5 thg 2, 2015

Nhàm của NND/PNTB.

Đục nước năm nay cò lại béo.
Bấy nhiêu hoa pháo, bấy nhiêu tiền .

Đục nước năm nay cò lại béo.
Bấy nhiêu đường xá bấy nhiêu tiền . Gótphiêudu .
Đêm pháo hoa ở TP Lào Cai
Kỷ niệm 10 năm thành lập Thành phố.
Ảnh PNTB
Cái gì cứ lắp đi lắp lại nhiều quá cũng NHÀM.

Mình thấy lâu nay các nhà chức trách ở nhiều nơi, nhiều cấp thường tổ chức lắm cái nhàm. Cứ lắp đi lắp lại năm nào cũng thế, khiến người dân cảm thấy nhàm và hơn nữa là tốn tiền vô ích.

Một địa phương nào đó bỗng dưng "nhớ ra" một cái gì để tổ chức lễ hội cho hoành tráng, khiến thiên hạ phải nhìn vào, thu hút người đến xem, gọi là "thu hút khách du lịch". Năm đầu tổ chức thì người ta thấy lạ, thấy hay, khen. Năm thứ hai, thứ ba vẫn tổ chức như thế, năm thứ tư, thứ năm, thứ mười…vẫn chẳng có gì hơn. Người xem cứ nhạt dần, chán dần...

Năm 2004, Hội Nhà văn có sáng kiến ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm làm  “Ngày thơ Việt nam”. Các địa phương cũng làm theo. Những năm đầu người ta háo hức lắm, thấy có ý nghĩa và có tác dụng tôn vinh thơ ca Việt Nam. Sang các năm tiếp theo thấy cứ như cũ thì nó nhàm nên BTC Ngày thơ Việt Nam ở Trung ương cũng đã cố gắng đổi mới hình thức… Tuy nhiên, ở địa phương thì không có cách nào đổi mới cả. Đến ngày đó, vẫn phần Lễ: đánh trống, kéo cờ Thơ, rồi ngâm bài Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi đủ các “nhà thơ”, kể cả trong CLB Hội người cao tuổi (chủ yếu là những ông già bà cả) ăn mặc nhếch nhác, đầu tóc bù xù ( Làm ra vẻ lập dị như các văn nghệ sĩ thật), lom khom lên sân khấu đọc bài thơ của mình cho mọi người nghe, trong một không khí ồn ào náo nhiệt của lễ hội! Làm sao mà “ngấm” được thơ, bởi nếu đúng là thơ thì nó là một thứ “ngũ lương dịch” đã được chưng cất? Phải trong không gian tĩnh lặng, và phải phục vụ đúng đối tượng, chứ không thể như âm nhạc mà "công chúng hóa" như thế được! Ngày trước, chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam thường phát vào 22 giờ và nhà Đài còn nhắc: Xin mời các bạn vặn nhỏ đài để đỡ ảnh hưởng đến người khác! Nhưng hầu như ở các tỉnh thành 10 năm nay vẫn thế thôi. Nhiều khán giả phàn nàn: “Khổ quá, thơ của các ông đọc hay dở thì các ông tự nghe thôi, chứ ai nghe?”… 

Rồi nhiều lễ hội nữa, cũng cứ “xuân thu nhị kỳ”, năm nào cũng như năm nào. Viết đến đây mình nhớ chuyện tiếu lâm “Thầy đồ cho chữ”. Khi có người từ trần, người họ hàng đến Thày Đồ xin chữ phúng viếng. Thày bảo ngồi chờ, im lặng để thày nghĩ, chớ có làm thày rối ruột. Thày rung đùi, cắn bút, nét mặt đăm chiêu ra điều huy động hết trí tuệ siêu phàm... Ngỡ thày nghĩ ra được câu văn nào mới, nhưng rốt cục thày vẫn hạ bút: “Hạc - giá - du - tiên, như muôn đời nay người ta vẫn viếng người quá cố như thế!

Mình trộm nghĩ, có nhiều cái gọi là Lễ hội không nên tổ chức thường niên nữa. Quay đi quay lại đã lại thấy phải tổ chức lễ hội ấy rồi. Những người được phân công tổ chức lễ hội chưa kịp nghĩ xem nên cải tiến thế nào để "làm mới", thậm chí chỉ là khác năm trước cho đỡ nhàm cũng khó. Thế nên giá 5 năm, 10 năm làm một lần thì mới hấp dẫn được người xem.

Những chuyện nhàm hơi bị nhiều, song có một chuyện gần đây công luận phản ứng khá mạnh là việc tổ chức bắn pháo hoa ở Hà Nội, nhất là ý định bắn pháo hoa ở khu vực Cầu Nhật Tân.

Mấy chục năm trước ở địa phương không hề có bắn pháo hoa, kể cả những ngày lễ trọng. Ở Trung ương thì thi thoảng có bắn pháo hoa vào những dịp đại lễ. Sự kiện bắn pháo hoa đã làm cho người dân thôi thì, dù còn nghèo nhưng vẫn phấn khởi vì hằng chục năm mới có một lần. Lần đầu tiên, không nhớ năm nào Hà Nội bắn pháo hoa trong đêm giao thừa khiến người sống ở nơi khỉ ho cò gáy như mình phải cố thức đến giao thừa để xem pháo hoa trên… ti vi. Xem ở ti vi vẫn thấy náo nức, bởi nó là thứ "của hiếm"…

Thế nhưng gần đây, việc bắn pháo hoa, xin lỗi các nhà tổ chức, đã trở thành một trò… nhàm. Động tí là pháo hoa. Con gà tức nhau tiếng gáy. Tỉnh kia bắn được chả nhẽ tỉnh mình lép vế!? Thế là một cuộc mít tinh nhận Huân chương, nhận Bằng Di tích lịch sử cho một địa danh nào đó, mừng Thị xã được lên cấp, tổ chức lễ hội du lịch thường niên, rồi giao thừa Tết Nguyên đán, khắp nơi đều bắn pháo hoa. Riêng Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thuộc loại “đàn anh” thì bắn nhiều điểm. Anh nào cũng hoành tráng, nhưng chẳng ai xem của ai. Trong TV pháo hoa rực rỡ, nhưng không còn cảm xúc nữa, bởi nhìn mãi cũng chán rồi. Quy luật tâm sinh lý của con người: Dù có là của ngon vật lạ nhưng “no nê” quá thì cũng không còn háo hức làm gì!

Hôm nay, trên trang Đời sống pháp luật có bài: Bắn pháo hoa, cầu Nhật Tân có lung linh như cầu cảng Sydney?tác giả bài viết đã dẫn lời GS.KTS Hoàng Đạo Kính rằng: "Theo tôi thì không nên vung tiền trong không khí để làm gìĐó là tiền xã hội hóa thật đấy nhưng cũng là tiền của công dân. Chỉ nên bắn pháo hoa vào ngày lễ trọng đại trong năm thôiTS. Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng: “Pháo hoa để ghi nhận lại sự kiện lớn như ngày độc lập, ngày tết năm mới, những dịp đặc biệt của quốc gia, chứ ít đất nước nào thực hiện bắn pháo hoa thường xuyên như thế vì tốn kém


Kỹ sư Lê Bằng Duy, Công ty Chiếu sáng Đô thị Hà Nội cho biết: "Bắn pháo hoa trong những ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, Quốc khánh, 30/4, 10/10... đã là quá đủ, vì nguồn kinh phí dành cho việc này không hề nhỏ. Vẫn biết, đó là nhu cầu phục vụ người dân, muốn mang lại điểm nhấn cho mỹ quan đô thị, nhưng xã hội còn quá nhiều vấn đề phải bận tâm: Người nghèo, vô gia cư, trẻ em thiếu ăn - thiếu mặc... Nguồn vốn xã hội hoá nên xem cái gì cần thiết nhất, có lợi cho dân nhất thì làm. Nếu chi một khoản tiền lớn để bắn pháo hoa thường xuyên thì thật lãng phí".

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương thì tâm sự: "Thông thường, những dịp trọng thể như lễ tết bắn pháo hoa để phục vụ nhân dân là hợp lý. Tuy nhiên, không nên lúc nào cũng bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân. Cái chúng ta đang cần là một không gian công cộng mang màu sắc văn hóa cho người dân Thủ đô. Đó mới là điều đáng phải quan tâm. Trong khi xung quanh Hà Nội, bao nhiêu nơi chưa đẹp mắt. Việc bắn pháo hoa chỉ giúp thỏa mãn về thị giác, chỉ để nhìn cho vui mắt thôi".

kiến trúc sư Nguyễn Bảo Hà bộc bạch: "Tôi không phản đối việc bắn pháo hoa để cho vui ở nơi công cộng, nhưng đặt trong tình hình đất nước hiện nay, tôi không ủng hộ. Những người quan tâm đến các vấn đề thời sự của đất nước, hẳn ai cũng hiểu nền kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn. Tôi nghĩ những đồng tiền đó nên sử dụng vào việc gì đó hữu ích hơn, tăng cường đời sống của người dân thì tốt hơn

Mỗi người một ý, nhưng nhìn chung, những người có lương tâm, không ai ủng hộ việc bắn quá nhiều pháo hoa.
Mình thì thấy nó nhàm chán. Chắc những người nghèo cũng không vì được xem pháo hoa nhiều mà đời sống của họ sẽ khá lên!...

Chiều 5/2/2015. PNTB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog