Ông Lý đúng là một kiến quốc sư thật sự. Ông “hoán chuyển” một làng chài chỉ độ 100 dân nghèo khó và không có tài nguyên thành một quốc đảo giàu có, một trung tâm thương mại và trung chuyển quốc tế. Ông cầm lái “con thuyền Singapore” đi từ nghèo đói đến thịnh vượng, sang chế độ dân chủ [dù chỉ nửa vời], đến toàn cầu hoá. Ông không bao giờ tự xưng là "cha gia dân tộc", nhưng người dân Singapore xem ông như là một cha đẻ của Singapore hiện đại. Ông ra đi và để lại một Singapore đầy tự tin, xán lạn. Trên trường quốc tế, ông được hầu như tất cả các lãnh tụ quốc gia xem như là một “statesman” – chính khách. Người ta ca ngợi ông là người có viễn kiến sáng suốt, về tính quyết đoán, về cách nói trực tiếp và trong sáng, về trí thông minh, và tính dí dỏm của một người có học. Ông còn để lại những câu phát ngôn trứ danh, những phát ngôn mà thế giới sẽ còn nghiền ngẫm trong tương lai.
Ông Phạm Văn Đồng sau hơn 30 năm làm thủ tướng và khi ra đi chẳng để lại một di sản gì đáng để xưng tụng. Suốt 30 năm làm thủ tướng hình như ông chẳng có dấu ấn gì đáng nói. Nước VN do ông lãnh đạo từ nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói. Ông để lại cái văn bản ngoại giao đầy tai tiếng và có thể nói là sẽ làm nhơ danh ông rất rất lâu. Ông chỉ được tiếng là người trong sạch và giản dị. Nhưng ông chẳng có những phát ngôn gì để có thể xem là "wisdom".
Về qui mô, nói cho cùng, tôi nghĩ ông Lý là người chỉ tương đương với vai trò của một thị trưởng mà thôi. Nên nhớ rằng trong quá khứ, ông Lý Quang Diệu từng bị báo chí Nhà nước Việt Nam chửi như tát nước. Ông được cho đội đủ thứ “nón”: nào là tay sai đế quốc, là chống cộng, là chống nhân dân Việt Nam. Thế nhưng đùng một cái, Việt Nam “mặn nồng” với ông Lý Quang Diệu. Ông Võ Văn Kiệt từng mời ông Diệu làm cố vấn và cộng tác. Nhưng ông Lý từ chối, và nói rằng nếu không có Mĩ gật đầu thì VN vô phương phát triển. Ông Lý nói rằng Mĩ là chìa khoá, Mĩ là động cơ để phát triển. Ngay cả Tàu cũng phải ôm lấy Mĩ mà phát triển, thì VN không nên xem thường Mĩ.
Mà, ông cho ý kiến rất thành thật. Có thể nói ông Lý là một "fan" của Việt Nam, nhưng không phải là fan của giới lãnh đạo VN. Ông Lý khen người Việt Nam thông minh, học hành giỏi, và khi ra nước ngoài thường thành công. Ông tiếc nuối rằng đáng lẽ VN phải là số 1 của Đông Nam Á, hay thậm chí hàng đầu của Á châu, vì VN có đủ điều kiện từ địa dư, tài nguyên đến con người để trở thành một cường quốc.
Thế nhưng ông tiếc cho VN, và ông chê lãnh đạo VN. Khi được hỏi ý kiến, ông khuyên là cải cách kinh tế cần phải đi đôi với cải cách chính trị, nhưng giới lãnh đạo VN không chịu nghe. Ông nói rằng giới lãnh đạo VN không thể khá lên được vì họ bị "giam tù" bởi vòng kim cô ý thức hệ cộng sản. Theo ông, giới lãnh đạo VN không có khả năng đổi mới bản thân họ, không có khả năng đổi mới tư duy chính trị kịp thời đại, và do đó họ làm trì trệ sự phát triển của đất nước, họ kéo đất nước họ xuống hàng lạc hậu và nghèo đói. Tôi nghĩ nếu tôi là lãnh đạo của VN, tôi cảm thấy nhục khi nghe ý kiến như thế của một ông chỉ xứng tầm thị trưởng. Nhưng vấn đề là ông nói đúng.
Nhưng cũng phải nói thẳng là cái xã hội mà ông Lý kiến tạo chưa hẳn là “tối ưu” đâu. Nên nhớ rằng có thời ông ấy theo đuổi chủ nghĩa ưu sinh, khuyến khích người có bằng đại học lấy nhau. Ông hạn chế tự do báo chí và tự do ngôn luận. Ông tạo ra một “Anh Cả” (big brother) quan sát mọi hành vi của công dân. Ông can thiệp thô bạo vào đời sống riêng tư của người dân. Bởi thế, có lần một nhà báo hỏi tôi là đại học Việt Nam nên học đại học Singapore, tôi trả lời là không, bởi vì theo tôi biết qua vài trường hợp thì các đại học Singapore không có tự do học thuật như ở phương Tây. Nghe nói cái mô hình cai trị của ông Lý được giới lãnh đạo Tàu rất thích, và như thế thì cũng đủ để chúng ta cẩn thận với "mô hình Singapore".
Nhưng có một điểm sáng của Singapore mà tôi thích, đó là phi ý thức hệ. Nói về ý thức hệ, ông Lý cho biết Singapore là một quốc gia phi ý thức hệ (ideology-free). Nếu có thì ông gọi đó là "Ý thức hệ Singapore", thấy cái gì tốt và có lợi cho quốc gia dân tộc thì làm, chứ không bị trói buộc vào bất cứ một ý thức hệ nào cả. Ông nói thêm rằng nếu nó [ý thức hệ Singapore] có hiệu quả, thì chúng ta hãy thử nghiệm nó xem sao. Nếu nó tốt thì chúng ta tiếp tục. Nếu nó không có hiệu quả thì chúng ta quẳng nó đi và thử cái khác. Một "triết lí" thực dụng và đơn giản thế mà tại sao những người đang lèo lái con thuyền VN không nhận ra. Tại sao phải bám theo một chủ nghĩa đã lỗi thời và hết sức sống.
PS. Biểu đồ so sánh thu nhập bình quân giữa Singapore và Việt Nam từ 1960-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét