8 thg 6, 2013

CẦN SỚM CHẤM DỨT "TRÒ ĐÙA HOÀNG HỮU PHƯỚC" TRƯỚC QUỐC HỘI của Luật gia TRẦN ĐÌNH THU .

Đã có quá nhiều bài phân tích về những hành vi của ông Hoàng Hữu Phước trước đây, độc giả đã biết, tôi xin không nhắc lại nữa. Riêng tôi thì tôi đã kết luận ông Phước có dấu hiệu tâm thần nhẹ từ lâu rồi. Tôi cũng đã đề nghị quốc hội nên giám định sức khỏe tâm thần của ông ấy.

Nhưng có lẽ việc này quá mới với quốc hội nên tôi cũng không thắc mắc. Một lộ trình giám định sức khỏe tâm thần một đại biểu quốc hội có thể không hề đơn giản vì luật chưa quy định. Vì vậy mà với ông Phước, có lẽ tốt hơn là cho ông ta tại vị cho đến hết nhiệm kỳ.

Nhưng như thế thì quốc hội cũng nên có các biện pháp làm cho ông Phước ít nói trước nghị trường để giữ sự uy nghiêm của cơ quan quyền lực cao nhất. Đơn giản nhất là khuyên ông Phước đừng phát biểu ý kiến gì cả, chỉ ngồi nghe thôi. Hoặc là mạnh tay hơn thì không duyệt các ý kiến phát biểu trực tiếp của ông ta, chỉ chấp nhận cho ông ấy gửi ý kiến bằng văn bản sau đó chuyển lại cho các đại biểu khác. 

Đáng tiếc, ông Phước lại đã có cơ hội “nổ” tung tóe trước nghị trường bằng những lập luận quái gở của mình về Luật biểu tình. Các báo còn dẫn lại lời ông ấy như những phát biểu của một người bình thường. Và rồi các đại biểu quốc hội khác phải nhọc công tranh luận lại với ông ta. Tại sao lại để cho cử tri cả nước phải chịu đựng những lời phát biểu ấy? Tại sao lại làm phiền các vị đại biểu quốc hội đáng kính khác của chúng ta mất công tranh luận với một người có dấu hiệu tâm thần như thế?
*
Tôi không muốn nói về Luật biểu tình nhưng nhân đây tôi nói luôn. Vấn đề Luật biểu tình thật sự đơn giản thế này thôi nếu cần tranh luận:

a.    Cần thiết có luật nhưng chưa phải lúc này.

b.    Cần thiết có luật càng sớm càng tốt.

Tất cả chỉ có vậy thôi, ngoài ra không có gì khác. Người điều hành phiên họp nếu thấy ý kiến nào nói bậy nói bạ ra ngoài hai nội hàm trên (như ý kiến ông Phước) thì cần cắt bỏ liền để giữ tính uy nghiêm của quốc hội chứ! Phát biểu lảm nhảm về từ điển tiếng Việt của từ “biểu tình”, về việc phải hỏi ý kiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế khi xây dựng Luật biểu tình phải chăng là phát biểu của một người tỉnh táo? Quốc hội cần thời gian để lắng nghe những ý kiến mang tính trí tuệ cao, không thể quá rảnh rỗi để nghe ông Phước lên cơn trong nghị trường.
                                                                                
 (Theo   Quê Choa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog