21 thg 11, 2015

Người lãnh đạo có nên làm to chuyện nhỏ? của Trịnh Kim Thuấn .

Người lãnh đạo có nên
làm to chuyện nhỏ?

Hôm rày báo chí lề phải, lề trái, mạng mẽo… om sòm vụ 3 cán bộ ở tỉnh An Giang bị phạt nặng vì “nói xấu” ông Chủ tịch tỉnh An Giang  trên Face book. Hình như câu chuyện làm dịu phần nào vụ khủng bố đẫm máu, kinh hoàng ở thủ đô Paris – Pháp.

Việt Nam còn nhiều nỗi lo: Nợ nần ngập cổ 2 triệu 700 tỷ đồng chia cho 90 triệu người dân. Quyết định tăng lương đã có nhưng không có đủ tiền để thực hiện, thế mà các tỉnh đòi xây tượng đài, xây trung tâm hành chính hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng…

Toàn những chuyện to!

Thế nhưng có một sự việc ở An Giang thiết tưởng chỉ là chuyện Nhỏ nhưng nó lại thành To bởi nhiều tờ báo, thậm chí cả luật sư phải vào cuộc. Ấy là:


 Cô giáo Lê Thị Thùy Trang (Trường THPT Long Xuyên, An Giang) đọc báo thấy nội dung: “Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch UBND tỉnh An Giang”. Cô Trang đăng lại nội dung này lên Facebook của mình và bình luận: “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang”. Nhiều người vào “like”, comment, trong đó có ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang). Bà Phan Thị Kim Nga (Phó Văn phòng Sở Công Thương, vợ ông Phúc) sử dụng Facebook của chồng để “câu like”. Sau đó cả ba người bị kỷ luật, cô Trang và ông Phúc bị phạt mỗi người 5 triệu đồng. (Báo Pháp luật ngày 19/11/2015.GIA TUỆ)

 

  Chủ tịch tỉnh An Giang bị chê trên facebook: ‘Tôi không trù dập’ - Ảnh 1

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch tỉnh An Giang

Còn báo điện tử VnExpress thì đưa tin:  
Theo hồ sơ vụ việc, giữa tháng 6, Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vì yếu kém trong quản lý đất đai, để xảy ra nhiều tiêu cực. Cô Lê Thị Thùy Trang (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Long Xuyên) tải thông tin này lên facebook của mình (không phải đăng tải bài báo như thông tin ban đầu) kèm nhận xét: "Hồi nào vậy tèn. Mà vậy đi cho đẹp lòng dân" (?) và nhận được 8 bình luận.
Trong đó có bình luận của ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Công ty Điện lực An Giang): "Ông chủ tịch này kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang". Tuy nhiên, ông Phúc bình luận bằng tài khoản của vợ là Phó văn phòng Sở Công Thương An Giang.
Ngày 16/10, cô Trang và ông Phúc bị Sở TTTT tỉnh An Giang ra quyết định phạt mỗi người 5 triệu đồng. Cô giáo còn bị kỷ luật khiển trách, còn vợ ông Phúc bị cảnh cáo về mặt Đảng.
Đoàn thanh tra của Sở TTTT cho rằng việc làm của cô Trang và ông Phúc là "xúc phạm uy tín Chủ tịch UBND tỉnh". Hành vi được xác định vi phạm Điều 5, khoản 1, điểm d, Nghị định 72, ngày 15/7/2013 của Chính phủ (quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng).
Bài: Chủ tịch An Giang: 'Rà soát quy trình phạt 3 người nói xấu trên facebook' ngày 19/11/2015 của Cửu Long.

Vụ nhìn cái mặt kênh kiệu: Ông Chủ tịch An Giang lên báo phân bua

Thứ năm, 19/11/2015, 16:08 (GMT+7)
(Pháp luật) - Khi xử lý những cán bộ “nói xấu” lãnh đạo tỉnh, trong biên bản làm việc và trong biên bản vi phạm hành chính, các cán bộ của đoàn thanh tra áp dụng luật khác nhau.
…………………..
Ý kiến của các luật sư :
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, việc xử phạt và kỷ luật đối với các cán bộ nói trên là không thuyết phục và thiếu căn cứ rõ ràng. Bởi theo quy định xử phạt thì người vi phạm phải có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Về việc bình luận “cái mặt kênh kiệu” có phải xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của ông chủ tịch tỉnh? Theo luật sư Huyền là không! Vì với tư cách chủ tịch tỉnh là một chính khách, người được cơ quan quyền lực ở địa phương là Hội đồng nhân dân bầu lên và là người của công chúng thì việc khen hay chê cũng là bình thường.
Một chính khách không thể bắt người khác luôn phải yêu thích mình hay cấm họ có nhận xét, bình luận không hay về mình. Vấn đề là nếu có biết hay nghe về bình luận đó thì cần xem xét nó đúng hay sai? Nếu đúng thì cần tiếp thu và làm tốt hơn, để người dân và cử tri ngày càng yêu quý mình hơn, luật sư Huyền nói.
Giả sử việc bình luận trên Facebook là “cái mặt kênh kiệu” với người khác, mà không phải là người có chức vụ, quyền hạn, liệu cơ quan chức năng có xử phạt hành chính hay không? Luật sư Huyền cho rằng không! Nếu ai đó cảm thấy người khác có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của mình có quyền yêu cầu khởi tố hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự hoặc khởi kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Điều 611 Bộ luật Dân sự chứ không phải xử lý theo kiểu này.

Còn luật sư Nguyễn Tấn Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, “kênh kiệu” tức là làm cao, tỏ vẻ hơn người, có thái độ kênh kiệu… Vậy từ “kênh kiệu” là cảm nhận chủ quan của một cá nhân về một cá nhân nào đó và người ta đưa ra thông tin là nhận định riêng của cá nhân họ.
Từ “kênh kiệu” không xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nên việc phạt 5 triệu đồng và kỷ luật là không đúng quy định. Hành vi của bà Trang không vi phạm vào các điều cấm ở quy định tại nghị định 72/2013/NĐCP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, luật sư Nguyễn Tấn Thi phân tích.
Theo  luật sư Nguyễn Tấn Thi, hành động “like” trên mạng xã hội là sự đồng cảm đối với người viết hoặc thể hiện sự xã giao, hợp với ý của mình. Khi nào thông tin đó sử dụng nhằm mục đích bôi nhọ danh dự khiến ảnh hưởng uy tín của người khác thì mới có thể xử phạt.
………………………….
Luật sư Nguyễn Văn Thành Phân tích: ”Thứ nhất, thông tin liên quan đến Chủ tịch tỉnh An Giang là công khai, đã được công bố trên các phương tiện báo chí, truyền thông và có cơ sở. Hơn nữa, trang Facebook là trang mạng xã hội, việc chia sẻ, ý kiến về các thông tin đã được công khai không bị pháp luật cấm nếu nó phù hợp với đạo đức, thuần phong mĩ tục.
Thứ hai, nội dung ý kiến chia sẻ không có từ ngữ nào thể hiện việc chị Trang xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác mà chỉ thể hiện tâm trạng của cá nhân về việc yêu hoặc ghét ai đó. Mặt khác, nội dung ý kiến chia sẻ cũng không có thông tin về chủ thể bị xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm là ai.
Thứ ba, chị Trang có mục đích, cố ý xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của Chủ tịch tỉnh hay không cũng cần phải làm rõ, nếu chỉ đơn thuần là chia sẻ mang tính trào lưu, thích thể hiện quan điểm, trạng thái tâm lý của cá nhân thì cũng không có cơ sở xử phạt chị Trang về hành vi đã nêu”.
………….
Để có thông tin đa chiều về vụ “bị phạt vì nói mặt Chủ tịch tỉnh kênh kiệu”, phóng viên nhiều lần gọi điện thoại cho ông Vương Bình Thạnh để phỏng vấn nhưng ông không nghe máy. Sáng 18.11, PV đến nhà ông Thạnh để tìm hiểu sự việc. Người bị phạt là hàng xóm sát vách nhà chủ tịch tỉnh.  Quang Dũng tổng hợp .

Như thế là mười mươi đã rõ, các cơ quan ở An Giang quy chụp và ra quyết định phạt như thế là không đúng. Ở đây không phải là xúc phạm, cũng chả phải là nói xấu cán bộ, theo tôi đây là lời “trách móc nhẹ nhàng” mà thôi…

Theo lời Hồ Chủ tịch: Cán bộ là đầy tớ của nhân dân, nhân dân là ông chủ. Nay ông chủ trách móc như thế không được hay sao? Ta xem lại ta đi, có phải thời gian qua ta có xa rời dân chúng hay không? Người trách móc là hàng xóm sát vách nhà ta đấy!...

Tục ngữ có câu: “ Thuốc đắng dã tật/sự thật mất lòng”.  Hay “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Bán anh em xa, mua láng giềng gần ; Nhất cận lân, nhì cận thân …

Tuân Tử (313 – 235 trước Công nguyên) có câu nói nổi tiếng: Người chê ta mà chê đúng là thầy ta. Người khen ta mà khen đúng là bạn ta. Kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta là kẻ thù của ta.

Vậy nên, những người viết trên Fb chê ông Chủ tịch, thì ông phải ngẫm nghĩ xem họ chê có đúng không? Họ nói “mặt ông kênh kiệu” thì với một người có chức sắc như ông, một người ở vị trí theo lẽ thường là phải “đức cao vọng trọng”, phải thấy được đây là sự chê bai cá nhân ông, chứ không phải “xúc phạm”, như ông nghĩ hay cơ quan tham mưu của ông nói thế! Vậy thì theo tôi, cũng như dư luận xã hội muốn ông nên ứng xử đại lượng và đúng nhân cách là nên suy nghĩ lại, không nên tự ái, càng không nên sử dụng những cơ quan tham mưu chức năng xử lý kỷ luật người ta. Như vậy sẽ có rất nhiều người nghĩ không tốt về ông. Rằng, ông dùng quyền lực để trả thù cá nhân cho bõ tức với những lời “trung ngôn nghịch nhĩ” ?

Tôi nghĩ, nếu ông Chủ tịch và các cơ quan tham mưu cấp dưới của ông làm đúng, thấu tình đạt lý…thì chắc sẽ không có những bài báo phải tốn giấy mực phân tích, cũng không phải để có cả những ý kiến của luật sư phải giở Luật ra mà khẳng định người chê ông không phạm luật.
Và với một người ở vị trí Chủ tịch tỉnh như ông phải cho việc đó (câu chê bai của cô Trang và ông Phúc) là chuyện nhỏ như con thỏ, thì tư cách của ông sẽ lớn hơn. Ngược lại, nếu ông cho việc này là lớn thì không khéo xã hội lại coi thường ông, nhất là ông dùng quyền lực để kỷ luật một kẻ yếu thế. Giả định cô Trang không phải người của tỉnh ông, chắc ông không thể làm việc đó?

Ba cán bộ nầy vì trách móc ông mà bị phạt nặng như thế, ông có tự suy nghĩ vì buông lỏng quản lý đất đai (theo kết luận của Thanh tra Nhà nước) mà tạo ra bao nhiêu dân oan, họ đội sớ kiện cáo từ TP.HCM đến thủ đô Hà Nội. Có người cả mươi năm, sống vất vưỡn ở công viên Lý Tự Trọng, vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Bờ hồ, ông có thấy không? Ai gây ra những bi kịch ấy? Nỗi khổ của người dân oan liệu có so sánh được với cái bực tức của ông Chủ tịch khi bị người dân chê trách?

Tôi thực sự băn khoăn: Một người lãnh đạo như ông Chủ tịch tỉnh An Giang, liệu có nên làm To một chuyện Nhỏ?

Thôi đi ông Chủ tịch ạ ! Ông nên thu hồi, hủy các lệnh phạt, án kỷ luật vô lý kia đi, hy vọng 1 buổi chiều nào đấy, tôi đi ngang nhà của ông ở tp. Long xuyên thấy ông và ông Duy Phúc ngồi trước mái hiên nhà  cùng ngồi uống trà (hoặc rượu) thì hay biết mấy, hàng xóm tốt, láng giềng tốt khi tối lửa tắt đèn ông nhé !

Ngày Nhà giáo VN 20/11/2015/

TRỊNH KIM THUẤN .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog