12 thg 6, 2013

BÀI VĂN HAY : LONG XUYÊN : NƯỚC NGỌT GIÓ HIỀN... sưu tầm của TRỊNH KIM THUẤN.


Riêng tặng Anh Chị Vũ Ngọc Tiến và Anh Hoàng trong Ký Sự Miền Tây (Tran Nhuong.com).

Riêng gởi tặng những người  lứa tuổi 50 : từng ở, từng sống ở thành phố Long xuyên, để nhớ lại những ngày xa xưa ấy . . . . .  (T.K.T.)
                        
 Ca dao có câu : Gà nào hay cho bằng gà Cao Lãnh.
                                                    Gái nào bảnh cho bằng gái Long Xuyên.
                            Chị kia búi tóc đuôi gà.
                            Nắm tay chị lại hỏi nhà chị đâu ?
                            Nhà tui ở dưới đám dâu…(Câu ca dao vui . TN.com).

Hồi tôi mới vô Nam, năm 1935, con đường Cái Sơn nầy còn thuộc về ngoại ô, ngồi chiếc xe đò từ Cần Thơ lên, còn thấy hai bên đường nhiều khu vườn rộng trồng xoài, mận, vú sữa, giữa vườn là một ngôi nhà sàn ba gian, hai chái với những ông già búi tóc, bận đồ đen, những thiếu phụ để tóc bánh lái bận hàng Tân Châu (1). Ai nấy đều có vẽ ung dung, an cư lạc nghiệp. Nay thì suốt năm, sáu trăm thước, san sát nhà nóc tôn, lớp trong, lớp ngoài, xe cộ tấp nập đầy đường, người hấp tấp chen chân nhau, phố xá  bẩn thỉu mà chật hẹp, không còn là con đường dạo mát bên bờ sông nữa.

Khỏi cầu Cái Sơn, tôi thở nhẹ nhàng, nơi đây còn những mảnh vườn cũ. Một làn gió nhẹ thoáng qua, đem lại một thứ hương gì quen quen, ngọt ngọt. Tôi ngơ ngác nhìn hai bên đường : phải rồi, hương xoài đây, hương đặc biệt của miền Nam đây. Tôi bồi hồi nhớ lại 45 năm trước. Thời đó cảnh vật  sao mà tươi mát thế : trên các đường làng đâu đâu cũng phảng phất hương mù u, hương xoài, hương cau và trong xóm nào cũng có tiếng chim cu, tiếng cuốc, tu hú tùy mùa. Mười năm nay hương đã hiếm mà ba loài chim đó đã đi đâu mất, ngay đến chim khách, diều hâu, quạ cũng vắng .

Tôi quay về cầu Hoàng Diệu bắc trên rạch Long xuyên, đứng giữa cầu ngắm một hàng  bảy gốc dừa trên bờ rạch trong khu Quân Y viện : thân dừa vươn lên nền trời xanh, mây trắng, tàu dừa phe phẩy dưới gió, lấp lánh dưới ánh nắng, yểu đệu mà bóng bẩy (nơi nầy hiện giờ là Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, hàng dừa không còn nữa  T.K.T.). Phía mặt, bên kia đường lộ, dưới dốc cầu là một bụi ba cây dương, sừng sửng, hiên ngang trấn áp khu Bình Đức. Cả thành phố chỉ còn chổ nầy là cảnh thiên nhiên. Hồi tôi mới tới, cầu còn bằng sắt, hẹp, xe chạy qua nghe rầm rầm (2). Chiếc ghe hầu của tôi thường đậu phía dưới kia .

Một giọng hò văng vẳng từ dĩ vãng xa xăm :

                     Hó ơ …. Long Xuyên nước ngọt , gió hiền,
                     Tàu xuôi Nam Hải, ngược miền Nam Vang.
                     Thương hồ chiếc dọc, chiếc ngang,
                     Tiếng rao lãnh lót, nhịp nhàng chèo khua ….

Mới ngày nào mà thoắt đã non nửa thế kỹ ! Trên 30 năm nay tôi không còn được nghe thứ tiếng xuất phát từ đáy lòng mà dân quê gởi vào lòng trời đất trong những đêm khuya thanh vắng trên cảnh sông nước mênh mông đó nữa. Hết rồi ! Nếu còn thì chỉ còn trên những băng nhạc được ít chục năm nữa là cùng. Hết rồi ghe thương hồ, hết những cô em :

                       Chèo vô Núi Sập , lựa con khô cá sặt cho thật ngon , lựa trái xoài cho thật dòn, đem ra Long xuyên lựa gạo cho thật trắng, thiệt thơm.
                       Em về, em dọn một bữa cơm, để người quân tử. Hò ơ … để người quân tử ăn còn nhớ quê …..

Cái gì cũng có lúc cũng phải hết, nhưng khi truyền thống cũ đã tắt từ mấy chục năm mà chưa có gì để thay thế ….

Tôi không muốn vòng ra công viên Nguyễn Du trên bờ sông Hậu, phía dưới Sở Bưu Điện nữa, nơi mà trước ngày giải phóng, tôi thường lại ngồi trên ghế đá, dưới hàng điệp đỏ để hưởng cảnh gió mát trên sông, nhìn ghe tàu qua lại trước mặt. Vì nơi đó hai ba năm nay đã bị phá để làm chổ chất cát, đá, thùng dầu. Ngay cái hồ nhân tạo ở phía sau công viên, cách công viên một con đường trồng dừa mà tôi gọi là đường Cổ Ngư của Long Xuyên, nay cũng đầy lục bình, chiếc cầu gỗ bắc qua cầu đã gãy nát, chỉ còn trơ hai hàng cọc bê tông tro trẽn .

Tôi bùi ngùi xuống cầu Hoàng Diệu, theo đường Gia Long cũ đi thẳng về nhà. Thăm thành phố bấy nhiêu đã đủ. Từ nay lại ngày ngày nằm trên võng dưới mái hiên, bên gốc mận đỏ mà nhìn mây và đọc sách .

          (theo Nguyễn Hiến Lê )
                                                     11/6/2013    TRỊNH KIM THUẤN
_____________________________________________________________
                                                                                                                   

(1)     Phụ nữ búi tóc sau đầu rồi vài lọn tóc, quấn thành 2,3 vòng nhỏ ở bên búi tóc, kiểu tóc tóc nầy đã mất cũng như kiểu bới tóc đuôi gà ở phía Bắc. Hàng Tân Châu (An Giang) tức là lụa Tân Châu vì địa phương nầy chuyên sản xuất mặt hàng nầy, nhờ trồng dâu và có trại nuôi tầm và trồng nhiều cây mặc nưa để dùng trái nhuộm hàng rất tốt .

(2)     Cây cầu nầy đến năm 1939 mới được bắc bằng bê tông vĩnh cữu , cầu có tên là HENRY.

Cho đến giờ, do giao thông phát triển , ở An Giang bắt thêm 1 cây cầu nữa (đường 2 chiều) kiểu dáng cầu mới y chang cây cầu cũ.  thời đệ I cộng hòa Ngô Đình Diệm đổi tên là cầu Hoàng Diệu cho đến ngày nay .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog