NNVN - “Mảnh vườn ký ức” là tấm lòng chân thực của một người chân thực, mỗi câu chuyện đều thấm đẫm chất nhân văn của một nghệ sĩ chân chính.
Nguyễn Ngọc Dương, nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai, CTV Báo NNVN, tháng 12/2014 anh cho ra đời tập truyện ký “Mảnh vườn ký ức” do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Đó là hồi ức về những năm tháng khó khăn nhất của đất nước, nhưng đầy ắp tính nhân văn của người viết và mỗi nhân vật...
“Mảnh vườn ký ức” là tập sách thứ hai của Ngọc Dương, anh đến với văn chương như sự tình cờ để rồi gắn bó với nó như một món nợ suốt đời tìm cách trả.
Khoảng năm 1986-1990 tôi không nhớ chính xác, hồi ấy tôi đang là biên tập viên văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Hoàng Liên Sơn có nhận một bài ký của Ngọc Dương viết về dân tộc Mông ở thôn Ải Nam xã Phong Hải huyện Bảo Thắng vì cuộc sống khó khăn nên nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu đi theo đạo lạ, gây ra nhiều bất ổn ở địa phương. Bài ký không xuất sắc lắm, nhưng là tác giả mới, vấn đề mới nên tôi thấy cần đăng để động viên. Sau khi biên tập và giật lại cái tít “Có một Ải Nam như thế”. Bài ký có tác động mạnh mẽ, khiến chính quyền địa phương đưa ra nhiều biện pháp giúp bà con ổn định cuộc sống. Điều không ngờ bài ký như có ma lực cuốn Ngọc Dương vào con đường văn chương mà anh không bao giờ nghĩ tới.
Một lần từ Bảo Thắng xuống Yên Bái anh cùng một người bạn đang học ở trường Đảng tỉnh tạt qua Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn, anh chỉ vào tôi nói vui: Tôi là giáo viên dạy triết Thái Sinh, còn về văn chương thì Thái Sinh là bậc thầy của tôi... Lúc đó tôi mới nhớ Ngọc Dương một thời gian dài dạy triết học ở trường Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn, do cuộc sống của gia đình khó khăn quá, nên tháng 8/1986 anh xin về huyện Bảo Thắng công tác để gần vợ con, được bố trí làm Phó Ban Tổ chức huyện uỷ, sau giữ chức Trưởng ban, anh đã dạy tôi một số tiết môn triết học khi đang theo học lớp Trung cấp lý luận.
Sau khi Hoàng Liên Sơn được tách ra thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Ngọc Dương được kết nạp vào Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai, đùng một cái anh được bầu làm Chủ tịch hội. Suốt 10 năm làm Chủ tịch hội Văn nghệ, nhưng thỉnh thoảng tôi mới được đọc bài viết của anh, có bài nhớ có bài không. Rồi lại thấy anh bước sang lĩnh vực nhiếp ảnh, rồi được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, ảnh nghệ thuật treo đầy nhà, một lần anh khoe vừa sáng tác mấy bài chèo đi biểu diễn tứ tung khắp Lào Cai. Tôi bảo: Anh nhảy vào nhiều lĩnh vực nghệ thuật như thế thì bao giờ thành tác giả được? Anh cười: Cuộc đời là sự rong chơi và kiếm tìm, tìm mãi rồi sẽ thấy mình...
Ngọc Dương đang kéo nhị thể hiện một bài chèo do anh sáng tác |
Cuối năm 2009 anh gửi cho tôi tập ký “Hai miền quê”, tôi đọc loáng thoáng rồi khen mấy câu cho anh sướng. Cuối năm 2014 anh lại gửi cho tôi tập truyện ký “Mảnh vườn ký ức”, lần này tôi dành mấy ngày nghỉ Tết để đọc. Thật không ngờ, sau khi gấp cuốn sách lại tôi cứ ngơ ngẩn với mỗi dòng chữ, mỗi trang viết đều chan chứa tình yêu thương, hoá ra Ngọc Dương không phải là kẻ rong chơi như anh bảo.
Tập truyện ký có 26 bài, bài dài hơn chục trang, bài ngắn chỉ 3-4 trang. Nhưng hiện lên sau mỗi trang sách là một kiếp người, mỗi người có một số phận riêng, không ai giống ai, họ sống quanh anh tạo thành một xã hội của mấy mươi năm trước, đọc xót xa mà không cầm nổi nước mắt.
Hình ảnh của người mẹ tảo tần trong truyện “Bu tôi” với 7 lần sinh nở, đã biến một người phụ nữ khoẻ mạnh thành người đàn bà xanh xao, mặt mày vàng bủng ho hắng suốt đêm ngày. Bà bị bệnh lao vì lao động quá sức, ngày ấy người ta gọi là lao lực. Nhưng người mẹ ốm yếu ấy lo cái ăn cho ngôi nhà 9 miệng ăn chưa đủ lại còn nhận nuôi đứa cháu, con người em chú mồ côi cha còn mẹ thì đi lấy chồng và coi như con mình. Bà giấu bệnh tật với chồng và các con, cho đến khi không gượng được nữa, thần chết đã tới lôi bà đi. Ngọc Dương viết những dòng chữ giàn giụa nước mắt: “Bu nằm trên tấm phản kê làm giường ở góc bếp. Tôi kéo cánh màn lên, khuôn mặt bu xanh mét, hốc hác, đôi mắt nhắm nghiền như đang ngủ. Trên khoé môi của bu vẫn còn dính một giọt máu khô... Bu sinh năm 1926, đến lúc ra đi mới vừa tròn bốn mươi chín tuổi...”. Người ta khâm liệm và làm tang cho bà trong ngôi nhà bếp chỉ rộng hơn chục mét vuông vì ngôi nhà chính đã bị bão quật đổ.
Ngọc Dương không làm văn, những dòng tự sự như chảy ra từ tấm lòng chân thực của mình. Chính sự chân thực không còn gì thật hơn đã khiến câu văn của anh đọc lên cứ thấy nghẹn đắng. Sau khi nghe tin người em chú hy sinh ở chiến trường miền Nam, câu văn trúc trắc nhưng rất giàu hình ảnh như tiếng nấc: “Với tôi, hình ảnh duy nhất của Phùng còn lại là một thằng em ở tuổi vị thành niên, nét người đậm, khi đi, mặt cứ ngửa lên giời, má hơi bầu, da trắng, mái tóc mềm, ngả màu râu ngô, rất kiệm lời, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn...”
Qua “Mảnh vườn ký ức”, Ngọc Dương đưa người đọc trở lại những năm tháng đất nước chia đôi vô cùng gian khổ. Lật mỗi trang sách như ngửi thấy mùi mồ hôi, mùi cỏ khô ngai ngái, mùi ẩm mục của đất rừng và vị mặn của nước mắt... mà Ngọc Dương và các nhân vật đằm mình trong đó. “Mảnh vườn ký ức” là tấm lòng chân thực của một người chân thực, mỗi câu chuyện đều thấm đẫm chất nhân văn của một nghệ sĩ chân chính....
Thái Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét