2 thg 2, 2015

BUT PHÊ của Trịnh Kim Thuấn/PNTB


 

Hôm rày báo chí râm ran vụ bút phê và nhắn tin của ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT. Sau đó, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng bảo rằng đã chuyển cho bên Công an điều tra…. Chuyện nhỏ như con thỏ, chẳng qua vì ông Thứ trưởng chẳng may sui xẻo bởi những tin nhắn với một nữ doanh nhân, mà chắc là có mắc mớ chi đó nên mới bị lộ?

Từ câu chuyện đó, khiến tôi nhớ lại 2 chuyện bút phê từ thời bao cấp, nay xin kể lại để mua vui:


Chuyện thứ nhất:

Năm 1980, tôi công tác ở Phòng Tài chính thị xã Long  Xuyên (An Giang). Cơ quan tôi có bác Bảy Cẩn, đã trên 70 tuổi, nguyên cán bộ tiền khởi nghĩa. Bác ở bộ phận thuế nông nghiệp, tôi ở bộ phận Chi Hành chính – Văn xã.  Dù đã lớn tuổi, bác Bảy vẫn nhiệt tình, xông xáo trong công việc, thường xuyên đi thăm đồng và thu thuế tận các phường, xã.

Một hôm có ông cán bộ già, đã về hưu quen với bác Bảy, ghé vào Cửa hàng Công Nghệ phẩm tỉnh (kế bên Phòng Tài chính), mua mấy gói thuốc lá Mai để hút, loại thuốc rẽ tiền nhất thời ấy. Nhưng các cô mậu dịch viên không bán, vì ông già không có giấy giới thiệu mua hàng. Thế là một cuộc cãi cọ nổ ra. Ông già lớn tiếng: “Tao hỏi mua vài gói để hút, chúng bây không bán, nhưng đám thân thích thì chúng bây sẵn sàng tuồn hàng trăm, hàng ngàn gói chả sao phải không? Bác Bảy thấy vậy bước qua kéo ông già về Phòng Tài chính khuyên can và cùng uống trà cho bớt giận. Nhưng ông già lẳng lặng bỏ đi.

Độ tiếng đồng hồ sau ông trở lại Cửa hàng Công Nghệ phẩm mua được hẳn 10 gói thuốc lá Mai. Lúc này ông mới trở qua Phòng Tài chính nói chuyện vui vẽ với bác Bẩy. Ông già vứt tạch tút thuốc lá trên bàn. Bác Bảy tròn mắt: Quái, sao hồi nãy ông già hỏi mua có 2 gói không được mà bây giờ xách cả tút?

Ông già tiết lộ: Chả là tôi vừa đến Công ty Công Nghệ phẩm gặp thằng Tám Nổi giám đốc, kể cho nó nghe đi mua 2 gói thuốc lá Mai để hút không đặng. Thằng Tám lấy giấy viết cho tôi mấy chữ như thế nầy…Vì hồi tập kết ở ngoài Bắc nó là lính của tôi mà.

Bác Bảy Cẩn cầm tờ giấy xem,  tôi tò mò cũng ngó ké. Tờ giấy chỉ ghi có mấy hàng: Gởi các Cửa hàng thuộc Công ty Công Nghệ phẩm. Người cầm giấy nầy mua cái gì cũng phải bán, mua bao nhiêu cũng phải bán. Ký tên: Tám Nổi.

Thời kỳ ấy trong xã hội có truyền nhau câu: “Nhất thân nhì thế, tam kế đến giấy tờ”. Cái giấy của ông già cán bộ lúc này có giá trị cả 3: Thân (thân với Tám Nổi), Thế (Tám Nổi là Giám đốc Công ty) và Giấy tờ (do Tám Nổi ký). Thế nên, cái giấy vừa đưa vào, các cô chả cần nhìn mặt ông già làm gì, hỏi ngay: “Bác cần mua bao nhiêu?” – “10 gói, tiền đâu mua nhiều, mua hút chứ có buôn bán chi”.

Hai ông già tâm sự thêm một lát, khi đứng dậy ra về, ông già cán bộ lấy lại tờ giấy xé vụn trước mặt chúng tôi, rồi bảo: “Đã hiến gần trọn đời rồi, giờ cần chi mấy cái thứ nầy nữa, chẳng qua khi nãy hơi giận, nên…”

Năm đó, tôi còn trẻ nên chưa hiểu hết được nỗi lòng của ông già cán bộ ấy, chỉ biết: CáiBút phê của ông Tám Nổi cho ông là vô giá, bởi không phải ai muốn cũng được!

Chuyện thứ nhì:

Năm 1985, tôi công tác ở Công ty Dịch vụ thị xã Long xuyên, Công ty có một nhà hàng Bông Sen chuyên bán hàng ăn uống. Công ty chỉ rót hàng xuống 1 phần, phần nào thiếu thì các cửa hàng tự xoay sở. Vì vậy, tôi được cử đến quan hệ với Công ty Du lịch phục vụ dầu khí ở Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo để trao đổi hàng hóa, tăng nguồn hàng cho Cửa hàng…

Một lần Hợp đồng với Khách sạn Tháng Mười: Mang 20 tấn gạo ra trao đổi để nhận về: thuốc lá Sài gòn xanh, Du lịch, Đà Lạt, Mai và các loại bia, rượu…

Với hợp đồng thì gạo An Giang  đưa ra phải là loại 1.

Hai xe gạo đến Vũng Tàu, Ban Giám đốc Khách sạn Tháng Mười đón tiếp vô cùng vui vẽ.  Trong bữa nhậu còn bàn thêm nhiều chuyện rôm rã. Thống nhất là, đầu giờ chiều KS Tháng Mười cho chuyển gạo vào kho và giao lại hàng theo đúng hợp đồng. Ngồi ăn cơm, tôi than với Dương Thanh Bá (tài xế xe tải), "hợp đồng nầy không khéo có trục trặc!?". Bá hỏi nhỏ: “Sao cơ?” - “Chú Hai Tễ hứa giao gạo loại 1, gạo mình mang ra tuy là loại 1, nhưng không phải là lúa loại 1.”

Khi nhập kho, các cán bộ, công nhân viên KS Tháng Mười đi tới, đi lui, có vẻ tinh thần phấn chấn vì ngoài tiêu chuẩn hàng tháng, tháng nầy có thêm gạo, lại là gạo miền Tây!

Anh Tạ Hồng Dương, Giám đốc Công ty mời lên Văn phòng lấy mẫu gạo. Thấy anh xem tới, xem lui, hết nhìn lại ngửi. Thế rồi anh bảo, gạo nầy không đạt loại 1, loại 1 phải trắng. Chúng tôi ra sức trình bầy: Ở An Giang quê tôi, tháng nầy chưa vào mùa lúa thần nông, đây là loại lúa mùa (lúa dài hạn), số gạo giao đây là gạo Nàng Tây, tuy võ gạo có màu đỏ, nhưng ăn rất ngon cơm, không thuốc sâu rầy…

Nhưng Ban Giám đốc KS Tháng Mười nhất định không công nhận gạo loại 1 và đòi giảm giá… Quả này đúng là vừa buồn vừa lo, không lẽ mang gạo về thì khác nào “chở cũi vào rừng”! Hơn nữa, lô rượu và thuốc lá của đối tác thì quá hấp dẫn. Phải chở 20 tấn gạo này về thì lỗ chổng vó là cái chắc. Và người gánh tội không thể ai ngoài tôi và ông Hai Tễ,  Phó Giám đốc Công ty.

Tính đi tính lại, thôi thì chấp nhận giảm giá từ 5 đồng/kg xuống 4,5 đồng, rồi 4 đồng… Tuy vậy, khi chúng tôi nhận lại hàng, thì KS Tháng Mười được thể lại cắt thêm mất 1 số hàng có giá trị như: thuốc lá Du lịch, Sài gòn xanh, rượu ARARAT… Thế là, lại một cuộc giằng co, nhùng nhằng thêm gần tuần lễ…khiến giở đi mắc núi, giở lại mắc sông!

Một buổi tối, tôi và ông Hai Tễ nhớ ra, đến nhà riêng  anh Ba Thành, Giám đốc Công ty XNK Vũng Tàu, kể lễ sự tình, cầu cứu!. Anh Ba cười mĩm: “Ở ngoài nầy cánh OSC là hơi khó chơi…” Ba Thành cứ lấp la lấp lửng khiến chúng tôi càng thêm lo. Thôi kệ, cứ uống bia đã, muốn ra sao thì ra… Thấy Ba Thành nói vậy nên cũng chẳng nài. Trước khi chia tay, anh Ba Thành gỡ tờ lịch trên tường, lật lên, lấy cây viết ghi nguệch ngoạc vài dòng: “Gởi chú Phước GĐ Công ty Du Lịch Vũng Tàu-Côn Đảo. Có mấy anh em Long Xuyên ra làm ăn với OSC bị bẻ chĩa, chú nhận hết số gạo nầy và đổi lại rượu, thuốc lá nhé. Nói chơi, đây là lệnh. Ba Thành. ». (không có dấu).

Với « lá bùa » trong tay, tất nhiên mọi bế tắc đều lại thông!

Thế mới biết, bút phê của người có thế lực thời nào cũng có giá trị. 


Chuyện kể lại, giờ nhớ lại như mới ngày hôm qua.... nhưng bấm đốt tay thì đã trên 30 năm. Ngày ấy cũng bút phê, người ta nghĩ đến cái tình nhiều hơn cái lợi, không làm tổn hại đất nước. Ngỡ rằng ngày một khá hơn, tốt đẹp hơn, không ngờ ngày lại càng tệ hại ........ Kể lại nghe chơi vậy .

01/2/2015 TRỊNH KIM THUẤN / PNTB .

Lâm Văn Cẩn là cán bộ tiền khởi nghĩa, Chi bộ đầu tiên ở tỉnh An Giang gồm có : Châu Văn Liêm, Lâm Văn Cẩn, Bùi Trung Phẩm và Ung Văn Khiêm. Bác Lâm Văn Cẩm là bố của anh Lâm Minh Triết GS.TS   nguyên Viện trưởng Viện  Môi trường nước  TP.HCM .

1 nhận xét:

Tìm thông tin blog