Kính viếng nhà văn Tô Hoài
Thứ hai ngày 7 tháng 7 năm 2014 2:14 AM
Chuyện xưa nhắc lại :
TUYỆT PHẨM
: Hà, Bắc, Hải, Đông….của Vũ Hoàng Chương.
Trịnh Kim Thuấn (st) Tran Nhuong.com .
Thứ tư ngày 3 tháng 7 năm 2013 3:35 PM
Riêng tặng Bác Tô Hoài … O Chuột cùng Dế Mèn phiên lưu ký .
LỜI DẪN : Bài viết kể lại 1 câu chuyện GIANG HỒ VẶT của 3 gã
lãng tữ vào năm 1942. Năm ấy Vũ Hoàng Chương 26 tuổi (V.H.C. 1916-1976) Nguyễn
Bính 24 tuổi (N.B. 1918 – 1966) và Tô Hoài anh chàng thư sinh, mặt trắng, còn
sống, hơi nhát gan 22 tuổi. Chuyện kể 3 chàng lãng tữ đi giang hồ, khi tiền xu
trong túi không còn rủng rỉnh… vẫn đi : Hà, Bắc, Hải, Đông … đến đâu là hát ả
đào , hát cháy … Đọc lướt qua , thấy đây là cuộc sống buông thả của giới văn
nghệ sĩ …nhưng đọc kỹ thì đây là những tình cảm chân thành của giới văn,
thi, nghệ sĩ thời ấy, sao mà hay thế ! sao mà đẹp thế ! !! Nhân sinh tự cổ thùy
vô tử. Vũ Hoàng Chương và Nguyễn Bính đã ra người thiên cổ. Anh chàng thư sinh
mặt trắng Tô Hoài, nay đã là lão tiền bối còn sống, chuyện nầy được ông
Vũ Hoàng Chương viết lại vào năm 1971, không biết Bác Tô Hoài có đọc hay chưa ?
không biết Vũ Hoàng Chương viết đúng hay không ? Mời Bác xem , để nhớ lại thời
ấy, thời Bác 22 tuổi … thời Hà, Bắc, Hải, Đông … nhé ! Chúc Bác Tô Hoài vui
… chuyện xảy ra 1942, năm ấy tôi chưa chào đời, hôm nay ngồi những dòng
nầy thì đầu đã bạc (trên 60 còn gì !), nhưng lòng nao nao thèm những chuyến
GIANG HỒ VẶT như thế quá . TRỊNH KIM THUẤN.
Không nhớ rõ năm 1942 ấy đã đi đến tháng thứ bao nhiêu. Chỉ nhớ
chắc rằng chuyện xẩy ra khoảng mùa Hạ.Vì, nếu không phải mùa Hạ, thì sao có mục
“Dạo mát bên bờ sông Thương” và mục “Ngồi quạt cho người đẹp tỉnh Đông” chứ !
Chiều hôm đó, Hoàng định lên Bắc Ninh, thăm “Biệt phòng” ở xóm
Niểm. Mà phải nghĩ đến chuyện nầy, là trong túi đã xu, hào không còn rủng rỉnh
nữa. Cần một chỗ nằm yên, có người cung phụng đủ thứ và rủ rỉ đôi lời ân ái
suông !
Ai ngờ, cái số thật trớ trêu ! Vừa ra khỏi căn nhà phố hàng Cót,
để tiến đến ga Đầu Cầu, thì đụng ngay hai gã : Tô Hoài, Nguyễn Bính.
Tác giả “Lỡ bước sang ngang” tự mắc luôn vào Hoàng, điều nầy đâu
có lạ gì đối với nhà thơ cát bụi ấy. Lạ là lạ ở chỗ anh chàng mặt trắng, hiền
lành như con gái kia là Tô Hoài, cũng nhất định xin kết làm bộ ba “Giang hồ
vặt”.
Hoàng cảm thấy hơi nguy, cái nguy của cả một cái đầu tàu đang lúc
cạn than, củi. Không lẽ chạy toàn bằng nước lã hay sao ?
Nhưng, đã đi thì phải đi cho trót. Đến đâu thì đến đâu. Hãy biết
một điều : Không mất tiền mua vé cũng cứ “đi” và cứ “đến” được. Hoàng quen khắp
mặt các “xếp tanh” (chef de train) trên quãng đường sắt nầy mà !
Bính và Tô Lang thích thú lắm, mặc dầu riêng chàng Tô có hơi run …
Bánh sắt quay thong thả, chừng 30 cây số giờ, nhưng rồi thoáng cái
đã đến ga Bắc Ninh lúc nào không biết.
Trên sân ga chỉ thưa thớt mấy chục hành khách ; Hoàng nhận ra ngay
trong số những tà áo tung bay phất phới một dáng vẻ quen quen. Thì vừa đúng dịp
đôi mắt lá răm nhìn lên và tiếng reo lớn được ném ra, át cả tiếng “ sình … sịch
…” của máy hơi nước .
“ Anh Hoàng đấy hả ? Chị Tuyết vừa xuông Hà Nội rồi ! Em ra đón
người quen nhưng chưa thấy bóng vía đâu cả. Anh xuống chứ ?”.
Hoàng đẩy vội hai ông bạn quí vào trong toa rồi cũng vào theo và
ló đầu ra ngoài khuôn cửa, nói một cách uể oải lừng khừng :
“Xuống làm gì bây giờ ? Thôi để ít hôm nữa Tuyết nó về hẳng hay “
Cô đào rượu ở nhà hát của Tuyết xóm Niểm nhe răng cười, có vẻ
thông cảm lắm.
Cờ lại phất , còi lại thổi và chuyến xe tiếp tục lên đường, đem
theo ba gã hành khách bất đắc dĩ …
Nhưng chỉ một giờ đồng hồ sau thì đến chỗ sơn cùng thủy tận. Vì
chuyến xe lửa nầy chỉ đi đến phủ Lạng Thương là hết nhiệm vụ. Mà đây là phủ
Lạng Thương rồi. Nguy chưa !
Đành kéo nhau xuống vậy. Mặt trời cũng đang xuống. Màu nắng quái
lê thê trên tỉnh lỵ Bắc Giang. Ngày mùa Hạ dài thật. Và như thế, đêm nay sẽ
ngắn. Lời tục nói “Tháng năm chưa nằm đã sáng” âu cũng là một điều may cho
Hoàng.
May nữa là Tô Hoài chợt nhớ ra một người, chắc chắn đang có mặt
trong dãy phố yên tĩnh của phủ Lạng, sông Thương. Người ấy là Bàng quân Bá Lân,
có nhiều thơ đăng báo và in thành sách, lại có nhà cửa, ruộng nương, đồn điền
trang trại, khét tiếng vùng nầy.
Khốn nỗi cả ba đều chẳng ai từng có dịp nhất kiến với ông bà họ
Bàng cả. Không biết quấy rầy người ta có tiện chăng ?
Nhưng suy đi, xét lại, đằng nào cũng là trong văn giới với nhau
“Tương phùng hà tất tằng tương thức”, Bạch Cư Dị chẳng đã bảo thế là gì ! …
Quả nhiên khi gặp nhau, chẳng một ai bỡ ngỡ ; khách thì rất tự
nhiên, mà chủ thì cười nói liên hồi, ra chiều thích thú, an nhiên tự tại lắm.
Rồi cơm được bưng ra, khả dĩ ăn no bụng. Câu chuyện thơ văn cũng
được đề cập, khả dĩ thêm hương vị cho chén trà mạn đàm …
Và rồi chủ nhân mời khách cùng ra đường : “ Chúng ta đi dạo phố
một lát cho tiêu cơm. Đến cầu sông Thương sẽ quay về ngủ cũng còn sớm chán !”.
Câu nói giản dị nầy đã tác động đến ba chiều hướng khác hẳn nhau
trong tâm lý rất phức tạp của bộ ba Hoài, Hoàng, Bính.
Chàng Tô thì mãn ý quá, nhà văn thư sinh nầy chỉ phiêu lưu theo
kiểu Dế mèn, bỗng nhiên được ngao du không mất tiền, lại được ăn ngon và hứa
hẹn một giấc ngủ kỹ, thế là nhất rồi !
Còn Hoàng, chẳng vui chẳng buồn. Chương trình dự định đã sai bét
cả, thôi đành lẽ phó cho Định Mệnh đẩy đưa. Đối với Hoàng cái tỉnh lỵ Bắc Giang
nầy quá quen thuộc. Cả đến con sông Thương nước chảy đôi dòng kia, đục phía
nào, trong phía nào Hoàng nhắm mắt cũng thấy được.
Lại thấy cả trong ký ức
những nhà ai, nhà ai nơi xóm hát bên kia cầu ! Nhưng thôi, gió chưa lên hãy dạo
mát đôi ba vòng rồi về ngủ cũng tạm ổn. :Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”
mà !
Tuy nhiên , Bính thì hận lắm. Nhà thơ này cứ tưởng thế nào chủ
nhân cũng đãi một chầu hát linh đình, gọi là đánh dấu cuộc hội ngộ “Tứ bất tử”
mới đích đáng chứ ! Đi khắp thiên hạ, mòn gót giày, gẫy bánh xe, để tìm “tri
kỷ”, mà “tri kỷ” lại bảo dạo phố rồi về ngủ sớm, trước 10 giờ tối, hỏi ức
không ?
Thế rồi lỉnh kỉnh suốt đêm hôm ấy, Bính cứ thức dậy hút thuốc lào
vặt hoài.
- Lắm muỗi quá Hoàng nhỉ ?
- Ừ ! thì lắm muỗi. Ở đây gần rừng rồi mà ! Phủ Lạng còn khá
đấy, chứ lên chút nữa như Bố Hạ, Bắc Lệ thì phải biết. Thiếu màn không nhắm mắt
được đâu !
- Thế mà Tô Hoài nó ngã lưng xuống là “kéo gỗ “ liền,
chịu thật !
- Thì đang sức ăn ngủ của người ta .
- Đành rồi ! Nhưng chúng mình khác. Làm thế nào cho qua được
đêm nay đây ? À, Bính với Hoàng liên ngâm một bài chơi đi. Thử lấy vần điệu làm
binh lực phá cái thành Sầu nầy xem sao !
- Phá thì phá. Ra quân trước đi ! Cho nó “ Lỡ bước …” một thể
.
- Khó gì. Đây câu đầu : Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng
Chương.
- Vần nầy dễ, Hoàng đối lại đây : Còi thét vào ga phủ Lạng
Thương.
- Hay, tiếp câu ba luôn đi, rồi Bính sẽ đối cho thành câu bốn
và ném cả câu năm ra liền.
- Thong thả ! Ý thì sẳn, nhưng vận dụng chữ nghĩa hơi khó, À
đây rồi : Sở tại bàng quan chầu xuống xóm.
- Chữ “ bàng quan “ nhẹ quá, nhưng chữ “Sở tại “ thì hay, hay
! Bính đọc tiếp câu bốn, câu năm nhé !
Nói vậy thôi, chứ Bính lay hoay mãi, hút đến cả chục mồi thuốc lào
và bị Hoàng giục đến lần thứ ba rồi Bính mới cười vang lên và lấy giọng đọc :
Thi nhân bá ngọ chuyến lên đường,
Hai dòng trong đục thêm ngao ngán,
Hai dòng trong đục thêm ngao ngán,
Hoàng trầm ngâm một phút : Dùng chữ “bá ngọ”, người ta tưởng mình
là sư thì sao ? À mà “ Anh hùng mạt lộ bán vi tăng “ (1) làm “sư một nửa”
thì “bá ngọ” được lắm ! Nhưng “hai dòng trong đục” khó đối cho Hoàng quá ! Đề
nghị sửa thế nầy đây :
Dòng trong dòng đục thêm ngao ngán và Hoàng sẽ đối
:
Chùm chín chùm xanh uổng vấn vương.
Bính nhảy dựng lên : Tài lắm. Gợi cảm đến chết người ! Hoàng làm
cho Bính càng hận vô tả.
Nghe rõ từng tiếng đàn đáy đang “chùm chín, chùm xanh”
ở bên tai ….
Thế rồi cả hai cùng nằm xuống giường nghĩ nốt hai câu kế. Loanh
quanh thế nào ngủ quên mất. Chắc chắn Bính ngủ sau Hoàng.
Mãi đến khi cáo biệt Bàng quân ra ga phủ Lạng để “ hồi đô” mới
hoàn tất được bài Liên ngâm, trước sự ngạc nhiên của tác giả “O chuột” và “Dế
mèn phiên lưu ký”.
Chép lại toàn bài như sau :
Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương.
Còi thét vào ga phủ Lạng Thương,
Sở tại bàng quan chầu xuống xóm.
Thi nhân bá ngọ chuyến lên đường,
Dòng trong dòng đục thêm ngao ngán,
Chùm chín chùm xanh uổng vấn vương.
Nằm muỗi qua đêm chờ sáng vậy !
Còi xe Phong hỏa xé màn sương !
Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương.
Còi thét vào ga phủ Lạng Thương,
Sở tại bàng quan chầu xuống xóm.
Thi nhân bá ngọ chuyến lên đường,
Dòng trong dòng đục thêm ngao ngán,
Chùm chín chùm xanh uổng vấn vương.
Nằm muỗi qua đêm chờ sáng vậy !
Còi xe Phong hỏa xé màn sương !
Cái hận “thiên trường địa cửu” nói trên, ngay chiều hôm sau đã rũ
được. Thật ra đó chỉ là cái hận của Bính, chứ Tô Hoài khi chia tay ở khởi điểm
(ga Đầu Cầu) để lấy xe điện về Bưởi, đã tỏ ra mười phần thỏa mãn. Còn hẹn với
Hoàng lần sau tiện dip cứ đem theo.
Nhưng về phần Hoàng, chẳng đến nỗi hận như Bính, đã đành, thế mà
vẫn cảm thấy nó như thế nào ấy. Làm đầu tàu mà đi giang hồ ảo như vậy, cũng đủ
mang tiếng “chí lớn tài sơ” rồi còn gì !
May sao, cặp Hoàng – Bính vừa đi đến Bờ Hồ thì Chu Ngọc ở đâu hiện
ra, đầu chải bóng chứ không bù xù như mọi khi, lại cả giày cũng bóng lộn nữa .
- Hai ông biến đi đâu mà từ chiều qua đến giờ tìm đảo thiên,
đảo địa khắp nơi không thấy ?... Đi ! Lên xe cho mau. Anh em đang đợi ở nhà Chu thị.
Ngọc còn nói nhiều nữa lúc bộ ba đã nhẩy lên hai chiếc xe kéo,
trực chỉ xóm Khâm Thiên.
Tuy vậy, Hoàng đã có nhiều kinh nghiệm với anh chàng Ngọc
nầy quá rồi. Hắn mời đi nghe hát, đừng có vội “tưởng bở”.
Y như rằng ! Hắn và Vũ Trọng Can đã “cháy” ở nhà Chu
thị từ hai hôm. Sáng nay ông Can đã lấy được của Bắc Kỳ Kịch đoàn (do Claude
Bourrin) một số tiền về tác quyền mấy vở thoại kịch mà ban nầy đem đi lưu diễn
các nơi. Vừa đúng cơ hội người ta quay về Hà Nội nghĩ chân thì ông Can tìm đến
đòi … thanh toán .
Nhưng số tiền cũng chẳng lớn bao nhiêu. Trang trãi hai hôm trước
thời còn dư chút ít, mà nằm ỳ lại đêm nay thì nhất định thiếu mất rồi. Dở dang
quá !
Bắt được Hoàng ở Bờ Hồ, Ngọc như bắt được của. Lý do là trong số
mấy anh em nhà văn lêu têu, chỉ riêng Hoàng có “công ăn việc làm” đều đặn, mỗi
tuần lễ xuống Hải Phòng dạy hai ngày tại một tư thục lớn, mà hai ngày là 16
giờ, tính thành tiền được ngót 30 bạc rồi. Giá tiền một chầu hát bẩy hay tám
đồng thôi, làm gì không trả được. Không sẳn tiền đem theo cũng không hề chi,
nói một câu là “bà chủ” cho khất liền. Nhất là khi “bà chủ” lại nhiều cảm tình
với bọn văn nhân như Chu thị.
Dầu sao, hôm nay đã thứ bẩy. Nội nhật ngày mai Hoàng phải có mặt ở
Cảng để thứ hai , thứ ba còn dạy học chứ !
Quả nhiên mọi việc đâu vào đấy cả ! Giữa trưa hôm sau – chủ nhật –
Hoàng từ biệt Dì Năm, đem theo cả Bính và Ngọc xuống Cảng. Riêng Vũ Trọng Can,
còn có hẹn với nhà xuất bản nào ở Hà Nội không biết, nên đành chia tay.
Xuống đến Cảng là vững. Chỗ “làm ăn đứng đắn” của Hoàng kia mà !
Huống hồ nhà thơ Lan Sơn, bạn thân của Hoàng tại đó, lại sẳn một Gia ca thất,
có túng quá thì “hát nhà – hát nhà” chứ sao ! Đủ lệ bộ hết. Trống, phách, đèn,
đóm … tha hồ.
Nguyên ủy cũng ly kỳ lắm. Nhà thơ tác giả “Anh với Em” trẻ tuổi mà
tài cao, mới 20 tuổi đầu đã thi đỗ ông Phán tòa Đốc lý. Rồi cưới được người
mình yêu. Hạnh phúc nhất thiên hạ. Biết đâu ông trời ghen ghét : giữa đường đứt
gánh phu thê, nhà thơ lãng mạng nầy bỗng hóa thân thành một bông lan ủ rũ. Mà ủ
rũ ghê gớm, một hai những tưởng hương chìm, cánh rụng trong … hang.
Nhưng rồi
Nàng Tiên của Động Nâu mơn trớn thế nào mà Lan dần dần phục hồi được sinh lực,
hay nói cho đúng hơn, lòng yêu đời. Lan đã tục huyền với một danh ca tỉnh Đông
và tổ uyên ương nơi đồng chua nước mặn lại có bàn tay ngà săn sóc.
Hoàng xuống Cảng từ đầu năm 1941, thời thường vẫn là thực khách
của hai vợ chồng rất “nghệ sĩ” nầy.
Một ngày kia, Lan tâm sự : Mình sắp trở thành “bác trai” đây .
- Hả ?
- Đừng ngạc nhiên … ! Cô nàng cứ đòi ra mở nhà hát. Lý luận
rằng : Trước kia ở đây chỉ có xóm Quán Bà Mau độc chiếm thị trường, mặc dầu khá
xa trung tâm thành phố, bây giờ xóm Quần Ngựa lác đác có mấy nhà mở, đông khách
vô cùng, vì lẽ nó gần lại khang trang hơn. Cô nàng bảo đó là dịp tốt. Sẳn vốn
liếng, tiền bạc, giọng ca , xuân sắc và cả đàn em nữa – tội gì không ra thi thố
với đời ?
- Thế cái nhà dột trong ngõ hẹp nầy, anh trả lại à ?
- Không, chỉ có nàng phải lên trên xóm Quần Ngựa trông nom
thôi chứ. Còn mình thì đi đi, về về …
- Một chốn đôi quê, mệt nhỉ ?
Nói thế thì nói, chứ Hoàng không chính thức góp ý kiến gì cả. Lan
trở thành “bác giai”, càng vui có sao đâu ?
Còn Nguyễn Bính và Chu Ngọc thì đích thật là số đỏ. “Nhà hát nhà”
của Lan Sơn vừa khai trương được hai tuần xong, đang hồi thịnh đạt. Bạn làng
văn từ Hà Nội xuống, cứ việc thiết lập “Hành đô”. Gió nổi lớn càng hay, bằng
không, Hoàng và Lan sẽ chia nhau gánh chịu phí tổn. mỗi người một nửa, “bà chủ
nhà hát” không phiền hà gì. Còn làm mối cho bạn cô nầy, cô kia là khác ấy chứ !
Dầu sao, Hoàng cũng phải lo chu tất mọi chuyện. Hiện kim chưa có
được ngay, phải khất lại đến giữa tháng mới ký “bông” ở trường học được, thì cũng
là hát “cháy” còn gì !
Huống hồ Bính lại bảo : “Cây nhà lá vườn mãi, chán chết. Phải
xuống Quán Bà Mau một phen mới vơi nổi cái sầu vạn cổ nầy “.
Thế là đám “cháy” lan rộng ra mãi, dập tắt sao cho hết được bây
giờ ?
Bởi thế, Hoàng mới hạ bút một bài Mưỡu Nói tạm lấy chữ “Cháy” làm
nhan đề :
Từ đêm Chu Thị cháy nhà.
Cháy từ Hà Nội, cháy ra Hải Tần.
Cháy xa thôi lại cháygần.
Một phen dụng hỏa, mấy lần cầu phong !
Cháy từ Hà Nội, cháy ra Hải Tần.
Cháy xa thôi lại cháygần.
Một phen dụng hỏa, mấy lần cầu phong !
Cháy hoài, cháy hủy .
Gió không nhiều, âm ỉ cháy lan man.
Dụng hỏa công tài nghệ lẫnChu lang.
Trí dũng vượt Trương Lương cầu Sạn đạo.
Tam nguyệt Hàm dương tro lạnh lẽo,
Tử vi Bàn Cốc khói lưa thưa.
Thuyền, cầu , hang, cung điện hỡi mấy ngàn xưa !
Đây cuộc cháy hãy còn to thập bội !
Ấy ba gã tuềnh toàng cùng một hội.
Chẳng đường hẻm lau khô, cũng không cần gió nổi,
Cháy từ đêm Hà Nội, cháy loang ra …
Lửa chơi, ai dập cho bà ?
Gió không nhiều, âm ỉ cháy lan man.
Dụng hỏa công tài nghệ lẫn
Trí dũng vượt Trương Lương cầu Sạn đạo.
Tam nguyệt Hàm dương tro lạnh lẽo,
Tử vi Bàn Cốc khói lưa thưa.
Thuyền, cầu , hang, cung điện hỡi mấy ngàn xưa !
Đây cuộc cháy hãy còn to thập bội !
Ấy ba gã tuềnh toàng cùng một hội.
Chẳng đường hẻm lau khô, cũng không cần gió nổi,
Cháy từ đêm Hà Nội, cháy loang ra …
Lửa chơi, ai dập cho bà ?
Hoàng xuống Hải Phòng đã được bốn hôm, Đám cháy lan rộng có nguy
cơ nguy khốn , thì may quá – một cái may bất ngờ - Chu Ngọc đi lêu têu thế nào
lại vào đúng đường dây của một ông chủ rạp hát đang muốn làm việc nghĩa. Việc
nghĩa theo nghĩa đúng. Nghĩa là : Trình diễn một buổi kịch long trọng lấy tiền
giúp vào việc chẩn tế các nạn nhân bị thiên tai quanh vùng đất Hải Kiến
thì phải. Tuy tham dự vào nghĩa cử cao đẹp nầy, ban kịch của bộ ba Ngọc – Hoàng
– Bính vẫn được hưởng thù lao tương xứng, và nhất là được ngừoi tổ chức đưa
trước một số tiền để sửa soạn các thứ : diễn viên, y phục, bài trí …v…v….
Chu Ngọc vui như trẻ con được cho kẹo, nói cười huyên thuyên :
Kịch thì sẳn rồi. Một kịch xuôi – Thế Chiến Quốc của Trần Tử Anh (3) và một
kịch thơ – Bóng Giai Nhân (4) của Nguyễn Bính. Chỉ còn lo mấy chuyện lặt vặt.
Nhưng có hai việc phải làm ngay : Việc thứ nhất : Chọn một danh xưng cho ban
kịch mới, chẳng lẽ gọi Ban kịch bộ ba, hay Ban kịch Ngọc – Hoàng – Bính !
Khó gì ! Hoàng góp ý kiến : Chúng ta đã nổi gió từ Hà Nội bốc
xuống đây, thì cứ đặt phăng là Ban Kịch Hà Nội và lấy Tháp Rùa làm huy hiệu ấn
tín cho nó hách một thể ,
Đúng ! còn việc thứ hai là : Dời khỏi nơi nầy gấp. Nằm lâu quá ê
ẩm cả xương cốt, chúng ta phải ra Đồ Sơn tắm biển mấy hôm cho sạch sẽ, mát mẻ
đôi chút, rồi mới bắt tay vào việc được.
Bính không phản đối, nhưng xem ra muốn nằm lỳ ở Quán Bà Mau hơn là
đi tắm biển . “Trưởng giả quá “ Bính vừa nói, vừa bỉu môi .
Tuy nhiên , người cầm tiền bây giờ là Chu Ngọc. Hoàng tạm thời
nhường lại cái chức “Đầu tầu” cho y. Bính có nhõng nhẽo với Hoàng cũng vô ích.
Huống chi Hoàng cũng đang muốn nhổ neo vì ở Đồ Sơn. Hoàng cũng lưu lại nhiều
cảm tình, vô số người đang muốn gặp để kéo đi ngồi nghe sóng biển, mơ dựng
những lâu đài bằng cát cho tương lai ….
Thế là bộ ba tạm sống được 48 giờ lành mạnh ở bãi biển, ra
cái điều cũng “vui vẻ trẻ trung” , không thua gì thiên hạ đâu !
Nhưng đến giờ thứ 49 thì … đành hàng. Chịu không nổi nữa cái mặt
đưa đám và cái giọng ngâm thơ dứt ruột của Bính. Chừng như suốt bao đêm hát
“cháy”. Bính chẳng tìm được cặp mắt nào gọi là xanh xanh một chút cả. Cô nào
cũng nông cạn, vô duyên đến phải khóc thét lên ! Cặp mắt đã vậy, tấm lòng thì :
Lòng em như chiếc lá khoai .
Đổ bao nhiêu nước, ra ngoài bấy nhiêu (5).
Lòng em như chiếc lá khoai .
Đổ bao nhiêu nước, ra ngoài bấy nhiêu (5).
Lời Chu Ngọc : Bính nó khổ quá ! Thôi bọn mình “bốc” về Hà Nội đi.
Cho nó nằm một chỗ nào thật vững, rồi chúng mình còn lo công việc chứ !
Được lắm ! Bính cướp lời, nhưng không về Hà Nội mà ghé Hải Dương
kìa !
Sao lại Hải Dương ? cả Ngọc và Hoàng cũng hỏi dồn dập. Hải
Dương thì khác gì Hải Phòng ?
Bính nháy mắt : Bí mật chưa thể tiết lộ. Hai ông hẵng cứ biết là
đưa Bính xuống tỉnh Đông cái đã. Tới nơi rồi khắc biết lý do.
Chu Ngọc , một nhân vật khá đặc biệt trong giới Văn lâm. Vì thật
ra , Ngọc chẳng hề viết một bài văn nào, chứ đừng nói chi đến xuất bản thành
sách. Thế mà Ngọc quen hầu hết anh chị em trong làng và chẳng bị một ai ghét bỏ
hay phủ nhận. Ngọc khoe với Hoàng rằng đã từng viết nhiều bài báo, phê bình
phim “Cánh Đồng Ma”, lý luận xác đáng và phong phú đến độ thiên hạ mặc nhiên coi
Ngọc như một chuyên viên sân khấu. Rồi Ngọc tự phong cho mình cái danh hiệu
“Đạo diễn”, thì Hoàng cũng biết vậy thôi, và lẽ dĩ nhiên, Ngọc sẽ là Đạo diễn
của Ban kịch Hà Nội, sẽ phụ trách dựng hai kịch : “Thế Chiến Quốc” và “Bóng
Giai Nhân”.
Trong bộ ba Hoàng – Ngọc – Bính. Ngọc là người thực tế nhất :
không gặp đâu hay đó như Hoàng, không đau khổ vớ vẩn như Bính. Cho nên khi xe
lửa tiến vào ga Hải Dương, Ngọc tính toán rất kỹ :
- Qua đêm nay, mai tôi về Hà Nội sớm. Bảo cho Lê Trọng Quỹ biết để
hắn liệu thủ vai Ngô Thì Nhậm trong vỡ “Thế Chiến Quốc”, Ngọc Đĩnh sẽ thủ một
vai quan trọng khác : vai Đặng Trần Thường, những vai còn lại, ít quan trọng,
thế nào trong 24 giờ cũng tìm ra. Chỉ lo vỡ “Bóng Giai Nhân”, vì đó là Kịch Thơ
, một hình thức sân khấu còn xa lạ đối với khán giả, nhất là khán giả nơi đồng
chua, nước mặn vốn là một cửa biển, thích hợp với kỹ nghệ, thương mãi hơn là
chuyện thơ , phú, văn chương. Nhưng cũng may ở điểm kịch “Bóng Giai Nhân” chỉ
có ba vai rưỡi …(mời xem Bóng Giai Nhân và Nguyễn Bính của Mộng Tuyết- Thất
Tiểu Muội trên Gotphieudu.blogspot.com ngày 6/6/2013)
Sao lại … rưỡi ?
Thì cái vai Giai nhân đó. Chỉ là bóng thôi, chỉ xuất hiện trên sân
khấu, dạo qua, dạo lại mấy lần thôi, chứ có nói một lời hay ngâm một câu thơ
nào đâu. Khoản ấy đỡ mệt cho mình lắm nhé !
Nhưng còn ba vai kia ?
Đều là vai nam cả. Bính , tác giả sẽ sắm vai Lý Đạt, thợ đúc gươm.
Hoàng thì sắm vai tráng sĩ đi tìm mua gươm báu. Ổn quá rồi. Chỉ còn việc về Hà
Nội tìm người thủ vai Đạo sĩ nữa là xong. Mà vai nầy nhẹ Kim nó thủ được đấy !
Kim nào ?
Trần Huyền Trân ấy mà (6).
Ừ ! cứ cho là được đi .
Vậy ông Bính chỉ chổ hiện nay vở kịch để ở đâu, tôi về Hà Nội lấy
đem xuống ngay, nội nhật ngày mai thôi. Ông và ông Hoàng sẽ tập dượt với nhau
đi, càng xong sớm càng tốt. Mà … mà …Bính là tác giả tất phải thuộc ít nhiều
chứ ? Ngay ngày mai, trong lúc vắng tôi, hai ông có thể bắt đầu tập dượt theo
phép “truyền khẩu” được rồi .
- Diễn kịch chứ đi ăn cướp đâu mà gấp thế ?
- Còn khó hơn đi ăn cướp nhiều. Không gấp sao được ! Nhưng nói vậy
thì nói chú, ai dám ra lệnh cho các ông !
Từ nãy đến giờ, độc chỉ có Hoàng đối đáp với Ngọc, còn Bính chỉ ậm
ừ, vì bao nhiêu tâm trí còn để vào cả việc “thu lối Thiên Thai”. Bỗng nhiên,
Bính dừng bước, ngó quanh, ngó quẩn, xác định phương hướng, rồi reo lên :
Đây rồi !
Thì ra, hôm còn ở Cảng, Bính đã tỉ tê thế nào, chả biết nói thế
nào với Lan Sơn phu nhân, nên được giới thiệu ngay nhà bà Nghị ở xóm Đầu Ghi …
nơi xuất thân, trước khi về làm vợ một thi sĩ nổi tiếng, đã từng được Thế Lữ ca
ngợi trên tuần báo “Phong Hóa” từ năm xửa, năm xưa, cái thuở ban đầu của phong
trào Thơ Mới .
Nhà bà Nghị quả nhiên sang thật. Tủ chè, sập gụ, câu đối, hoành
phi bóng lộn. Các em đào nương lố nhố đến cả chục, đủ cỡ tuổi từ trăng tròn đến
trăng khuyết, trăng tàn lụi, trăng vô ảnh, vô tung ….
Đích thân bà Nghị ra nói chuyện, mời uống trà và hát một bài cho
quý khách nghe. Giọng hát vững thật, không trách từ 30 năm trước, bà đã nức
tiếng danh ca, khiến cho ông Nghị viên tỉnh Đông nầy say như điếu đổ, phải cưới
làm “đệ nhị phòng”.
Nhưng điều đáng kể nhất là cô con gái của ông Nghị- bà Nghị : Cô
Hoài. Một con người ngọc, thanh sắc lưỡng toàn lại thông thạo chữ nghĩa, tiểu
thuyết của Khái Hưng, của Ngọc Giao, của Thanh Châu … ném tứ tung ngũ hoành
khắp giường ngủ, bàn phấn .
Kịp đến khi người ngọc ra ngồi gieo phách thì – nếu Hoàng không
lầm – cả bộ ba đều bị tiếng sét ái tình giáng xuống cân não ….
Hồng Hồng Tuyết Tuyết
Mới ngày nào chưa biết cái chi chi …. (7).
Mới ngày nào chưa biết cái chi chi …. (7).
Giọng của người ngọc tất phải là giọng ngọc rồi, có khen cũng bằng
thừa .
Tiếng sét ban đầu truyền điện ra càng mạnh, Thế nầy thì không khéo
cả ban kịch Hà Nội với huy hiệu Tháp Rùa cũng bị đánh tan mất !
Nhưng còn may là Chu Ngọc mãi đang tính toán việc dựng kịch, nên
chỉ sét đánh ngất ngư. Nằm ngay đầu sóng, ngọn gió là Hoàng với Bính, lại thêm
ngọn đèn thần ở giữa hai ngọa khách nầy, khiến cho tiếng sét bổ xuống, gặp lửa
càng phản kích sang hai bên. Hoàng và Bính nhận ra tiền thân họ Lưu, họ Nguyễn.
Chỉ phiền nỗi động Tiên có độc một nàng Tiên mà thôi ! Ác thế chứ !
Ác nhất là mai đã lại chủ nhật rồi, mà chủ nhật tức nhiên Hoàng
phải có mặt ở Cảng để thứ hai còn đi dạy học. Vả chăng còn phải ký “bông” trang
trãi mọi thứ và giữ chút đỉnh làm vốn liếng. Ít ra cũng tối thứ ba mới tái đáo
Thiên Thai được. Hận không ?
Hình như Bính đã biết rõ những điều ấy hay sao mà coi bộ đắc ý
lắm.
Xóm GHI không có điện – điện hiểu theo nghĩa đen- nên không có
quạt máy, nóng quá đi mất ! Lại cái đèn “ măng xông “ treo giữa nhà càng tỏa ra
một nhiệt lương kinh khủng. Người ngọc với mặt hoa nhễ nhại mồ hôi thì đứt
ruột cho kẻ si tình biết mấy ! cho nên Bính cứ phải “ … anh hầu quạt “
(8) luôn bên cạnh. Chả biết “lòng anh” có “mở với quạt nầy” không ? nhưng lòng
em “ như chiếc lá khoai “ thì phải, Nghĩa là cô Hoài vẫn có vẻ khủng khỉnh thế
nào ! Ít nói quá, chỉ cười chiếu lệ thôi.
Hoàng đang hận về cái mục trưa mai phải tạm thời “xuống núi” nhìn
thấy cảnh đó càng nóng mắt, đã tính bảo cô ta vào nhà trong đi nghĩ cho được
việc.
Nhưng chưa kịp mở miệng thì bà Nghị đã ra xin phép cho cô con gái
trở gót phòng loan. Đồng thời cũng ra lệnh cho đám “con nuôi” quạt màn để “các
ông ấy” yên giấc.
Đêm nay, hẳn tác giả “Lỡ bước sang ngang” phải hút thuốc lào vặt
nhiều hơn cái đêm “Bắc Giang nằm muỗi”.
Theo đúng kế hoạch, sớm hôm sau Chu Ngọc lên đường từ lúc gà gáy.
Hoàng ngủ lỳ đến 11 giờ và toan ngủ nữa, nhưng Bính lôi dậy cho kỳ
được, để Hoàng còn ra xe di Hải Phòng chứ ! Tử tế quá !!!
Hoàng biết vậy, bèn chỉnh đốn y phục, ăn uống qua loa, rồi chậm
rãi nói chuyện với “ông bạn” :
Còn nhớ chuyện Công Cẩn với Khổng Minh cùng mưu hạ Nam Quận
chứ ? (9).
Lạ gì ! Nam Quận do Tào Nhân trấn thủ, tường đồng, vách sắt mà !
Cái việc trấn thủ mặc người ta. Hẵng nói việc mình. Tôi Khổng Minh
nhường cho cậu, Công Cẩn đem binh tấn công trước, hạ được Nam Quận thì cậu giỏi
và tôi mừng cho cậu. Nhưng nếu thất bại thì đến lượt tôi đấy nhé ! Đừng có than
trời !
Bính đồng ý ngay, coi bộ hùng lắm. Và Hoàng lẳng lặng ra xe. Mặc
cho Bính độc chiếm giang sơn. Yên trí rằng tối nay Ngọc sẽ từ Hà Nội xuống, còn
Hoàng ít nhất cũng phải hai ngày sau.
Càng nghĩ đến chuyện “nhường Nam Quận”
càng thấy mình dại quá. Tuy nhiên, tính Hoàng vốn dĩ “gặp đâu hay đó”, về đến
Cảng là quên ngay.
Thế mà không hiểu sao, suốt ngày thứ hai, Hoàng nóng ruột vô hạn.
Dạy học chẳng ra đâu, tới hôm thứ ba thì đành dạy nốt buổi sáng, rồi ký “bông”
ra xe liền, mấy giờ buổi chiều đã nói khó với một bạn đồng nghiệp nhờ thay tạm
…
Lên đến Hải Dương mới 2 giờ trưa, Hoài còn đang ngủ, mà … không có
ai ngồi quạt bên cạnh mới lạ chứ ! Ô hay, Bính đâu ? Ngọc đâu rồi ? Vắng tanh
thế nầy nghĩa là gì ?
Nhưng, kìa … Hoài đã thức giấc, ngồi dậy quấn lại tóc. Cái dáng vẻ
của người ngọc lúc nầy sao gợi cảm thề ! Bắt gặp một mỹ nhân vừa ngủ dậy mà
thấy đẹp được, xúc động được, mê được … mỹ nhân ấy, mới đích thực là mỹ nhân …
Cho nên Hoàng quên phắt cả hai ông bạn. Quên luôn cả chính mình
đang ở đâu, Và … rồi cũng tiến đến ngồi quạt hầu bên cạnh ….
Mãi đến chiều, Hoài mới đưa cho một mảnh giấy nhầu nát, chẳng biết
lôi từ đâu ra !
Cái ông tóc quăn quăn, ông ấy bảo hễ anh xuống thì trao tận tay
anh .
Thế còn ông kia ?
Thì anh cứ xem trong giấy nói gì đã !
Hoàng tuân lệnh. Thư rằng :” Tôi mắc công việc ở Hà Nội, mãi sáng
thứ hai mới xuống Hải Dương. Lại bán được một tập thơ hộ Nguyễn Bính. Nhà xuất
bản Hương Sơn ấy mà ! Biết rằng ông còn ở Cảng đến chiều tối mới lên đây, tôi
và Bính đành về Hà Nội từ sáng sớm, để còn lãnh tiền tập thơ ấy chứ ! Đợi ông
thì mất đứt một ngày còn gì. Vậy ông tiếp được thư, cũng liệu mà lên gặp chúng
tôi ở Hà Nội ngay nhé ! Công việc đang tiến hành. Ký tên : Chu
Ngọc .
Lên ngay ? lên ngay !... Nhưng lên thế nào được ? Giữa trưa xông
vào nhà hát của người ta, lại tri kỹ vụn cho đến bây giờ, sắp lên đèn cả xóm
rồi. Nói mới nghe dễ thế nhỉ ?
Huống hồ lại đã mất công quạt cho người đẹp mấy tiếng đồng hồ rồi.
Ít nhất cũng phải “neo thuyền” ở đây một đêm chứ !
Mặc dầu nghe hát … một mình …
Có điều lạ là hôm nay Hoài vui ghê lắm. Cứ nhẩy như sáo ất thôi.
Điệu nầy thì Nguyễn Bính hạ Nam Quận chắc không xong. Vả lại nếu thắng trận thì
có thiên lôi cũng chẳng “kích” được Bính ra khỏi tỉnh Đông, chứ đừng nói Chu
Ngọc ! Bán được thơ lại càng có điều kiện nằm lỳ ở đây chú . Ừ … ừ …. Nhất định
không xong rồi .
`Thế là Hoàng cao hứng. Gọi trống phách, đèn đóm cứ tưng bừng. Và
bảo em Hoài rằng : Thôi ! Hát mãi những bài cũ , chán chết ! Đem giấy bút ra
đây, anh viết một bài mới, xem có hay hơn bất cứ bài cũ nào không ?
Và sau đây là bài Mưỡu Nói do chính Hoài đã hát đêm ấy, cho độc
một người nghe
Bấy lâu đáy bể mò kim.
Là nhiều vàng đá, phải tìm trong hoa !
Sông Hoài thuyền ghé lân la.
Giai nhân, danh sĩ là ta với mình.
Nhu hoài nhất phiến.
Gió say nầy quạt đến … cháy vần Ô.
Ai thề hoa ước quạt những ngày xưa ?
Hoa ngại nắng, quạt sầu mưa, ngàn vạn kiếp !
Rao chén, hoa cười, phấn điệp.
Duyên đề, xác quạt nhớ tiền thân.
Mộng Trang Sinh ngủ tại bến Sông Tần.
Muôn cánh quạt xa gần chen cánh bướm …
Ta chẳng có hẹn núi, thề sông, tình trao , duyên ướm.
Chỉ hoa nồng, quạt đượm cứ hoài say.
Say Hoài, quạt chẳng dời tay.
Là nhiều vàng đá, phải tìm trong hoa !
Sông Hoài thuyền ghé lân la.
Giai nhân, danh sĩ là ta với mình.
Nhu hoài nhất phiến.
Gió say nầy quạt đến … cháy vần Ô.
Ai thề hoa ước quạt những ngày xưa ?
Hoa ngại nắng, quạt sầu mưa, ngàn vạn kiếp !
Rao chén, hoa cười, phấn điệp.
Duyên đề, xác quạt nhớ tiền thân.
Mộng Trang Sinh ngủ tại bến Sông Tần.
Muôn cánh quạt xa gần chen cánh bướm …
Ta chẳng có hẹn núi, thề sông, tình trao , duyên ướm.
Chỉ hoa nồng, quạt đượm cứ hoài say.
Say Hoài, quạt chẳng dời tay.
Cũng phải thêm rằng bốn câu Mưỡu chỉ có một câu thật sự của Hoàng
: câu thứ ba. Còn câu 1, câu 2 là tập Kiều và câu 4 mượn tạm của Nguyễn Bính
(10).
Nguyên do đêm đầu tiên gặp em Hoài, Bính đã cùng với Hoàng đặt
liên tiếp hai bài “Hát Hãm”, mỗi bài 4 câu. Như thường lệ, Bính nhập cuộc là ra
quân ngay, mặc dầu chỉ là một câu “tập cổ” :
Bán sinh phong cốt tăng tằng.
Hoàng tiếp
:
Nhu hoài nhất phiến, sao bằng gởi đây.
Bính không ngần ngại : Tỉnh Đông mà có mái Tây.
Hoàng phải nghĩ một phút mới hoàn tất được :
Hồ vơi cung Bắc, lại đầy gió Nam .
Đó là bài “Hãm “ thứ nhất, còn bài thứ hai thì chính là 4 câu Mưỡu
như trên đã chép. Hoàng ra quân trước :
Bấy lâu đáy bể mò kim.
Bấy lâu đáy bể mò kim.
Bính rất thuộc truyện Kiều
Nên tiếp ngay
:
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa.
Hoàng nối thành câu thứ ba, mà điều kiện bắt buộc phải có chữ Hoài
;
Sông Hoải thuyền ghé lân la.
Bính được dịp cười ha hả, vì Bính chỉ có việc lấy câu thơ vẫn ngâm
hằng ngày ra, lựa vần nối luôn, ý lại cũng hợp mới thú chứ . Câu thơ ấy gốc ở
câu nói trong Tam Quốc Chí : “Thiên hạ anh hùng. Sứ quân dữ Tháo “ và Bính vẫn
tự khen là “tuyệt” phải khuyên son đủ 8 chữ :
Giai nhân, Danh sĩ là mình với ta .
Nhưng nếu cứ “khiêng” cả câu nầy vào bài “Hãm” thì lạc vần, nên
Bính đảo lại :
Giai nhân, Danh sĩ là ta với mình.
Giai nhân, Danh sĩ là ta với mình.
Hoàng đề nghị đổi quách ra thành :
Nào ai danh sĩ, ai là giai nhân ?
Nào ai danh sĩ, ai là giai nhân ?
Bính không chịu, bảo rằng tách rời giai nhân ra khỏi danh sĩ là
“nhảm” là “vô tình” …
Bính ơi Bính ! Đêm nay chẳng biết “cậu” đang tự hủy diệt ở xóm nào
? Tôi ngồi nghe hát một mình và em Hoài hát đấy nhé !- Khôngv thể nào quên được
cậu, nên trong bài hát, tôi để nguyên vẹn 4 câu Hãm của tôi và cậu làm Mưỡu,
không sửa một chữ nào ! Quý nhau đến thế Cậu ạ !
Ý nghĩ nầy cứ chìm nổi mãi theo giọng ngọc của giai nhân, khiến
cho Hoàng- chả biết có phải là “danh sĩ” hay không ? chợt cảm thấy tất cả cái
đẹp, cái say của tình bạn ‘ GIANG HỒ VẶT “.
VŨ-HOÀNG-CHƯƠNG
Sài Gòn 01/4/1971.
Trích tập TA ĐÃ LÀM CHI ĐỜI TA ?
(1) Thơ Khiển Sầu (tác giả khuyết danh) có 2 câu :
Nhi nữ đa tình nguyên thị Phật.
Anh hùng mạt lộ bán vi tăng.
Tạm dịch là : Lẳng tính, cô em nguyền kiếp Phật.
Cùng đường cậu ấm nửa làm Sư.
(2) Riêng câu nầy đặt theo kiểu “Gối Hạc”, thật bất ngờ, Bính thích nhất và mỗi khi ngâm đều cười lớn :”Dặt cái gì mà Thuyền, Cầu, Hang, vô nghĩa chi cực, thế mà cũng thú vị chi cực !” Đúng ra Thuyền trỏ vào trận Xích Bích (đốt thuyền), Cầu trỏ vào việc đốt Sạn đạo, Hang trỏ vào việc Khổng Minh đốt cha con Tư Mã Ý tại Bàn Cốc và Cung điện trỏ vào việc Hạng Võ đốt A Phòng cung tại Hàm Dương, ba tháng lửa mới tắt hết.
(3) Trần Tử Anh, tác giả vở kịch xuôi “Thế Chiến Quốc” là 1 sinh viên con nhà giàu, chớ không phải trong nhóm “thơ văn lêu têu”. Chỉ có Chu Ngọc quen mà thôi. Mãi sau Hoàng mới được gặp ở Hà Nội.
(4) Vở kịch thơ Nguyễn Bính lúc bấy giờ cho biết là đã hợp soạn với thi sĩ Yến Lan, nhưng Yến Lan ở miền Trung, Hoàng chưa hề gặp.
(5) Thơ của Nguyễn Bính, đã đăng báo và đã in trong tập nào Hoàng không nhớ rõ.
(6) Trần Kim bút hiệu Trần Huyền Trân, bạn thơ rất thân của Nguyễn Bính.
(7) Hai câu hát nói của cụ Dương Khuê, các đào nương ai cũng thuộc và hay hát bài hát nói nầy nhất.
(8) Chỗ nầy mượn tạm thơ Huy Cận trong bài Ngậm Ngùi :
….. Ngủ đi ! Hãy ngủ ! Anh hầu quạt đây.
Lòng em mở với quạt nầy ….
(9) Truyện “Tam Quốc Chí” hồi thứ 51;
Tào Nhân đại phá Đông Ngô binh.
Khổng Minh nhất khí Chu Công Cẩn.
(10) Hát ả đào vốn là một lối “văn chơi”, không phải là văn “dạy đời” hay “cứu nước”, do đó trong bài, tha hồ vay mượn cổ nhân. Thí dụ 4 câu Mưỡu có thể lấy nguyên văn Truyện Kiều cũng cứ được. Hai câu thơ (thất ngôn hay ngũ ngôn) cũng tha hồ tập cổ.
Tuy nhiên ở bài nầy của Hoàng chỉ mượn hai câu trong truyện Kiều là nguyên vẹn thôi (Tập Kiều).
Nhi nữ đa tình nguyên thị Phật.
Anh hùng mạt lộ bán vi tăng.
Tạm dịch là : Lẳng tính, cô em nguyền kiếp Phật.
Cùng đường cậu ấm nửa làm Sư.
(2) Riêng câu nầy đặt theo kiểu “Gối Hạc”, thật bất ngờ, Bính thích nhất và mỗi khi ngâm đều cười lớn :”Dặt cái gì mà Thuyền, Cầu, Hang, vô nghĩa chi cực, thế mà cũng thú vị chi cực !” Đúng ra Thuyền trỏ vào trận Xích Bích (đốt thuyền), Cầu trỏ vào việc đốt Sạn đạo, Hang trỏ vào việc Khổng Minh đốt cha con Tư Mã Ý tại Bàn Cốc và Cung điện trỏ vào việc Hạng Võ đốt A Phòng cung tại Hàm Dương, ba tháng lửa mới tắt hết.
(3) Trần Tử Anh, tác giả vở kịch xuôi “Thế Chiến Quốc” là 1 sinh viên con nhà giàu, chớ không phải trong nhóm “thơ văn lêu têu”. Chỉ có Chu Ngọc quen mà thôi. Mãi sau Hoàng mới được gặp ở Hà Nội.
(4) Vở kịch thơ Nguyễn Bính lúc bấy giờ cho biết là đã hợp soạn với thi sĩ Yến Lan, nhưng Yến Lan ở miền Trung, Hoàng chưa hề gặp.
(5) Thơ của Nguyễn Bính, đã đăng báo và đã in trong tập nào Hoàng không nhớ rõ.
(6) Trần Kim bút hiệu Trần Huyền Trân, bạn thơ rất thân của Nguyễn Bính.
(7) Hai câu hát nói của cụ Dương Khuê, các đào nương ai cũng thuộc và hay hát bài hát nói nầy nhất.
(8) Chỗ nầy mượn tạm thơ Huy Cận trong bài Ngậm Ngùi :
….. Ngủ đi ! Hãy ngủ ! Anh hầu quạt đây.
Lòng em mở với quạt nầy ….
(9) Truyện “Tam Quốc Chí” hồi thứ 51;
Tào Nhân đại phá Đông Ngô binh.
Khổng Minh nhất khí Chu Công Cẩn.
(10) Hát ả đào vốn là một lối “văn chơi”, không phải là văn “dạy đời” hay “cứu nước”, do đó trong bài, tha hồ vay mượn cổ nhân. Thí dụ 4 câu Mưỡu có thể lấy nguyên văn Truyện Kiều cũng cứ được. Hai câu thơ (thất ngôn hay ngũ ngôn) cũng tha hồ tập cổ.
Tuy nhiên ở bài nầy của Hoàng chỉ mượn hai câu trong truyện Kiều là nguyên vẹn thôi (Tập Kiều).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét