THIẾU GIƯỜNG BỆNH THÌ . . . PHẢI HỎI NHÀ NƯỚC ! ! !
Với một chính khách là thành
viên Chính phủ như Bộ trưởng, cách thể hiện rõ ràng nhất cái tầm và khả năng
lãnh đạo của vị đó không gì dễ nhận biết bằng những phát ngôn trước công luận.
Kỳ họp thứ năm, quốc hội khóa
XIII đang diễn ra tiếp tục là một kỳ họp nóng bỏng với rất nhiều vấn đề lớn,
trọng đại được đưa vào nghị trình làm việc từ những quyết định mang tầm ảnh
hưởng lâu dài như sửa đổi Hiếnpháp, sửa đổi, bổ sung các Luật cho đến những vấn
đề có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống dân sinh của người dân ở các ngành y
tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính-ngân hàng… Tất cả đem đến sự chờ
đợi và kỳ vọng để mang lại những thay đổi có thể cải thiện đời sống của người
dân ở mức cao hơn, khắc phục, giải quyết những vấn đề còn tồn tại bấy lâu nay.
Một trong những lĩnh vực luôn
luôn nóng với đời sống dân sinh thời gian qua là y tế với những tồn tại kéo dài
từ nhiều năm chưa giải quyết được như giá thuốc tăng cao, tình trạng quá tải ở
các bệnh viện, thiếu giường bệnh, vấn đề y đức của y bác sĩ… Những tồn tại này
đang là gánh nặng của người bệnh mà họ đang hàng ngày đối mặt khi phải vào viện
điều trị. Rất nhiều kiến nghị của cử tri được các đại biểu quốc hội đưa ra tại
các kỳ họp quốc hội, được chuyển tới đúng người cần giải quyết nhưng những tồn
tại của ngành y tế vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng.
Những vấn nạn như tình trạng
quá tải trong các bệnh viện, khiến bệnh nhân phải nằm chung, nằm ghép giường
vẫn tồn tại. Giá thuốc năm sau cao hơn năm trước. Văn hóa phong bì như một yêu
cầu tất yếu khi vào viện chữa trị đang là những gánh nặng đề lên vai người
bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo.
Tuy nhiên, thực trạng này khó
có thể thay đổi trong thời gian tới nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ, rốt ráo,
quyết liệt của lãnh đạo ngành y tế. Người dân không đặt nhiều hy vọng vào vị
đương kim Bộ trưởng Bộ Y tế hiện tại có thể sớm khắc phục những thực
trạng của ngành này bởi những phát ngôn gây sốc và thậm chí thiếu trách nhiệm.
Khắc phục tình trạng phong bì
trong bệnh viện, bà Bộ trưởng đề xuất “Ai thấy bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân thì chụp ảnh gửi cho
tôi”. Đề xuất này của Bộ trưởng
Nguyễn Thị Kim Tiến dường như lại đẩy trách nhiệm và nghĩa vụ chống nạn phong
bì phong bao sang chính người bệnh, mà lẽ ra việc này, Bộ Y tế cần có biện pháp
để cải thiện tận gốc.
Tiếp tục thực trạng phong bì,
trong đợt tập huấn cho các bác sĩ cấp lãnh đạo của các bệnh viện trên toàn quốc
hồi cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng đồng ý cho bác sĩ nhận phong bì sau khi
điều trị với lý do đây là tấm lòng của người bệnh muốn cảm ơn bác sĩ. Tuy
nhiên, sau đó bà Bộ trưởng lại phủ nhận không nói như vậy khiến dư luận tiếp
tục bất ngờ, hoang mang!
Sự bất nhất trong phát ngôn,
nhất là với những vấn đề nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi cho thấy sự lúng túng,
không rõ ràng trong quan điểm của chính mình.
Chưa dừng lại ở đó, trả lời
phỏng vấn của các phóng viên tại kỳ họp thứ năm, quốc hội khóa XIII cách đây ít
ngày, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục “gây sốc” với phát ngôn mới khi
trả lời có phần thiếu trách nhiệm về tình trạng quá tải ở những bệnh viện tuyến
trên, rằng: “Thiếu giường bệnh thì… phải
hỏi Nhà nước”.
Không biết ý bà Bộ trưởng nói
Nhà nước ở đây là ai? Bà là người đứng đầu công tác Quản lý nhà nước về Y tế,
mà lại còn phải đi hỏi “Nhà nước”? Chẳng phải Chính phủ với vai trò lãnh đạo các
cơ quan, bộ, ngành đã giao nhiệm vụ giải quyết các vấn đề của ngành Y tế cho
người đứng đầu hay sao?
Và một khi bà Bộ trưởng đã nói
vậy, thì “Nhà nước” sẽ phải giao việc quản lý ngành Y tế này cho ai đây?
Cách trả lời như vậy của bà Bộ
trưởng Y tế chắc chắn không thể đem lại cho người hỏi và người nghe hài lòng,
càng không thể đem lại sự hy vọng về một sự thay đổi mới về những thực trạng
của ngành y tế trong thời gian tới nếu bà Bộ trưởng có tư duy và cách nghĩ như
vậy.
Qua những phát biểu của Bộ trưởng
Y tế thời gian qua người ta thấy dường như mỗi lần trả lời phỏng vấn là mỗi lần
bà để lại dấu ấn không thiện cảm với công luận. Dường như khi trả lời phỏng
vấn, bà Bộ trưởng chưa phân biệt được vị trí, vai trò của một cá nhân với vị
trí, vai trò của một Bộ trưởng – người được Chính phủ giao (và đã được Quốc hội
phê chuẩn) chịu trách nhiệm về những vấn đề mà ngành Y tế đang cần giải quyết.
Người dân đang mong chờ sự thay
đổi mạnh mẽ từ ngành Y tế và giảm gánh nặng cho người dân nhiều hơn. Với một
người ở vị trí tổng tư lệnh như vậy, mỗi lời nói ra đều được coi là quan điểm
chỉ đạo của ngành, là đường hướng giải quyết tất cả các vấn đề có liên quan đến
ngành mình phụ trách.
Nếu đường hướng đó mà người dân
không đồng tình ủng hộ, không đưa đến một sự hy vọng, dù là chờ đợi thì có lẽ
Bộ trưởng cần phải xem lại mình. Hoặc người dân, cử tri, thông qua “Nhà nước”
đại diện cho mình, sẽ xem xét lại chính Bộ trưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét