VRNs (05.3.20115) – Sài Gòn – Mỗi buổi sáng đi làm, dù thế nào tôi cũng chạy ngang qua con đường đó, chỉ để nhìn bà, thấy cái dáng vóc mảnh mai nhưng khỏe mạnh, thấy nụ cười hiền hậu và tôi tắp xe vào, mua cho tôi, giúp tôi chứ không phải giúp bà để tôi có một bữa rau ngon, hoàn toàn sạch do chính tay bà trồng ở mảnh vườn con con nhà bà…
Lần này tôi cố ngăn chặn cảm giác xót xa, trăn trở khi tôi viết về một ai đó. Tôi cố nghĩ đến những cảm xúc nhẹ nhàng, vui tươi khi tôi nhìn thấy cuộc sống thật mỗi ngày xung quanh mình. Bà lão có cực khổ không? Chắc chắn là có bởi để trồng được đám rau xanh thật sự ngon, không phải dùng hàng tá đủ các loại thuốc trừ sâu, để đứng giữa cái nắng oi nồng của khí hậu sài gòn chờ cho hết buổi chợ, bán hết mớ rau mà bà phải thức dậy cắt từ sáng sớm tinh sương, chờ đếm được mớ tiền lẻ chỉ khoảng gần hai trăm ngàn cho cả vốn lẫn lời…chẳng dễ dàng đâu…
Tôi bâng khuâng bởi nụ cười của bà khi tôi hỏi về hoàn cảnh, tôi nhẹ lòng với cái cách bà bằng lòng với cuộc sống, với công việc, với giá trị thế nào gọi là ĐỦ!…Ở tuổi của bà, có thể bà sẽ an nhàn hơn trong một mái nhà, tuy có thể cực khổ với đàn cháu nội cháu ngoại, nhưng như thế vẫn hơn là phải ra đứng bên lề đường, đứng chứ chẳng được ngồi đâu, đứng để bán, đứng để còn kịp chạy đám dân quân, đội trật tự đô thị nhăm nhe rượt đuổi dọn dẹp lòng lề đường…. Tôi xin phép bà được chụp một bức ảnh, tôi muốn ghi lại khuôn mặt bà, ghi lại cảm xúc…Bà đã cho tôi chút lắng đọng để nhìn về thời cuộc, nhìn xã hội, nhìn dòng đời đang chảy và nhìn chính tôi…
Ngày tôi còn bé tí tôi đã nhận ra nỗi khổ của mẹ tôi, mẹ còng lưng đạp xe từ sáng sớm đến trưa nắng gắt mới quay trở về nhà. Mẹ đi mua ve chai, kiếm đồng lời từ đám đồng nát để nuôi bầy con. Cách nay đã mấy chục năm rồi, lúc ấy tôi đã biết nhìn hoàn cảnh gia đình mình để nhìn xa hơn về xã hội và về một đất nước. Tôi hoang hoải với nỗi niềm rằng, chắc chắn khi mình lớn lên, lớn thêm chút nữa, ắt hẳn mình sẽ không còn thấy mẹ hay một bà lão, một dì, một cô nào đó phải còng lưng trên chiếc xe đạp, thồ cồng kềnh đủ loại thứ mà người ta bỏ đi, không phải té bò lăn ra giữa đường, loay hoay dở khóc dở cười vì đống đồ quá nặng và không thể dựng nổi xe dậy như rất nhiều lần tôi đã nhìn thấy…
Mấy chục năm sau, tôi bây giờ đã đi qua hơn nửa đời người, cái ước mơ nhỏ nhoi rằng mình sẽ không phải nhìn thấy những cảnh người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật lăn lộn, bươi chải với cuộc sống, tạm bợ với công việc nặng nhọc ngoài lề đường đã trở thành điều viễn tưởng. Tôi vẫn nhìn thấy đó thôi, nhìn mỗi ngày, ngày càng nhiều hơn, ngày càng cảm thấy xót xa và đau lòng hơn…
Vậy mấy chục năm qua, xã hội nơi tôi đang sống đã phát triển thế nào? Có thể lấy điều gì để làm thước đo sự tăng trưởng? Tôi không rành về kinh tế, về chính trị, tôi không đủ am hiểu hay sành sỏi để thừa nhận giá trị cuộc sống là những đường cao tốc, những tòa nhà chọc trời, những siêu xe hoành tráng bạc tỉ…Tôi chỉ thấy còn nguyên và nhiều hơn nữa những số phận giữa lòng lề đường. Ai giàu thì vẫn giàu, người nghèo thì ngày càng đông hơn và nghèo hơn. Những tiện lợi, tiện ích, vật chất xa hoa chỉ dành riêng cho một bộ phận rất nhỏ. Số đông còn lại, bốn mươi năm qua vẫn chẳng thấy khác gì ngày đất nước vừa trải qua chiến tranh! Tại sao vậy?
Một bà lão bán rau giữa đời thường, một hình ảnh bình dị chân chất của người bà, người mẹ Việt Nam. Ước gì đến khi tôi già, tôi sẽ không còn nhìn thấy những hình ảnh khiến mình phải trăn trở như bây giờ nhưng biết đâu, biết đâu thêm mười năm, hai mươi, ba mươi năm sau tôi cũng sẽ trở thành một bà lão bán rau?
Đứa trẻ nào sẽ dừng xe lại, chụp cho tôi một tấm ảnh và viết vài dòng về tôi…Lạy trời, mong không bao giờ có bởi như thế nghĩa là tương lai đất nước này, dân tộc này còn mịt mờ lắm…
Bạch Cúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét