LĐO - Một chiều cuối tháng 11.2008, Tô Phương Trọng
(ngụ tại Tân Đức, Đầm Dơi, Cà Mau) cùng bé gái hàng xóm 5 tuổi vào sân bưu điện
bẻ cau. Ngay tối đó, Trọng bị công an tới nhà bắt giữ vì tình nghi hiếp dâm bé
gái. Khi đó, cậu mới 14 tuổi 3 tháng và đang là học sinh lớp 7.
Sau buổi
chiều hái cau định mệnh đó, Trọng ngồi sau song sắt suốt 3 năm 7 tháng cho đến
khi được tuyên vô tội.
3 năm 7
tháng. Có nghĩa là hơn 1.300 ngày uất ức vì oan sai!
Giờ đây,
trong một căn chòi tôn ven đô, cậu vẫn chỉ thấy một tương lai màu xám mờ mịt
trước mắt. Cha đã mất mấy năm trước khi hay tin cậu bị bắt giam. Mẹ tái phát
bệnh. Những người anh em xấu hổ phải bỏ đi làm ăn xa. Còn Trọng, đến giờ vẫn
chưa được làm giấy chứng minh thư. Ngày ngày sống tạm bằng ít tôm cá ngoài đầm.
Có thể nói
là những bản án oan không chỉ đẩy một người vô tội vào vòng lao lý, tước đoạt
của họ danh dự, nhân phẩm, tương lai… mà còn làm tan nát gia đình họ.
Tô Phương
Trọng chỉ là một trong rất nhiều các nạn nhân oan sai đang được các đoàn giám
sát tình hình oan sai của Quốc hội quan tâm.
Theo nghị
quyết về giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục đích của giám sát oan sai
lần này là nhằm xem xét tình hình, xác định nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến
tình trạng oan sai. Và “Nếu cần thiết sẽ tổ chức phiên giải trình đối với một
số trường hợp oan, sai cụ thể”.
Người ta đã
nói rất nhiều về nguyên nhân gây oan sai. Nào là bệnh thành tích. Nào là “non
kém nghiệp vụ”. Rồi cả việc “mớm cung, dùng nhục hình” và “sự độc lập” rất
khiêm tốn của các cơ quan tố tụng.
Nhưng còn
có một nguyên nhân mà dư luận nhìn nhận giống y như sự bất công. Đó là việc xử
lý trách nhiệm của những người đã đẩy người khác vào vòng lao lý.
Trong án
oan Tô Phương Trọng, báo cáo của Viện KSND tỉnh Cà Mau cho biết đã tổ chức kiểm
điểm xử lý trách nhiệm 2 tập thể và 6 cá nhân bằng hình thức “kiểm điểm rút
kinh nghiệm”; “không xét thi đua”.
Không xét
thi đua cho dù đó là hành vi mớm cung, ép cung.
Kiểm điểm
rút kinh nghiệm với những người khiến một cậu học trò lớp 7 mất 1.300 ngày tù
oan.
Xin nhắn
với các vị ĐBQH đang thực hiện giám sát, rằng những người tù oan, và cả nhân
dân nói chung mong rằng báo cáo giám sát sẽ có kiến nghị thỏa đáng đối với việc
xử lý những người đang tạo ra oan khiên cho người vô tội.
Bởi vì “rút
kinh nghiệm” hay “không xét thi đua” không thể gọi là biện pháp, thậm chí,
không đủ tử tế và công bằng để có thể tránh được oan sai!
ĐÀO
TUẤN theo PHƯỚC BÉO .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét