(Riêng tặng anh Trương Văn
Tuấn, nghệ danh Trương Ngọc Tài, chồng nghệ sĩ Tô Kiều Lan, năm 1973 ở đoàn cải
lương Hương Dạ Thảo) .
Sau 2 cuộc tổng tiến công năm
1968 (Mậu Thân) của MTGP Miền Nam
vào các thành phố ở miền Nam ,
ngành sân khấu cải lương gặp nhiều khó khăn ..
Các đại ban như : Thanh
Minh-Thanh Nga, Dạ Lý Hương, tập đoàn Kim Chung (có 5-7 gánh), mặc dù các đoàn
nầy có rạp riêng tại Sài gòn , vẫn phải khăn gói lên đường lưu diễn … về vùng
quê các tỉnh xa.
Trong các đoàn hát thời ấy,
khoãng năm 1973, có đoàn cải lương Hương Dạ Thảo nổi tiếng, chuyên diễn tuồng
kiếm hiệp, kép chánh là Phương Bình (ca rất mùi) đào chánh là Bạch Lê ( rất trẻ
- ca hay – diễn xuất tuyệt vì xuất thân là tuồng cổ).
Ngồi buồn đi buôn chơi : Đi
mua giàn gánh hát Hương Dạ Thảo.
Đám chúng tôi có 8 người, bảo
với nhau : tháng nầy xã của mình không gánh hát nào về hát, buồn quá, nghe nói
đoàn Hương Dạ Thảo rất ăn khách, có lãi thì có tiền nhậu, khỏi tốn tiền túi.
Nghe gánh hát ở Tân Thành (Thanh
Bình-Đồng Tháp), nhưng khi đến nơi thì gánh đã chuyển vào Khu 4 (Tam Nông-Đồng
Tháp), phải chi thời ấy có ĐTDĐ thì hay biết mấy !
Mười lăm ngày sau thì mới gặp
được gánh đang hát ở đình Thăm Buông xã Mỹ Hội Đông (Chợ Mới – An Giang).
Tôi còn nhớ lúc ấy : Trưỏng
đoàn là Tư Vẹn, Phó đoàn là Họa sĩ Tài – chông cô đào Tô Kiều Lan. Giá cả xong
xuôi : Mua bán giàn 3 đêm (3 xuất hát), mỗi xuất 100.000 $. Mẫu hợp đồng gánh
hát có sẳn, điều kiện tương đối rõ ràng, ký luôn, đặt cọc 50.000$.
Ra quán cà phê trước cửa đình
Thăm Buông, uống cà phê, chuyện vãng … anh Tài tâm sự :
Trong các nghề có kèm theo
chữ SĨ, chỉ có nghề Bác sĩ, Dược sĩ là giàu có thôi, còn lại là : nghệ sĩ, họa
sĩ, văn sĩ, thi sĩ … đều nghèo cả. Chẳng hạn như : Cậu mười Út Trà Ôn, Thành
Được , xe du lịch đời mới nhất vừa nhập về Việt Nam là 2 người nầy có mua rồi,
nhưng vài,ba tháng sau thì thấy 2 cha đi xích lô đến rạp để diễn … giọng nói
bùi ngùi .
Tôi góp vào : Đó là cái
nghiệp anh ạ ! nếu Út Trà Ôn và Thành Được mà giàu thật, thì anh nghĩ xem họ có
còn là NGHỆ SĨ
THẬT SỰ hay không ?
Các bạn trong bàn cà phê,
không ai phản bác ý kiến nầy.
-
Khi ngồi viết những dòng nấy, nhớ đến sinh hoạt ngành
ca nhạc, cải lương hôm nay với các ca sĩ giàu khủng cùng với tác phong, tư cách
của họ. Buồn quá ! Tự hỏi mấy người nầy có phải đúng là nghệ sĩ hay không ?
ĐÚNG HẸN LẠI LÊN :
Năm giờ chiều, gánh hát Hương
Dạ Thảo đã đến đình An Hòa (Xã Hòa Binh Chợ Mới An Giang), Sân khấu , phong
màn, điện đóm hoàn chỉnh (các gánh lớn đều có máy phát điện riêng ). Cả gánh
hát nhốn nháo : cô đào chánh Bạch Lê không có mặt.
Rao bảng hát thì đã rao rồi.
Áp phích cũng đã dán tùm lum. Vé hát bán được một số.
Thật ra tâm lý người dân nông
thôn đi xem cải lương là xem cho biết mặt và nghe đôi đào kép chánh ca mùi,
đánh kiếm hay, đánh chưởng ác liệt chứ nội dung tuồng tích không quan trọng. Vả
lại nông thôn thời ấy đâu có gì giải trí, một Ấp có khoãng vài mươi cái tivi
trắng đen sử dụng bằng bình ắc cuy, sẳn dịp trai gái hẹn hò …
Bên mua giàn âu lo : khi hát
mà không có cô đào Bạch Lê như lúc rao bảng hát thì khán giả la ó…. Kể cả ra
về, đòi lại tiền vé, thì lỗ BỎ MẸ.
Vợ chồng chủ gánh là kép
Phương Bình + Ngọc Bê (được biết bà Ngọc Bê lớn hơn kép Phương Bình 16 tuổi,
tiền lập gánh là do bà Bê bỏ ra), còn rối hơn chúng tôi.
Ngọc Bê nhờ 1 người trong
chúng tôi chở bà qua Long xuyên để gặp 1 Thừa Phát Lại sang bên nây để lập Vi
Bằng : đêm nay Bạch Lê vắng mặt, tôi nhận trách nhiệm (nhẹ hơn ở nhà lo sắp đặt
ghế ngỗng …)
Trên phà An Hòa qua sông Hậu,
Ngọc Bê lấy bản Hợp Đồng giữa gánh hát với Bạch Lê cho tôi xem, tôi đọc giật
mình : Bạch Lê hát cho đoàn đúng 3 năm, tiền thưởng là 5 triệu đồng, lương mỗi
đêm hát là 10.000$ (lương công chức chúng tôi thời ấy 15.000$/tháng, nuôi đủ vợ
và 2 con và nhậu nhẹt nữa), nhưng mỗi đêm hát Bạch Lê vắng mặt không lý do,
phải bồi thường lại 100.000 $. Sẳn dịp tôi hỏi bà Ngọc Bê lý do tại sao gánh
hát đã đến nơi rồi mà Bạch Lê bỏ đi không hát.
Bà ta trả lời : Nó nhìn cái
đình An Hòa nầy, nó chê đình nhỏ .
Máu nóng thanh niên nổi lên (
lúc ấy tôi 23 tuổi chứ mấy ), lại cục bộ địa phương nữa, thôi được gặp mặt hẳn
hay, hãy đợi đấy !
Thay vì đến Thừa Phát Lại,
tôi chở bà Bê đến gặp ông nội người bạn học rất thân (có thể xem như người
nhà), ông làm việc tại Tòa Án An Giang vừa nghĩ hưu. Ông bảo : khỏi mướn Thừa
Phát Lại tốn tiền, con về gặp Trưởng Cuộc CSQG xã lập Vi Bằng vẫn được, vì
Trưởng Cuộc CSQG Xã là Tư Pháp Cảnh Lại Phụ Tá Biện Lý Tòa Sơ Thẩm mà .
Trên đường về, bà Bê thương
lượng : không có Bạch Lê, gánh vẫn hát, vì có cô đào Tô Kiều Lan thế (Tô Kiều
Lan thời ấy đã nổi danh rồi), gánh hát giảm lại 30.000 $. Về đến đình tôi trao
đổi với các anh em. Mục đích chính là vui. Đồng ý.
Buổi trưa hôm sau, ngồi uống
cà phê với anh Tài (phó đoàn), tôi đem thắc mắc nầy ra hỏi, lý do gì Bạch Lê
vắng mặt, có thật như lời bà Bê nói hay không ?
Anh Tài mới kể : Chiếc chẹt
(chiếc ghe lớn, mũi bằng) chở nguyên gánh hát và đào kép. Vợ chồng chủ gánh đi
bằng xe honda ôm xuống trước. Chiếc chẹt đến vàm rạch An Hòa (cách đình 300
mét), lúc 2 giờ trưa thì mắc cạn vì nước ròng sát. Vừa nắng, vừa đói, người ta
phải xắn quần lội xuống bùnđể lên bờ. Bạch Lê thấy cảnh đối xử của chủ gánh tệ
quá, bất nhẩn, kêu xe honda ôm qua Long xuyên về Sài gòn. Chứ Bạch Lê tánh tình
hiền hậu, dễ mến …
Tôi hỏi thăm thêm 1 số người
trong gánh, ai cũng nói như thế và mọi người tỏ ý không có thiện cảm với Ngọc
Bê.
Nói thì nói thế, chứ bà Bê
cũng cho người về Sài Gòn triệu Bạch Lê về, ngày thứ 3 suất hát chót, khoãng 12
giờ gặp Bạch Lê trong đình An Hòa. Đúng là,Bạch Lê ăn nói nhỏ nhẹ .
Tôi hỏi thử : Tại sao cô chê
cái đình nầy nhỏ ? Nên bỏ đi không hát phải không ?
Bạch Lê : Từ 7,8 tuổi Bạch Lê
đã đi hát rồi ở các đoàn thiếu nhi : đoàn Minh Tơ, Kim Nam đồng ấu (2 đoàn hát
thiếu nhi nầy nổi tiếng thời ấy, đào kép thuở ấy, đến nay nhiều người còn sống
và nổi danh) có đình, chùa miễu nào mà Bạch Lê không hát … tại vì chủ gánh đối
xử với mọi người trong đoàn tệ quá, mới bỏ về, nghĩ lại em làm như thế cũng
không đúng .
Đêm hát chót suông sẽ, khán
giả hoan nghênh quá trời với sự có mặt của Bạch Lê.
Vừa hạ màn, thì gánh hát
chuyển ngay phong màn, rương, đạo cụ … xuống ngay chẹt, kịp con nước lớn, đêm
mai diễn nơi khác.
Phương Bình-Ngọc Bê có làm 1
cái tiệc trong nhà lồng chợ An Hòa đãi ông Trưởng Cuộc CSQG và nhóm mua dàn
chúng tôi.
À ! bà Ngọc Bê giảm cho chúng
tôi 30.000 $, sắc lại của Bạch Lê 200.000 $, tội cho Bạch Lê quá. Đang ngồi
nhậu, tôi khều anh Tài ra ngoài nói : ngày mai, buổi trưa chúng tôi còn ở đây
còn lo dọn dẹp đặng trả lại cái đình cho Ban Tế Tự, anh chịu khó cùng Bạch Lê
đến, chúng tôi sẽ làm Giấy xác nhận là chúng tôi chỉ nhận của bà Bê 30.000 $,
thì Bạch Lê cũng chỉ thường lại cho bả 30.000 $. Chuyện nầy nãy giờ tôi vừa
nghĩ ra. Nghe xong anh Tài xiết chặt tay tôi…
Trưa hôm sau, anh Tài và Bạch
Lê đến. Giấy Biên nhận chúng tôi đã viết sẳn.
Một tháng sau, đoàn hát diễn
tại thị trấn Chợ Mới, lần nầy hát rạp. Anh Tài đến gặp chúng tôi bảo : Thế nào
cũng phải đến Chợ Mới xem hát và phải để cho Bạch Lê gặp mặt nói lời cảm tạ.
Cảm tạ là chuyện nhỏ, Vui mới
là chính. 4 thằng 2 chiếc xe Honda đến Chợ Mới xem cải lương nữa …
Thật ra có xem được hát đâu,
vào hậu trường gặp Bạch Lê nói vài ba câu. Lời ít – Tình nhiều, vả lại vừa đến
lúc Bạch Lê phải ra sân khấu rồi .
Rồi sao nữa ? Anh Tài cùng
chúng tôi ra cái quán nhậu bình dân, kế bên rạp hát chơi tới bến luôn.
Ngồi viết lại những dòng nầy,
kỹ niệm ập về, khi nhắc đến anh Tài, mở mạng mới biết chị Tô Kiều Lan mất đã 10
năm rồi, nếu bạn hữu nào đọc được những dòng nầy biết anh Tài ở đâu (vẫn biết
anh ở Sài Gòn, nhưng cụ thể thì chưa biết) cho anh Tài hay, hoặc cho tôi hay để
có dịp lên Sài Gòn
thăm anh, cái Quỹ thời gian
của chúng tôi đang cạn dần rồi ạ ! Trịnh Kim Thuấn Điện thoại 0977993803
Email galangtu52@gmail.com.
15/6/2013 TRỊNH KIM THUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét