7 thg 11, 2015

VỀ CÂU THƠ VƯƠNG BỘT TRONG BÀI NÓI CỦA ÔNG TẬP của LÊ Vinh Huy theo Tễu blog .


“CÂU THƠ VƯƠNG BỘT”?
Lê Vinh Huy 

Là chữ tín. Tập nhắc khéo về những văn kiện, hiệp định mà Việt Nam từng ký kết với Trung Quốc, từ công hàm Phạm Văn Đồng đến Hội nghị Thành Đô. Có ai thấy cái nhục của một nước nhược tiểu như mình chưa? Còn lấy thây ma Vương Bột làm sướng nữa thôi? 

Vương Bột
Khoảng hơn 10 giờ sáng 6/11, Tập Cận Bình phát biểu trước quốc hội Việt Nam, và bài diễn văn này được cư dân mạng Việt Nam chú ý mổ xẻ ở chi tiết... thân thế Vương Bột. Tôi thấy tội nghiệp cho các nhà ái quốc, hiện họ còn đang bàn tán với nhau mà vẫn chưa tìm ra “câu thơ” kia của Vương Bột là trong thi phẩm nào; rồi túng thế, họ quay ra bươi móc tiểu sử Vương Bột (bị chết đuối khi sang Giao châu), để mà hể hả: "Thấy chưa? Tàu qua Việt thì chỉ có từ chết tới bị thương”, vậy là cả đám hả hê like comment của nhau, cười hí hí!

Họ không thèm tìm hiểu ý tứ thông điệp từ bài diễn văn của họ Tập, mà chỉ săm soi ngoáy vào cái chết của một thi nhân ngàn năm trước để vui sướng và tự hài lòng, xem như vậy là đã rửa được quốc nhục, giữ được quốc thể.

Hãy chịu khó suy nghĩ sâu xa một chút, khi đọc câu thơ trong "Ngục trung nhật ký" kia: "Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non", ai có căn bản thơ Đường đều nhận ra, đó là lấy từ ý hai câu kết trong bài “Đăng Quán Tước lâu” của Vương Chi Hoán:

欲窮千里目 Dục cùng thiên lý mục
更上一層樓 Cánh thượng nhất tằng lâu

(Nghĩa là: muốn tầm mắt phóng ngoài nghìn dặm/ [Thì] leo lên thêm một tầng lầu).

Tập tất nhiên biết rõ tích đó, nhưng đã tế nhị không nhắc thơ Vương Chi Hoán, anh ta không phải người câu chấp nhỏ mọn, nên mới lấy câu của Vương Bột ra so. Nguyên văn đoạn phát biểu này của Tập:
同志们,朋友们!1942年至1943年,胡志明主席在中国从事革命活动期间,写下了“登山登到高峰后,万里舆图顾盼间”的诗句。中国唐代诗人王勃也说过,“登泰山而揽群岳,则冈峦之本末可知也”。

(Thưa các đồng chí và các bạn! Từ năm 1942 đến 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tham gia hoạt động cách mạng ở Trung quốc, đã viết "Núi cao lên đến tận cùng/ Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non". Nhà thơ Vương Bột thời nhà Đường của Trung quốc cũng từng nói:"Leo lên đỉnh núi Thái để nhìn các núi khác, sẽ nhìn thấy được những điều mình chưa thấy qua".

Đó là một câu VĂN, không phải câu thơ, trong thiên khảo luận "Bát quái đại diễn luận" của Vương Bột. Nguyên cả câu là:

據滄海而觀眾水.則江河之會歸可見也,登泰山而覽群岳,則岡巒之本末可知也
Cứ thương hải nhi quán chúng thủy, tắc giang hà chi hội qui khả kiến dã; đăng Thái sơn nhi quán chúng nhạc, tắc cương loan chi bổn vị khả tri dã.

(Hãy đứng nơi biển cả để quan sát các dòng chảy, sẽ biết các sông rạch tụ về đâu; hãy lên núi Thái để nhìn các núi non, sẽ thấy được các đèo dốc nhấp nhô mà ta chưa từng biết).
 
Tập đã ngắt vế trước hàm nghĩa nước chảy về nguồn đi, "ý tại ngôn ngoại", vi diệu là chỗ đó.

Và bọn “yêu nước” kiểu xàm xí mứng kia, không chịu nhìn vào nội dung toàn bài diễn văn mà lĩnh hội thông điệp. Việc trích câu thơ trong Ngục trung nhật ký chỉ là để đưa đẩy, lẩy một câu của nước chủ nhà lấy lệ cho phải phép lịch sự, chứ ý chính toàn bài là gì?

Là chữ tín. Tập nhắc khéo về những văn kiện, hiệp định mà Việt Nam từng ký kết với Trung quốc, từ công hàm Phạm Văn Đồng đến Hội nghị Thành Đô. Có ai thấy cái nhục của một nước nhược tiểu như mình chưa? Còn lấy thây ma Vương Bột làm sướng nữa thôi?

Lê Vinh Huy
__________
 
Lâm Khang xin chỉnh lại đoạn dịch này:
 
據滄海而觀眾水.則江河之會歸可見也,登泰山而覽群岳,則岡巒之本末可知也 
 
Cứ thương hải nhi quán chúng thủy, tắc giang hà chi hội qui khả kiến dã; đăng Thái sơn nhi quán chúng nhạc, tắc cương loan chi BẢN MẠT khả tri dã.

(Hãy đứng nơi biển cả để quan sát các dòng chảy, sẽ THẤY các sông rạch tụ về đâu; 
Hãy lên núi Thái để nhìn các núi non, sẽ BIẾT được các đèo núi nhấp nhô).
 
*
Như thế, việc có người suy diễn Tập Cận Bình nói cụ Hồ đạo văn của Vương Bột là không đúng.
 
Xem thêm bài trên VNN và Tiền Phong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog