Nhưng trong thực tế, không có lí do gì để tin rằng họ thông minh xuất chúng hay tinh hoa của đất nước. Thật ra, rất nhiều khi họ phát biểu chúng ta cảm thấy ngao ngán, vì người có đầu óc bình thường không ngớ ngẩn đến như thế. Nguyễn Văn Tuấn . Đất nước nầy mãi còn nghèo, khổ là vì có nhiều cái đầu như thế . Gotphieudu .
Cách thức mà các quan chức VN ra qui định giông giống nhau. Họ hí hoáy làm gì đó trong văn phòng một thời gian, rồi đùng một cái họ tuyên bố một qui định trước công chúng. Đó là cách họ làm với chính sách ngực lép không được lái xe. Nay họ lại cho ra chính sách cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Đó là cách làm thiếu nghiên cứu, thiếu minh bạch, và thiếu dân chủ. Rất khó triển khai một chính sách theo kiểu độc đoán ngày xưa cho xã hội văn minh ngày nay.
Đọc qua đề xuất cấm bán rượu bia sau 10 giờ đêm tôi thấy nó rất giống Úc, đặc biệt là bang New South Wales (NSW). Rất có thể các quan chức đã tham khảo hoặc bắt chước luật về alcohol của NSW. Nhưng bắt chước như thế cho VN là một sai lầm nghiêm trọng, bởi vì sự khác biệt cơ bản về hệ thống phân phối rượu bia giữa Úc và VN. Ở bang NSW, tất cả những tiệm (tôi sẽ gọi là shop) bán rượu bia phải có bằng (licence) và dĩ nhiên là đăng kí với Chính phủ. Ngoài các shop bán rượu bia, một số nhà hàng và các pub cũng có quyền bán rượu bia. Ở bang NSW, có luật rằng tất cả các shop bán rượu bia phải đóng cửa đúng vào 10 pm, nhưng các nhà hàng và pub thì vẫn có quyền bán sau 10 pm. Đặc biệt ở các pub, sau 10 pm, họ không cho các em dưới 18 tuổi ở trong pub (các em này thường theo cha mẹ ăn uống ngày cuối tuần trong pub).
Ở VN, hệ thống phân phối rượu bia rất khác Úc. VN không có các shop chuyên môn bán rượu bia theo như luật định của Úc. Có thể nói ở VN ai cũng có thể bán rượu bia. Từ siêu thị, tiệm chạp phô, đại lí, đến nhà hàng lớn nhỏ và các quán ăn ven đường, ai cũng có thể bán bia – không nhiều thì ít. Ở dưới quê, khi có tiệc, người ta chỉ cần nhấc điện thoại gọi đại lí quen thuộc là có rượu bia, bất cứ lúc nào. Trong một môi trường như thế, rất khó để thi hành qui định không bán rượu bia sau 10 giờ đêm.
Ở Úc và các nước như Mĩ, rất nhiều thành phố không có cuộc sống về đêm (night life) như các thành phố ở Châu Á. Do đó, thời điểm 10 giờ đêm được xem là hợp lí. Còn ở VN, vùng nhiệt đới, các thành phố lớn đều có cuộc sống về đêm nhộn nhịp, và 10 giờ đêm chưa phải là quá khuya. Do đó, qui định này sẽ làm ảnh hưởng đến kĩ nghệ du lịch của VN.
Khi được hỏi tại sao 10 pm, có quan chức của Bộ Y tế chống chế rằng uống rượu bia sau 10 giờ đêm có hại cho sức khoẻ. Đây là một biện minh rất hài hước. Uống rượu bia thái quá ở BẤT CỨ giờ nào cũng có hại có sức khoẻ.
Điều quan trọng nhất khi ra một qui định hay chính sách là phải có nghiên cứu. Trước khi ra bất cứ qui định nào, các chuyên gia trong Bộ cần phải làm nghiên cứu hay dựa vào nghiên cứu đáng tin cậy. Không có nghiên cứu thì các qui định sẽ không có cơ sở khoa học, không có chứng cứ, và trở thành phi thực tế. Trong thực tế, các quan chức không có làm nghiên cứu, hay có làm nhưng chất lượng quá kém nên họ không tự tin trình bày cho công chúng xem xét. Thay vào đó, họ hay nói chung chung rằng “dựa vào nghiên cứu”. Có khi họ dựa vào nghiên cứu ở ngoại quốc, nhưng họ không nói cho chúng ta biết nghiên cứu nào! (Mà, hỏi thật, họ thật sự biết đọc một nghiên cứu?)
Nói chung là họ thiếu minh bạch trước khi ra qui định. Nếu muốn thuyết phục công chúng thì các quan chức cần phải chứng minh rằng họ có chuyên môn khá (đủ để công chúng có thể tin cậy) và phải minh bạch các thông tin. Cách nói “chúng tôi thu thập bằng chứng khoa học trong và ngoài nước để làm căn cứ xây dựng” là không thể chấp nhận được. Công chúng cần biết những bằng chứng khoa học đó là gì, ở đâu, ai làm, công bố chỗ nào, v.v. Mà chỉ đơn thuần thu thập cũng chưa đủ, phải cho biết thông tin đó được xử lí ra sao trong việc đề xuất qui định.
Bất cứ qui định nào trước khi triển khai cần phải có tham vấn các thành phần liên quan. Ở Úc, qui định các shop bán rượu bia đóng cửa 10 pm phải trải qua một quá trình nghiên cứu và tham vấn hơn 1 năm trời. Xin nói lại: hơn 1 năm. Họ phải gửi dự thảo qui định cho tất cả các hiệp hội bán rượu bia, các tổ chức cộng đồng, các nhà hàng, pub, v.v. để xin ý kiến. Họ phải tổ chức các buổi hội thảo để bàn luận về qui định mới. Đó là qui trình làm việc dân chủ. Không phải như ở VN, các quan chức đùng một cái công bố qui định trên báo chí, rồi đến khi có phản đối, thì lại nói chỉ mới là “lấy ý kiến” (nghe thật buồn cười).
Ở VN có một quan điểm mà tôi nghĩ rất buồn cười. Hễ cái gì đến từ Bộ, từ trung ương thì đó là chân lí. Các quan chức của Bộ được xem hay tự xem là những tinh hoa của Việt Nam, là những chuyên gia thông minh xuất chúng được chọn vào làm trong cơ quan trung ương. Cái quan điểm này được gieo vào đầu óc của người dân, làm cho người ta tưởng cái gì đến từ Bộ và trung ương là phải đúng. Nhưng trong thực tế, không có lí do gì để tin rằng họ thông minh xuất chúng hay tinh hoa của đất nước. Thật ra, rất nhiều khi họ phát biểu chúng ta cảm thấy ngao ngán, vì người có đầu óc bình thường không ngớ ngẩn đến như thế. Làm việc trong Bộ nói cho cùng là quan chức hành chính, chứ đâu có làm chuyên môn. Do đó, tôi nghĩ tất cả những gì họ làm nên chịu sự giám sát của công chúng, và minh bạch thông tin, dân chủ hoá là một cách để công chúng có thể kiểm soát.
Rượu bia là một vấn nạn ở VN. Điều này thì đã có nhiều người bàn đến, kể cả tôi trong một bài viết trước đây (1). Trong bài viết đó, tôi có đề cập đến kinh nghiệm ở nước ngoài về việc kiểm soát lạm dụng bia rượu, kể cả dùng thuế, tuổi tối thiểu, cấp giấy phép, giờ buôn bán, nhãn hiệu, v.v. Nếu chỉ tập trung vào giờ bán rượu bia là chưa đủ, chưa nói đến tính khả thi quá thấp. Tôi nghĩ bắt chước nước khác một cách mù quáng mà không xem xét đến bối cảnh và văn hoá địa phương rất khó thành công. Càng khó thành công hơn khi cách làm việc thiếu minh bạch, thiếu nghiên cứu, và thiếu dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét