21 thg 3, 2015

Cám ơn anh Thế Thảo! của CHUNG LÊ theo BuiVăn Bồng Blog .



Trong lúc dân cư mạng đang sôi sục giận dữ các anh vì đề án thay thế 6700 cây xanh ở Hà Nội thì tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải thanh minh cho anh và những đồng sự của anh.

Chẳng phải chúng tôi cũng đang được hưởng lợi từ dự án này hay sao? Này nhé:

1- Nhờ có vụ "thảm sát" cây xanh mà chúng tôi biết được Thành phố có rất nhiều tiềm năng và xử lý tình huống rất linh hoạt. Mặc dù đề cương của dự án là từ năm 2015 đến 2017, nhưng chỉ trong vòng mấy ngày, hai ngàn cây xanh bị các anh đốn nhanh, đốn mạnh, đốn kiên quyết, khiến chúng tôi không kịp trở tay. Con phố Nguyễn Chí Thanh nhà tôi, xanh tươi, xinh đẹp thế mà bị quân các anh lột trần ra không hề thương tiếc. Cũng chỉ trong một đêm, 150 tấm biển được sản xuất và treo lên cây để "trưng cầu dân ý". Giá mà việc giải quyết các thủ tục hành chính, nạn ngập úng trong mùa mưa bão, và xử lý vấn nạn ách tắc giao thông các anh cũng làm nhanh như chặt cây thì chắc chắn dân Hà Nội sẽ đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc của Liên Hiệp quốc.

2- Nhờ có vụ trả lời báo chí của anh Long, phó ban tuyên giáo nhân một lá thư ngỏ của công dân, chúng tôi nhận ra giá trị thật của nhân dân dưới con mắt những người tự nhận là công bộc của mình. Vâng, các anh muốn làm gì thì làm, chả cần phải hỏi chúng tôi. Nhưng nên nhớ một điều, lương của các anh là do dân chúng tôi đóng thuế. Còn nếu các anh không sống bằng lương lại là chuyện khác.

3- Nhờ có vụ trả lời báo chí của anh Thảo, chúng tôi mới biết dự án chặt cây "là một chủ trương đúng và được nhiều người ủng hộ". Vâng, người ủng hộ thì ai cũng rõ, rặt những "nhà khoa học" có tiếng và các nhà quản lý, TRỪ DÂN. Từ sau cách mạng tháng tám đến nay, nước mình lúc nào cũng đầy các các giáo sư, tiến sĩ, các nhà thơ, nhà văn... chuyên được dùng vào việc tuyên truyền cho các chủ trương, đường lối của lãnh đạo.
Đây được coi là "cây mục ruỗng, nguy hiểm, 
không phù hợp - cần phải thay thế" (!?)
              
 //Ông Nguyễn Thế Thảo: “Việc thay thế cây xanh có cơ sở pháp lý là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được HĐND TP.Hà Nội thông qua, trong đó có lộ trình thay thế tất cả cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêngkhông đảm bảo an toàn giao thông
                 
Theo báo cáo của GĐ Sở Xây dựng Lê Văn Dục thì 6.700 cây xanh sẽ được thay thế là số cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết cũng như nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị được các Tổ chuyên gia gồm Ban Dự án duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật của Cty Công viên cây xanh…//
-------------
4- Cũng nhân vụ họp báo của anh Phó chủ tịch Hùng, chúng tôi nhận ra bản lĩnh (trơ tráo) của những người lãnh đạo Hà Nội. Thay vì cảm ơn các anh chị em CBCNV của Ngân hàng Thịnh Vượng và Công an thành phố, mỗi người phải đóng góp từ 15 đến 30 ngàn, lần này, nhà Tài trợ được đem ra "tế thần". Lỗi tại các đại gia "nôn nóng" tiêu tiền nên Thành phố đã phải cuống quýt thực hiện trong tình trạng "thiếu thông tin và minh bạch". Bỏ qua 21 câu hỏi của các phóng viên, anh Hùng thản nhiên rời khỏi phòng họp trước sự ngỡ ngàng của khán phòng. Đây là một cuộc họp báo vô tiền khoáng hậu.

5- Cũng nhờ sự kiện này, chúng tôi mới biết có sự lập lờ, đánh đồng giữa cây vàng tâm và gỗ mỡ của cơ quan truyền thông . Vàng tâm (tên khoa học: Magnolia fordiana) là giống cây quý, thuộc họ mộc lan. Gỗ vàng tâm thuộc loại gỗ tốt, chắc, không gẫy mục, mối mọt. Thường được dùng để làm đồ mỹ nghệ, chạm khắc, đồ dùng gia đình. Trong khi ấy, cây gỗ mỡ (Magnolia conifera) vốn chỉ được dùng vào việc phủ xanh đất trống đồi trọc và làm nguyên liệu giấy, gỗ dán. Giá thành cây giống của hai loại này chắc chắn khác hẳn nhau. Sự lập lờ này hẳn có phải có "định hướng".

6- Nhờ vụ "thảm sát 6700", ý thức xã hội dân sự đã tiến được một bước dài. Người dân đã hiểu được trách nhiệm của mình đối với môi trường và xã hội. Xuất hiện nhiều hình thức bày tỏ thái độ bất bình trước quyết định của chính quyền, từ thư ngỏ, đính nơ lên thân cây, treo biển kêu cứu, đến những cuộc tuần hành ôn hòa... Chính những hoạt động này đã giúp giảm thiểu sự tàn phá thiên nhiên của những người ra quyết định.

Mọi người phê phán anh chứ tôi cám ơn anh mãi chưa xong. Cuối cùng xin hát tặng anh Thảo một câu trong nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Thôi về đi, đường trần đâu có gì... Cây xanh đốn rồi..."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog