27 thg 7, 2014

Nước mắt chính khách của Hiệu Minh/ blog HM


Frans Timmermans
Bài “Vụ MH17: Diễn văn của Ngoại trưởng Hà Lan tại LHQ” đăng lên blog, nhiều bạn đọc tỏ vẻ cảm động vì sự chân thực của Ngoại trưởng Hà Lan, ông Frans Timmermans, tại diễn đàn Liên hiệp quốc.

Có lúc ông đã lặng người khi nói ““Họ có được nắm chặt tay với những người thân yêu, có được ôm con cái vào sát trái tim mình hay không? Họ có được nhìn vào mắt nhau vào giây phút cuối cùng để trao nhau lời vĩnh biệt không nói thành lời hay không? Chúng ta sẽ không bao giờ biết được”.

Tuy nhiên, có bạn cho rằng, đó là nước mắt cá sấu. Có tài diễn kịch mới làm chính trị. Điều đó không sai so với thực tế. Nhưng có chính khách này được tin hơn chính khách khác. Lãnh đạo quốc gia này được tin hơn lãnh đạo quốc gia khác.

Ai đã nghe Nelson Mandela phát biểu, xem lại video Martin Luther King nói trước hàng triệu người tại National Mall, Dalai Latma khuyên bảo, Obama nói trên quảng trường Washington DC, có thể từng xúc động.

Trong lễ nhậm chức Tổng thống lần thứ 3 của mình, sau 8 năm tổng thống, và 4 năm thủ tướng, Putin cũng đầy nước mắt trên tivi. Không ít người Nga tin vào giọt nước mắt của ông.

Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Stalin và cả Hitler cũng có những phát biểu thấu trái tim hàng triệu người.

TBT Trọng từng nghẹn ngào không nói lên lời vì không chống nổi tham nhũng do tình đồng chí, bạn bè, không nỡ nặng tay.

Còn bao nhiêu ví dụ khác vì tài dẫn dụ lòng người của các chính khách tầm cỡ thế giới. Họ khóc, họ chảy nước mắt, làm người nghe khóc theo.

Người dễ xúc động bảo đó là sự chân thành. Người tỉnh táo và không tin bất kỳ cái gì, cho là nước mắt cá sấu. Kẻ nửa tin nửa ngờ chẳng biết đâu là sự chân thành hay dối trá.

Thử nghĩ về lời của ông Ngoại trưởng Hà Lan dùng nước mắt cho mục đích nào.

Trong số 298 người bị rơi từ độ cao 10 ngàn mét trên bầu trời miền Đông Ukraine do phiến quân kiểm soát  trên chuyến bay MH17 đi từ Amsterdam về Kula Lumpur, đất nước Hà Lan có gần 200 sinh mạng, một tổn thất lớn trong lịch sử hàng không của nước này.

Hà Lan có diện tích bằng bằng vài tỉnh của Việt Nam, dân số 17 triệu người, thu nhập bình quân gần 50 ngàn USD/năm, GDP đứng thứ 17 trên thế giới.

Ngoại trưởng Hà Lan không trông đợi về tiền bạc, hay trừng phạt ai đó. Ông chỉ muốn người ta đừng mang những xác trẻ em, phụ nữ đang phơi trên cánh đồng lúa mỳ và hoa hướng dương cho những mục đích chính trị đáng khinh bỉ. Ông đòi hỏi sự công bằng, sự đối nhân xử thế của những người có văn hóa đối với linh hồn của người đã mất.

Nhìn vào lịch sử Hà Lan, độ tham nhũng gần như bằng không, một dân tộc hiền hòa, có tầm vóc lịch sự, chiều sâu văn hóa và sức mạnh mềm, ảnh hưởng cả thế giới, lớn hơn nhiều so với diện tích quốc gia, người dân và lãnh đạo đáng tin cậy.

Thời buổi internet, thông tin nhiều, nhưng không phải cái gì cũng đáng tin. Người đọc dễ bị tung hỏa mù, lạc lối. Truyền thông và lãnh đạo dối trá kéo theo nhiều hậu quả về sự xác tín.

Bên nước Nga, người dân đọc những tin về Ukraine lầm tưởng máy bay của Putin, còn “nhìn thấy” máy bay tiêm kích của Ukraine bay cạnh MH17. Phần lớn, truyền thông phương Tây luôn coi Putin và nước Nga đã đứng đằng sau vụ bắn rơi MH17. Bạn đọc tin ai.

Năm 1983, khi tiêm kích của Liên Xô bắn rụng máy bay hành khách của Hàn Quốc, chính phủ Moscow đã chối đây đẩy, máy bay…tự rơi. Cho tới khi phía Mỹ công bố tại UN băng ghi âm cuộc trao đổi của phi công Liên Xô với mặt đất trước khi ấn nút tên lửa, làm chiếc KAL 007 – Boeing-747 – bị bắn rụng làm chết 269 hành khách trên khoang. Khi đó Liên Xô mới chịu.

Nước mắt các chính khách cũng thế, cần phải tỉnh táo nhận ra sự chân thành nằm ở đâu.

Nếu hôm nay, xem lại video clip mà Putin lệ chảy dài trên má trong buổi tái nhậm chức lần thứ 3, có ai còn tin sự thành thực khi ông là kẻ đứng sau những vũ khí hiện đại cung cấp cho phiến quân miền Đông thân Nga và dường như họ đã nhầm lẫn bắn MH71 hành khách bằng hệ thống tên lửa BUK hiện đại. Một đội quân kiểu mafia khó mà tồn tại trong thế giới văn minh.

Bộ trưởng Frans Timmermans và dân Hà Lan khóc thương vì họ thấy đau thực sự. Sau phát biểu của ông, khi chuyến bay đầu tiên đưa xác những người tử nạn trên chuyến bay MH17 từ Ukraine về, hàng vạn người đứng hai bên đường đón linh cữu, thể hiện sự trân trọng những người đã mất. Lời nói đi đôi với việc làm.

Nước mắt cá sấu hay bồ câu của lãnh đạo quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tín chỉ của đất nước ấy có chọn cho mình một đội ngũ đáng được thế giới tin cậy hay không? Và lời nói đi đôi với việc làm?

Khi đó, họ có khóc, người ta có thể tin về sự chân thành của những giọt nước mắt.

HIỆU MINH   25-7-2014       theo Quê Choa .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog