Con rạch rộng khoảng gần chục mét, rong rêu và cỏ năn
mọc kín. Hai bên bở lác đác những cây dâu, cây cậy khẳng khiu. Một
chiếc cầu đá bắc qua con rạch nối con đường mòn
từ làng tôi đến làng Đọ. Cạnh cầu đá có cây đa cổ thụ soi
bóng xuống con rạch. Người ta gọi đó là cây đa Cầu Đá.
Cách đây lâu lắm, không nhớ rõ năm tháng nào, có một
người đàn bà sinh sống ở gốc đa này. Bà khoảng năm chục tuổi, thân
hình nhỏ bé, khuôn mặt phúc hậu. Điểm nổi bật nhất ở bà là trừ khi ăn cơm còn
lúc nào cũng nhai trầu . Không ai biết danh tính và quê quán bà ở đâu, dân làng
quen gọi là bà Trầu.
Ngày ấy hai bên đầu cầu có vũng lội. Làng tôi
bảo vũng lội đó thuộc làng Đọ thì làng Đọ phải đắp. Ngược lại, làng Đọ nói vũng
lầy ấy thuộc địa phận làng tôi. Hai làng cứ đùn đẩy nhau như vậy, nên
vũng lầy rộng mãi ra, khách bộ hành đi lại rất khó khăn. Người gồng gánh bị đổ
vỡ, có những ông bà già trượt ngã, nhất là ban đêm lọ mọ đi qua vũng lầy ấy.
Hiểu nỗi khổ của người qua đường, bà Trầu khi ấy còn
khỏe ngày ngày túc trực bên cạnh vũng lầy. Bà sẵn sàng gồng gánh giúp những
người buôn bán, hoặc cõng ông già bà lão qua vũng lầy. Ban đêm bà thắp ngọn đèn
chai, báo hiệu cho mọi người biết vũng lầy, và cũng sẵn sàng giúp
đỡ người qua đường. Ai cho vài xu hoặc lon gạo, mớ rau tùy lòng, bà
không than thở, van xin. Nắng cũng như mưa, cả những đêm đông rét cắt da thịt,
bà vẫn một mình ở gốc đa, làm công việc đó. Hình bà in đậm òng dân làng và
khách bộ hành.
Vào một buổi sáng, người đi đường không thấy Trầu đứng
bên vũng lầy. Nhìn quanh thấy bà ngồi dựa vào gốc đa. Mọi người gọi, bà
không thưa, tới lay, thì thấy bà đã chết tự bao giờ rồi. Thân hình
nhỏ bé gầy ốm quắt queo như cây sậy với khuôn mặt hiền lành phúc hậu của
bà lạnh ngắt trong bộ bộ quần áo nâu nhiều mảnh vá, miệng bà
vẫn ngậm miếng trầu.
Quanh năm suốt tháng làm nghề ăn xin và giúp người qua lại vũng lầy, bà Trầu
chẳng có tài sản gì ngoài cái niêu đất và ông bình vôi. Dân làng gom góp
tiền mua cho bà chiếc hòm và chôn bà gần gốc cây đa
Bà không có con cái
người thân, nhưng đám tang rất đông. Các cụ trong làng làm lễ rước
hồn bà về chùa để bà nương nhờ cửa Phật. Tám cụ bà đội khăn đóng, mặc áo
tứ thân, thắt lưng điều, cầm bơi chèo, chèo thuyền chở hồn bà Trầu :
Dô
hầy.
Dô hầy .
Nhổ sào mà đẩy!
Mà đẩy thuyền lên!
Ngược dòng bể khổ!
Cho hồn lên tiên!
Chèo
lên cho đến cõi tiên!
Lênh đênh mặt nước về miền bồng lai...
Dô hầy!
Ngôi mộ bà Trầu không không có bia mộ, nhưng mỗi
ngày lại cao thêm, bởi mỗi người khi ngang qua đều bốc một nắm đất đắp
lên để tỏ lòng thương tiếc bà. Cạnh ông bình vôi trên mộ bà lúc nào cũng
có trấu cau tươi. Có tin đồn bà rất linh thiêng, ai muốn cầu xin điều gì
ra thắp nhang thành tâm khấn , bà đều phù hộ. Ngôi mộ vô danh càng cao và
ngày đêm nghi ngút hương khói.
Ngày còn bé tôi
thường đi đánh dậm ở rạch Cầu Đá. Trước khi xuống rạch, tôi cầm chiếc giỏ
khấn trước mộ bà Trầu : “Bà phù hộ cháu được đầy giỏ cá cháu sẽ mua cho
bà quả cau lá trầu tươi !” Có đêm mưa rào, tiếng ếch kêu uôm uôm ở
rạch Cầu Đá, chúng tôi rủ nhau đi bắt, cũng khấn bà Trẩu phù hộ.
Thời gian trôi đi, bao nhiêu đổi thay. Người ta phá
chiếc cầu cổ kính lấy đá nung vôi, thay vào một chiếc cống bê tông. Con đường
được rải nhựa. Cây đa cổ thụ càng già cỗi, bão đánh đổ , dân làng trồng một cây
đa khác. Rạch nước nông cạn hơn, hai bên bờ bị lấn, có chỗ nhỏ tóp lại, trở nên
ngoằn ngoèo. Những cây dâu với những chùm quả chín thẫm ngày xưa cũng bị chặt
hết , bờ rạch um tùm cỏ dại và gai mắc cỡ. Nhưng mộ bà Trầu vẫn không ai xâm
phạm, vẫn có khói nhang, và vẫn có trầu cau bên bình vôi . Dân làng vẫn dành
cho bà tình yêu thương, kính trọng như hàng chục năm trước.
Năm kia tôi về thăm quê, thấy cạnh gốc đa, trước mộ
bà Trầu, mọc lên ngôi miếu thờ , mái ngói đỏ tươi.
Tôi đến thăm thầy giáo Quỳnh, người dạy tôi từ năm lớp
ba, gần sáu chục năm trước. Thấy bảo có người đàn ông khoảng bảy
chục tuổi, đưa con cháu đến nhận mộ và sau đó thuê xây miếu. Người ấy
nói, đây chính là mộ bà tổ cô mình. Câu chuyện mang đậm tính liêu
trai, rằng vào năm Bính Tý, 1936, gia đình ông nội ông
chết đói gần hết, còn lại phiêu dạt khắp nơi. Trong số người phiêu
dạt có bà tổ cô này. Bà không có chồng con, từ nhỏ đã nổi tiếng
hiền hậu, chăm làm, hay giúp đỡ người khác. Sau bao nhiêu năm tìm
kiếm khắp nơi , vừa qua ông được bà tổ cô về báo mộng, chỉ đường cho ông tìm
tới tận nơi bà yên nghỉ.
Không ai tìm hiểu câu chuyện đậm nét liêu
trai kia sự thật đến đâu, ngược lại mọi người rất hoan hỉ với gia đình
người nhận mộ. Dân làng tình nguyện góp thêm công của xây ngôi miếu.
Hôm khánh thành ngôi miếu, cả làng tập trung dâng hương. Ngôi
miếu bà Trầu trở thành một di tích văn hóa tâm linh của làng tôi.
Thầy giáo Quỳnh nói với tôi:
-Dẫu không phải mộ của gia đình người ta thì cũng đáng trân trọng! Một bà
lão ăn xin vô danh, làm được một việc tốt giúp dân,tình cảm đọng lại trong lòng
dân và lan tỏa như vậy . Thời gian tìm đến cái chết , mọi thứ
đều sẽ bị hủy diệt bởi thời gian, nhưng tình yêu tìm đến linh hồn, vì vậy
mà tình yêu bất tử.
Thầy Quỳnh năm nay đã chín mươi tuổi, nhưng vẫn minh mẫn.
Mỗi lời nói của thầy như được chắt lọc từ cuộc sống mà thầy đã trải qua gần
một thế kỷ
Trong lúc nói chuyện về ngôi mộ bà Trầu, thầy bảo ở làng
Vọng có một trường hợp đương đại, hoàn toàn ngược lại với chuyện bà Trầu.
Ở làng ấy, có người tên Lê Đắc, một cán bộ to nhất nhì tỉnh. Thời hàn vi
ông ta được làng xóm cưu mang, nhưng khi làm quan thì độc ác tham lam vô độ.
Ông ta đục khoét, trấn lột dân không trừ cả nơi chôn rau cắt rốn
mình. Hàng chục mẫu ruộng của bà con làng Vọng, bị ông ta ký quyết
định thu hồi, cho Trung Quốc thuê xây dựng nhà máy chế biến cao su.
Gía bồi thường chỉ có 50.000 đồng một mét vuông. Bà con không nhận tiền, không
giao đất vì biết ông ta và đồng bọn cho Trung Quốc thuê, thực tế là bán, giá
500.000 đồng một mét. Ông ta ký lệnh cưỡng chế, cho công an bắt
giam những người chống đối lệnh cưỡng chế đó. Gia đình ông ta giàu sang
ít người sánh bằng nhờ tiền tham nhũng.
Năm kia ông ta bị ung
thư, đưa sang Singapore
chữa gần một năm, tốn kém hàng chục tỷ không thoát chết. Lễ tang tổ chức trên
tỉnh rất linh đình, nhưng tuyệt nhiên không có người dân làng Vọng nào, ngay cả
người trong họ Lê đi viếng.
Thầy giáo Quỳnh nói với tôi:
- Không biết của cải ông ta để lại, con cháu ông có giữ được lâu không, nhưng
cái tình của ông với dân làng thì hết sạch rồi, có chăng chỉ còn bia
miệng tiếng đời!
Tôi thắp nén nhang
trong miếu thờ bà Trầu. Lời thầy Quỳnh vẫn văng vẳng bên tai tôi:
-Thời gian tìm đến cái chết, tình yêu tìm đến linh hồn, vì vậy tình yêu là bất
tử. Tình yêu làm cho người ta đáng sống, hận thù làm cho người ta phải
sống và, dù đi đâu ở đâu thì mình cũng là một phần của mảnh đất này !
MINH DIỆN (BVBONG)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét