Mỗi khi tết đến Xuân về, người Việt mình thường có nét văn hóa truyền thống làm Câu đối tết. Đúng ngày ông Táo chầu giời, mình vào trang Phó nhòm tây bắc bắt gặp bộ 3 cặp câu đối gửi Táo quân mang lên báo cáo Ngọc Hoàng. Đọc một mạch cứ ngỡ là bài thơ, nhưng đó là những câu đối “tống cựu nghinh tân” giữa năm Giáp Ngọ và năm Ất Mùi. Đọc xong, ngẩn ra, ngỡ rằng PNTB xưa nay chỉ tọ tẹ viết văn, không biết làm thơ, làm câu đối. Ai ngờ bộ câu đối hay và mới! Thế là rút máy điện thoại gọi: “A lô! PNTB đấy à. Vừa gặp Táo nhà Phó nhòm đang trên đường lên giời 23 tháng Chạp. Táo nhà ông tiết lộ bộ ba Câu đối gửi nhà giời năm nay. Thấy có nhiều ý tứ sâu sắc, Thuấn tôi viết mấy lời cảm nhận (Không phải bình loạn đâu). Có gì không phải bỏ qua nhé!”
Về nội dung: Có lẽ đây là những trăn trở của tác giả khi chạm vào một cái mốc thời gian thiêng liêng, đang chuyển từ năm con Ngựa sang năm con Dê. Xưa nay đứng trước mỗi cái mốc thời gian như thế, người ta thường có cảm xúc ước muốn sao cho mọi điều không tốt của quá khứ mau biến đi, nhường chỗ cho những cái tốt đẹp hơn trong tương lai. Vì thế, câu đối Tết, thường muốn đuổi đi cái cũ xấu xa, đón đợi cái mới tốt đẹp hơn, như thế này:
Chiều ba mươi nợ réo tít mù,
co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một rượu say lúy túy,
giơ tay bồng ông phúc vào nhà
Nhưng đa số là vào giữa thời khắc thiêng liêng ấy, người ta mong cho mọi thứ đều tốt lành, không muốn vướng bận đến những nổi cộm của quá khứ:
Giao thừa hái lộc, cung kính ông bà,
rượu rót đôi ly, nghe lời chúc
Mồng một đơm hoa, nhớ ơn cha mẹ,
trà dâng ba chén, nhận lì xì.
Và : Ngày Xuân hạnh phúc bình an đến
Năm mới vinh hoa phú quý về
Hoặc: Xuân an khang đức tài như ý
Niên thịnh vượng phúc thọ vô biên
Loại câu đối theo cái tứ này khá nhiều. Và, đó là những câu đối hay, kinh điển (*).
Nhưng Bộ câu đối của PNTB thì hơi khác. Cảm xúc của tác giả giữa thời khắc bản lề của Giáp Ngọ sang Ất Mùi là sự trăn trở của những “cộm cán” năm cũ đang đặt ra trước ngưỡng cửa năm mới liệu có gì chuyển biến? Cái xấu của năm cũ có thể được giải quyết, nhưng biết đâu sang năm mới lại phát sinh những điều không muốn có:
- Ngọ ra đi, lũ ngựa cái bất kham
đã hết đường phóng ẩu
- Mùi lại đến, đàn dê đực vô lối
vẫn còn cửa nhẩy bừa
Đặc điểm của Ngựa là bao giờ cũng có những con “bất kham”, sinh ra “phóng ẩu”, khiến người quản mã gặp khó khăn! Nhưng qua Ngọ sang Mùi, gặp năm Dê – loài động vật có đặc trưng “nhẩy bừa”, không theo một “quy tắc đạo đức” nào. Trong cuộc sống, đôi khi “tránh vỏ dưa lại vớ phải vỏ dừa” cũng là chuyện thường tình. Thôi thì biết trước cũng là điều cảnh báo, để sẵn sáng chấp nhận, sẵn sàng “sống chung với lũ”!
Đôi câu đối tiếp theo là:
- Năm trước, ngựa chăm chỉ mài móng
mà chỉ phi nước kiệu
- Xuân sau, dê chịu khó gại sừng
khéo chỉ húc dậu thưa
Ngựa có đặc trưng là phi “nước đại” hoặc “nước kiệu”. Không phi được nước đại ắt chỉ túc tắc nước kiệu thôi. Nước kiệu là thói đủng đỉnh, “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”, là sự bàng quan, kiểu “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”, kiểu vô cảm trước những nỗi bất hạnh của con người… Mặc dù vẫn ra vẻ tích cực, chịu khó, chăm chỉ để “gại móng”, tưởng tạo ra một cú “phi nước đại” làm chuyển biến tình nhưng cuối cùng vẫn chưa đạt được như mong muốn… Ấy là “năm trước”. Còn sang “Xuân sau” – năm con Dê, người ta hy vọng sẽ có gì đổi mới nhưng kết quả thì không khéo Dê mặc dù đã ra chiều tích cực “gại sừng” nhưng vẫn “chỉ húc giậu thưa”!
Về những nổi cộm chung của đất nước là “quốc nạn tham nhũng” và tình trạng “nợ công nợ xấu” đáng lo ngại. Đảng, Nhà nước ta đang phấn đấu bằng mọi cách để đẩy lùi tham nhũng, để khắc phục công nợ. Đó cũng là mong mỏi của mọi người dân. Nhưng bằng sự trải nghiệm qua một thời gian dài những vấn để nổi cộm ấy có vẻ chưa có chuyển biến tích cực, chưa có thể hy vọng một chóng một chầy làm nên chuyện. Bởi vậy, câu đối đặt ra:
- Giáp Ngọ, kiếm ngón đòn
đánh quan tham nhũng
vẫn chưa thấy ăn thua
- Ất Mùi, tìm biện pháp
gỡ mối nợ công
liệu có còn “Chúa Chổm”
Về nghệ thuật:
Câu đối vốn là một thú chơi tao nhã và trí tuệ. Nó khó hơn thơ là niêm luật rất chặt chẽ - bắt buộc từ ý tứ đến câu chữ phải “đối nhau chan chát”… Những nhà nghiên cứu văn học đã nói nhiều đến nghệ thuật làm câu đối. Ở đây, mình chỉ cảm nhận được những yếu tố nghệ thuật cơ bản mang đặc trưng của câu đối trong bộ câu đối này.
Về ý tứ và từ ngữ của mỗi câu xem ra đối khá chỉnh. Ở câu đầu: “Ngọ ra đi” đối với “Mùi lại đến”, “Lũ ngựa cái bất kham” đối với “Đàn dê đực vô lối”, “Đã hết đường phóng ẩu” đối với “Vẫn còn cửa nhẩy bừa”. Tác giả đã biết chọn lọc những nét xấu của hai loài Ngựa và Dê làm tứ và chọn câu chữ sao cho đối với nhau không bị “vênh”.
Câu tiếp “Năm trước” đối với “Xuân sau”, “Ngựa chăm chỉ mài móng” đối với “Dê chịu khó gại sừng”. Mài móng là để phi cho nhanh, cho hiệu quả, gại sừng là để húc cho tốt, húc dổ dậu, phá tan vật cản. Thế nhưng Ngựa cũng “Chỉ phi nước kiệu”, đối với Dê “Khéo chỉ húc giậu thưa”. Húc giậu thưa thì ăn thua gì! Cũng như ở nước Trung Hoa gần đây có chủ trương "Đánh hổ giệt ruồi", nhưng nếu hổ không đánh được mà chỉ diệt mấy con ruồi thì cũng như "dê húc giậu thưa" thôi. Có lẽ tác giả vận dụng câu thơ “kinh điển” trong bài thơ Đường luật Mắng học trò dốt của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có câu:
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.
Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.
Cặp câu đối cuối ta cũng nhận rõ “Giáp Ngọ” đối với “Ất Mùi”, “Kiếm ngón đòn” đối với “Tìm biện pháp”, “Đánh quan tham nhũng” đối với “Gỡ mối nợ công”, “Vẫn chưa thấy ăn thua” đối với “Liệu có còn “chúa chổm”?
Nhìn chung có thể nói, bộ câu đối khá chỉnh trong nghệ thuật làm câu đối. Không những đối ý mà còn đối chữ, không những đối câu đối chữ mà còn có nhạc điệu, câu trên thanh trắc, câu dưới thanh bằng và toàn bài đọc lên nghe như một bài thơ.
Có mấy lời khen tặng như thế, cũng không dám lộng ngôn, sợ người ta bảo “nịnh nọt”. Có người nói: “Ai khen ta đúng, người đó là Bạn ta, ai chê ta đúng người đó là Thầy ta, còn ai khen ta không đúng, người đó là Kẻ thù của ta”. Nhưng mình thì chỉ muốn làm bạn với PNTB mà thôi.
Những ngày Giáp tết Ất Mùi
Trịnh Kim Thuấn
(*) Những câu đối hay, sưu tầm trên mạng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét