26 thg 2, 2015

Lễ hội tôn vinh bạo lực- nhìn nhận từ góc độ nhân cách và tương lai quốc gia Tác giả: Hồ Thị Hải Âu (theo FB Hồ Thị Hải Âu)

KIM DUNG : Một bài viết rất hay. Một cái nhìn khá sâu sắc. Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ về cái mà hiện nay có những nhà nghiên cứu bênh vực cho lễ hội- hủ tục chém lợn!

Văn hóa là chuẩn mực nhưng lễ hội không phải là bất biến. Như lễ hội chém lợn chẳng hạn. Xưa là lễ hội, nhưng nay ở thời đại văn minh, nó cho thấy sự man rợ của con người, sự tối tăm trong nhận thức của con người, và cái ác của một hủ tục, cần dẹp bỏ. Nếu không xấu hổ lắm. Và chính quyền cơ sở, nên nhận thức đúng về một hủ tục man rợn, hủ lậu, diễn ra ngay tại Kinh bắc, quê hương của những làn điệu quan họ nhân văn. Xin đừng ngụy biện và cũng đừng tỏ ra bất lực trước những cái nhân danh gọi là lễ hội. Một hủ tục không dẹp bỏ nổi, đừng nói gì đến lãnh đạo người dân đi theo văn minh, văn hóa.
——–
Mình nhớ, đó là năm con gái mình học lớp 4 thì phải hoặc thấp hơn 1 lớp. Đó là dịp Noel, và cháu được người chị họ tặng một bộ bup bê baby nhỏ xinh. Tối đó, như thường lệ, sau khi thu xếp những sinh hoạt cần thiết của một buổi tối, mình bắt đầu quan tâm đến góc học, góc chơi của con. Đập vào mắt mình là một cảnh tượng… như thế này. Một con bup bê có mái tóc dài và dày nhất được tháo rời các bộ phận. Cái đầu với mái tóc dài xõa xượi, bị treo ngược trên 1 sợi dây, buông lủng lẳng… nhìn rất kinh dị. Mình cao giọng hỏi con gái:
– Chuyện gì thế này?
– – Dạ, con mô phỏng cảnh chị Sứ bị thằng Sằng chém lìa đầu, rồi bêu lên cành cây ạ!

.Ôi trời, thì ra, trong một giờ kể chuyện về lòng yêu nước, các cháu đã được cô giáo cho đọc trích đoạn trong tác phẩm “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức. Mọi tranh bàn về giá trị nghệ thuật, nhân văn và giá trị bồi đắp lòng yêu nước cho trẻ từ tác phẩm ấy, cao thấp tới đâu, mình không đặt ra ở đây. Chỉ xin nhắc đến một khía cạnh còn trần thiết và quan ngại hơn, đó là: khả năng tác động mạnh mẽ của tập quán mô tả bạo lực trong văn học nghệ thuật lên nhận thức, tính cách rồi nhân cách của mỗi cá thể trẻ chịu sự giáo dục đó – tất nhiên theo hướng tiêu cực là chính.
Tình huống sư phạm dở mếu, dở cười đó khiến mình tỉnh ngộ và càng phải chủ động dụng nhiều công phu, thời gian, trí tuệ và bằng chính lối sống từ tâm của mình để làm trụ cột cho quá trình hướng dẫn con gái lớn lên trong an hòa và nhận biết cái đẹp cái cao cả đích thực, không bị nhầm lẫn.
Triết học cổ đại Phương Đông (Lão Tử và Phật học) đã minh triết trong sáng quy luật của sự sống trên trái đất: Con người cũng giống như mọi sinh vật trên trái đất chỉ là một mắt xích trong chuỗi thức ăn. Loài nọ là thức ăn của loài kia – sự sống của loài nọ là nguồn thức ăn của loài kia… cứ thế đến vô cùng. Và bi thương xảy ra trong quá trình cạnh tranh sinh tồn của các loài, giống…
Có câu chuyện ngụ ngôn thiền sâu sắc thế này: Một vị bồ tát bắt gặp một con nhện đang dăng tơ và trong cái bẫy tơ nhện mong manh ấy, có một con ruồi đang cố giãy dụa để thoát thân. Vị Bồ tát nẩy lòng từ bi, đã khẽ khẩy tay cứu độ cho con ruồi thoát khỏi màn tơ nhện, đoạn ông sẵng giọng với nhện: Nhà ngươi thật không có lòng từ bi! Nói rồi, vị Bồ tát trở gót. Một thời gian sau, Ngài quay lại lối cũ thì nhìn thấy cảnh con nhện đang hấp hối ngay trên tơ dăng của nó, lòng vị Bồ tát chợt nhói lên, bèn ân cần hỏi han: Sao nhà ngươi ra nông nỗi này? Lúc này, dùng hết sức tàn lực kiệt, con nhện thưa lại: Thưa Ngài , con ra thế này là bởi lòng từ bi của Ngài dành cho con ruồi!
Lập tức, Vị Bồ tát đã chứng ngộ điều mà Phật đã gợi mở: Sống là một hành trình bi thương! Mọi con vật do tạo hóa sinh ra, nó đều có sứ mệnh thiêng liêng của nó và mọi sự sống đều bình đẳng với nhau, liên kết trong chuỗi thức ăn tuần hoàn.
Thế nên, vẻ đẹp của sự sống trở nên mong manh và bi thương là thế. Hiểu biết ấy, khiến ta ngộ ra điều giản dị rằng, nếu khi đói lòng mà ăn, mà giết sinh vật khác làm thức ăn, đó là điều hợp quy luật, đó là bản năng cạnh tranh sinh tồn thiêng liêng mà đấng Tối thượng luôn phổ độ. Nhưng, nếu không vì sinh tồn mà giết chóc để mua vui, để thỏa mãn khoái cảm bạo hành, bạo lực, nguy hiểm hơn là nâng nó lên hành nghệ thuật và tục lệ văn hóa… thì quả là một sự vô minh, bẩn thỉu chỉ có thể nẩy ra trong tâm trí của loài người mà thôi!
Lịch sử nhân loại ghi dấu vô số những tập tục man rợ và mông muội, không riêng gì ở VN. Cái khác là ở chỗ, nhân loại văn minh đã nhận hiểu điều này, nên ở những quốc gia văn minh, con người chung sống khiêm nhường hơn với thiên nhiên, tôn trọng hơn những sự sống khác, ngoài sự sống loài người. Ở những quốc gia đó, những hủ tục, những tập tục bạo lực man rợ có dấu vết từ thời thượng cổ, trung cổ… đều đã được dừng lại trong bảo tàng, như một minh chứng cho sự tỉnh ngộ, giác ngộ đầy ý thức của con người văn minh, biết kiểm soát những khoái cảm nhẫn tâm, những cảm thức khoái trá, mãn nguyện có được từ sự giết chóc – dấu vết tâm lý có từ thuở mông muội, khi người tiền sử vẫn đi săn theo đàn để có thức ăn.
Đó không phải là văn hóa. Đó giản dị là chặng trưởng thành mà loài người đi qua trong quá trình tiến hóa và sống. Nhận hiểu được nó, để chúng ta thanh thoát với quá khứ. Không phán xét, nhưng cũng không xưng tụng, rồi xây đắp thành thứ tập tục, nâng lên thành lễ hội văn hóa truyền thống!
Một quốc gia cứ mãi bám víu vào những tập tục lạc hậu, phản cảm, mông muội để tự vuốt ve rằng, đó là bản sắc, là tinh hoa, là truyền thống… thì thật bế tắc và thất vọng! Điều thất vọng và bế tắc còn sâu sắc hơn, khi nó được lên tiếng bảo vệ từ những người mang danh học vị tiến sĩ, đứng ở vai trò là đại biểu của nhân dân!
Bên cạnh sự kế thừa tinh hoa, thì nhờ có thái độ chủ động không ngừng phủ định cái cũ vô lý, không còn phù hợp… mà nhân loại tỉnh thức đã luôn luôn phát triển và có được những thành quả lớn lao.
VN – quốc gia có lịch sử lâu đời – hàm chứa cả những tinh hoa và không ít hủ tục. Cái mà chúng ta cần lúc này là một trí tuệ nhân loại, một bản lĩnh để nhận ra đâu là văn hóa? Dứt bỏ những gì là man rợ, mông muội, để con em chúng ta ngẩng cao đầu đồng hành với một nhân loại từ bi và văn minh, mà không bị mắc dính vào sự xấu hổ mỗi khi trên các kênh quốc tế đưa thông tin lễ hội mông muội với lời bình: hiện chỉ tồn tại ở VN
Xã hội luôn có sự tương tác và ảnh hưởng sâu rộng lên nhau. Hình ảnh man rợ, phản cảm, bẩn thỉu có trong các lễ hội Đâm trâu, chém lợn, vân vân… luôn ám ảnh trong tâm trí – tâm lý xã hội. Máu me, chết chóc thê thảm, sự hả hê của kẻ thắng cuộc… có ý nghĩa gì, tác động gì đến xã hội? Đó, chính là hình ảnh của sự hiếu sát, khoái cảm giết chóc, tâm lý tự mãn vì muốn là hạ chết kẻ khác, coi rẻ mạng sống của kẻ khác, khoái cảm sung sướng vì bạo hành được kẻ khác, vân vân… những hệ lụy này có đáng suy ngẫm và đau đớn hay không, khi chúng ta nhận thấy sự vô cảm, sự nhẫn tâm, sự tàn độc… dường như ngày càng có xu hướng tăng lên trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ – thế hệ chủ nhân tương lai của gia đình, của quốc gia?
Tập quán lâu đời, tập quán truyền thống… có những tập quán thực sự chẳng có gía trị gì, chưa nói là giá trị văn hóa, nếu nó không làm cho cuộc sống trở nên ngày càng bình an – thiện nguyện hơn; con người an lành thân thiện với cộng đồng, với muôn sinh hơn, như là cách để hoan hỷ sống.
Sự mơ hồ trong nhận thức của một bộ phận dân chúng trước những thứ gọi là lễ hội phản cảm, mông muội, là điều có thể cảm thông, do những tín ngưỡng lưu cữu từ thời nguyên thủy mà họ khư khư giữ, hoặc do họ chưa có được những cơ sở nhận thức về quy luật và tỉnh ngộ. Do đó, nếu trí tuệ văn minh chưa thể thuyết phục, hãy khoanh lại, để tập tục chỉ là sinh hoạt của một cộng đồng nhỏ, không đáng bàn, không đại diện, không cổ xúy, không xưng tụng, truyền thông, truyền bá rầm rộ làm gì.
Xót xa thay, sự mơ hồ lại nằm ngay trong những lập luận ngu ngốc để bảo vệ cho những hủ tục mông muội đó của mấy vị trí giả nào đó, sao mà thấy thất vọng đến tê tái.
Họ cần xem lại liêm sỉ và hiểu biết, cũng như cái nhìn nhân ái cho một tương lai quốc gia được toàn cầu ghi nhận, tôn trọng.
HỒ THỊ HẢI ÂU  theo Kim Dung Kỳ Duyên .
————

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog