Năm 1963, giới sử học miền Bắc đem Phan Thanh Giản ra bàn luận và kết tội “bán nước”. Các sử gia miền Bắc họ viết sử không theo chính kiến của họ được, mà phải viết theo ........ ngay cả bây giờ cũng thế ! (Gót Phiêu Du).
Lễ an vị tượng Đại học sĩ Phan Thanh Giản
tại trường Trung học Phan Thanh Giản, Bến Tre năm 2009.
|
Mặc dù suốt hàng chục năm qua, người ta đã cố gắng tìm mọi bằng chứng để giải oan cho ông lão ấy, giới trí thức và các tổ chức chuyên ngành đã mạnh dạn đưa ra những luận cứ khoa học chính xác để khẳng định ông lão ấy là một nhà yêu nước đáng được tôn vinh.
Vậy mà mãi cho đến nay, dường như nỗi oan khuất vẫn còn lấp ló đâu đây, niềm đau vẫn còn rõ ràng đó, nước mắt vẫn âm ỉ rơi. Và, vẫn còn những lời râm ran kết tội bán nước cho một ông già hơn bảy mươi tuổi. Ông lão ấy bán nước, để được cái gì?
Đó là một nhân vật lịch sử không còn xa lạ, giới sử học đã từng bàn luận rất nhiều: Phan Thanh Giản.
Phan Thanh Giản là Tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ, đại thần ba triều Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Pháp tấn công nước ta, triều đình cử cụ Phan ký Hòa ước Nhâm Tuất. Đúng là chính cụ đã ký Hòa ước nầy, nhưng là quan trong triều làm sao có thể trái lệnh vua? Đó là chủ trương của triều đình mà vị lão đại thần được cử làm người thừa hành. Rồi sau đó cũng chính triều đình bắt ông già gần bảy mươi nầy sang tận Paris để chuộc lại ba tỉnh miền Đông!
Năm 1867, Pháp tấn công ba tỉnh miền Tây, thấy tình thế không cân sức, cụ đã giao thành với điều kiện Pháp giữ lời hứa đảm bảo an toàn cho dân chúng. Rồi cụ uống thuốc độc tự tử ở tuổi 72 để chuộc tội với nước vì cho rằng mình đã làm mất ba tỉnh miền Tây - một cái chết để đổi cho hàng vạn dân chúng được bình an. Trong thư tuyệt mệnh để lại, cụ Phan có câu nói nổi tiếng: “Lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống”.
Như thế là bán nước sao? Cụ đã được nhận một đồng nào từ Pháp? Cái cụ nhận được là lời hứa của Pháp: không gây nguy hại đến tính mạng của dân. Trước sau như một, Phan Thanh Giản cũng chỉ hết lòng nghĩ cho dân. Đã gần đất xa trời, nếu là người bán nước sao cụ không hưởng an nhàn từ lợi ích Pháp ban cho mà lại tự tử? Lỗi đó không phải thuộc về Phan Thanh Giản. Đó là thời cuộc. Đó là lịch sử. Một nước nhỏ bé, lạc hậu và khép kín, đứng trước một cường quốc đầy sức mạnh về quân sự, khoa học. Trong khi, xâm lược thuộc địa đã trở thành một “hiện tượng” tất yếu của thế kỷ. Giả dụ là không có cụ Phan, liệu đất nước có tránh khỏi họa xâm lăng không?
Nói rằng, tôn vinh Phan Thanh Giản là phủ nhận công lao những người kháng chiến, đó là một cách nói hết sức thiếu logic. Khi tôi khen áo trắng đẹp, điều đó không có nghĩa là tôi chê áo đen xấu. Muốn nhận định đúng về trường hợp Phan Thanh Giản, không phải theo kiểu “tôi chủ chiến là đúng, ông chủ hòa là sai” mà phải đặt vào tình hình thời đại. Khi Pháp chiếm miền Tây, các cuộc khởi nghĩa có thành công không? Nhứt là lúc Pháp vừa nổ súng tấn công, trong tay cụ Phan được bao nhiêu quân, vũ khí thế nào? Đánh, chắc chắn sẽ thua, mà thua sẽ dẫn đến thường dân vô tội chết oan, vậy có nên đánh vào lúc đó không? Ta thử giả sử ngày đó cụ Phan biết là thất bại nhưng vẫn đánh thì kết quả thế nào? Người chết vô số, và Pháp sẽ càng thẳng tay đàn áp miền Tây dã man hơn.
Đánh, phải có sự chuẩn bị lực lượng thời gian dài, không phải ngày một ngày hai. Càng không phải lúc nào cũng có thể đánh, mà phải đánh đúng thời cơ mới là người có tầm nhìn. Đánh là “đánh chắc” chứ không phải “đánh bậy”. Chẳng phải ngày xưa, Lê Lợi và Nguyễn Trãi cũng đã từng nhiều năm cố thủ trên núi Chí Linh, thậm chí xin hòa với quân Minh để có thời gian chuẩn bị lực lượng đó sao? Rõ ràng, yêu nước không phải bằng tay chân để bạ đâu đánh đó, mà yêu nước là ở cái đầu. Không phải khen cụ Phan là phủ nhận công lao của những người kháng chiến, mà là trong từng hoàn cảnh khác nhau, mỗi người sẽ có cách giải quyết khác nhau.
GS sử học Đinh Xuân Lâm nhận định: “Nếu ta cứ đánh sáp vô thì nhứt định sẽ phải chịu rất nhiều tổn thất và cuối cùng thì cũng vẫn thua. Vì thế, ông cho rằng, trước tiên Nhà Nguyễn lúc đó cần phải tiến hành một số cải cách, trên cơ sở cải cách lúc bấy giờ thì mới phát triển một số mặt và lúc có đủ điều kiện về vật lực thì mới tính đến chuyện đánh đuổi giặc Pháp. Chúng ta hiện nay đã có đủ căn cứ tư liệu để nói rằng Phan Thanh Giản là một trong những người có tư tưởng đổi mới đầu tiên ở nước ta… Rất nhiều các nhân vật khác nữa cũng nghĩ như thế. Họ đều là những người yêu nước, đều có tinh thần dân tộc mạnh mẽ, họ đều nhận thức mình kém chưa đánh được mà phải chờ thời cơ”.
Lại có một số người cho rằng Phan Thanh Giản là tay sai của Pháp tiêu diệt các cuộc kháng chiến. Nhận định như thế là thiếu chứng cứ lịch sử. Miền Tây mất năm 1867, cụ Phan cũng mất năm đó, thì lấy đâu ra một Phan Thanh Giản nào khác để đàn áp các cuộc khởi nghĩa sau khi Pháp chiếm miền Tây (vì phải khi có xâm lược thì mới có khởi nghĩa chứ).
Hiện nay chưa có một nguồn tư liệu nào đề cập đến việc cụ Phan đàn áp các cuộc khởi nghĩa cả. Trong khi những tên tay sai khác đều có bằng chứng ghi lại ở các tác phẩm lịch sử. Một chi tiết đáng lưu ý, theo chính sử triều Nguyễn, ghi chép của người Pháp và lời kể của nhân dân, thì cụ Phan là một vị quan thanh liêm, có cuộc sống đơn giản, thậm chí kham khổ. Nếu là tay sai Pháp thì cụ có nghèo khó đến thế không?
Người dân miền Nam hiểu rõ về trường hợp Phan Than Giản, nên hầu như ai cũng kính cụ, tình cảm dành cho cụ rất lớn, gọi hành động của cụ là “vì dân nuốt độc”. Nếu không phải người miền Nam kính cụ Phan thì tại sao cụ Đồ Chiểu lại viết “Phải trời cho cán huyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh. Ít người đặng xem tấm bảng phong thần, Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”.
Năm 1963, giới sử học miền Bắc đem Phan Thanh Giản ra bàn luận và kết tội “bán nước”. Sau năm 1975, tất cả đường phố, trường học mang tên Phan Thanh Giản ở miền Nam đều bị đổi tên, các bức tượng cụ bị đập bỏ. Báo chí kể lại rằng năm 1975 tượng cụ ở trường Phan Thanh Giản (Cần Thơ) bị đập, nhiều giáo viên và học sinh đã khóc. Có thể mọi bức tượng Phan Thanh Giản không còn, nhưng người miền Nam đã dựng sẵn tượng đài cụ Phan trong lòng, “tượng đài lòng dân” ấy luôn trường tồn vĩnh cửu.
Tại An Giang, không biết từ khi nào, một ngôi đình thần sừng sững dưới chân núi Ba Thê được dựng lên để thờ Phan Thanh Giản. Nhân dân đã trân trọng tôn vị Hiệp biện Đại học sĩ nầy làm Thành hoàng của làng để tỏ lòng nhớ công ơn của cụ đối với đất nước. Trong đình có một bức tượng cụ Phan được điêu khắc và trang trí tinh tế, mỹ thuật, với vẻ mặt phúc hậu, ung dung. Đây là một trong những ngôi đình hiếm hoi thờ Phan Thanh Giản ở miền Nam . Điều đó nói rằng, nhân dân không cần giới nghiên cứu sử học phải nhận định, cũng không quan tâm giới chuyên môn nhận định đúng hay sai. Vì trong lòng dân, cụ Phan từ lâu đã nghiễm nhiên trở thành một bậc đại công thần rồi! Đối với đồng bào miền Nam , mọi nghiên cứu lịch sử về cụ đều không xứng đáng với tấm lòng của người dân dành cho cụ.
Báo chí cho biết vào những năm 1990, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi về Bến Tre thấy mộ và đền thờ cụ Phan hư hỏng, ông rất xúc động. Ông đã đề nghị tỉnh Bến Tre thiết kế khu đền thờ cụ Phan và xin bỏ ra trên 300 triệu để xây dựng lại. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng từng có lần nói: “Mỗi người yêu nước theo cách của mình. Đừng bắt Phan Thanh Giản yêu nước theo cách của Trương Định và ngược lại cũng đừng bắt Trương Định yêu nước theo cách của Phan Thanh Giản”. Một câu nói có lý, có tình !
Nhà văn Hoàng Lại Giang thì kể rằng ông có làm cuộc thăm dò 15 người, gồm giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu về câu hỏi: “Đánh giá về Phan Thanh Giản, người đương thời có cụ Nguyễn Đình Chiểu, thời hiện đại có Trần Huy Liệu, ông tin ai?”. Cả 15 người đều trả lời: “Tôi tin cụ Nguyễn Đình Chiểu”. Và theo nhà văn, đó là câu trả lời rõ ràng nhứt.
Vậy mà cho đến nay, vẫn còn một số người không hiểu về Phan Thanh Giản, không hiểu tình cảm của người miền Nam đối với cụ, họ vẫn tiếp tục lên án cụ Phan. Sao lại phũ phàng thế? Rõ ràng ở đây, việc thích hay không thích một nhân vật nào đó là quyền của mỗi người, chúng ta không thể ép buộc ai được. Nhưng bàn xét về một vấn đề mang tính chất lịch sử, không thể áp đặt quan điểm chủ quan là thích hay ghét, mà phải nói đến luận cứ khoa học khách quan.
Cố nhà văn Võ Hồng có câu nói rất hay: “Mừng rỡ bấu vào một lời nói của người khác để dồn sức công kích, đó là cốt cách đồ tể. Chỉ căn cứ vào những điều phát biểu mà tự hào rằng hiểu hết tâm hồn một người, đó là cốt cách thầy lang, thầy bùa. Hiểu một người phải hiểu cả những điều người ấy không nói”.
Và cũng xin nhắc lại câu văn tế của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu: “Phải trời cho cán huyền phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh. Ít người đặng xem tấm bảng phong thần, Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”.
Phải, chính vì là bản phong thần nên ít người có thể xem, chỉ có những người thực sự “có lòng” mới xem được, còn những người. Xin đừng lên án người chịu chết cho miền Tây được sống - Phan Thanh Giản!
VĨNH THÔNG/Văn chương Việt theo BUIVANBONG/Blog.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét