3 thg 3, 2015

Ông chủ Rolls-Royce Việt nói về đường dây 500kV, bà Ba Sương của Đoàn Hiếu Minh.



VNN - Đoàn Hiếu Minh - Chủ tịch HĐQT Rolls-Royce Motor Cars Hanoi là một trong những gương mặt nổi bật cho lớp doanh nhân trẻ Việt Nam chia sẻ những suy ngẫm về lớp doanh nhân tiên phong.

Đã từ lâu người Việt quen với từ "Tiên Phong" hay "Tiền Phong". Thế hệ những người đã trải qua chiến tranh hay sống trong những năm tháng đất nước mới thống nhất đều hiểu rất rõ ý nghĩa của "Tiên phong". Những người đi đầu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng đến ngày nay, hai chữ "Tiên Phong" đã bao hàm ý nghĩa rộng hơn. Nó dành cho rất nhiều người không phân biệt giới tính, ngành nghề, tuổi tác... Mỗi cá thể trong xã hội đều có thể nhập nhóm "tiên phong" bằng chính những suy nghĩ, hành động cụ thể trong cuộc sống bình dị hàng ngày.


Tôi may mắn sinh ra sau chiến tranh nên không phải chịu cảnh bom đạn, nhưng thế hệ chúng tôi vẫn chịu ảnh hưởng cả về tinh thần và vật chất từ những gì còn sót lại của thời chiến. Tôi trân trọng những hy sinh của thế hệ đi trước, để ngày hôm nay thế hệ chúng tôi, những người chưa biết đến khói lửa cuộc chiến được sống và hưởng thụ cuộc sống của mình. Tôi cũng ngưỡng mộ những người đã góp phần không nhỏ để xây dựng một Việt Nam hiện tại.

Chính vì lẽ đó, đối với tôi và rất nhiều người khác, ý nghĩa của "tiên phong" được hiểu rất rộng, bao gồm cả những giá trị được mang lại trong thời bình, thời của chúng tôi và các thế hệ sau này. Trong phạm vi chia sẻ lần này, tôi chỉ xin đề cập đến cảm hứng tiên phong của những doanh nhân.

Hai chữ "Tiên phong" trong thời bình có lẽ bắt đầu được thể hiện đậm nét từ năm 1986, khi Việt Nam bắt đầu quá trình "mở cửa". Rất nhiều mô hình mới về phát triển kinh tế được ứng dụng, kinh tế tư nhân bước đầu được chấp nhận. Các doanh nhân đã bắt đầu có cơ hội của mình.

Tôi không còn nhớ rõ lắm vì khi đó còn nhỏ quá, nhưng tôi biết rằng nói đến doanh nhân, đến đổi mới thì đài phát thanh hay báo chí thường nhắc đến Nông trường Sông Hậu và bà Ba Sương. Người phụ nữ này đã mạnh dạn đưa ra một mô hình quản lý mới, một cách điều hành mới, một cách nhìn, cách ứng xử mới về thị trường để nông trường chuyển mình, trở thành hình mẫu của cả nước. Nông dân của nông trường cũng từ đó có cuộc sống tốt hơn gấp nhiều lần chỉ trong một thời gian ngắn.

Sau này lớn lên, có thêm nhiều trải nghiệm, tôi càng hiểu và khâm phục người phụ nữ này hơn, nhất là khi biết gia cảnh của bà Ba Sương lúc về già, không người nương tựa, thậm chí còn bị kiện tụng. Tôi hiểu rằng bà Ba Sương làm được những điều kỳ diệu ở thời điểm đó là vì tâm huyết muốn tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho công nhân của bà, vì trí tuệ và bản lĩnh dám đột phá chứ không vì lợi ích cá nhân.

Chắc chắn mọi người vẫn còn nhớ câu chuyện xây dựng đường dây truyền tải điện 500kv Bắc Nam. Có quá nhiều tranh cãi, quá nhiều phản đối trước khi khởi công công trình. Có những người trực tiếp triển khai đường dây 500kv bị vướng vào vòng lao lý.

Tuy vậy, những người xây dựng đường dây 500kv, đứng đầu là Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các đồng sự của ông, vẫn quyết tâm làm một điều thật có ý nghĩa, có giá trị to lớn - giá trị đó còn nguyên vẹn cho đến hôm nay: Đưa điện từ Bắc vào Nam, để người dân miền Nam không phải sống trong cảnh thiếu điện khi chưa có được nhiều nhà máy điện như bây giờ. Ngày đóng điện đường dây 500kv, Thủ tướng vào tận trại giam để uống rượu chia vui và gắn kỉ niệm chương cho ông.

Tôi luôn kính trọng những con người tiên phong đó, cho dù biết trước khó khăn, phải chấp nhận có những hy sinh nhưng họ vẫn làm, không phải vì họ, mà vì ý thức trách nhiệm của mình với đất nước, với cộng đồng, vì "nếu không làm thì có lỗi với người dân lắm".

Dẫu biết rằng, đôi khi cách nhìn nhận của xã hội dành cho những người tiên phong dám nghĩ, dám làm còn nhiều phiến diện và cực đoan. Nhưng điều đó không làm cho cảm hứng tiên phong chùn bước ,cho dù nhiều người đã phải trả giá.

Một doanh nhân đứng đầu một doanh nghiệp lớn của nhà nước có hơn 10 vạn lao động, vào năm 1997 trước khó khăn của thị trường, hàng hoá không tiêu thụ được, càng làm càng lỗ, dẫn đến nguy cơ mất vốn của Nhà nước, đã quyết định giãn sản xuất. Ông cho người lao động nghỉ làm thứ 7 nhưng vẫn hưởng 70% lương, để giảm hàng tồn kho và tập trung tiêu thụ nhiều hơn.

Ở thời điểm hiện tại, chuyện này là hoàn toàn bình thường, đây là cách điều hành doanh nghiệp theo yếu tố thị trường. Nhưng ở thời đó lại là chuyện khủng khiếp. Dư luận, báo chí lên án ông vì đã làm không đúng chính sách, không đúng kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến đời sống công nhân. Bản thân ông bị kỷ luật.

Liệu ông có tiên lượng được kết quả này không? Chắc chắn là có! Tại sao vẫn làm?

Những người tiên phong luôn có sự can đảm như vậy! Giờ đây, cả nước ai cũng chỉ làm việc 40 giờ/tuần, doanh nghiệp nào cũng phải tự tính toán và quyết định số phận của mình theo biến động của thị trường cho dù là doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước. Dẫn đầu một xu hướng mới có thể rất vinh quang, cũng có thể rất đau đớn. Nhưng sự đau đớn ấy không thể làm nhòa đi ý chí, quyết tâm, ý thức trách nhiệm và trí tuệ của những người đi tiên phong.

Xã hội của thế kỷ 21 đã khác xưa rất nhiều, doanh nhân đã là một thành phần quan trọng không thể thiếu đúng như câu của các cụ ngày xưa "Phi thương bất phú". Họ yêu nước, họ khát khao được đóng góp sức mình để Việt Nam ngày một giàu đẹp, và chính họ đã góp phần không nhỏ đưa hình ảnh Việt Nam ngày một đậm nét hơn, đẹp hơn trên bản đồ thế giới.

10 năm trước chắc chẳng ai nghĩ rằng chúng ta có một toà nhà nằm trong danh sách 22 toà nhà đẹp nhất thế giới như Bitexco Finance Tower, cũng không ai có thể nghĩ ngành thuỷ sản của Việt Nam lại chiếm thị phần rất lớn trên toàn cầu, cũng không thể nghĩ đến việc CLB Arsenal lại lập học viện bóng đá tại Pleiku...

Những thành tựu, những con người ấy ngày một nhiều, ở mỗi lĩnh vực lại thấy thêm nhiều điểm sáng. Những doanh nhân tiên phong trong thời bình đang ngày đêm nung nấu quyết tâm để xây dựng một Việt Nam phát triển.

Tất cả họ đều giống nhau cho dù ở thời chiến hay thời bình, chưa bao giờ vì danh hiệu "tiên phong". Tất cả những gì họ cống hiến không phải vì bản thân mà trước hết vì lòng yêu nước, yêu cuộc sống, yêu những con người xung quanh họ. Điều đó thôi thúc họ phải suy nghĩ đột phá và hành động quyết liệt hơn.

Và trong những con người đó, không chỉ có chữ "Tài" lấp lánh, mà chữ "Tâm" còn toả sáng.

ĐOÀN HIỂU MINH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog