“Mùa nầy, trời miền Nam ,
mưa đang rơi nặng hạt.
Cố nhân còn đâu ? "
Tôi nhắc lại câu cuối cùng
của bài “Để nhớ Nguyễn Bính” hồi mấy năm trên. (bài Để nhớ Nguyễn Bính những
ngày ghé bến Hà Tiên, báo VĂN số 60 ngày 15-6-1966)
Một nhà nho miền Bắc nhận xét
thời tiết miền Nam
qua hai câu :
Tứ
thời giai thị hạ.
Nhứt
vũ tiện thành thu.
Cái mưa đầu mùa phương
Bốn mùa nóng
bức trời đang hạ.
Một
trận mưa rào chợt thấy thu.
Hôm nay trời đang nóng nung
người của thịnh hạ, đột nhiên vào thu sau một cây mưa chiều mát rượi, rửa sạch
bụi hè cho cây, cho lá.
Một chút thu man mát, man mát
vừa đủ để gây nhớ cho lòng người.
Lòng tôi lúc nào cũng mang
nặng một nỗi sầu nhớ miên man vô tận, nhưng mà bây giờ hãy gác lại nó đi. “Vết thương còn chảy máu phải băng bó nó
lại, đừng kích thích nó, khi nào nó lành miệng rồi, chạm vào nó mới thấy một
cái thú chua chát. Nó không còn nhức nhối làm cho ta thét lên, nhưng còn đủ đau
để làm cho ta rên rỉ …” (Thư gởi người đàn bà không quen biết, Nguyễn Hiến
Lê dịch Andre Maurois 1971).
Tôi vâng theo lời khuyên đó
mà liều lĩnh chấp nhận lời yêu cầu của ông thư ký tòa soạn Văn, một lời yêu cầu
mà tôi chẳng dám nhận trước đây. (Tòa soạn VĂN xin được công nhiên ngỏ lời cảm
tạ bà Mộng Tuyết về bài viết nầy và về nhiều tài liệu mà bà đã có lòng cho
mượn).
Lại nhớ Nguyễn Bính, những kỹ
niệm vụn vặt có đủ để cho tôi ghi lại nữa không ? Còn về khía cạnh thi sĩ của
Nguyễn Bính thì đã bao nhiêu nhận xét rồi và tôi cũng từng nghĩ về một khía
cạch nào đó của nhà thơ nầy rồi !
BÓNG GIAI NHÂN VÀ NGUYỄN BÍNH :
Tôi bắt chợt cái tiểu nhan
bài nầy của nhà văn lão thành Vũ Bằng, vì nhờ nó mà tôi mới nhớ đến vở kịch thơ
“Bóng Giai nhân” và vài ý mơ hồ nho nhỏ.
Trong đám tài liệu cũ đã bị
mất mát gần hết, còn sót lại một mớ bút tích của các nhà văn bạn bè xưa. Trong
đó có hai bản : cả hai đều in trên giấy Dó đẹp, có những lông tơ óng mỡ như
nhung trên màu vàng cổ điển của nước Việt Nam vương giả.
Một là tài liệu của Tự Lực
Văn Đoàn trong đó có đủ chữ ký của toàn nhóm.
Một là cánh thiếp mời của Ban
kịch Hà Nội in chữ đen trên nền lầu Khuê các màu đỏ :
Ban Kịch Hà-nội
(trình diễn)
Thế Chiến Quốc
Bóng Giai nhân
Tại Nhà Hát Tây Hà-nội tối 10 octobre 1942
Để giúp quỷ Đông Dương Học Xá.
Chỗ ngồi danh dự H
Giá đặc biệt 25 đồng
Nét đặc biệt của cánh thiếp
gấp đôi nầy là mở ra 2 trang trong bày ra một bức vẽ đan thanh thủy mặc :
Một bóng giai nhân áo xanh
hoa lý phất phới cầm chiếc quạt e lệ đứng với một nét lục liễu rủ bóng bên nhịp
cầu son cùng với một vừng cỏ biếc, do nét họa của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung. Toàn
thể bức tranh đẹp và trang nhã lạ lùng .
Một cái vé xem kịch mà được
sửa sang công phu do một họa sĩ thời danh, cách đây 30 năm đã 25 $ thì phải
biết buổi diễn kịch đó có tính cách trang trọng đến ngần nào.
Ngày Nhất Linh đến chơi Đại
Ẩn Am gặp lại tài liệu trên anh đã bồi hồi cảm động, như gặp lại toàn thể anh
em trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, lúc đó kẻ còn người mất, kẻ bên kia, người bên
nầy.
Thì Nguyễn Bính, ngày ở gác
Nam Phong trên bến Hồ Đông gặp lại tấm thiếp Bóng Giai Nhân, chàng thi sĩ tha
hương lúc đó cũng ngạc nhiên thích thú. Nguyễn Bính điều tra mãi xem ai đã gởi
cho tôi.
Bính gặp lại vỡ kịch và tấm
thiếp ngoài sự ngạc nhiên, còn làm cho Bính nhớ lại ngày vàng son cũ, Bính cao
hứng đẽo gỗ làm gươm để độc diễn lại vỡ kịch cho chúng tôi xem. Khi đóng vai
người tráng sĩ cầm gươm báu, bức một sợi tóc thổi ngang lưỡi gươm để thử sức
ngót của thanh gươm đã đúc bằng thép tốt mà vì muốn cho được thiêng, người thợ
rèn đã phải dùng máu của đứa con độc nhất của mình để luyện nên chất thép lạnh
ngời đó.
Bính múa gươm và say sưa ngâm
cao, trút cả nỗi hận đời vào câu : Bao giờ họ Đỗ nên xa mã …
Kể ra thì Bính cũng khéo tay
lắm. Bính đã đẽo thanh gươm gỗ, cũng như Bính đã cưa đoạn tre già, rồi dùng dây
đồng buộc làm chân chế tạo thành một cái điếu để hút thuốc lào .
Vì ở Hà Tiên không tìm đâu ra được điếu , cho nên Bính phải tự tìm cách chế tạo
lấy, Bính khoe mãi về hai công trình đó, vì hình như Bính rất ít làm việc thủ
công .
Suốt đời Bính, người nghệ sĩ
lang thang cũng như trong vở kịch, người tráng sĩ họ Đỗ cầm thanh gươm mới ra
lò với lời căn dặn phải giết ngay người nào mà tráng sĩ gặp được trước tiên
trên đường “hành hiệp”.
Nhưng mà éo le thay, gặp
trước tiên lại là một hình bóng giai nhân uyển chuyển, thướt tha đáng để cho
người ta chiêm ngưỡng, chứ không phải là một nét hiên ngang của người dũng mãnh
để cho tráng sĩ khỏi phải ngần ngại sử dụng lưỡi gươm báu mới rèn xong .
Ngoài đời Nguyễn Bính đã gặp
biết bao nhiêu là “bóng giai nhân” như trong kịch. Vâng ! chỉ toàn là những
bóng giai nhân lảng vảng chập chờn. Éo le và chỉ để cho Bính yêu đơn phương da
diết.
Từ Oanh, người con gái lầu hoa đến người bến Tầm Dương
Dung bé bỏng đều
đã cho thi sĩ lấy đau thương thất vọng làm đề tài. Đã có bao nhiêu tâm tư đổ
chan hòa trên trang thơ chua xót than van, oán hận do những bóng giai nhân đó
dệt nên.
Bao nhiêu bóng
giai nhân đã đi qua trong đời thi sĩ, có lẽ chỉ có người “cố nhân” mà Bính gọi
là “Hương” đã để lại vết hằn sâu đậm nhất trong đời
tình cảm của Nguyễn Bính .
Cho nên chàng
phải mượn hình dung người tráng sĩ lỡ thời mang “giày cỏ”, vác “gươm cùn” lưu
lạc vào phương Nam này.
Thuở đó, đã có
một nhà văn nổi tiếng giang hồ mơ ước :
“Chị Hoài không phải là chị
ruột tôi. Đấy chỉ là một người chị tôi mượn của cuộc đời bừa bộn những oan
trái. Tôi đi xin được người chị hiền ấy ở đâu và tự thuở nào, thực cũng khó mà
chỉ cho rõ được. Tôi chỉ biết rằng từ ngày bắt gặp được chị ấy giữa một cái ngã
tư lộng gió của cuộc đời sống bạo ngược nầy, lòng tôi có thấy ấm và đỡ vắng hơn
trước nhiều. Và ngẫm đến những thôi đường lăng nhăng dở dang một cách rất đẹp
đẽ từ trước đến giờ, tôi phải một lời ước : “ Giá mà ta có một người chị ruột
như vậy ? “ Giá mà thế thì sao ? Thì cuộc đời hiện tại của tôi đã chẳng là cuộc
đời tôi bây giờ nữa …” ( Nguyễn Tuân : Tóc Chị Hoài, xuất bản Lượm
Lúa Vàng, Hà nội 1943 ).
Đã có biết bao
nhiêu danh nhân thế giới nhờ tay bóng quần thoa tán trợ mà nên sự nghiệp, đã
khiến cho Nguyễn Tuân ao ước có một tâm hồn phụ nữ hiểu mình. Nhà văn nầy đã gặp
chị Hoài trong một thời gian nào đó. Rồi chị Hoài biến đi mất, cho nên nhà văn
cứ phải ước mơ có được một người chị, một tâm hồn phụ nữ biết săn sóc, biết an
ủi, biết thưởng thức tài tình của mình. Còn Nguyễn Bính đã có được một chị
Trúc, một người chị tinh thần mà Nguyễn Bính đã mượn làm đối tượng để gởi gấm
tâm sự mỗi khi mệt mỏi. Tưởng rằng người chị đó cũng là một thực chất mà nhận
tâm sự của đứa em giang hồ bất đắc chí, Nguyễn Bính đã được chút an ủi đó rồi !
Trãi bao phen cay
đắng lận đận vì yêu, gởi gấm tâm tình không đúng chỗ. Dù sao Nguyễn Bính cũng
đã dừng chân dưới một mái nhà tranh với một người giai nhân bằng xương, bằng
thịt. Người con gái tròn tròn, thấp thấp của Đồng Tháp miền Nam , đã được Bính thương nhớ vời
vợi trong “Đêm sao sáng “ :
Trông
vời viễn núi xa xanh.
Tưởng
trông rõ mái nhà mình phương Nam .
Tưởng chừng người vợ tào khang.
Đương nhìn lên thấy sao nàng nhớ anh.
Người vợ tào
khang mà Nguyễn Bính đáng lẽ phải mang về Bắc để làm quà cho chị Trúc : một
người em dâu, thì buồn thay Bính phải dời miền Nam này với lời ước hẹn :
Yêu
nhau xin nhớ lấy nhau.
Lấy câu
xum họp, làm câu hẹn hò ….
Nhưng mà cái hẹn
đã không bao giờ thành, khói lửa đã cách ngăn đôi bờ yêu đương vô thời hạn,
Nguyễn Bính đã mang mối hận chung, với nỗi nhớ thương dằng dặt :
Trời
còn có bữa sao quên mọc.
Anh
chẳng đêm nào chẳng nhớ em.
Một người vợ tào
khang “ ở lại “ đã được thi sĩ tha thiết nhớ bằng những lời lẽ chân thành như
vậy, tưởng cũng an ủi được phần nào nỗi xa vắng nhau rồi
Vậy bây giờ vợ
Bính ra sao ? Và đứa con mà Bính để lại là trai hay gái ? Năm nay cũng ở tuổi quân dịch, nếu là trai, mà ngày ra đi
người cha còn mang hình bóng trẻ thơ măng sữa :
Trong mơ con bú chưa rồi.
Lưỡi con đưa đẩy, đôi môi còn thèm .
Gần đây, bây giờ,
người ta nhớ Nguyễn Bính, người ta tưởng niệm nhà thơ thất tình, thất chí của
những vần thơ tài hoa mộc mạc đáng yêu . Bạn bè có sống chung với Bính ít nhiều
đều nhớ thương Bính.
Vậy một “Bóng
giai nhân” đã ngưng đọng thực thụ trong đời Bính, người vợ tào khang, nghe nói
cũng từng viết văn ( theo Kiên Giang- Hà Huy Hà ), thì cô gái viết văn, người
bạn đã chia xẻ một quãng đời với Bính, sao lại chẳng có ít nhiều góp vào trang
tưởng niệm cho được hoàn toàn đầy đủ hơn.
Và bây giờ … Vợ
Bính, con Bính ở đâu, có đọc thấy những dòng thăm hỏi này không nhỉ ?
MỘNG TUYẾT
thất tiểu muội
Tiết Đoan Ngọ - Tân Hợi 1971.
____________________________________________________________________
____________________________________________________________________
Nhà văn, nhà thơ
Mộng Tuyết (1914 – 2007) bút hiệu là Hà Tiên cô, Bạch Thảo Sương, Thất Tiểu
Muội … là thành viên của nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” gồm : Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư
Khê, Trúc Hà.
Hoài Thanh – Hoài
Chân từng nhận xét : “ Còn thơ : hoặc nhẹ
nhàng nhưng dí dỏm hoặc hàm xúc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao
rạo rực, tổng chi là một thiếu nữ, khi tình tự, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người
yêu. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi được đọc thơ tình gửi cho một
người bạn : người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong
tay như đứng nắm cả một niềm ân ái ….
(theo WIKIPEDIA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét