Mỗi khi nhắc đến tên tuổi những người như Lưu Hữu
Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Văn Khê, Nguyễn Mỹ Ca… là chúng tôi cảm thấy như nghe
đến tên những ngọn núi Thái Sơn, trong lòng dâng niềm kính trọng và cảm thấy tự
hào vì đất nước có những người tầm vóc, lặng thầm đóng góp trí tuệ cho Dân tộc.
Họ thực sự là những trí thức, những trí thức đúng nghĩa.
Sau giữa tháng 5/1975 gặp lại người bạn học cùng lớp
tên Mai Kế Nghiệp, quê Thốt Nốt, lúc còn
ngồi trên ghế nhà trường đã biết Nghiệp gọi ông Mai Văn Bộ là chú ruột, bọn
chúng tôi rất hâm mộ ….. Sau đó nghe nói Nghiệp sang Pháp ở cùng chú, chúng tôi
không gặp lại nhau, mặc dù Long Xuyên – Thốt Nột chỉ 18 cây số …… Thấm thoát gần 40 năm không
gặp, nhưng sự thật là Nghiệp vẫn ở tại quê nhà ……
Tình cờ nghe điện thoại của Nghiệp! Mừng không thể
xiết. Thế là tôi báo ngay cho các bạn cùng lớp hơn 40 năm trước như Lê Thanh Y
(Mường Kha) ở Thánh địa Hòa Hảo, Võ Văn Thả (Mặc Nhiên Hương) ở Vĩnh Khánh, Đỗ
Kim Lứa ở Long Xuyên… Một cuộc họp mặt bất thường tại nhà Nguyễn Thanh Nhàn ở
Long Xuyên…
Cuộc gặp mặt vào những ngày giáp tết Ất Mùi. Cuộc gặp
khiến chúng tôi nhớ đến ông Bộ, chú của Mai Văn Nghiệp và những người trong
phong trào học sinh sinh viên yêu nước từ trước cách mạng tháng Tám…
Khi ông Mai Văn Bộ mất, GS Trần Văn Khê, cây đại thụ trong nghiên cứu âm nhạc dân gian
đã viết bài: Nhớ
Mai Văn Bộ - nhớ những ngày “Lên Đàng” năm cũ. Hôm nay đọc lại và
xin chia sẻ với mọi người về tình bạn của những trí thức lớn.
Trần Văn Khê : « Bộ vừa vĩnh viễn ra đi. Hay
tin ấy, tôi ngồi tại Pháp mà tâm hồn bay về Việt Nam và nhớ lại từng lúc Bộ và
tôi gặp nhau, từ buổi đầu tại trường Trương Vĩnh Ký năm 1938, đến ngày tôi gặp
Bộ lần cuối cùng, tại phòng khách nhà cháu Lộc (con trai út Mai Xuân Lộc), hôm
hai anh em mình nói về sáng tác của Phước trong một chương trình cuối năm ngoái
(2001). Bao nhiêu năm qua! Bao nhiêu chuyện đã xảy ra! Cuốn phim đời đã quay
rất mau mà cũng rất rõ .
Bộ còn nhớ chăng? Tại sân cỏ của học sinh nội trú Trường
Trung học Trương Vĩnh Ký, anh Nguyễn Mỹ Ca, anh bà con cô cậu với tôi mà cũng
là bạn cùng học Trường Trung học Cần Thơ với Bộ, đã vui vẽ giới thiệu cho tôi:
Bộ, Phước, Nguyên ba bạn thân của anh từ Cần Thơ lên Sài Gòn vào lớp thứ nhứt
ban Tú tài (lère année Secondaire). Tôi còn nhớ rõ, nhìn qua ba bạn mới, tôi đã
để ý thấy da mặt Bộ trắng hồng, môi đỏ như thoa son. Bộ tươi cười bắt tay tôi
và hỏi: « Khê có đờn hay như anh Nguyễn Mỹ Ca không? »
Rồi Bộ đến làng Vĩnh Kim thăm Mỹ Ca và tôi.
Rồi chúng tôi ra Hà Nội. Rồi cùng nhau sáng tác và
giới thiệu những hành khúc của Lưu Hữu Phước. Nhớ những lúc nằm tréo ngoảy trên
giường trong ‘Gác tro TT » phố Thể
dục cũ, tìm lời đẹp cho ca khúc Phước mới đặt mà Bộ vừa tìm chữ vừa nói to: «
Khó hơn chơi ô chữ bội phần » !.
Rồi cùng nhau đi hội Đền Hùng tham gia phong trào « Truyền bá vệ sinh », cùng học
trường thuốc, tập sự tại bệnh viện Bạch Mai. Do dự không dám mổ xác một thiếu
nữ yêu kiều đã tự tử bằng phosphore, trong buổi hai anh em mình có phận sự phải
mổ thây người mới qua đời được 48 tiếng. Những buổi học tại Đại học Hà nội, Bộ
lãnh làm chủ bút tờ báo Monome của sinh viên, tôi lãnh chỉ huy dàn nhạc của
trường đại học. Bộ và tôi là hai sinh viên « lớp thấp » trường
thuốc. Lại lãnh chức vụ cao « lãnh đạo » trong việc làm báo và
tổ chức dàn nhạc !
Rồi gặp nhau trong buổi thành lập nhóm Hoàng Mai Lưu
tại Sài Gòn, rồi chia tay trong lúc vào vùng kháng chiến, Bộ đi lên miền Đông.
Phước, Mỹ Ca, Tiểng và tôi đi miền Tây.
Rồi gặp nhau lại tại Sài Gòn hoạt động bán chánh thức
trong nhà in của Maurice Lộc tại đường Amiral Courbet, trong nhóm « Báo
Thống Nhứt » và các anh em đã
giao cho Bộ và tôi sáng tác gấp bài ca Thống Nhứt, tôi đặt nhạc, Bộ đặt lời, bài
hát hoàn chỉnh trong 24 giờ. Bộ đã viết:
Thống nhứt
...
Hành vi và
tư tưởng
Thành kiến
và xu hướng
Trăm miệng
một lời :
« Thống
nhứt đoạt tự do »
Và câu chót rất lạ :
“Ngày tươi sáng mới
Lừng ca khắp
thế giới
Nắm tay nhau
dân tộc giải phóng thành công”.
Lúc đó chưa có Mặt trận Giải phóng mà Bộ đã tiên đoán
dân tộc giải phóng thành công.
Rồi lúc gặp nhau: Bộ, anh Huỳnh Tấn Phát và tôi để bàn
việc tôi sang Pháp vừa lánh mặt vừa trị bệnh và nếu được sẽ học thêm…
Rồi Bộ tiếp tục kháng chiến, bị thương nơi chân, làm
Phó Giám đốc trường Y hà Nội, tôi vẫn ở bên Pháp đến một chiều năm 1960, tôi
ngạc nhiên nghe qua điện thoại, Bộ hẹn
tôi đón Bộ để hai anh em gặp nhau tại hiệu ăn “Pied de cochon” (Giò
heo). Bộ lúc ấy là Trưởng phái đoàn thương mãi của Chính phủ Việt Nam Dân Chủ
Cộng hòa, tôi là Tùy viên nghiên cứu trong Trung tâm khoa học Pháp. Lúc đó tôi
còn là một hàn sĩ, chỉ có chiếc xe hai ngựa (Deux Chevaux) của Pháp rất nghèo
nàn. Bộ cười mà nói : “Khê đi xe gì mà nhỏ và xấu quá! Như đồ chơi trẻ con”.
Rồi suốt thời gian Bộ ở bên Pháp, lên chức lần lần đến
cấp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thành viên phái
đoàn đàm phán bốn bên với Mỹ và chánh quyền miền Nam. Bộ đã nhiều lần “vi hành” đến nhà tôi ăn cơm tối, nghe tôi
đờn, nói chuyện thơ và nhạc. Bộ đến một mình
với một nhân viên sứ quán, hay cùng đến với Kỷ, phu nhân của Bộ. Lúc ra
về Bộ thường xiết chặt tay tôi và nói: “Lâu lâu đến chơi với Khê nói chuyện về
nhạc và thơ mình thấy rãnh trí lắm”.
Mỗi lần về nước trở qua Pháp, Bộ thường đem cho tôi
những băng nhạc ghi âm hát chèo, quan họ… tư liệu rất quý cho công việc nghiên
cứu của tôi .
Rồi những lúc vì chức vụ chính thức, khó gặp được
những bạn cũ như Nguyễn Thành Nguyên từ bên Mỹ sang Pháp dự hội nghị nha khoa,
hay anh Năm Châu, cô Bảy Phùng Há trong đoàn nghệ thuật của Chính phủ miền Nam
sang Pháp. Lúc đó tôi phải tìm cách cho các bạn gặp nhau, vượt qua ranh giới
chính trị đã chia rẽ nhau!
Khi Bộ về nước, những lúc tôi về thăm quê hương, đến
thăm Bộ tại hà Nội và có dịp thấy tài Bộ trồng hoa lan. Rồi khi đất nước thống
nhất Bộ trở về nam. Mỗi lần về nước làm việc, tôi đều có thăm Bộ tại nhà Bộ
trong khu đại học ở Thủ Đức, để bàn về việc thành lập giải Hoàng-Mai-Lưu và
việc viết lại cuộc đời của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Có lúc Bộ định viết lại cuộc đời của tôi. Nhưng sau
khi nghe tôi nói chuyện mấy lần, Bộ nói: “Đời của Khê, phải Khê tự viết. Mình
thấy chưa đủ tư liệu để viết một quyển như đã viết cho Phước”.
Tuy ít gặp nhau hơn Phước, Tiểng nhưng rất gần nhau trong
bản sắc dân tộc Việt Nam, việc bảo vệ vốn cổ, việc phổ biến văn hóa Việt Nam
trên thế giới. Anh em mình lúc nào gặp nhau tại nhà Bộ hay nghe qua điện thoại
cũng thấy vui, thoải mái như gặp một người đồng điệu. Tuy xa nhau trong cuộc
sống, nhưng rất gần nhau trong tình thương đất nước, dân tộc và văn hóa Việt Nam .
Hôm nay Bộ đã mĩm cười vĩnh viễn ra đi. Bộ đã làm tròn
bổn phận đứa con đối với mẹ già, làm chồng làm cha trong gia đình, làm công dân
trong nước. Bộ đã để lại cho hậu sinh những tài liệu xác thực về chính sách
ngoại giao của nước Việt Nam
trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, và nhất là kịch thơ: “Tây Thi gái nước
Việt” mà theo tôi là một kiệt tác quý hiếm trong loại kịch thơ của sân khấu
Việt Nam
từ trước đến nay.
Chỉ nói phớt qua những lúc Bộ và tôi rất gần nhau
trong công việc, mà tôi đã được sống lại những giây phút tuyệt vời của một tình
bạn vượt lên những điểm có thể khác nhau trong chi tiết về cách nhìn đời, xử
thế mà giống nhau trong hoài bão nguyện vọng
để cho tình bạn giữa Bộ và tôi vẫn tròn từ lúc mới quen nhau đến ngày
vĩnh biệt nhau, xa cách nhau qua biên giới
giữa hai bờ sinh tử.
Vĩnh biệt Bộ! Cùng một lúc chung nỗi khổ với tang
quyến vì đã mất một người rất thương yêu!
Thương chúc linh hồn Bộ sớm tiêu diêu nơi miền cực
lạc.
TRẦN
VĂN KHÊ (E-mail từ Paris ) theo báo Sài Gòn giải phóng thứ năm 01.8.2002 .
Xem lại tâm tình của GS Trần Văn Khê đối với ông Mai
Văn Bộ, ta biết được tấm lòng cao cả của các vị nầy, không như tình trạng bát
nháo trên chính trường Việt Nam hiện nay, tiếc cho công sức của Lưu Hữu Phước,
Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiễng đã kêu goi Lên Đàng từ 70 năm về trước, nay đất
nước vẫn còn mờ mịt ……. Nhạc sĩ Việt Khang cũng kêu gọi LÊN ĐÀNG qua 2 bài hát
Anh là ai, Việt Nam
tôi đâu giờ đang ở trong vòng lao lý ……..
Những ngày
Giáp Tết Ất Mùi - 2015
TRỊNH KIM
THUẤN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét