Tản mạn: Hạt bụi và róc mía
Tôi sẽ giải thích cái tựa đề lạ lùng [của cái note này] sau, nhưng hãy đọc tin thời sự cái đã. Thế giới mạng dậy sóng mỉa mai về lời giải thích của ông đại tá công an Hà Nội (vì xe của 2 luật sư gây ra bụi, nên hai luật sư [biện hộ của nạn nhân Đỗ Đăng Dư] bị côn đồ hành hung trước đám đông giữa ban ngày). Một vị đại biểu Quốc hội bình luận rằng nếu chỉ vì bụi xe mà hành hung luật sư thì xã hội sẽ loạn (1). Nhà văn Phạm Đìnhh Trọng, và cũng là một cựu đại tá trong quân đội, gọi đó là "vở diễn tồi" (2). Nhưng sự kiện làm tôi liên tưởng đến ... hạt bụi.
Chúng ta chắc ai cũng biết tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của văn sĩ Đặng Trần Côn. Thi phẩm này được mở đầu bằng 4 câu như sau:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên,
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên,
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.
Hai vị luật sư khả kính, theo như công an nói, chạy xe vào làng làm bụi bay mù mịt, và thế là côn đồ vây đánh. Đánh rất dữ, đánh đổ máu và gây thương tích nghiêm trọng. Nhưng hai vị luật sư phản bác rằng đường vào làng là đường hẹp (xe không chạy nhanh được), làm bằng bê tông xi măng, và hôm đó trời mưa lắt rắt, thì làm sao có bụi được. Có thể xem thêm cái video mà phóng viên Vietnamnet về tận nơi bằng xe hơi để biết đường có bụi hay không (3). Thế là lời giải thích của mấy ông công an không thuyết phục. Như vậy, cái “nổi cơn gió bụi” có lẽ chỉ là hư cấu dở, chứ không có thật. Vấn đề thú vị hơn là hư cấu đó xuất phát từ đâu, hay nói theo Đặng thi sĩ là “Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”?
Theo dõi tin tức thời sự, lề dân và “lề chính thống”, thì thấy rõ ràng là vì … côn đồ. Côn đồ vây đánh hai vị luật sư. Nhưng côn đồ là ai thì chúng ta chưa biết; chỉ biết rằng rất có thể trong đám đó có cả … công an! Tuy nhiên, phía công an thì giải thích rằng công an không có dính dáng gì đến trận hành hung; một anh công an địa phương chỉ tình cờ đi ngang qua, không dừng lại và không tham gia vào trận đánh hai luật sư (4). Lại thêm một giải thích khó thuyết phục. Đã là công an, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự xã hội và bảo vệ người dân, vậy mà đi ngang qua thấy đám côn đồ đánh đấm người ta, mà không dừng lại can thiệp! Nếu đúng thế thì phải xem lại tư cách của anh công an này xem có xứng đáng đứng trong ngành có nhiệm vụ bảo vệ cho dân.
Không bảo vệ được dân và không can thiệp để cứu nạn nhân cũng có nghĩa là tiếp tay cho kẻ ác. Và, cái ác đó có thể mang tính thiết chế (instutional hatred). Con người có xu hướng tuân thủ, ngay cả sẵn sàng tuân thủ làm những việc ác ôn (5). Giới xã hội học và tâm lí học từng làm nghiên cứu và đi đến kết luận như thế: Người bình thường có thể trở nên những kẻ ác ôn nếu được trang bị bằng một ý thức hệ hay giáo điều nào đó. Khi người ta lớn lên trong cái môi trường được phân định bằng những giá trị nhị phân như địch – ta, và được nhồi nhét bằng một ý thức hệ nhìn ai cũng là kẻ thù, và bất cứ ai nói khác mình là “thù địch”, thì người ta sẽ trở nên hằn học và tàn ác là điều có thể hiểu được. Do đó, nếu côn đồ, hay ngay cả công an mà hành xử tàn ác, thì đó chỉ là hệ quả của thiết chế mà thôi, chứ không phải trong gen họ.
Một trong những thiết chế tàn ác sản sinh ra con người tàn nhẫn là triều Tiền Lê. Chúng ta chắc còn nhớ đến Lê Long Đĩnh, nổi tiếng là một ông vua bạo ngược và độc ác (và hoang dâm nữa). Sách sử viết rằng một hôm Lê Long Đĩnh cho triệu đức Tăng thống Quách Mão (có lẽ như là Quốc sư thời đó?) rồi đem cây mía ra mà gọt trên đầu của đức Tăng thống, và giả vờ trượt tay để dao đâm phập vào đầu của nạn nhân, máu me tung toé, rồi vua cười ầm lên như là một trò đùa. Ông vua này còn có những hành động tàn bạo khác, như trói người và trấn nước để cho thuồng luồng ăn thịt; bắt tù nhân treo trên cây rồi sai người chặt cây cho nạn nhân chết. Theo sách thì ông vua này mắc bệnh trĩ, nhưng chắc chắn ông cũng mắc bệnh tâm thần nên mới nghĩ đến những trò man rợ và bệnh hoạn như thế.
Chẳng những tàn ác, mà ông vua “Ngoạ Triều” này còn quen thói nói láo. Sách sử viết rằng “Mỗi khi đến buổi chầu thì sai những tên hề ra nói leo lẻo luôn mồm để làm khỏa lấp lời những ai bẩm bạch về việc gì.”
Đọc những tin tức thời sự liên quan đến việc hai vị luật sư bị hành hung, và những giải thích một chiều, tôi cứ bị ám ảnh bởi hạt bụi và câu chuyện Lê Long Đĩnh róc mía trên đầu nhà sư. Chỉ có kẻ bệnh hoạn mới lấy làm vui trước nỗi khổ của người khác. Người có tính ác ôn thường là những người hay nói dối, vì nói dối là một hình thức khoả lấp sự trống vắng về niềm tin và dằn vặt nội tâm. Nói dối cũng là một biểu hiện của sự thiếu tự tin vào lẽ phải. Những hạt bụi [hư cấu] coi thế mà cũng nguy hiểm vì chúng đã làm cho hai người đấu tranh vì lẽ phải gặp nạn. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến những hạt bụi của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về thân phận của hai vị luật sư trong cái thế giới đầy nhiễu nhương và ác độc này:
Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
[...]
Ôi cát bụi phận này,
Vết mực nào xóa bỏ không hay.
[...]
Ôi cát bụi phận này,
Vết mực nào xóa bỏ không hay.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét