24 thg 1, 2014

NĂM NGỌ : NÓI CHUYỆN NGỰA VIỆT NAM, NGỰA TÀU VÀ NGỰA HY LẠP CỦA TRỊNH KIM THUẤN .


NGỰA SẮT VIỆT NAM.
Chuyện kể rằng: vào đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm làm ăn và có tiếng là phúc đức. Hai ông bà ao ước có một đứa con. Một hôm bà ra đồng trông thấy một vết chân to quá, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai và mười hai tháng sau sinh một thằng bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng lạ thay! Ðứa trẻ cho đến khi lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.
Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ. Bèn truyền cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Ðứa bé nghe tin, bỗng dưng cất tiếng nói: "Mẹ ra mời sứ giả vào đây". Sứ giả vào, đứa bé bảo: "Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này"
.
Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn.
Càng lạ hơn nữa, sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, thành thử phải chạy nhờ bà con, hàng xóm. Bà con đều vui lòng gom góp gạo thóc nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước.
Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, lao vào thiên binh vạn mã toát lên bá khí cường liệt dị thường, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Ðám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn).Thánh Gióng về nhà dập đầu lạy mẹ, tạ ơn công nuôi dưỡng sinh thành rồi lên đỉnh núi Sóc Sơn cưỡi ngựa bay về trời. Vua nhớ công ơn, phong là Phù Ðổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà.
Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Ðổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng tư làng mở hội to lắm. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là làng Cháy. (theo WIKIPEDIA – Bách Khoa toàn thư ) .

NGỰA TÀU
1/- Ngựa Xích Thố - thời Tam Quốc .
Ngựa Xích Thố là 1 con ngựa nổi tiếng trong truyện Tam Quốc. Ngựa Xích Thố ban đầu của Đổng Trác, sau đó Đổng Trác tặng lại cho Lã Bố (con nuôi). Con ngựa nầy dài 1 trượng, cao 8 thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có 1 sợi lông tạp, ngày đi ngàn dậm, trèo non lướt suối dễ dàng. Lúc Lã Bố chết, nó được Tào Tháo chăm sóc, sau tặng lại cho Quan Công (Quan Vũ). Quan Vũ cưỡi ngựa Xích Thố qua 5 ải, chém 6 tướng. Khi Quan Công chết thì nó cũng mất theo ông. Người đời có 1 bài thơ để lại như sau :
                                  Ngàn dậm mù bay tịt nẽo xa.
                                  Trèo non vượt suối khéo xông pha.
                                  Chặt đứt dây cương rung chuop6ng ngọc.
                                  Rồng đỏ trên trời hẳn mới sa.
Trong truyện Tam Quốc cũng có 2 câu đối, nhắc tới ngựa Xích Thố :
- Xích diện bỉnh Xích tâm, Xích Thố truy phong, trì khu thời vô vong Xích đế.
- Thanh đăng quan Thanh sử, trượng Thanh long yển nguyệt, ẩn vi sứ bất quý Thanh thiển.
Theo bản dịch của Phan Kế Bính :
- Bộ mặt Đỏ giử tấm lòng Đỏ, cưỡi ngựa Xích thố truy phong, lúc ruổi rong không quên nhớ vua Đỏ.
- Ngọn đèn Xanh xem bộ sử Xanh, cầm Thanh long đao yển nguyệt, nơi kín đáo chẳng thẹn với trời Xanh.      (theo Bách Khoa toàn thư – WIKIPEDIA).
2/- Ngựa Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử thời Tam Quốc .
Ngựa Dạ chiếu ngọc sư tử toàn thân lông trắng như tuyết, tương truyền 1 ngày có thể đi hàng nghìn dặm. Ngay từ khi mới sinh ra phía dưới cổ đã có 1 hàng lông dầy, trông giống như sư tử, tính khí nóng nảy, sau nầy lớn lên tính khí bớt nóng nảy hơn, buổi tối con ngựa nầy còn phát ra ánh sáng trắng bạc, vì vậy mới có tên là Dạ Chiếu Ngọc Sư Tử. Con ngựa nầy là của Triệu Vân (Triệu Tử Long) sống vào khoảng thế kỷ thứ 2 . Tương truyền, Triệu Vân đóng quân trên núi Trường Bản xuất quân đi đánh trận đều cưỡi Dạ chiếu ngọc sư tử, có lần Triệu Vân cùng ngựa bị rơi xuống hố bẫy sẵn của quân địch, tưởng chừng không thể thoát thân. Nhưng sức của ngựa rất lớn, cuối cùng vẫn nhảy được lên trên miệng hố, cứu chủ nhân thoát chết. Trong bộ tiểu thuyết Thủy Hử cũng từng nhắc đến con ngựa nầy.  (theo Hà My – Baike).
3/- Ngựa Hô Lôi Báo thời Thuyết Đường.
Con Hô Lôi Báo của Thượng Tư Đồ, khi nắm bờm giật, thì Lôi Báo thét lên như cọp rống, phun khói đen ra, khiến các ngựa của đối phương ngã lăn ra, thế là Thượng Tư Đồ chỉ việc bắt sống hoặc phóng thương giết chết đối thủ. Tần Thúc Bảo cũng thế, mới bài kế ăn cắp ngựa Lôi Báo nầy, xong mới dám đánh với Thượng Tư Đồ. Trình Giảo Kim (tên bán muối lậu và ăn cắp bạc Vua) cũng là nạn nhân của Lôi Báo (té ngựa bị bắt sống). Sau khi ăn cắp được ngựa đem về nhốt trong Trại, canh ba Trình Giảo Kim ra tàu ngựa : 1 tay nắm lông bờm, một tay đấm mấy cái trả thù, khiến Lôi Báo gầm lên như sấm, mấy trăm ngựa xung quanh  đều ngã lăn ra, phôn cả bọt mép. Kim cũng giật mình ngã nhào xuống đất. Đứng lên được, cáu tiết vớ nắm lông bờm mà giựt, rồi nhảy lên phóng ra ngoài ải. Con Lôi Báo càng phóng, Kim càng dứt bờm làm cho đám lông thần trụi nhẳn. Lôi Báo đau quá đứng ngược  đầu lên, làm Giảo Kim  lăn đi mấy vòng không ngóc lên được nữa. Lôi Báo thẳng đường  về ải Lâm Dương với chủ cũ. Thượng Tư Đồ thấy ngựa quý trở về mừng lắm, xem đến bướu thì mất cả nắm lông bờm. Tư Đồ làm cách nào, nó cũng không thét được như trước ( từ đây về sau, tới khi Tần Thúc Bảo đánh phá Đồng Kỳ, nó gầm được 1 tiếng ;  sau gầm được 1 tiếng ở Dương Châu trong trận cướp Trạng nguyên, trận ở Mỹ Lương Uất Trì Cung đại chiến, gầm 1 tiếng. Khi qua biển Chinh Đông gầm 1 tiếng sau cùng . ( theo Thuyết Đường, người dịch La Thần – Nhà xuất bản Văn Học năm 2001 ).
NGỰA GỖ THÀNH TROIA  CỦA HY LẠP
Con ngựa thành Troia là con ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã sử dụng để chiến thắng quân Troia, trong cuộc chiến thành Troia. Sau 10 năm chiến đấu ở thành Troia, quân Hy Lạp không thể chiến thắng quân Troia bằng sức mạnh quân đội, nên đã buộc phải làm theo kế của Odyssey là dỡ tàu ra lấy gỗ để làm thành một con ngựa, sau đó giả vờ rút khỏi và chỉ để lại một người. Người nầy có nhiệm vụ đánh lừa quân Troia,  khiến họ tưởng rằng ngựa gỗ là món quà của quân Hy Lạp đền bù cho bức tượng Athena đã bị phá hủy. Thực chất trong con ngựa chứa đầy lính. Khi quân Troia no say sau bửa tiệc chiến thắng, quân Hy Lạp trong bụng ngựa đã xông ra đánh và mở cổng thành cho quân bên ngoài vào. Nhờ có ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã chiến thắng . ( theo WIKIPEDIA – Bách Khoa toàn thư )..
Đó là  chuyện ngày xưa, ngày nay áp dụng lại mưu kế nầy không được rồi, thí dụ Trung quốc tặng ngựa gỗ cho nước ta, khi qua các cửa khẩu sẽ bị các máy soi của Hải quan khám phá ra ngay… mà họ chơi về kinh tế như xuất siêu hàng hóa kém chất lượng sang Việt Nam, xây dựng những phố Tàu trong lòng các thành phố lớn ở Việt Nam, thầu các công trình lớn đưa công nhân Trung quốc sang thi công, mướn rừng đầu nguồn dài hạn …. Phá hoại môi trường như NICOTEX Thành Thái ở Thanh Hóa, Thái Bình , các mỏ khoáng sản dần dần vào người Trung quốc ..…. Thì Việt Nam cũng đủ mệt rồi .
Hồi nhỏ tôi rất mê truyện Lục Súc tranh công, tác giả Vô danh, sáu con vật kể lễ, tranh công với nhau và con nào nói nghe đều có lý cả gồm : trâu, ngựa, chó, dê, gà và lợn, ở đây xin chép lại bài tranh luận của Ngựa :

Ngựa nghe nói tím gan, nổi phổi,
Liền chạy ra hầm hí vang tai :
“ Ớ ! này, tao bảo chúng bay,
Đố mặt ai dày bằng mặt ngựa ?

Tuy rằng thú cũng hai giống thú.
Thú như tao ai dám phen lê.
Tao đã từng đi quán, về quê.
Đã ghe trận đánh Nam, dẹp Bắc .

Mỏi gối nâng phò xã tắc,
Mòn lưng cúi đội vương công,
Ngày ngày chầu chực sân rồng,
Bữa bữa dựa kền loan giá,

Ông Cao Tổ năm năm thượng mã,
Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu gia.
Ông Quan Công sáu ải thoát qua,
Vì cậy có Thanh Long, Xích Thố.

Đã nhiều phen ngăn thành, thủ phủ.
Lại ghe phen đột pháo, xông tên.
Đàng xa xôi ngàn dậm quan sơn.
Ngựa phi đệ một giờ liền thấu.

Các chú đặng ăn no, nằm ngủ.
Bởi vì ta cẩn cán giữ gìn.
Khắn khắn lo nhà trị, nước yên,
Chốn chốn đặng nông bô lạc nghiệp.

Các chú những nằm trong xó bếp,
Tài các người ở chốn quê mùa.
Đừng đừng buông lời nói khật khù,
Bớt bớt thôi chê bai giớn giác.

Nếu tao chẳng lo trong việc nước,
Giặc đến nhà ai để chúng bây ?
Thật biết một mà chẳng biết mười,
Chớ lừng lẫy cậy tài, cậy thế “ .

Ngựa nói lâu, gẫm càng hữu lý,
Vậy chủ bèn phân giải một lời :
“ Đại tiểu các hữu kỳ tài,              (Vật lớn vật nhỏ đều có một nghề tài giỏi riêng)
Vô đắc tương tranh nhĩ ngã “ .    (Không được ganh tỵ nhau).(theo Bach Van Phi)

Nói về Ngựa, cũng không quên được câu nầy : Nhất ngôn ký xuất, Tứ mã nan truy, nghĩa là Một lời nói ra, bốn ngựa khó theo, nhưng thời đại nầy với những lời tuyên bố, hứa hẹn của các bậc lãnh tụ cùng các quan lại đối với dân gần như đêu không thực hiện được, bởi vậy có thêm câu : Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, Quân tử nói đi, nói lại ( nói nhiều lần ) là quân tử khôn .
Đêm rồi, nằm mơ thấy tôi đứng dười chân tượng đài vua Lý Thái Tổ, bụi đá mù mịt….  Vua chảy nước mắt , không hiểu vì bụi đá bay vào mắt hay là vận nước suy đồi.
Thôi thì : ai phải, ai trái , ai thiện , ai ác … luật trời đành phải chịu thôi …  À ! còn câu nầy TỨ MÃ PHÂN THÂY .
Còn dăm hôm nữa là đến Xuân Giáp Ngọ, dù ai : vui nhiều, vui ít. Buồn nhiều, buồn ít, không vui, không buồn …. Tôi xin kính chúc quí vị câu : TRƯỜNG ĐỒ TRI MÃ LỰC nhé ! Cố lên, vấn nạn rồi cũng sẽ qua thôi .

24/01/2014       TRỊNH KIM THUẤN



                 


3 nhận xét:

  1. Biểu hiện suy thoái, không kieen định, tin tưởng, đã có đảng nhà nước lo....

    Trả lờiXóa

Tìm thông tin blog