Năm
1963, tôi 12 tuổi, nay vẫn nhớ như in những chuyện đời thường. Trong xóm, chỉ
có gia đình tôi có chiếc Radio, rất vui… Ba tôi mua vé số kiến thiết, đến giờ
mở số ba đi làm chưa về, ở nhà thay phiên nhau ghi từng lô số và nghe ca nhạc.
Sau mỗi lô đều có ca sĩ nổi tiếng Sài Gòn trình diễn, hay nhất là giọng ca của
quái kiệt Trần Văn Trạch: …Xổ số quốc
gia, giúp đồng bào ta, kiến thiết nước nhà … Giàu sang mấy hồi…. Xổ số mau lên,
xổ số mau lên…. Tối thứ bảy là truyền thanh tuồng cải lương, bà con trong xóm
đến ngồi nghe chật cả nhà...
Thời
ấy bọn trẻ chúng tôi chỉ biết ăn, chơi, học…Thế mà vẫn nhớ ở cái đài ấy vào
khoảng nửa đêm, có một chương trình phát thanh “Câu chuyện bên kia bức màn sắt”
kể về đời sống nhân dân miền Bắc...
Cũng
năm ấy, tôi rời gia đình lên thị xã Long
Xuyên, học lớp đệ Thất . Chỉ biết
học, chuyện chính trị, chính em không
quan tâm. Nhưng đến bậc Trung học đệ nhị cấp (cấp 3 ngày nay), quan hệ bạn bè
rộng hơn, sách báo chuyền tay nhau đọc nhiều hơn. Lớp trưởng của tôi là anh
Phan Văn Bảy, người sau nầy là chủ tịch Hội sinh viên đại học Hoà Hảo – An
Giang, UVTT Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang, Đại biểu Quốc hội liên tục kể từ
năm 1976 (nay đã mất). Cô Sáu Việt Bích thì lại giảng về đường lối cách mạng,
về nguỵ quyền Sài Gòn và Đế quốc Mỹ xâm lược... khiến cho học sinh chúng tôi
đang học dưới mái trường “quốc gia” mà lại tiếp thu được tư tưởng cách mạng, rồi
thì áp bức, bóc lột , địa chủ, tham nhũng ,cũng nhận ra “sự yếu kém, sai lầm”
của chính quyền Sài Gòn... Thế là đang
học, biểu xuống đường biểu tình, bãi khoá là đi ngay. Sau nầy mới biết, cô Sáu Việt
Bích là Việt Cộng nằm vùng. Sau 30/4/1975 cô là Trưởng phòng Giáo dục thị xã
Long xuyên, nay còn sống...
Ngày
28/4/1975, chúng tôi nhận nhiệm vụ từ cô Sáu:
Chuẩn bị quân để tiếp quản. Đứa ở đài Viba, đứa ở Ty Giáo dục, Ty ngân
khố ... Còn tôi được nhận công tác ở Phòng Tài chính TX Long xuyên. Vừa công
tác vừa tiếp xúc với báo chí và sách vở ở miền Bắc và cách mạng, còn nhớ thời
gian ấy, trên báo Nhân Dân đăng truyện dài nhiều kỳ “Bão Biển” của Chu Văn, tôi
mê quá…. Rồi thì Mùa Gió Chướng, Chiếc Lược Ngà…. của Nguyễn Quang Sáng, Mẫn Và
Tôi của Phan Tứ, tiểu thuyết hiện đại nhất: Những Khoảng Cách Còn Lại, Đứng
Trước Biển của Nguyễn Mạnh Tuấn viết về cải tạo công thương nghiệp ở Sài Gòn và
phong trào vượt biên… Tôi mê nhất là những cuốn văn học Liên Xô: Thép đã tôi
thế đấy, Xa Mạc Tư Khoa, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang...
Rồi
thì cuộc sống cũng chẳng thấy đi lên được. Cùng với chế độ tem phiếu nghiệt ngã
mà dân miền Nam phải gánh chịu như dân miền Bắc. Ruộng mình làm, mình chăm sóc,
mình thu hoạch...khi hết gạo ăn, chở lúa đi xay lại phải xin giấy phép, nếu
không phép thì bị tịch thu, kể cả lúa khi chưa xay hoặc số gạo khi xay xong vận
chuyển “trái phép” đều bị bắt và tịch thu ngay. Xe Honda đang chạy trên đường, bị chận lại rút
hết xăng ra… Ai mặc quần ống loe thì các anh du kích có sẵn cây kéo rút ra, rọc
một phát cái quần tới háng luôn!...
Theo
một số sách báo miền Nam trước 30/4/1975 có nhắc đến các vụ: Cải cách ruộng
đất, Nhân Văn – Giai phẩm ở miền Bắc, nhưng sau nầy không thấy các báo chí 1975
-1980 nhắc đến. Đầu khoảng 1980, trên báo Tuổi Trẻ có bài viết của ông Trần Bạch
Đằng có nhắc đến. Ông nói rằng, khoảng thời kỳ xảy ra vụ Nhân Văn – Giai phẩm
thì trong miền Nam ông cùng đồng đội kháng chiến, khi lội suối, lội bưng bị cây ô rô khứa đứt thịt da, vì quần áo trong
chiến khu rất hiếm, khi xuống sông thì ở truồng để tiết kiệm. Vậy vụ án nầy
phải trả lời cho ông biết… Nhưng không thấy hồi âm và cũng không thấy thêm bài
viết nào của ông về vấn đề nầy nữa.
Đến
thời kỳ đổi mới 1987 -1988 thấy xuất hiện tiểu thuyết Ly Thân của Trần Mạnh
Hảo, Những Thiên Đường Mù của Dương Thu Hương viết về cải cách ruộng đất. Rồi
thì các truyện ngắn gây chấn động : Người đàn bà quỳ, Tướng Về Hưu, Cái Đêm Hôm
Ấy Đêm Gì ? Tiếng nói của đất …
Nhờ Internet, biết được :
Những cái chết tức tưởi của các nhà văn của Thái Doãn Hiểu. (Trần Nhuong.com)
viết về những cái chết bí ẩn của các học giả, nhà báo, nhà văn kiệt xuất thời
1945 : Sự nghiệp văn chương, không
chừa riêng một ai : Nhà thơ Thu Hồng, Ngô Tất Tố, Nhượng Tống, (kỳ 1) Thiệu
Chửu, Lan Khai (kỳ 2) Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu (kỳ 3)… lại đi trước
các vị trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm.Lịch sử không chọn các vị, mà đã loại các vị ngay những phút
đầu tiên.
Báo
Lao Động chủ nhật phỏng vấn nhà thơ Hữu Loan ở Thanh Hoá mới biết thêm về vụ án
Nhân Văn – Giai phẩm và Cải cách ruộng đất (bà Phạm Thị Lộc vợ của Hữu Loan là
nạn nhân trực tiếp).
Rất
nhiều chuyện muốn biết nhưng không thể nào biết được.
Năm
2010, khi có máy vi tính mới biết thêm: Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, Năm
2000 biết Chuyện bây giờ mới kể của Bùi Ngọc Tấn, Rồng Đá của Lê Mai và Vũ Ngọc
Tiến, mới nhất là Bên Thắng Cuộc của Huy Đức.
Không
hiểu sao: Vụ Nhân Văn – Giai phẩm kết thúc cũng có hậu: Phùng Quán, Trần Dần,
Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang… đều được thả,
trong số nầy có người nhận được giải thưởng nữa, thì tại sao không có được một
kết luận rõ ràng cho bàn dân thiên hạ?...
Vẫn
còn nhiều chuyện cứ u u minh minh, những câu chuyện Bên kia bức màn sắt.
Cho
đến vụ giàn khoan 981 Hải Dương tôi mới được biết Công hàm 1958 của cố Thủ
tướng Phạm Văn Đồng. Dư luận hiện nay đổ trút trách nhiệm cho ông, nhưng theo
thiển nghĩ của tôi, như thế thì tội cho ông quá, trách nhiệm là nơi Chủ tịch
nước, là nơi Bộ Chính trị kia chứ?
Một
Bức màn sắt nữa mới đây do Trung quốc vén lên: Tấm bản đồ ở miền Bắc ghi rõ Tam
Sa – Nam Sa (Hoàng Sa – Trường Sa ) thuộc Trung quốc. Đó là Sách giáo khoa lớp
9 năm 1974 vẫn ghi rõ như thế!
Không
khéo mai mốt Trung quốc đưa tiếp các giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam , biết đâu
ta sẽ biết thêm những câu chuyện từ Bên kia bức màn sắt !
24/7/2014 TRỊNH KIM THUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét