29 thg 11, 2015

Kĩ nghệ thần tượng hoá: Đọc tranh tuyên truyền của Tàu của GS Nguyễn Văn Tuấn theo Người đồng bằng .

Kĩ nghệ thần tượng hoá: Đọc tranh tuyên truyền của Tàu


Trong thế giới cộng sản cũ, người ta có hẳn một kĩ tạo chuyên tạo nên những thần tượng (nói theo tiếng Anh là cult). Kĩ nghệ này có tên là "tuyên truyền", nó xuất phát từ Liên Xô cũ, rồi lan dần sang Tàu, nơi mà kĩ nghệ này được hoàn thiện và chuyển giao cho các nước nhỏ hơn (như Việt Nam chẳng hạn). Thành ra, nhìn những kĩ thuật tuyên truyền của Tàu chúng ta cũng có thể biết được căn cơ đằng sau hiện tượng thần tượng hoá ở VN.

Hôm nọ nhân dịp đi ăn tiệc ở Cần Thơ, tôi nghe được một bài vọng cổ hết sức cảm động. Bài dài lắm, nhưng có những câu rất khó quên như: "Phận cút côi tháng năm tưởng đời quên lãng, nhưng nhờ ơn Đảng cứu sống đời con trong đêm tối kinh hoàng [...] Chỉ có Đảng – Đảng là đấng mẹ hiền, dạy cho con biết ngẩng cao đầu và đứng thẳng. [...] Đường lên hạnh phúc chân trời rộng, nhờ Đảng quang vinh dẫn dắt đường." (Tôi nhớ không hết). Tôi tự hỏi không biết ý tưởng bài vọng cổ này từ đâu, nhưng thiết nghĩ để biết nguồn gốc của những ca từ ấn tượng này, cách có ích nhất là tìm hiểu kĩ nghệ tuyên truyền ở bên ... Tàu.

Một cách thú vị là xem những tranh tuyên truyền của Tàu cộng. Tôi nghĩ nhìn qua những tranh này, các bạn -- cũng như tôi -- sẽ thốt lên: Sao giống VN thế! Đúng là như vậy. Tôi bỏ ra một thời gian chiêm nghiệm, đọc những nhận xét của chuyên gia nước ngoài, và đặc biệt là trang chineseposters. net, và rút ra một số đặc điểm của những bức tranh này.

Dùng màu kích động và năng lượng cao

Thứ nhất là họ (những hoạ sĩ tuyên truyền) dùng gam màu đỏ như là điểm nhấn chung của hầu hết các bức tranh. Màu đó là màu năng lượng cao, nhưng dĩ nhiên cũng là màu biểu tượng của cách mạng, của thế giới cộng sản. Màu đó còn mang tính kích động cao, làm cho người ta hăng hái, hung hăn. Chẳng hạn như hình này (hình 1), chúng ta thấy tác giả lấy cờ đỏ làm nền, và đứng/ngồi/vượt trên đám ông là hình của Mao Trạch Đông lớn hơn bình thường, với mặt nhìn về xa xôi, có vẻ suy tư và quan tâm. Cái motif này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các tranh tuyên truyền của thế giới cộng sản.

Hình 1: Gam màu đỏ chủ đạo. Khẩu hiệu đọc: "Giai cấp công nhân phải lãnh đạo tất cả". 

Dùng tính từ thậm xưng

Đặc điểm hay xu hướng thứ hai là họ hay dùng những tính từ rất thậm xưng như "vĩ đại", "xuất sắc", "kính yêu", "muôn năm", v.v. cho nhân vật được thần tượng hoá. Chẳng hạn như bức tranh này (hình 2) có dòng chữ dịch sang tiếng Việt là "Đồng chí Mao Trạch Đông là nhà Mác-xít - Lênin-nít vĩ đại nhất hiện nay". Hai chữ "hiện nay" có nghĩa là 1969. Đó là giai đoạn mà Mao phát động phong trào chống phong kiến, chống tàn dư của chế độ tư sản. Kĩ nghệ tuyên truyền làm việc hết công suất để quảng bá rằng xã hội không cần những bác sĩ tư sản, bởi vì những bà nội trợ có thể dùng dây giầy để nối ngón tay bị đứt lìa, và họ có thể phẫu thuật bóc bỏ một khối u 45 kg!

Hình 2: "Đồng chí Mao Trạch Đông là nhà Mác-xít - Lênin-nít vĩ đại nhất hiện nay" 

Mặc dù họ rất ghét chế độ phong kiến, nhưng những người cộng sản Tàu lại rất thích dùng những chữ thời phong kiến. Chẳng hạn như chữ "muôn năm" (hay vạn tuế) là một trong những tính từ được họ ưa chuộng. Trong hình dưới đây (hình 3), chúng ta thấy cái motif màu đỏ (một lần nữa), mô tả đám quần chúng hớn hở, cầm cuốn sách đỏ, và phía dưới là dòng chữ lớn: "Mao chủ tịch muôn năm". Bức tranh này được sáng tác vào năm 1970.

Hình 3: "Mao Chủ tịch vạn tuế"! 

Ứng dụng phường tuồng

Đặc điểm thứ ba các tác giả tuyên truyền có xu hướng dùng sân khấu để chuyển tải thông điệp. Chẳng hạn như hình này (hình 4) có dòng chữ "Nguyện mãi mãi theo đảng cộng sản, mãi mãi theo Mao chủ tịch". Bức tranh này được sáng tác vào năm 1970, và motif họ dùng là Mao Trạch Đông đứng giữa, bao quanh bởi quần chúng. Quần chúng có vẻ nhìn Mao với ánh mắt ngưỡng mộ.

Hình 4: "Nguyện mãi mãi theo đảng cộng sản, mãi mãi theo Mao chủ tịch"

Một motif khác là các hoạ sĩ tuyên truyền là họ hay mô tả Mao như là một siêu nhân. Như trong bức hoạ này (hình 5) họ mô tả Mao rất bự con, cao hơn mọi người, rất "cơ bắp", nói chung là lớn hơn mọi người một cách bất thường, nói chung là một con người siêu phàm, bán thần thánh. Ngược lại, các nhân vật quần chúng chung quanh Mao thì thường cho mặc áo màu xám, hoặc màu tôi tối hơn, đúng với hình ảnh của giai cấp công nhân.

Hình 5: Mao được mô tả là người bự con một cách bất thường 

Buôn bán hi vọng

Đặc điểm thứ tư là kĩ nghệ tuyên truyền rất thích ... buôn bán hi vọng. Họ hay nói về tương lai huy hoàng, về cuộc sống hạnh phúc dưới sự lãnh đạo của Mao chủ tịch và đảng cộng sản Tàu. Tiêu biểu cho xu hướng này là bích chương (hình 6) với biểu ngữ "Biến Tàu thành một nước xã hội chủ nghĩa kĩ nghệ hoá hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Tàu và Mao chủ tịch." Một bích chương khác (hình 7, năm 1954) tác giả mô tả một gia đình với hai vợ chồng và 3 con trông rất hạnh phúc và đầy đủ chẳng khác gì gia đình bên Mĩ. Bích chương có câu "Mao chủ tịch cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc."

Hình 6: "Biến Tàu thành một nước xã hội chủ nghĩa kĩ nghệ hoá hùng mạnh dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Tàu và Mao chủ tịch". Hình 7 bên phải có chú thích "Nhờ ơn Mao chủ tịch" nên gia đình hạnh phúc và đầy đủ. 

Ánh hào quang và thần thánh hoá

Mao lúc nào cũng được kĩ nghệ tuyên truyền Tàu mô tả như là một người thầy vĩ đại, một lãnh tụ lớn, một tổng tư lệnh tối cao và sáng suốt. Như trong bức tranh dưới đây (hình 8) họ cũng dùng màu đỏ làm nền, và cái đầu bự bất thường của Mao hiện lên trên với mặt tươi cười. Bên cạnh là dòng chữ "Ánh sáng của tư tưởng Mao Trạch Đông soi sáng con đường đến cuộc Cách mạng Vô sản vĩ đại." Chú ý trong bức hoạ tuyên truyền này, tác giả còn mô tả Mao như là một bậc thánh như Phật và Chúa Jesus bằng cách dùng những ánh hào quang chung quanh Mao.

Hình 8: "Ánh sáng của tư tưởng Mao Trạch Đông soi sáng con đường đến cuộc Cách mạng vô sản vĩ đại".
  
Tuy nhiên, họ cũng mô tả Mao là một ông thánh gần gũi và thân thiện. Chẳng hạn như hình này (hình 9) Mao xuất hiện như là một con người cao và bự con một cách bất thường, quàng khăn đỏ quanh cổ, tay vờ cầm cuốn sổ, tay để trên vai của một bé gái đang sung sướng được lãnh tụ quan tâm. Nền hình là bức tranh thuỷ mặc lung linh huyền ảo như thiên thai. Bức tranh đi kèm theo câu "Báo cáo lên Mao chủ tịch," như là một vinh dự.

Hình 9: "Báo cáo lên Mao chủ tịch" 

Tóm lại, thần tượng hoá và thần thánh hoá lãnh tụ là một kĩ nghệ quan trọng trong thế giới cộng sản. Kĩ nghệ này được khai sinh bởi Liên Xô dưới thời Stalin, một kẻ tội phạm chiến tranh và một đồ tể giết người hàng loạt. Các nhà tuyên truyền Liên Xô "truyền nghề" cho Tàu và các nước đàn em. Tôi nghi rằng chính ở Tàu, nơi đã có truyền thống phong kiến, thì kĩ nghệ tuyên truyền và thần thánh hoá lãnh tụ được nâng lên thành một đỉnh cao. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi Mao được mô tả như là một bậc thánh, một nhà tư tưởng uyên bác, một nhà quân sự đại tài, nhưng đồng thời cũng là một lãnh tụ hiền từ, hay nói chung là một siêu nhân. Ngoài những bức tranh trên, Tàu còn sáng tác ra rất nhiều khẩu hiệu chỉ nhằm quảng bá hình ảnh của Mao Trạch Đông (có vài ví von rất ngụy biện):

• Đi biển phụ thuộc vào thuyền trưởng, phát động cách mạng phụ thuộc vào Tư tưởng Mao chủ tịch. 

• Trung thành vô hạn với Mao chủ tịch, trung thành vô hạn với tư tưởng vĩ đại của Mao chủ tịch, trung thành vô hạn với đường cách mạng của Mao chủ tịch. 

• Người thầy vĩ đại, lãnh tụ vĩ đại, tổng tư lệnh vĩ đại, thuyền trưởng vĩ đại -- Mao chủ tịch muôn năm!

Hình 10: "Đạo sư vĩ đại, lãnh tụ vĩ đại, thống soái vĩ đại, người cầm lái vĩ đại". 

Đọc những khẩu hiệu trên viết về Mao Trạch Đông, có lẽ bất cứ ai trong chúng ta đều cảm thấy ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì cái kĩ nghệ đó thần thánh hoá Mao đến mức độ có thể nói trâng tráo. Ấy thế mà có khối người tin rằng đó là sự thật. Ngày nay thì có lẽ nhiều người đã biết rằng Mao là một kẻ giết người ghê gớm nhất trong lịch sử nhân loại. Chỉ một mình Mao, y đã giết từ 45 đến 75 triệu người. Con số nạn nhân của Mao còn hơn cả Stalin (ước tính là 40 triệu) và Hitler (17 triệu). Với một "track record" như thế mà mới đây, Tàu kỉ niệm ngày sinh thứ 120 năm của Mao bằng cách đúc bức tượng của y bằng vàng ròng trị giá 20 triệu Bảng Anh. Ở Tàu, vẫn còn nhiều người xem Mao như là Chúa Jesus, thậm chí còn cao hơn cả Jesus, là một "God in the East" (Thượng đế của phương Đông)! Tuyên truyền là một trong những kĩ thuật tẩy não quần chúng. Nhìn như thế thì thấy cái kĩ nghệ tuyên truyền và thần thánh hoá Mao ở Tàu đã rất thành công.

Việt Nam là nước chịu nhiều ảnh hưởng của Tàu. Không ngạc nhiên khi thấy những bức tranh trên đây của Tàu rất giống Việt Nam. Có thể nói Việt Nam chỉ bắt chước kĩ thuật tuyên truyền, chứ ít sáng tác ra cái gì mới. Do đó, hi vọng rằng đọc qua những bức tranh tuyên truyền của Tàu, chúng ta có thể tìm lời giải đáp cho hiện tượng thần thánh hoá ở Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog