Ông Tố Hữu là người ngồi ở ngôi cao trong hàng
ngũ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, với Văn
nghệ thì ông là đại thủ lĩnh,không có gì phải bàn
cãi.Về thơ ông là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng hiện thực XHCN như
những nhà phê bình có tên tuổi khẳng định.Về nghệ thuật thơ cũng vậy “Thì treo
giải nhất chịu nhường cho ai”như một nhà thơ lão làng đã viết. Câu thơ : “Mường
Thanh,Hồng Cúm,Him Lam/Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng” theo phân tích của
nhà thơ nọ là hai câu thơ mẫu mực vừa kinh điển vừa hiện đại.Ai dám cãi hoa mơ
không trắng vườn cam không vàng. Các cán bộ đi thuyết giảng ai cũng thuộc và
trích dẫn vài câu thơ của Tố Hữu để tăng phần hấp dẫn của bài nói.
Tôi
đã một lần bị một đồng chí chính trị viên dưới đơn vị gửi thư lên Tổng cục
chính trị phê phán là đi nói chuyện thơ cho bộ đội mà chỉ trích thơ Chế Lan
Viên chứ không trích thơ Tố Hữu. Bài thi Văn Trung học và Đại học năm nào mà
chẳng có đề về thơ Tố Hữu, nó đã trở thành quen thuộc như sổ gạo của từng nhà.
Tôi cũng biết vào những năm “Nhân văn Giai phẩm” có một nhà thơ bộ đội viết bài
phê bình thơ Tố Hữu có câu “thơ Tố Hữu như cốc siro pha loãng…”. Như thế thì
nhiều phen “lên bờ xuống ruộng” là phải. Cũng chẳng biết kêu ai,chẳng ai nói
cho biết mình phạm tội gì. Anh có viết một vở kịch tên là “Mưa bóng mây”. Tôi
đùa :
-
Ông cứ coi mọi tai nạn là mưa bóng mây đi, dù nó
là mưa đá. Tôi cũng nghe kể hồi còn trên chiến khu Việt bắc một
lần Tố Hữu định đọc thơ cho Văn Cao nghe, nhưng ông nhạc
sỹ gạt đi “Thơ cậu như ca dao
hò vè có gì mà đọc” tôi nhớ lại lời ông bác
mỗi khi mắng con cháu tội lười biếng hoặc mắc lỗi “Chết là phải”
Vì thế
khi làm thơ chân dung nhà văn tôi phải nghĩ tới Tố Hữu làm
thế nào bài thơ phải xứng tầm với ông. Có thể nói đó là bài thơ tôi viết đi
viết lại nhiều lần mà chưa ưng ý. Hơn nữa viết về ai ngoài đọc kỹ tác phẩm tôi
đều tìm cách tiếp xúc để biết kỹ hơn tính cách của họ. Tôi từng hầu chuyện
nhiều bậc đàn anh,bằng cách này cách khác và học hỏi được nhiều điều. Nhưng Tố
Hữu thì không. Tôi biết ông, thấy ông thì nhiều lần trong những buổi họp hành
về văn nghệ. Tôi nhớ một lần ông tới Tạp chí nói chuyện về tập “Cửa mở” của
Việt Phương. Ông lim dim mắt cao giọng “Đó là tập thơ ba lăng nhăng ,tư tưởng
ba lăng nhăng”. Tôi cũng không thể như nhà văn nọ nổi tiếng “đãng trí” nhưng
lại nhớ rất kỹ ngày sinh Tố Hữu hàng năm tới ngày đó đều đến nhà tặng nhà thơ
lớn một bông hoa hồng. Tôi cũng không thể lấy cớ có tác phẩm mới in mang đến tặng
đại thủ lĩnh.
Tôi
nhớ đời một chuyện, một hôm cùng ông bạn vàng đạp xe dọc đường Phan
Đình Phùng có ngôi biệt thự có “Cành táo đầu hè rung rinh
quả ngọt”. Ông bạn bỗng hỏi tôi :
-Này!
Có bao giờ cậu nghĩ sẽ đến lúc ở trong ngôi
nhà như thế này không?
-Cậu
tưởng mình nằm mê chắc. Ba mươi tuổi mới là thằng Trung úy quèn, bao
giờ mới lên Tướng, họa có mà đảo chính.
Không
ngờ trong buổi họp chi bộ sau đó, ông bạn vàng của tôi mang câu chuyện đó
ra trình làng và nói thêm :
-Tôi
biết đồng chí Sách nói đùa, nhưng đùa như thế
là xuất phát từ tư tưởng thiếu lành mạnh.
May
mà tôi chưa bị ghép vào tội có tư tưởng phản động.
Vậy
thì làm sao tôi dám vào ngôi nhà đó. Nhưng rồi tôi cũng hoàn thành
được bài thơ vào năm 1973, khi Tố Hữu có bài thơ “Máu và hoa” lấy cảm xúc từ sự
kiện Hiệp định Paris .
Tôi nhớ sau khi đọc bài thơ đó tôi cứ lẩm bẩm máu và hoa…máu và hoa, rồi bật ra
cảm hứng viết “Máu ở chiến trường hoa ở đây”.
Hàng năm mỗi khi Tết đến tất cả các báo đều đăng thơ chúc
Tết của Hồ Chủ tịch và thơ Tố Hữu, các báo đều đăng
một bài ấy. Theo quy ước thì các tác giả không được gửi một bài đăng ở nhiều
báo vào cùng thời gian. Ai làm thế sẽ bị cắt nhuận bút và bị phê bình. Nhưng Tố
Hữu là ngoại lệ ai cũng thấy thế là phải, thơ hay đăng càng nhiều càng tốt. Thơ
hay trả nhuận bút cao bao nhiêu cũng không xứng. Một bài thơ lúc đó nhuận bút
từ 8 đến 10 đồng ở báo Trung ương. Cỡ Huy Cận,Xuân Diệu,Chế Lan Viên…có thể từ
12 đến 15 đồng. Như thế cũng là tươm,vì theo Nguyễn Tuân lấy giá bát phở
chín làm bản vị ,ba hào một bát thì một bài thơ cũng cỡ vài ba chục bát, đủ ấm
bụng điểm tâm sáng cả tháng trời. Tôi được biết tờ báo nọ phải đưa ra ban biên
tập bàn bạc khi trả nhuận bút cho Tố Hữu, cuối cùng thống nhất : tiền là 500
đồng cộng một cành đào và một cặp gà trống thiến. Câu này là tôi nghe lại không
biết có đúng không, khi nhận nhuận bút nhà thơ nói :
-Nhuận
bút trả như ri, các nhà thơ ta sống khỏe hí.
Các bài thơ chân dung tôi viết xong đều được anh em đem truyền khẩu hoặc tôi
đọc trước mặt người được viết, riêng bài Tố Hữu mãi đến năm Chân dung nhà văn
ra đời mới xuất hiện công khai. Khi viết xong bài thơ tôi hiểu không thể truyền
bá ra ngoài được,cũng phải biết trời biết đất chứ còn làm sao bây giờ. Có một
nhà văn gửi một bản tường trình lên đại thủ lĩnh tố cáo tôi làm thơ bôi xấu nhà
văn, rồi trích một số bài, nhưng nếu không có bài về Tố Hữu thì không đủ sức
nặng,ông ấy liền mấy câu ở vỉa hè nhại bài Bầm ơi “Bầm ơi có rét không
bầm/Vonga con cưỡi gà hầm con ăn.”Nhưng khi đọc xong Tố Hữu nói :
-
Xuân Sách viết về các nhà văn như thế này thì không
thể viết về tôi như vầy.Tôi chờ.
Và tôi
cũng phải chờ. Một lần nhà văn Đặng Thai Mai gọi tôi đến
nhà riêng. Cụ bảo tôi đọc bài thơ về Tố Hữu cho cụ nghe.Thấy tôi chần
chừ cụ bảo “Cậu sợ tôi phản cậu hay sao?”
-
Thưa bác,cháu đâu dám nghĩ về bác
như thế có điều cháu nghe lời ông Hàn Phi rằng vua
là con rồng có thể gần thậm chí có thể cưỡi lên
mình nhưng tuyệt đối không được sờ vào cái vuốt dưới cằm. Cháu muốn giữ
cái đầu để hoàn thành tập thơ đã.
-
Thế là phải, nhưng đọc riêng cho tôi nghe thôi.
Tôi
lại múa mép ;
-
Đạo trí giả của những người như bác có cái hay trong bụng không
thể không truyền cho người khác, cho phép cháu khoe một chút, bài này hay.
Chúng
tôi ngồi trên sàn nhà bằng gỗ. Cụ gác cằm lên đầu gối nghe xong
cười khùng khục mắng yêu tôi :
-
Thằng tiểu quỷ.**
Mùa
hè năm 1982 tôi lên Tam Đảo nghỉ vài hôm, hồi đó khách vắng
lắm. Một buổi chiều tôi đang đi dạo dưới rặng thông thì nhìn thấy nhà thơ
Tố Hữu đang đi về phía tôi, tôi nghĩ ông không biết tôi nên cứ lẳng lặng đi
qua.Không ngờ ông gọi :
-Xuân
Sách đó à?
-Thưa
vâng chào anh
-
Sách lên đây để viết hay sao?
-Dạ
không ,tôi được cơ quan cho đi nghỉ mát mấy hôm.
-Ra
rứa. Còn mình lên đây có việc.
Tất
nhiên là tôi không hỏi ông việc gì. Ông quàng tay lên vai tôi nói
nhẹ nhàng :
-
Bên Công an họ thu thập được những bài ca dao, đồng dao,chuyện tiếu
lâm thời bây giờ, có đến gần 200 trang đánh máy. Mình lên đây
để đọc cho yên tĩnh.
-
Thưa anh,anh thấy thế nào?
Và tôi
nhận được câu trả lời ngắn gọn bất ngờ :
“Cực
kỳ phản động,cực kỳ hay”
Có hai
ông Tố Hữu trong câu nói này.Tôi nghĩ vậy và chợt
nghĩ giá như lúc này tôi đọc bài thơ viết về ông
mà ông cũng phán một câu như vậy thì tôi yên lòng.Xưa nay nhiều nho sỹ
nhờ có câu thơ,vế đối hay mà thoát chết đó sao.
Thời
gian sau khi tập Chân dung ra đời,có lần ông vào Vũng Tàu.Anh em văn
nghệ đến chào,trong lúc vui chuyện có người hỏi :
-
Thưa bác,bác nghĩ gì về bài thơ chân dung Xuân Sách viết về
bác?
-
Có chi mô, nhà thơ cười nhỏ nhẹ,lão ấy đùa dai
thôi mà.
Một
lần ra Nha Trang gặp gỡ các bạn văn,có người kể rằng hôm gặp
Tố Hữu cũng hỏi ông một câu như vậy.Ông suy tư một lát rồi
trả lời :
-
Anh Xuân Sách viết đúng về tôi.
Tôi
nhớ lần tôi cùng Nguyễn Minh Châu đi chiến trường, một lần ở miền tây Thừa
Thiên, trời mưa không dứt suốt ngày.Tôi đọc thơ :
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa trắng đất trắng trời Thừa Thiên
Châu
hỏi :
-
Thơ ai mà hay vậy ?
-
Thơ Tố Hữu
-
Ông ấy làm thơ giỏi hơn làm quan, ngược lại thì tốt./.
-------------
* Bài viết của cố nhà văn Xuân Sách do con trai ông, anh Ngô
Nhật Đăng gửi và đăng trên Phongdiep.net. Trang Wb của chúng
tôi xin trân trọng giới thiệu lại cùng bạn đọc.
** Bài thơ chân dung Tố Hữu (trong 100 chân dung, nhưng không nói tên tác giả cụ thể nào ):
Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây
XUÂN SÁCH theo Nguyễn Đình Minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét