4 thg 9, 2015

Tản mạn về tháng Chín – mùa Thu… của Trịnh Kim Thuấn



Một năm có bốn mùa nhưng theo tôi, mùa Thu là mùa có thời tiết bất ổn nhất: mưa gió sụt sùi, bão tố, lũ lụt khắp nơi…

Thế mà giới Văn học nghệ thuật hình như lại thích mùa Thu. Nhiều bài thơ, ca, truyện về mùa Thu trở thành tuyệt tác. Đáng nhớ, truyện dân gian có Ngưu Lang – Chức Nữ, giải thích hiện tượng mưa ngâu (“vào mùng ba ra mùng bẩy” – tháng 7 âm lịch). Thơ có Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, Nhạc có Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong, Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Thu Sầu của Lam Phương, Mùa Thu chết của Phạm Duy (phổ nhạc theo bài thơ L’Adieu của Guillaume Apollinaire)…

Mùa Thu còn được nói thay cho cả một năm. Chữ Thiên thu nghĩa là ngàn năm thường được dùng vào những ngữ cảnh như sau khi người ta chết. Hoặc câu: “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (một ngày không gặp được nhau dài như ba năm), để mô tả sự nhớ nhung của những đôi nhân tình. Thơ cụ Hồ Chí Minh (Ngục trung nhật ký) cũng có câu: “Nhất nhật tại tù/ Thiên thu tại ngoại” để nói về sự dằng dặc của người phải đi ở tù: một ngày ngồi tù bằng ngàn năm ở ngoài. Hằng năm cứ đến mùa Thu, rằm tháng 7 (âm lịch) là ngày xá tội vong nhân ở cõi âm, và ngày “Tết độc lập” (2/9), ở cõi dương, Nhà nước đặc xá cho những người tù cải tạo tốt.

Đặc biệt, mùa Thu năm nay (2015), Nhà nước đặc xá cho gần 20 ngàn phạm nhân (ra tù trước thời hạn). Đây là một kỳ đặc xá lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện tính nhân văn, lòng nhân đạo của Nhà nước đối với  con dân của mình. Nhân dịp này, tôi muốn nói đôi lời về mấy người tù đặc biệt, đáng nhớ.

Đoàn Văn Vươn – Đoàn Văn Quí: Bị kêu án 5 năm tù, thi hành án hơn 3 năm, vừa được đặc xá về lại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên  Lãng – Hải Phòng. Xem trên tivi báo chí thấy cảnh bà con nông dân mừng đón 2 anh em Vươn, Quí như thể đón chào những người anh hùng!. Họ che lều, căng bạt, đốt pháo hoa, làm cỗ mừng cho hai anh em được ra tù trước thời hạn. Cảnh anh Vươn đứng tần ngần trước khu đầm của mình: cỏ sậy um tùm, đầm cá xác xơ như tái hồi hoang hóa trước khi anh nhúng tay vào, mà thấy nao lòng… Còn nhớ hôm nào, trước phiên Toà, dư luận xã hội cho rằng vụ cưỡng của Chính quyền Tiên Lãng khiến anh Vươn, anh Quí cùng gia đình buộc phải chống trả lại là chính đáng. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng đã kết luận đại ý cuộc cưỡng chế là sai…. Sự kiện Đoàn Văn Vươn được ví như vụ án Đồng Nọc Nạn thời Pháp thuộc, năm 1929, bởi tầm vóc của nó, tuy chỉ khác nhau về sự công bằng trước pháp luật mà thôi. Người ta viết về vụ này quá nhiều, trở thành một ‘con bão’ trên thông tin đại chúng một thời gian dài. Còn nhớ, trong một bài báo của ông Nguyễn Minh Nhị (Bẩy Nhị), đã lớn tiếng nói rằng: Vụ Tiên Lãng Anh em họ  Đoàn có công chớ không có tội! Ông Bẩy Nhị không phải là phản động hoặc nghe “bọn phản động” xúi bẩy đâu. Ông ấy nguyên là chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chả lẽ ông ấy nói sai?

Thế nhưng rốt cục “người có công” lại bị kết án 5 năm tù! Còn những người chủ trương một cuộc cưỡng  chế sai pháp luật thì được thuyên chuyển công tác, kiểm điểm rút kinh nghiệm, hoặc nhận một hình thức kỹ luật nào đó để trấn an dư luận. Riêng ông cựu Đại tá Đỗ Hữu Ca, GĐ CA thành phố Hải Phòng, người chỉ huy “trận đánh đẹp” để cưỡng chế gia đình anh Vươn, thậm chí tự hào rằng “có thể viết thành sách” thì sau đó lại được thăng cấp lên Thiếu tướng!

Được biết về phía ông Vươn, ông không chấp nhận bản án oan nghiệt nầy. Cho đến nay sau khi được “ân xá”, ông tuyên bố sẽ tiếp tục khiếu kiện nữa để đòi lại sự công bằng. Nếu vẫn còn oan ức, ông sẽ lại làm như trước khi đi tù! Quả là khí phách của một người anh hùng, bất khuất trước cường quyền!

Vũ Thị Kim Anh: Sau hơn 6 năm xảy ra vụ án giết người trên xe Lexus ở quận Ba Đình (Hà Nội) khiến dư luận xôn xao và phải mang bản án 14 năm tù, Vũ Thị Kim Anh đã nhận được quyết định đặc xá vào sáng 31/8 tại trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an).
Liên quan đến vụ án giết người trên xe Lexus năm 2009, ở phiên xử cuối tháng 12/2009, xét Kim Anh thành khẩn, ăn năn, TAND Hà Nội tuyên 14 năm tù, trong khi VKS đề nghị 17 - 19 năm tù.
"Mỗi vụ án đều có đặc thù riêng. Nhưng trong vụ này, người phạm tội là một nữ sinh rất xinh đẹp, học giỏi, thông minh, có nhiều thành tích lại bị ngoại cảnh xô đẩy. Tòa cũng xác định nạn nhân cũng có lỗi", bà Nga nói.
(Theo Zing)  theo VietNamnet 31/8/2015

Cái gì trôi qua được thì trôi qua, chân thành mừng cho 2 anh Vươn và Quí, cô Vũ Thị Kim Anh cùng các phạm nhân được đặc xá đợt nầy. Miên mang nghĩ, tôi lại nhớ đến một người:

Nhạc sĩ Việt Khang tên thật là  Võ Minh Trí [, sinh năm 1978 tại Tiền Giang) là một nhạc sĩ, ca sĩ và nhà bất đồng chính kiến Việt Nam

Ngoài tên Việt Khang, nhạc sĩ còn dùng tên Minh Trí khi sáng tác nhạc. Ngoài 2 tác phẩm "Anh là ai" và "Việt Nam Tôi Đâu" [1] có tiếng trong cộng đồng người Việt khắp thế giới, Việt Khang còn có 2 bài đã được thu âm là "Bạn Thân" được trình bày bởi Đan Trường [3] và "Bà Má Miền Tây" được trình bày bởi Lý Hải.[4]
Việt Khang tham gia hội Tuổi Trẻ Yêu Nước để tranh đấu cho quyền làm chủ đất nước của người dân. Năm 2011, có cảm xúc trước việc nhà cầm quyền đàn áp những cuộc biểu tình của thanh niên học sinh chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam, anh sáng tác hai bài: "Anh Là Ai" và "Việt Nam Tôi Đâu", sau đó tự trình diễn rồi để lên Youtube.
Nhạc sĩ bị bắt vào tháng 9/2011, cầm tù một thời gian, được thả ra, rồi bị bắt lại 2 tháng sau đó vào tháng 12 năm 2011. Sau đó, nhạc sĩ Trúc Hồ phát động phong trào ký thỉnh nguyện thư kêu gọi Nhà Trắng can thiệp với nhà cầm quyền Việt Nam để trả tự do cho tất cả những người đấu tranh cho dân chủ [5][6]. Phong trào được hưởng ứng với hơn 150 ngàn chữ ký đã được cộng đồng người Việt tại Mỹ [7].
Ngày 30 tháng 10 năm 2012, nhạc sĩ bị tuyên án 4 năm tù, và 2 năm quản chế, (theo WIKIPEDIA – Bách Khoa toàn thư).

Chuyện đặc xá hay không là chuyện của nhà cầm quyền. Và với tôi, tất cả những người được đặc xá đều mừng cho họ, bởi “nhất nhật tại tù/ thiên thu tại ngoại”.

Tuy nhiên cứ lẩn thẩn nghĩ mà có điều không lý giải được: Tội giết người bị kêu án 14 năm, ở được 6 năm (chưa được ½ thời gian) thì được đặc xá. Còn “tội sáng tác ca khúc” để bày tỏ nỗi niềm yêu nước như Việt Khang thì bị kêu án 4 năm, ở được 3 năm (3/4 thời gian)… Vâng, xin nhắc lại: Tội của Việt Khang là Năm 2011, có cảm xúc trước việc nhà cầm quyền đàn áp những cuộc biểu tình của thanh niên học sinh chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo của Việt Nam, anh sáng tác hai bài: "Anh Là Ai" và "Việt Nam Tôi Đâu", sau đó tự trình diễn rồi để lên Youtube. Hóa ra ở Việt Nam mình cái tội nói năng và và viết lách bằng chữ nghĩa ngôn từ có vẻ còn nặng hơn tội phát sinh bằng hành động cụ thể, giết người chẳng hạn. Rõ ràng ngược với các nước văn minh: anh ‘đả đảo’ ai thì cứ ‘đả đảo’, (ở mình nôm na gọi là Chửi), kể cả Tổng thống, để bày tỏ chính kiến, cái đó không có tội, thậm chí còn là yếu tố cụ thể của “quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí…” được Hiến định. Pháp luật chỉ trừng trị những kẻ gây tội ác bằng hành động cụ thể.

Thế mới biết, dù đã 70 năm Cách Mạng tháng Tám và Quốc khánh 2 tháng 9, mà đảng ta, nhà nước ta vẫn giữ gìn, bảo tồn và áp dụng được cái “truyền thống văn hóa – pháp luật” của chế độ Vua quan phong kiến từ ngày xưa, dù ông Bảo Đại đời vua cuối cùng của chế ấy đã trao ấn kiếm cho cụ Hồ năm 1945. Truyền thống văn hóa - pháp luật ấy đại thể là: tội “phạm húy”, tội “khi quân” (vô tình hay hữu ý viết phải tên cúng cơm của Vua, hoặc xúc phạm Vua…) được truyền bá từ chế độ phong kiến Tàu sang là tội rất nặng! “Phạm húy” và “Khi quân” có khi còn bị “tru di tam tộc” cơ đấy!...

Ngày 3/9/2015  TRỊNH KIM THUẤN .




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog