiền đi” thì “mất lại” bạn bè bà con. Không phải do mình đòi, nhưng mặc cảm làm họ chấm dứt một relationship thường đang tốt đẹp.
Bobby là trường hợp ngoại lệ.Hắn không có chút mặc cảm, luôn trả tiền đàng hoàng, kể cả lãi suất. Tôi khen hắn về số tiền kiếm được và hỏi bước tới là gì đây? Hắn nói đang chuẩn bị qua Colorado Dakota, tìm đất khai thác khí đốt từ shale oil, với một giáo sư địa chất nổi danh của Đại Học Nebraska. Tôi lắc đầu nhưng thán phục ông bạn cao bồi này.
+++++
Sợ kẹt xe trong traffic chiều thứ sáu, tôi chia tay Bobby và cô bạn gái hắn, chạy về Huntington Beach, đậu xe trên bãi biển rồi lơ đãng nhìn thiên hạ, hải âu và những chiếc thuyền buồm nhấp nhô trên sóng. Gió biển hiu nhẹ làm tôi ngủ thiếp đi trên xe. Khi tỉnh dậy, hoàng hôn đã xuống, một ngày hè tuyệt dịu của thiên đường California sắp qua.
Suy nghĩ lại chuyện của Jose và Bobby, dù rất khác biệt, nhưng họ vẫn chia sẻ định luật chung về kinh doanh ở đây. Đó là những tính toán và may rủi cho dự án hoàn toàn dựa trên tiền túi của họ và các nhà đầu tư tin vào họ. Không phải tiền người dân hay tiền ODA hay tiền lại quả (một hình thức thuế ngầm). Có lẽ đó mới chính là biểu hiện của “độc lập, tự do và hạnh phúc”?
Alan Phan .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét