8 thg 5, 2014

LẠY "ÔNG" UNESCO! của Trịnh Kim Thuấn


Mỗi đầu hôm, tôi xem ti vi các đài địa phương: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ… thường có chương trình: Chuyến xe nhân ái, Vượt lên chính mình, Mái ấm ATV, Lục lạc vàng …, nhằm giúp đỡ các gia đình thật nghèo, bệnh tật, ốm đau thiếu tiền chữa bệnh, các em học trò học giỏi nhưng quá nghèo…  Những hình ảnh trên tivi làm se thắt lòng. Bởi gần 40 năm rồi mà đất nước sao còn nhiều người nghèo khổ thế! Và biết rằng, những người được trợ giúp vẫn là 1 số rất ít trong xã hội., tỉ như 1 hạt cát trên sa mạc .

Vừa hết những chương trình ấy thì đến Lễ hội, Festival hoành tráng…Năm nay Huế vừa xong, đến Quảng Ninh, vừa rồi là Festival Đờn ca tài tử tại Bạc Liêu.  Lễ hội nào cũng tưng bừng, cũng hoành tráng. Không biết có những ai vui mừng, hớn hở không, chứ với tôi thì chỉ thấy buồn...


Hãy xem lại những tin sâu đây:

Sau cái Festival này rất nhiều người có tâm huyết với đất nước phải phàn nàn (xem ở đây ).


Trên tờ PL Tp HCM , tác giả Trần Vũ viết bài Hơn 2.000 tỉ đồng cho Festival đờn ca tài tử: “Đồng bào có chấp nhận không?”

'Chi hơn 2.000 tỉ đồng cho Festival đờn ca tài tử, Bạc Liêu nay kêu không còn tiền làm đường, kéo điện cho dân.

Tại buổi làm việc chính thức với tỉnh Bạc Liêu sáng 25-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Đêm qua tôi chú ý đồng chí bí thư nói cảm ơn đồng bào đã chấp nhận khó khăn để cho Festival tổ chức thành công. Nghe xúc động nhưng đồng bào có chấp nhận không trong điều kiện khó khăn quá thế này!”.

Sau Festival, hết tiền làm đường, kéo điện

Festival đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất (gọi tắt Festival) do Bạc Liêu đăng cai vừa khép lại, với kết quả là một lời quảng bá lan rộng về giá trị của đờn ca tài tử - một di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Tuy nhiên, trong chuyến về dự lễ khai mạc Festival đờn ca tài tử tại Bạc Liêu (từ ngày 25 đến 29-4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói với lãnh đạo tỉnh: “Trong điều kiện còn nghèo, nếu để lựa chọn giữa xây dựng 13 tuyến đường về trung tâm xã và xây dựng nhà hát, tôi nhất định chọn làm đường. Hoặc chọn việc kéo điện cho 371 tuyến dân cư đang chưa có điện”. 

Nói về công trình nhà hát 222 tỉ đồng của Bạc Liêu, Thủ tướng nói: “Nghèo, nhà không có điện, làm sao hát hò được các đồng chí? Nhà hát cần nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay nên để làm sau. Còn chưa có nhà hát thì hát ở nhà. Đờn ca tài tử không phải đến nhà hát đâu, trên sông cũng hát được”.

Những công trình xót lòng dân

Theo các báo cáo chưa đầy đủ từ các ban quản lý dự án đến Ban tổ chức Festival, có trên 20 công trình được xây dựng, với giá trị đầu tư trên dưới 2.000 tỉ đồng, chưa kể chi phí tổ chức lễ hội. Tất cả công trình này được xây dựng với lý do để phục vụ Festival. Tuy nhiên, khi Festival diễn ra, nhiều công trình quan trọng đã không được đưa vào phục vụ như mục đích xây dựng ban đầu. 

Chẳng hạn, công trình Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (có hình ba chiếc nón lá cách điệu nên nhân dân gọi là Nhà hát Ba nón lá) đầu tư đến 222 tỉ đồng không được sử dụng giờ nào trong Festival do xây dựng dở dang. Với các công trình đưa vào sử dụng thì phần lớn lại gây xót mắt người dân, khi chỉ để ngắm nhìn một đêm mà phải tốn hàng trăm tỉ đồng. 

Theo báo cáo chính thức từ Ban quản lý dự án tỉnh Bạc Liêu vào tháng 2-2014, một số công trình phục vụ Festival có giá trị như sau: Quảng trường Hùng Vương là 118 tỉ đồng; cột cờ quảng trường 383 triệu đồng; hệ thống đèn pha cao áp 3,7 tỉ đồng; hệ thống màn hình thông tin bằng đèn LED 3,4 tỉ đồng; hệ thống cây xanh khu vực quảng trường 4,5 tỉ đồng; sân phun nước nghệ thuật âm sàn và biểu tượng ba dân tộc 6,7 tỉ đồng; cây đờn kìm cách điệu 20 tỉ đồng; trung tâm hội chợ triển lãm 67 tỉ đồng; ba nón lá 222 tỉ đồng… 

Thủ tướng: Hãy lo việc học hành, chữa bệnh cho dân trước.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, ông Võ Văn Dũng, đã nói về những khó khăn tỉnh mình, nghe qua ai cũng xót. Theo đó, bí thư cho biết bệnh viện tỉnh đang quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, bệnh nhi hai, ba cháu nằm chung giường (cần đầu tư 767 tỉ đồng); còn 13/50 xã ô tô chưa đến được, trong đó có 11 xã chưa có đường ô tô, hai xã có đường nhưng xuống cấp (cần 800 tỉ đồng); tỉnh cũng còn đến 371 tuyến dân cư nghèo, đồng bào dân tộc chưa có điện (cần đầu tư 203 tỉ đồng); cán bộ huyện Vĩnh Lợi đang làm việc trong những khu nhà tiền chế ọp ẹp, vì chưa được đầu tư xây trụ sở; nhiều vùng sản xuất của nông dân Bạc Liêu đang thiếu nghiêm trọng hệ thống hạ tầng, thủy lợi…

Đối với 11 vấn đề Bạc Liêu kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tiền, Thủ tướng giao các bộ, ngành trung ương xem xét. Riêng phần mục số 9, về việc hỗ trợ 155 tỉ đồng để hoàn thành Nhà hát Ba nón lá, Thủ tướng đề nghị nên chậm lại, nhường phần cho các công trình bức xúc thực sự với đời sống nhân dân. Theo Thủ tướng, ưu tiên hàng đầu là lo chỗ cho dân trị bệnh, giúp dân có việc làm, có điều kiện phát triển kinh tế, con em được học hành… “Tôi thấy có nhiều nhà văn hóa xã rất khang trang nhưng có mấy người vô đó đâu” - Thủ tướng nói thêm trong lúc chỉ đạo Bạc Liêu phải dám nhìn thẳng vào thực tế địa phương để có hướng đi đúng hơn trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Báo Pháp luật TP.HCM.

Ôi ! chỉ cần 2000 tỷ đồng thì việc 11 xã sẽ có đường ô tô, 371 tuyến dân cư nghèo, đồng bào dân tộc có điện, bệnh viện tỉnh sẽ không còn tình trạng quá tải, cảnh nhiều bệnh nhân nằm ngoài hành lang, các bệnh nhi không phải cảnh 2 - 3 cháu chung 1 giường…

Nhưng hỡi trời đất ôi ! 'Chi hơn 2.000 tỉ đồng cho Festival đờn ca tài tử, Bạc Liêu nay kêu không còn tiền làm đường, kéo điện cho dân “.Thật không biết ông Võ Văn Dũng, Bí thư Bạc Liêu có huyết thống chi với ông Trần Trinh Huy (Hắc công tử) mà đốt tiền của dân đến thế ?

Ông bà ta có câu: "Liệu cơm gắp mắm...". Nhưng có lẽ ông Bí thư Bạc Liêu, là nơi có Công tử ăn chơi khét tiếng, mang tiền giấy ra đốt làm "củi" nấu chè để khoe mẽ với người yêu, thì nay ông Bí thư cũng không muốn thua Công tử Bạc Liêu (vì đây là Vua Bạc Liêu theo cách nghĩ của ông ) nên đã lấy tiền Chùa (tiền ngân sách do dân còng lưng đóng thuế) để đốt không thương tiếc vào Festival để khoe mẽ. Nhà văn Nguyễn Quang Lập phải thốt lên: Rõ ngao ngán cho căn bệnh khoa trương khoe mẽ của người Việt ta! 

Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng có đến dự và làm việc với các quan chức cao cấp nhất của Bạc Liêu và phát biểu như trên là thể hiện một quan điểm rất đúng đắn. Hoan nghênh Thủ tướng. Nhưng tiếc thay là quá trễ, họ tiêu xài hết mẹ rồi!

 Ôi, nhìn hình cây Đờn Kìm trị giá 20 tỷ đồng, quí vị tin nổi không? Nhà hát Ba Nón Lá thật hoành tráng, mai mốt Sách kỷ lục Giunesse thế giới sẽ bình chọn: Nhà hát nầy đẹp hơn Nhà hát Con Sò bên Úc Đại Lợi chắc?!...

Không hiểu chừng nào, sau Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Giang - Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Hát xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương  ông UNESCO sẽ chọn đến cái gì nữa đây: Lễ Hội Miễu Bà Chúa Sứ ở Châu Đốc – An Giang, Tôn vinh bộ môn Hát Bộ ở Bình Định, Hội Chọi Trâu ở Đồ Sơn , Chợ Tình ở Sa Pa ….?

Ông Unesco ôi, mỗi lần ông công nhận và cấp bằng Di sản Văn hoá thì dân tôi khổ như thế đấy, điển hình là ở Bạc Liêu vừa rồi, ông đã lấy đi của người dân ở đây nào là bệnh viện, đường nông thôn, điện thắp sáng…

Ông Unesco ôi ! Ông cấp “Bằng công nhận” 10 lần nữa thì 90 triệu dân Việt tôi chắc phải đi ăn mày hết chắc? Tôi quỳ lạy ông đấy. Ông Unesco ạ!

Có dịp Ông đi ngang qua thành phố Bạc Liêu, nơi có Cây Đờn Kìm 20 tỷ, ông sẽ thấy những người dân nghèo họ ngồi, nằm  hoặc đứng ngắm Cây Đờn Kìm, không phải vì để chiêm ngưỡng  đâu mà họ ngắm cho quên cái đói đang dày vò bao tử đấy!

UNESCO ôi ! Tôi quỳ lạy ông!

07/5/2014 - TRỊNH KIM THUẤN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog