2 thg 2, 2015

Tấm thẻ đảng ngày trước của NGUYỄN NGỌC DƯƠNG /PNTB.


PNTB: Nhân dịp Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng, mình đăng lại bài viết đã đăng cách nay hơn 2 năm, để nhớ về một kỷ niệm nhỏ trong công tác đảng.

 
Mình được đổi thẻ đảng vào dịp 19/5/2004. Từ ngày nhận tấm thẻ mới làm thuần bằng công nghệ hiện đại, mình thường nhớ về tấm thẻ cũ của mình. Những kỷ niệm về việc nhận thẻ lần đầu tiên và tham gia làm thẻ đảng ngày ấy lại hiện về.

Mình mang tấm thẻ cũ ra ngắm. Tấm thẻ được cấp ngày 3/2/1980 tại thị xã Yên Bái, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Trang đầu có ảnh chân dung và trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh:


"Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải gìn giữ Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân..."

... "Phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình..." 

Trang kế là bức ảnh đóng dấu nổi "Ban chấp hành Trung ương" còn quá trẻ so với tuổi ba mươi hai của mình lúc ấy. Và chữ ký đảng viên ở bên dưới vẫn như bây giờ, chỉ có điều nét bút còn non. Đã gần một phần ba thế kỷ, tấm thẻ vẫn nguyên vẹn mười trang, còn cả sổ đảng phí và vỏ bọc ni lông. Chữ viết trong tấm thẻ vẫn tròn trĩnh, ngay ngắn, chân phương và rõ ràng - thứ chữ theo một mẫu thống nhất toàn Đảng. Dù là viết tay, nhiều người viết nhưng không thẻ nào khác thẻ nào. Mình cứ lẩn thẩn nghĩ về tấm thẻ đảng lúc ấy rồi suy  ra coi tấm thẻ như là một biểu tượng của sự thống nhất, đoàn kết trăm người như một trong đảng. Sự thống nhất này từ bên trong mỗi con người đảng viên, chứ không phải bằng sự gán ghép bên ngoài. Tấm thẻ đảng của mình nằm trong đợt phát thẻ đầu tiên do tổ viết thẻ của tỉnh Hà Sơn Bình giúp đỡ.

Trang đầu tấm thẻ đảng ngày trước, 
có trích Di chúc của Chủ tịch Hồ chí Minh,
trang kế là ảnh và chữ ký của đảng viên.



Chữ viết tay thống nhất một mẫu

trong toàn Đảng
Bìa sổ đảng phí, có đóng số thẻ đảng


Sổ đảng phí. Mỗi tháng nộp đảng phí
được bí thư chi bộ ký và ghi rõ số tiền nộp.
Tháng đầu tiên (2/1980) nộp 0,65đ
(Sáu hào năm xu, bằng 1% thu nhập)
Sau đó, mình được tuyển vào tổ viết thẻ trong đội làm thẻ đảng của Tỉnh ủy bởi lý do: có “lý lịch trong sạch”, đang công tác ở một cơ quan của Đảng, đặc biệt là “bị” phát hiện là người “có hoa tay” viết chữ đẹp. Đội làm thẻ của tỉnh có nhiều tổ: Tổ dán keo, tổ dán ảnh, tổ đóng dấu, tổ kiểm tra chất lượng (0TK)... Riêng tổ viết thẻ chúng mình có 6 người, được Tỉnh ủy rất "cưng", vì tổ này gồm toàn những người có "năng khiếu", lại phải qua một lớp tập huấn dài ngày nhất: 30 ngày.

Tỉnh ủy mời thày dạy viết ở Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam lên huấn luyện cho 10 người tổ viết thẻ. Bọn mình được quán triệt ý nghĩa to lớn của việc làm thẻ đảng, xác định rõ trách nhiệm và vinh dự. Sau đó bắt đầu học viết.

Ngày đầu tiên học viết chữ  o. Ngày thứ hai vẫn học viết chữ  o, y như các cháu học sinh bắt đầu vào lớp một. Thày kẻ ô li trên bảng, viết mẫu. Chúng mình  hí hoáy viết vào quyển vở có kẻ ô li. Thằng thì mím môi, thằng thì ngoẹo cổ nom rất buồn cười, nhưng đây là lớp học nghiêm túc, không thể đùa được. Viết bằng bút ngòi sắt. Viết sao cho thật đúng mẫu, để mười người như một. Hết chữ o đến chữ  a và nói chung tất cả các chữ cái quốc ngữ được tập viết theo hai kiểu: Viết hoa và viết thường. Tập viết cả chữ số Ả rập. Sau nửa tháng mới được tập viết những nội dung của thẻ đảng vào vở có ô li, rồi tiến đến viết tập vào "thẻ giả" (tức là tấm thẻ không có dấu, không có bìa). Cứ tập như thế nửa tháng ròng.

Tổ tập huấn viết thẻ có nội quy, kỷ luật rất chặt chẽ. Làm việc đúng 8 giờ vàng ngọc. Buổi sáng, 7 giờ đã có mặt tại phòng làm việc giành riêng cho tổ tập huấn viết thẻ đảng. Chúng mình được tổ trưởng phát cho mỗi người 2 cái ngòi bút sắt kiểu lá tre, 1 viên đá mài to bằng hộp diêm, một cái kính lúp nhỏ và 1 lọ mực đựng trong vỏ lọ thuốc tiêm pénicilline. Trước hết, giành 30 phút để mài bút cái đã. Sau đó viết thử vào giấy kẻ ô li rồi mới tập viết vào "thẻ giả". Loại mực để viết thẻ đảng là loại đặc biệt, do Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) sản xuất và quản lý. Chiều về, khi ra khỏi phòng, không ai được mang bất kỳ một vật dụng nào của việc làm thẻ theo người. Khi 10 người trong tổ viết thẻ chúng mình viết tập vào "thẻ giả" để dồn lại, trộn lên, không ai nhận được chữ riêng của ai nữa, thế là được. Tuy nhiên, sau một tháng tập huấn, chúng mình phải qua một kỳ sát hạch. Kết quả là 6/10 người được tuyển chính thức vào tổ viết thẻ đảng. Mình may mắn là được “tốt nghiệp”.


Thế rồi, bắt đầu viết thẻ cho đảng viên trong toàn tỉnh. Theo quy định thì người viết thẻ không được làm hỏng quá 5 phần nghìn. Đồng chí đội trưởng cho biết: một tấm thẻ trị giá 7 đồng. Mà lúc ấy gạo bao cấp có 4 hào 1 kilogam. Như vậy, một tấm thẻ phải chi phí bằng mua 17,5 kilogam gạo theo giá cung cấp. Số lượng gạo ấy bằng tiêu chuẩn một tháng của công nhân trực tiếp sản xuất. Cán bộ, viên chức hành chính chỉ có 13,5 kilogam thôi... Thời ấy, sổ gạo là thứ giấy tờ quan trọng số một của mỗi gia đình. Để chỉ những người có nét mặt buồn rầu, khó coi, người ta thường ví von: “nom như người mất sổ gạo”... Vì thế, để bảo đảm chất lượng và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, đồng chí đội trưởng ra chỉ lệnh: Không ai được viết quá 15 thẻ trong một ngày. Phải hết sức “đủng đỉnh”, thận trọng. Nhưng vốn là người nóng tính, không chịu viết chậm, có ngày mình đã viết lên 28 cái thẻ. Lập tức mình bị phê bình. Nói chung, cứ nhận khuyết điểm, hứa sửa chữa cho lành. Nhưng rồi lại "chứng nào, tật nấy". Thậm chí mấy hôm sau, khi đã viết thạo, mình "đạt kỷ lục" 31 thẻ rồi 46 thẻ/ ngày! Cái kiểu làm việc năng suất ấy khiến đồng chí đội trưởng phát hoảng, lôi mình ra phê bình, khiển trách, có vẻ gay gắt lắm. “Đây là kỷ luật của Đảng, đồng chí phải nghiêm chỉnh chấp hành!” Mình chống chế: "Tôi viết tuy hơi nhanh, nhưng 0TK chưa bị loại đến 5 phần nghìn theo qui định. Xin các đồng chí đừng bắt tôi viết chậm quá, tôi không chịu được !" Cái lý “chưa làm hỏng quá 5 phần nghìn” rất thuyết phục. Thế là mình được tha!



Tấm thẻ đảng ngày nay 
(mặt trước và mặt sau)
Đơn giản và làm thuần bằng công nghệ hiện đại.

Tấm thẻ đảng ngày nay không cầu kỳ, chỉn chu như trước. Nó đơn giản, được làm ra toàn bằng máy móc, công nghệ hiện đại, chữ viết vi tính .Ngắm hai cái thẻ đảng viên của hai giai đoạn lịch sử của Đảng, mình trộm nghĩ: không biết Đảng ta ở "giai đoạn viết tay" kia có khác Đảng ở "thời kỳ vi tính" này không? Về nguyên tắc thì không thể khác được. Song, Đảng ngày ấy, tuy trong điều kiện vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng nó chưa có “một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất”, không có những đảng viên có chức, có quyền giàu lên nhanh chóng, biến thành lớp người dân oán ghét mà Đảng cũng muốn "vạch mặt chỉ tên" nhưng khó quá... Thời đó, cuộc sống giữa những người cán bộ, đảng viên với nhân dân lao động cũng chỉ “trứng gà trứng vịt” chứ không có sự cách bức như bây giờ! Vì thế, niềm tin của dân đối với Đảng lúc ấy gần như tuyệt đối. Sức mạnh của Đảng vững như bàn thạch. Những đảng viên như bọn mình không bao giờ lo lắng đến sự tồn vong của Đảng. Tất cả đều nghĩ rằng, Đảng ta là một tổ chức vững vàng, mãi mãi được nhân nhân Việt Nam, dân tộc Việt Nam tôn vinh và là người lãnh đạo duy nhất của Dân tộc Việt Nam, không một đảng phái nào, không một thế lực thù địch nào “sờ được vào chân lông” của Đảng! Khi Đảng đã được lòng dân, dân đã tin thì làm gì có chỗ cho "các thế lực thù địch" ho he!...

Vâng, dân đã tin thì không bao giờ Đảng lo mất quyền lãnh đạo.

Phải không bà con nhỉ?

NGUYỄN NGỌC DƯƠNG .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog