11 thg 3, 2015

Hết lạ lại quen… của Trịnh Kim Thuấn/ PNTB


Chuyện "chạy chức, chạy quyền" đang vô cùng
nhức nhối. Ảnh minh họa/ nguồn 
tinmoi.vn
 
Hôm rồi, đọc bài “Ông Tiến sĩ Thâm hay Dỡ hơi” của ông Đăng Quang, viết từ Sài Gòn, đăng trên tờ tờ Viễn Đông, khiến mình ngứa ngáy hết cả người. Mà ngứa thì kiểu gì cũng phải ‘gãi’ chút chứ không thể nhịn được.

Bài ông Đăng Quang viết rất dài, đọc sốt cả ruột, nên chỉ tóm mấy ý thế này:

Ông Đăng Quang đọc được bài ‘Cần luật hóa hay cho phép chạy chức chạy quyền’trên Báo Đất Việt – Diễn đàn của Liên Hiệp các hội Khoa Học Kỹ Thuật VN. Đó là bài phản ánh ý kiến của ông GS.TS Nguyễn Hữu Tri, cựu viện trưởng Viện Khoa học hành chính. Đại thể ông PGS.TS này đề xuất rằng, cần Công khai hóa và Luật hóa chuyện chạy chức, chạy quyền, chứ không nên cấm đoán, nhòm ngó, dấm giúi… Chỉ có Luật hóa, công khai hóa mới có lợi cho nhà nước, nhà nước sẽ quản lý được cái khoản tiền ‘chạy’ ấy, không lọt vào túi cá nhân. “Nếu chúng ta thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết.” (PGS.TS Nguyễn Hữu Tri)

Và ông Đăng Quang kết luận: “Tức là ông (Nguyễn Hữu Tri) quả quyết không thể nào ngăn chặn nổi nạn chạy chức, chạy quyền như một dòng chảy âm thầm trong xã hội VN. Vì thế nên cứ công khai (quách) cho yên chuyện Ông Quang cho rằng, đó là một ‘ý kiến quái dị’ của ông PGS.TS này. Và ông nói đó là ‘ Sự bỡn cợt, mỉa mai đằng sau những con chữ’.

Thực ra, sau ý kiến của ông Nguyễn Hữu Tri, chẳng phải một mình ông Đăng Quang lên tiếng mà có ti tỉ người đã ‘ném đá’ rào rào trên mạng. Đó là điều không tránh khỏi khi có một ý kiến lạ, vâng, thậm chí nói như dân gian là ‘lạ hoắc’!

Minh họa/ VNN
Theo mình thì trong bối cảnh một xã hội nhiễu nhương, không có gì lạ, không có gì không thể xảy ra. Trắng, đen, xanh, đỏ, tím, vàng… có khi bất thình lình xuất hiện khiến người ta thấy ‘lạ’. Nhưng rồi vài hôm lại ‘quen’ ngay ấy mà. Cứ lạ – quen – quen – lạ… lẩn quẩn như cái đèn cù, như cái cối xay lúa của nông dân thời xưa, sang phải, sang trái, lại sang phải... Nhà thơ Vũ Quần Phương chẳng đã từng viết bài thơ nổi tiếng từ gần 30 năm trước có tựa đề là “Đợi”, sau được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc, trong đó có câu: “Đứng một ngày đất lạ thành quen/ Đứng một đời em quen thành lạ…”

Hãy nhớ lại vài chuyện về những ‘ý kiến lạ’ trong bối cảnh phải bàn bạc về những chuyện không cấm được, khi muốn ‘không quản được thì cấm’

Chuyện thứ nhất Về Vấn nạn mại dâm ở nước ta, đại biểu Dương Trung Quốc có đặt ra vấn đề nầy trong nghị trường, thì lại có ông nghị Hoàng Hữu Phước nương theo, châm chọc trong bài luận Tứ Đại nguVì không cấm được, Ông nghị này đề xuất hợp pháp hoá nghề mại dâm như: mở trường dạy làm đĩ, mở điểm kinh doanh nghề làm đĩ, có chế độ thưởng công cho các cán bộ, công nhân viên hàng năm. Rằng, các nữ công nhân viên thì thưởng phiếu Đĩ nam, các nam công nhân viên thì thưởng phiếu Đĩ nữ. Nhà nước sẽ thu được khối tiền qua thuế của ngành nghề nầy, vì cấm cũng chả được…Việc nầy chưa bàn xong.

Chuyện thứ nhì: Về việc Cá cược bóng đá. Được biết  cá cược bóng đá bằng tiền bị nghiêm cấm, bắt được là tù mọt gông. Thế nhưng bắt vẫn bắt mà chơi vẫn chơi, không cấm nổi, nhất là vào mùa các giải lớn như cúp bóng đá thế giới, cúp bóng đá châu Âu….. số tiền ăn thua hàng năm lên đến hàng tỷ đô… chảy ra nước ngoài. Thế nên, nghe đâu mô hình nầy nhà nước đã đồng ý cho chơi, nhưng đang chọn nhà đầu tư thích hợp?...

Chuyện thứ ba:  Máu cờ bạc của người Việt cũng rất ‘đậm đà’, tình trạng hàng trăm trường gà, sòng bạc của Camphuchia dọc theo tuyến biên giới Tây Nam nước ta hoạt động rất mạnh, các tay đá gà hoặc con bạc hầu hết là người Việt…. Xẩy ra tình trạng chơi thiếu, bị bắt giữ làm con tin, người nhà mang tiền lên chuộc, số tiền ăn thua hàng tỷ đồng… Cũng không cấm được cái máu ấy của một số người. Vậy là Nhà nước cũng đã cho mở 1 số nơi nhưng còn hạn chế. Gần đây đã cấp phép cho huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) mở sòng bạc.

Hay như chuyện mê tín dị đoan, nhìn lại mấy chục năm trước thì bị cấm đoán rất chặt. Đình chùa miếu mạo ở thôn quê bị phá hỏng, bỏ hoang, sân đình, sân chùa biến thành sân kho hợp tác, đất thờ tự thánh thần đôi khi thành trại chăn nuôi… Chẳng ai tin có trời có phật, có thiên đường, thượng đế… Thế nhưng khoảng hai mươi năm trở lại đây, bỗng dưng Phật, Thánh thần, tà ma…xuất hiện quá nhiều. Văn bản hành chính có thêm khái niệm ‘Văn hóa tâm linh’, đến mức quá nhiều các cơ quan, công sở đều có bát hương thờ cúng. Nhiều công bộc mang xe biển xanh đi Đền khấn vái, cầu bổng lộc chức tước, tiền tài, địa vị…, mà hành vi ấy nếu xẩy ra vào khoảng những năm 70 của thế kỷ trước thì mấy cha sau khi rập đầu như chày máy ở Đền, Miếu về chắc phải bị đuổi ra khỏi đảng, cách chức cho về vườn! Còn bây giờ thả cửa cúng bái, thuê mướn thày bà chập cheng suốt sáng đến tối để “giải hạn”…thì cứ vô tư. Vì người ta bảo đấy là “Văn hóa tâm linh”. Lúc phá đình chùa người ta thấy lạ, có nhiều cụ già đau xót, chỉ biết thở dài, than trời, trách đất. Một thời gian đã thấy quen quen. Rồi khi tín ngưỡng ‘bung ra’, quá đà thành mê tín phát triển, có nhiều người (không loại trừ cán bộ, đảng viên) chuyển thành mê muội, đền chùa mọc lên như nấm sau mưa, người dân lại ngỡ ngàng thấy lạ. Cho đến bây giờ đã lại thấy quen quen

Như thế nếu hợp thức hoá việc chạy chức, chạy quyền có vẻ là một hiện tượng lạ, nhưng rồi cũng không có gì lạ. Được nghe, hiện nay các bằng cấp từ Trung học cơ sở đến Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ kể cả Tiến sĩ ngoài nước đều có giá qui định cả… Lúc đầu nghe cũng thấy lạ, nhưng  giờ thì thấy quen, thấy bình thường.

Cái mới xuất hiện bao giờ chả lạ, nhưng khi nó nhiều, nó phổ biến, nó hiện hữu sờ sờ trước mắt mọi người thì có vô lý đến mấy cũng không thể không quen!.

Tóm lại, không có gì là không có thể! Nó lạ rồi lại quen thôi mà.

10/3/2015  TRỊNH KIM THUẤN/PNTB.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog