10 thg 3, 2015

Lắng nghe con ốc biết cả đại dương Tùy bút chính trị Phùng Hoài Ngọc nguồn VNTB .


(VNTB) - Căn phòng khách nhà ông Nông Đức Mạnh là một sự xấu hổ, một gu thẩm mỹ bệnh hoạn và kỳ quặc.
Gu thẩm mỹ bệnh hoạn
Ông Nông Đức Mạnh, khi tại chức TBT đã lưu danh thiên cổ với những phát ngôn bất hủ, nay không tiện nhắc lại nhiều chi cho mệt. Khi nghỉ hưu ông Nông vô tình tự phô bày cái gian phòng khách kỳ quặc vào ngày mùng một Tết xuất hành tiếp đón một đoàn đại biểu lãnh đạo trung ương Đoàn đến nhà riêng chúc Tết xông đất. Báo Tiền Phong lỡ đăng rồi, sau đó nghe ai đó nhắc bèn gỡ ảnh thì đã trễ tràng một bước.

Phòng khách của ông Mạnh có mấy điểm kỳ quặc về thẩm mỹ:
1. Bộ bàn ghế ba chiếc chạm trổ rồng bay phượng múa tinh xảo, cầu kỳ nói lên khiếu thẩm mỹ nội thất của ông hoài niệm thời vua chúa. Giá trị đắt đỏ của bộ bàn nghế nêu ra vấn đề: ông Mạnh lấy tiền đâu mà mua sắm. Mặt khác nếu giả dụ đem bộ bàn ghế gắn 4 đầu rồng của ông Mạnh đã đặt đít ngồi lên, mà đem bán đi thì xây được nhiều căn hộ cho công chức có cùng bằng đại học như ông Mạnh.
2. Tấm hình phù điêu chân dung Hồ Chí Minh mạ vàng (hoặc bằng vàng dát mỏng) có kích cỡ to khủng, có chăng phù điêu này ở nơi công cộng nào đó, chẳng ai để ở nhà riêng. Ý nghĩa chân dung khủng là gì? Phải chăng là biểu hiện lòng ngưỡng mộ, trung thành với lãnh tụ của ông Mạnh cũng “lớn khủng” hơn tượng Bác trưng bày ở nhà mọi người khác trong xã hội?!
3. Phông đằng sau là hình mặt trống đồng mô phỏng thời vua Hùng cách điệu “khủng” hơn nữa. Cái này chỉ có thể thấy ở nhà bảo tàng, nơi công cộng, khó mà tọa ở nhà riêng.
4. Cách xếp đặt hai chiếc ghế chủ- khách cũng kỳ quặc. Hai bên cùng nhìn ra phía cửa, nó giống như phòng khách chính phủ thời hiện đại, những nơi lẽ thường ghế chủ- khách được kê không đối diện nhau. Nếu là nhà riêng thì ghế chủ khách thường kê đối diện.
Tóm lại, căn phòng khách nhà ông Nông Đức Mạnh là một sự xấu hổ, một gu thẩm mỹ bệnh hoạn và kỳ quặc. Đó là ý kiến của cá nhân, chưa biết ý kiến chuyên gia nội thất học sẽ thế nào.
Tôi bỗng nhớ lại một hình ảnh đặc sắc ông Nông huấn thị cho cán bộ chủ chốt tỉnh Đồng Nai hồi còn tại chức TBT khi ông về thăm xứ đó. Người ta truyền nhau một danh hiệu gọi ông Mạnh là ông “trồng cây gì nuôi con gì”. Còn nhớ, xem truyền hình VTV bản tin thời sự, thấy hình ảnh ông chiã bàn tay chém vào chốn không trung phiá xa xa và hăng hái nói “các đồng chí phải nhìn xem anh tư bản họ làm ăn thế nào chứ?”. Ông nói rất thực thà, nhưng mà hơi mất lập trường quan điểm chăng?
“Áp tai lắng nghe một con ốc biết cả đại dương” (châm ngôn hiện đại).
Nếu con ốc càng to thì nghe càng rõ hơn.
Ai thích làm “đày tớ”?
Giáp tết Ất Mùi, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có đến thắp hương cho chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Trọng có nhắc nhở và căn dặn chiến sĩ, cán bộ, đảng viên hãy noi gương đạo đức của vị chủ tịch đầu tiên. Ông nhắc lại lời dạy của cụ Hồ Chí Minh “quét sạch chủ nghĩa cá nhân và hãy luôn nghĩ mình là người công bộc của nhân dân”.
“Cán bộ Đảng là công bộc của nhân dân”! Hoặc “cán bộ là đầy tớ của Dân”?
- Thực vậy chăng?
Hãy thử đi tìm nguồn cơn của mấy danh hiệu đó.
Ngày xưa các cụ viết chữ Nho Tàu, dịch “bộc nhân” thành chữ Nôm là “đầy tớ”.
仆人: bộc nhân.
Chữ bộc 仆 tượng hình dáng người đứng im, xuôi tay, lắng nghe ông chủ sai bảo. Chủ bảo sao bộc làm vậy, phần lớn làm việc vặt thôi. Không phải suy nghĩ gì, đầy tớ hay bộc nhân chỉ là một loại “phó người” thôi.
Đến thời hiện đại, nước Tân Trung Hoa lại xuất hiện cụm từ “công cộng bộc nhân”: 公共仆人, người Hán ưa gọi tắt là “công bộc”公仆, nói nôm là “đầy tớ của nhân dân”. Đây là cách nói không chính thống về những người làm nghề dịch vụ công, phục vụ mọi người, cũng như câu “làm dâu trăm họ”. Câu chữ này chắc được sinh ra do ông Mao chủ tịch để chứng minh tính ưu việt của cách mạng vô sản, tốt đẹp hơn thời Mãn Thanh và thời Trung Hoa dân quốc.
Thời Mãn Thanh và nói chung phong kiến TQ cũng như VN, thường nói (không chính thống) rằng quan chức là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân). Nghe hơi trịch thượng, nhưng câu ấy có cái cốt lõi đúng đắn và cao cả của nó. Cha mẹ thường dành cho con tình cảm sâu đậm và trách nhiệm tối cao, trách nhiệm tới bến. Tuy nhiên thời cách mạng, thời dân chủ, bình đẳng (dù chỉ là khẩu hiệu hay ước mơ) thì cũng khó nói “cha mẹ dân”.
Làm chính trị là một công việc nghiêm túc, sao có thể tùy tiện ví von như ông Mao, cụ Hồ và ông Trọng từng nói được.
Cán bộ lãnh đạo sao có thể sống và làm việc như đầy tớ đứng im nghe chỉ bảo và sai vặt như vậy được! Rõ ràng cái danh hiệu “đầy tớ của dân” áp đặt cho cán bộ Đảng thực là khiên cưỡng, phi lý và… buồn cười quá. Cố chủ tịch HCM ngày xưa, vào lúc nào đó vui miệng bảo cán bộ như vậy cũng là có thiện chí nhắc nhở cán bộ cần phải tận tụy nghiêm túc nghe lời ông chủ Nhân Dân mà phục vụ… Nghĩ cũng lạ, cho đến tận đầu năm 2015 giáp Tết Ất Mùi ông Nguyễn Phú Trọng vẫn có thể nhắc nhở cán bộ như vậy được.
Thực ra, xưa nay cán bộ của Đảng có thích nghe câu huấn thị ấy không nhỉ? Tôi e là không. Nhưng họ không có thói quen cãi lại. Nguyên tắc “tập trung dân chủ” mà.
Tôi đề nghị ông Trọng, hôm nào hội nghị ông hãy thử hỏi có đồng chí nào thích làm “đầy tớ của nhân dân” không, ai thích thì giơ tay. Và ông phải nêu quy ước “Lãnh đạo sẽ không thành kiến trù dập bất kỳ ý kiến nào”. Tôi đảm bảo rằng sẽ không có ai giơ tay.
Mặt khác Nhân dân cũng chẳng yêu cầu cán bộ phải làm “công bộc” hay “đầy tớ” cho mình. Nhân Dân cũng đủ rộng lượng để biết tội nghiệp cho cán bộ chứ.
Danh hiệu “đầy tớ” đã khuất núi theo chế độ phong kiến một đi không trở lại. Ngày nay trong xã hội hiện đại có một nghề nghiệp hẳn hoi, về hình thức có vẻ tương tự, đó là nghề “giúp việc nhà”, dân gian nói vui là oshin. Chữ “giúp” tiếng Việt ta thực là lịch sự, giàu ý nghĩa nhân văn. Ngày nay nghề giúp việc nhà đang dần dần được tôn trọng đúng mức, thậm chí lao động người Việt còn xuất khẩu giúp việc nhà đi khắp Á- Âu, Trung Đông… Thà rằng TBT cứ gọi cán bộ Đảng là “người giúp việc” cho Dân nghe còn thoải mái hơn “đầy tớ”. Cho dẫu Hồ chủ tịch ngày xưa đã nói thế thì ngày nay cũng không nhất thiết phải theo gò bó như vậy mới phải. Cụ Hồ tâm sự với cán bộ trong một lúc vui vẻ, cụ có thể ẩn dụ khoa trương cường điệu một tý. Vì sao phải lưu truyền câu đó lên thành lý tưởng, trách nhiệm ?!
Ốc càng to nghe càng rõ
Rút cục, chúng ta nên nói về vai trò người cán bộ lãnh đạo thế nào cho phải đạo và thích hợp thời kỳ hiện đại ?
Thế kỷ 18 cách mạng Pháp khai trương thời kỳ hiện đại cho nhân loại đã vạch ra một quan hệ hợp lý giữa chính quyền và nhân dân. Đó là quan hệ bên A và bên B khi ký kết và thực hiện một hợp đồng xã hội, cũng gọi “khế ước xã hội”. Nhân dân là chủ (tức bên A), chính quyền là khách (tức bên B). Bên A có thể mời ký hợp đồng hoặc có thể hủy hợp đồng nếu bên B làm trái khế ước. Hai bên đều có trách nhiệm với nhau một cách bình đẳng do luật quy định… Từ bản khế ước đó dẫn đến vai trò Nhân dân là ông Chủ thực sự (chứ không phải khẩu hiệu nói xoen xoét hoặc viết dán khắp nơi cho vui ở một số đất nước đào tạo chuyên gia viết khẩu hiệu và rao giảng quanh năm suốt tháng).
Tôi có cảm tưởng hệ thống lý luận của trung ương có vấn đề bối rối từ cốt lõi.
Lắng nghe một con ốc biết cả đại dương. Ốc càng to nghe càng rõ.
Xin hãy nghiên cứu lịch sử nhân loại làm xuất phát điểm cho lý luận và thực tiễn.
Nhân loại đã trả giá cho kinh nghiệm rồi, tội nợ gì quý vị cứ lấy dân tộc mình làm thí nghiệm mãi.
PHÙNG HOÀI NGỌC .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog