Chúng tôi tất cả chỉ có
bốn người: Nguyễn Thị Khánh Trâm, Nguyễn Thị Từ Huy, Nguyễn Xuân Diện
và tôi, ngồi âm thầm trong góc một quán cà phê.
Đây là thịnh tình của
Khánh Trâm. Chị muốn có một cuộc hàn huyên để chia tay Từ Huy, người
sắp lên đường sang Pháp học tiến sỹ triết học.
Nhưng suốt hai giờ đồng
hồ, chẳng ai quan tâm gì đến việc học sắp tới của Từ Huy. Câu chuyện
chỉ xoay quanh về thảm trạng đất nước. Không còn cái không khí sôi
nổi như trước kia trong những cuộc tụ họp tương tự. Thỉnh thoảng lại
đặt ra một câu hỏi: Đất nước đi về đâu? Câu hỏi không lời đáp, nhưng
ai cũng linh cảm phần nhiều nó không đi về hướng tươi sáng. Nó vẫn
đang đi về hướng Tàu Cộng, ngày càng cột chặt vào Tàu Cộng. Thỉnh
thoảng lại vang lên một tiếng thở dài: “Mất nước thật rồi”. Cách đây
ít ngày, bạn Thuý Hạnh (Hạnh Tây Hồ), sau khi công an trả tự do trong cuộc biểu tình chiều 19-6 cũng nhắn cho tôi:
“Anh ơi, buồn lắm, mất nước thật rồi, em thấy không còn hy vọng gì
nữa”. Tôi đọc câu ấy mà ứa nước mắt. Tôi thương đất nước bao nhiêu
lại thương Thuý Hạnh bấy nhiêu. Người phụ nữ bé nhỏ ấy, một người
phụ nữ bình dân, nghề nghiệp chẳng liên quan gì đến tư tưởng, học
thuật mà lại có tấm lòng yêu nước thương đời đến thế. Trong khi ấy
hàng chục nghìn giáo sư, tiến sỹ, hàng nghìn văn nhân, thi sỹ, danh
hiệu đầy mình, nhà lầu ô tô rầm rộ, xúng xính trên các diễn đàn mây
mây gió gió, nhưng đến tận giờ này vẫn ngoảnh mặt làm thinh trước
thực trạng thê thảm của đất nước.
Chúng tôi, hai người sống ở Hà Nội, hai người sống ở Sài Gòn, hỏi nhau về tinh thần chung hiện nay của lớp sỹ phu ở hai đầu đất nước. Chẳng thấy có xu hướng gì rõ rệt. Rõ ràng là đang bế tắc. Xuân Diện nhắc lại câu thơ của Bế Kiến Quốc mà tôi lấy làm đề từ cho bài viết nhân kỷ niệm 130 năm ngày Hà thành thất thủ lần thứ hai:
Chúng tôi, hai người sống ở Hà Nội, hai người sống ở Sài Gòn, hỏi nhau về tinh thần chung hiện nay của lớp sỹ phu ở hai đầu đất nước. Chẳng thấy có xu hướng gì rõ rệt. Rõ ràng là đang bế tắc. Xuân Diện nhắc lại câu thơ của Bế Kiến Quốc mà tôi lấy làm đề từ cho bài viết nhân kỷ niệm 130 năm ngày Hà thành thất thủ lần thứ hai:
Thuở ấy non sông lâm trận
giặc
Pháo mã bâng khuâng lạc
thế cờ
Vua thì nhu nhược, triều
đình nát
Lòng ai trung nghĩa hoá
bơ vơ.
Tất cả chúng tôi đắng
ngắt. Khánh Trâm bảo: “Trung nghĩa với đất nước, không phải với vua,
phải không?”. Tôi bảo “Phải. Vua đã nhu nhược mà còn trung thì trung
thế nào?”. Tình cảnh đất nước hôm nay sao giống hệt vậy. Sỹ phu hôm
nay sao cũng giống hệt vậy. Và bi đát hơn nhiều. Bơ vơ, ngơ ngác.
Dường như chấp nhận. Dường như buông xuôi. Nếu việc mất nước hồi nửa
cuối thế kỷ XIX còn có phần tất yếu thì hôm nay hoàn toàn “lỗi tại
ta”, là “nước tự mình đánh mình trước, sau mới bị người ta đánh”.
Trong câu chuyện
cũng nhiều lúc bật lên những tiếng cười, nhưng là cười những tình
huống trớ trêu, dị hợm mà ai cũng đã từng gặp phải khi đối diện
với lực lượng chức năng, với côn đồ, với “quần chúng tự phát” các
kiểu.
Sắp chia tay, tôi hỏi Từ
Huy: “Sau ba năm học xong, nếu lúc ấy nước đã mất (hoàn toàn), em có
trở về nữa không?”.
Từ Huy: “Khó quá! Em chưa
biết làm thế nào!”. Một nụ cười mà phần héo nhiều hơn phần tươi.
Chia tay. Từ Huy lần lượt
ôm lấy từng người bạn. Hình như chúng tôi đều sắp khóc. Không phải
khóc vì sắp chia tay mà khóc vì buồn cho đất nước.
Trở về, tôi băng qua
chặng đường gần 20 cây số dưới cái nắng nóng 37 – 38 độ. Đã qua tiết
hạ chí được mấy hôm, nhưng có lẽ hôm nay mới đích thực là hạ chí.
Thế nhưng tôi không thấy ghê nắng như cái bệnh ghê nắng vốn có của
tôi. Trái lại, tôi cảm thấy nẻo về lành lạnh. Đội ngũ chúng tôi vẫn
bên nhau, nhưng để chia sẻ nỗi niềm hơn là bàn phương kế cứu nước. Kể
từ mùa hè 2011, ba mùa hè trước là ba mùa hè rực lửa đấu tranh chống
Trung Cộng xâm lược. Mùa hè này đáng lẽ phải rực lửa hơn tất cả
thì lại nguội lạnh làm sao!
Về nhà vào Bauxite VN
thấy có bài Quốc thổ trầm luân của nhà giáo Nguyễn Thượng
Long, đọc lại càng buồn não ruột. Gọi điện luôn cho bác Long, lấy cớ
sửa giúp bác một chữ cho đỡ buồn:
Tôi: “Bài viết của bác
lâm ly, thống thiết quá”.
Bác Long: “Buồn lắm ông
ạ, đành than một tiếng, chứ chả biết làm thế nào”.
Tôi: “Anh à, nhiều bản
chép “Quốc thổ trầm luân dân tộc luỵ” là nhầm chữ tuỵ thành
chữ luỵ. Tuỵ ở đây là “khốn khổ”.
Bác Long: “Có phải tuỵ như
trong chữ tiều tuỵ không?”.
Tôi: “Dạ phải. Hán Việt
tự điển của cụ Thiều Chửu còn chú thêm: “Người vì khó nhọc mà gầy
gò đi gọi là nhan sắc tiều tuỵ”. Dân tộc mình cũng thế anh ạ.
Mấy nghìn năm hiển hách, rực rỡ một cõi trời Nam nay thành
một dân tộc tiều tuỵ…”.
Ngoài kia, trời vẫn đang
đổ lửa xuống phố phường Hà Nội, xuống khắp cả đồng quê, rừng núi
Việt Nam. Tiết hạ chí mà lại! Nếu đi bộ lúc 12 giờ trưa, ta giẫm lên
đầu bóng nắng của ta. Nghĩa là những ngày này ánh sáng mặt trời
chiếu vuông góc xuống mặt phẳng trái đất khu vực chúng ta đang sống.
Nghĩa là chúng ta đang nhận được nhiều lửa trời nhất. Chỉ có lửa
trong lòng người dân Việt thì vẫn chưa cháy lên.
ĐÀO TIẾN THI theo Blog Tễu .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét