13 thg 5, 2014

VĂN HOÁ, ĐẠO ĐỨC bây giờ như cái lỏm chuối? của NGỌC DƯƠNG -Trịnh Kim Thuấn


Bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại buổi khai mạc Hội nghị Trung ương 9 vừa qua có nhận định: “Tập trung trả lời câu hỏi phải chăng trong hơn 15 năm qua, kinh tế nước ta có tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, nhưng văn hóa, đạo đức xã hội lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, thậm chí có mặt nghiêm trọng? Nếu đúng như vậy thì nguyên nhân vì sao? Vì chủ trương, chính sách, biện pháp chưa phù hợp hay vì nhận thức, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết chưa tốt, chưa nghiêm? Vì tác động mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế và sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông?...” (xem:baodientu.chinhphu.vn)

Thưa TBT, là người dân, tôi chỉ nghĩ đơn giản thế nầy thôi: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Ta cứ xem lại cái sự “xuống cấp” ấy bắt đầu từ đâu?

Trong đời sống ai cũng luôn miệng xưng ta là người có văn hoá, còn nếu bị mắng là “đồ văn vô hoá” thì giận điếng người. Ông TBT đã nhắc nhở về cái sự xuống cấp văn hóa, nhưng hiểu văn hóa thế nào đây? Tôi thì tôi hiểu theo quan niệm của nhà sử học Dương Trung Quốc: Người có văn hoá là người biết xấu hổ. Tuy nhiên, chỉ đơn cử vài vụ quan đầu tỉnh, đầu ngành đứt hết cả dây thần kinh xấu hổ mà Trung ương vẫn “tha bổng”, thậm chí còn không “kiểm điểm rút kinh nghiệm” nữa thì văn hóa, đạo đức xã hội sao chả xuống cấp?

Nhớ lại chuyện ông Nguyễn Trường Tô, nguyên CT.Tỉnh Hà Giang.

Báo Pháp Luật có bài: Nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Giang thoát vòng lao lý. Theo đó, Nguyễn Thị Thanh Thúy khai: “Tháng 1-2009, thầy Xương gọi điện cho tôi nói: “Lát nữa có một chị bạn của thầy gọi điện cho em đấy, em cứ đi theo chị ấy!”. Một lúc sau, tôi thấy có người phụ nữ gọi điện nói ra khỏi nhà, có ô tô đón. Đi bộ theo Quốc lộ 2 được một đoạn thì thấy một xe ô tô dừng lại đón tôi lên xe, trong xe có một phụ nữ (tôi không biết tên). Lái xe đã đưa tôi đến khách sạn Hương Trà (ở Vị Xuyên). Khi đến sân khách sạn có mấy người, trong đó có anh Sang làm Huyện đoàn Vị Xuyên. Anh Sang nói với tôi: “Vào đi nhanh lên!”. Người phụ nữ đưa tôi vào phòng 102, ông Tô đang ở trong phòng và bảo tôi cởi quần áo lên giường quan hệ tình dục. Sau đó, ông Tô đưa cho tôi 500.000 đồng rồi ra về”.

Còn Nguyễn Thị Hằng khai: “Tháng 8-2009, ông Tô gọi điện rủ tôi xuống huyện Bắc Quang chơi. Ông Tô đón tôi ở cầu Xi măng, km 32 Quốc lộ 2, rồi đưa đến một phòng của khách sạn Vĩnh Hà (thị trấn Việt Quang). Ông Tô và tôi quan hệ tình dục, sau đó ông đã đưa cho tôi một triệu đồng”.

Những chuyện đại loại, lần đầu tiên xảy ra ở cương vị một quan đầu tỉnh mà có biết xấu hổ đâu? Thế là gì, nếu không phải là văn hóa, đạo đức?.

Rồi chuyện ông Trần Khiêu, nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh Trà Vinh trong việc lùm xùm với nữ phó phòng "quậy" giả mang bầu để khỏi bị đuổi việc!

Suốt nhiều tháng, bà Trần Hồng Ly đi làm với cái bụng to. Tuy nhiên, khi xác minh đó là...bầu giả, lãnh đạo cơ quan ký ngay quyết định buộc thôi việc đối với nữ cán bộ nhiều tai tiếng này. Bà Trần Hồng Ly đã dám vào trụ sở UBND tỉnh Trà Vinh đập phá xe ô tô công vụ và phòng làm việc của ông Trần Khiêu, chủ tịch tỉnh, thóa mạ, đe dọa lực lượng cảnh sát bảo vệ bằng lời lẽ thô tục, mất văn hóa…, vào khuya 7/1/2013. Liệu không có người thế lực nhất cái Ủy ban đó chống lưng thì bà Ly dám...?

Sau khi sự việc xảy ra, ông Trần Khiêu làm đơn xin về hưu sớm, xem ra cũng còn hơi biết xấu hổ một tí?

Rồi mới đây nhất, lãnh đạo Tỉnh Bạc Liêu tổ chức Festival Đờn ca tài tữ, nhân dịp UNESCO trao bằng công nhận “Đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hoá thế giới”. Các ông ấy đã vung tay xài đến 2.000 tỷ đồng cho Festival nầy... đến nỗi kêu không còn tiền làm đường, kéo điện cho dân! Đến nỗi Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng khi đến dự và nghe báo cáo đã ngậm ngùi: Bệnh viện quá tải, mấy trăm cụm dân cư đồng bào dân tộc chưa có điện, mấy trăm cây số đường nông thôn cần phải làm... mà chi 2000 tỉ cho Festival đờn ca tài tử thì liệu đồng bào có chấp nhận không?... Coi việc ăn chơi nhẩy múa hơn cả đời sống thiết yếu của nhân dân thì là nâng cao văn hóa hay xuống cấp văn hóa, đạo đức?

Mấy tháng trước, xảy ra cuộc tranh cãi tốn không biết bao nhiêu giấy mực về sự cố tình để được đăng cai tổ chức Asiad 18 của Bộ chủ quản? Người dân biết thừa mục đích là gì rồi, hơn nữa đất nước đang quá khó khăn nên dư luận toàn xã hội không ủng hộ. May mà Thủ tướng đã kết luận: Thôi, không tham gia nữa, vì ngân sách nhà nước quá eo hẹp... Theo dư luận, nếu tổ chức được Asiad 18, thì có 1 số lãnh đạo của Bộ Lễ có lợi… Xã hội biết, phản đối, nhưng những ông nầy quyết tâm chày cối đến mức không còn biết xấu hổ là gì, thì đó có phải là: Văn hoá xuống cấp?

Còn Ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì trình đề án: “Trận đánh lớn Cải cách giáo dục” với kinh phí khủng - hơn 34 ngàn tỷ đồng, bị xã hội “ném đá” rát mặt cũng chả biết xấu hổ. Chỉ khi bị Thường vụ quốc hội chất vấn, dư luận phản ứng quyết liệt, ngài mới ngọng và xin rút lại đề án nầy...

Bà Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thì tìm cách giấu nhẹm dịch sởi bùng phát vì những sĩ diện của ngành và của mình... Nếu Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không xem trên Face Book của 1 vị bác sĩ và đến ngay bệnh viện Nhi TW chứng kiến nhiều cháu bị tử vong do dịch sởi, thì chắc còn nhiều chuyện...

Rồi trong những doanh nghiệp nhà nước như Vinashin, Vinalines, Tổng Cục đường sắt... là những “đồng chí đã bị lộ” ăn tàn phá hại, ăn hối lộ, tham nhũng... Họ có biết xấu hổ là gì đâu?

Và còn ti tỉ, ti tỉ...Dân biết cả, Đảng cũng biết, cũng ghi vào Nghị quyết 4 hẳn hoi rằng, một bộ phận không nhỏ thoái hóa biến chất, nguy cơ tồn vong cho đảng và chế độ...

Nhưng họ (bộ phận sâu mọt ấy) vẫn ngang nhiên hoành hành, thì đến bao giờ văn hóa, đạo đức hết xuống cấp?.

 Những chuyện trên, khiến tôi nhớ đến cái lỏm chuối. Thuở còn nhỏ ba mẹ tôi ở nông thôn, hàng ngày ngoài việc đồng áng, còn nuôi thêm heo, gà, vịt… Thức ăn cho chúng kèm thêm là các cây chuối đã ăn buồng, cha đốn đem vào để sân nhà, buổi chiều mẹ trãi chiếc chiếu rách xắc chuối mỏng làm thức ăn phụ nuôi heo... Bọn trẻ chúng tôi 3 - 4 đứa ngồi lựa bỏ ra các lỏm chuối (nhiều xơ heo không ăn được). Khi ngồi lựa, thi nhau ai lựa nhiều lỏm chuối sẽ được thưởng các trái chuối chín… Chúng tôi xem các lỏm chuối là tiền, đem ra đánh bạc vui chơi… Lớn lên tí nữa, khi tiêu xài tiền không hợp lý, cha mẹ rầy la: “ Phải biết quý trọng đồng bạc chứ! Tụi bây xem tiền như lỏm chuối à?  Ra đời làm ăn, nhiều khi ký hợp đồng, bên bán thét giá trên trời…thì cười cười: Ô kê, tao đồng ý mua, nhưng trả cho mầy bằng lỏm chuối nhé?

Văn hóa, đạo đức bây giờ có lẻ như cái lòm chuối?

09/5/2014 .NGỌC DƯƠNG - TRỊNH KIM THUẤN


1 nhận xét:

Tìm thông tin blog