Anh Nghĩa vê điếu thuốc lào to bằng hạt
ngô cho vào nõ điếu, châm lửa, hóp má hít một hơi dài. Anh xòe tay vỗ
đánh bộp vào miệng điếu cho bã thuốc bắn ra, rồi hit tiếp. Chiếc điếu cày rít
lên những tiếng sòng sọc, lại có pha tiếng như thổi sáo. Người ta nói đó là
loại điếu cày của người hút sành điệu. Nghĩa từ từ nhả làn khói xanh mù mịt,
đầu lắc lư, mắt lim dim nhìn bóng hàng cau dưới sân.
Mỗi lần hút một điếu
thuốc lào, Nghĩa lại lâng lâng như thế. Anh nói vui, bỏ vợ được chứ thuốc lào cóc bỏ
được! Nghĩa chép miệng, rồi lắc lư: Nhớ
ai như nhớ thuốc lào / Đã chôn diếu xuống lại đào điếu lên…
Tôi hỏi:
- Nhớ muốn chết !
- Thế xử lý thế nào?
Nghĩa thật thà:
- Thỉnh thoảng trốn vào toa-lét, lấy giấy cuộn hút một điếu . Nhạt
thếch nhưng cũng đỡ thèm!
- Nghe nói nếu không nhớ thuốc lào ông ở Mỹ luôn?
- Bậy nào!
Nghĩa hút thêm một điếu thuốc lào, uống chén nước chè xanh và cười
phô hàm răng trắng bóng. Mấy tháng trước Nghĩa chỉ còn vài cái răng,
miệng móm như ông lão. Giờ hai hàm răng đều tăm tắp. Người ta nói cái
răng cái tóc là góc con người quả không sai! Khuôn mặt Nghĩa vẫn gồ ghề đen
đúa, nhưng có hàm răng mới, không móm như trước nhìn vuông vức, như trẻ
ra mấy chục tuổi. Đồ giả thường đẹp.
Bốn mươi tám năm trước, Nghĩa với tôi lên đường nhập ngũ. Bấy
giờ hai đứa vừa bước vào tuổi 18. Tuy bằng tuổi nhau nhưng Nghĩa cao lớn
hơn tôi nhiều. Nghĩa chỉ học hết cấp hai, rồi đi làm thợ xẻ trên miền
ngược, cơ bắp phát triển, còn tôi mài đũng quần hết cấp ba, lười vận động người
mảnh như thanh tre bổ đôi. Hôm tiễn chúng tôi ở sân đình, mẹ tôi cứ nắm
áo Nghĩa, dặn đi dặn lại : “ Thím gửi em cho cháu đấy Nghĩa
nhá!”. Nghĩa hứa: “ Thím yên tâm, chúng cháu sống chết có nhau!”.
Nhưng hai đứa chỉ ở với nhau đúng ba ngày. Vừa lên đến Tam
Nông, Phú Thọ, Nghĩa to khỏe, nhanh nhẹn, được chọn vào đặc công, niềm tự
hào của tuổi trẻ ngày ấy, tôi nhỏ bé phải ở lại đơn vị công binh.
Hai đứa buồn bã chia tay nhau trong khu rừng cọ giữa buổi
chiều mưa sùi sụt. Tử hôm ấy, chiến tranh cuốn chúng tôi đi mỗi đứa một
ngả, quên cả năm tháng, chẳng biết sống chết thế nào!
Ngày Sài Gòn giải phóng, tôi về phép lần đầu sau mười năm xa quê,
ghé qua nhà Nghĩa. Ngôi nhà năm gian rui mè khang trang của gia đình Nghĩa
trước kia, giờ đã biến thành là nhà trẻ. Bầy trẻ con rứu rít quanh
cô giáo Thảo. Tôi hỏi thăm, Thảo nói:
- Anh Nghĩa đi kinh tế mới rồi anh ạ!
- Ở đâu em?
- Em không biết anh ạ!
Mấy năm sau, mỗi lần về quê, tôi lại hỏi thăm Nghĩa,
nhưng bặt vô âm tín. Tôi tưởng chả bao gặp lại người bạn cùng
xóm nữa, không ngờ lần này về quê lại gặp Nghĩa. Nghĩa nói với tôi, giọng
rưng rưng:
- Tôi nhập ngũ với ông 1965, năm 1973 tôi ra quân, về quê
được gần một năm thì đi kinh tế mới. Đi biệt từ ngày ấy, gần bốn chục năm
rồi, bây giờ mới quay về , nhìn quê hương vừa quen vừa lạ, bọn trẻ không
biết mình là ai, buồn quá!
Tôi nắm bàn tay khô gầy của Nghĩa, nhìn khuôn mặt gồ ghề chất phác, đôi mắt
ngây ngây khi anh say thuốc lào,cảm thấy ngậm ngùi đồng cảm, bỗng nhớ một bài
thơ Đường, liền đọc và dịch cho anh nghe:
Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà sứ lai!
(Lúc trẻ xa nhà già trở lại
Giọng nói chưa quên tóc, râu phai
Trẻ con nhìn mặt không quen biết
Cười hỏi lão từ đâu tới đây?)
Nghĩa
nhẩm đọc lại, cười chua chát:
- Số phận chúng ta khốn nạn quá!
Chúng
tôi ngồi trên chiếc chõng tre kê giữa sân nhả trẻ, ngôi nhà vốn dĩ của cha mẹ
Nghĩa. Cái sân gạch xây bằng gạch lục, gắn hèm, từ đầu năm sáu mươi thế kỷ
trước, qua bao tháng năm đã vẹt mòn, in bóng hàng cau già. Tôi bỗng nhớ
những đêm trục lúa , tiếng trục đá kêu cót két lẫn tiếng cười, tiếng điếu cày
rít sòng sọc, mùi rơm tươi thơm ngái nồng nàn. Ngày ấy xa lắm rồi,
không bao giờ quay lại nữa. Nhưng còn sống ngày nào chúng tôi còn nhớ, nhớ da
diết, nhớ cháy lòng ! Đó là những ngày tháng tươi đẹp, trước khi chúng tôi làm
người lính, dấn thân vào một cuộc chiến tranh, mà lúc đó chúng tôi nghĩ mình là
những anh hùng! Giờ mỗi lần gặp nhau, nhớ lại, trong lòng chúng tôi vừa
tự hào về một thời sôi nổi, vừa quặn thắt đớn đau, và có gì vừa trăn trở vừa
tiếc nuối về một thời khờ dại, đã hiến trọn trái tim cho cái lý tưởng mà nay
nhìn đời mới thấy viển vông, gửi trọn niềm tin cho bọn dối trá lọc lừa, “ăn
mừng” chiến thẳng bằng tham nhũng!
Số phận con người được định đoạt bằng vài dòng lý lịch, như một bàn án chung
thân.
Nghĩa
kề, ngày ấy sau khi chia tay tôi, Nghĩa vào đơn vị đặc công, huấn luyện gần một
năm, rồi đi B, ở chiến trường đường 9, Nam Lào. Nghĩa chiến đấu dũng cảm,
hơn một năm đã được kết nạp đảng, được đề bạt trung đội phó .
Trên ngực Nghĩa sẽ đỏ rực tấm huân chương chiến công, và chắc chắn sẽ
lên chức trung đội trưởng, đại đội trưởng, tương lai sẽ rạng rỡ
nếu không xảy câu chuyện rắc rối vào một buổi chiều giữa
tháng 7 – 1968.
Đó là vào một buổi chiều mùa hè, nắng như đổ lửa. Trung đội Nghĩa làm nhiệm vụ
trinh sát tiền nhập cao điểm 689 căn cứ Khe Sanh, chuẩn bị trận
đánh sắp tới. Với quyết tâm “sờ tận tay day tận mặt”, những chiến sỹ trinh sát
đặc công tìm cách vào tận hàng rào cuối cùng.
Rừng núi , sông suối, địa hình hiểm trở vốn là chỗ dựa của người lính trinh
sát, nhưng ở đây, qua bao đợt bom chà đi sát lại , cây cối đổ gãy,
hố bom chồng chất, những cánh rừng bạt ngàn đã biến thành bãi đất
hoang. Những con đường mòn quen thuộc trước kia trở nên xa lạ, mất
hút giữa những bãi mìn, những hàng rào kẽm gai tầng tầng lớp lớp,
có hệ thống cảm biến điện tử cực kỳ bén nhạy. Trung đội Nghĩa ngụy
trang bằng cách tắm bùn đất đỏ bazan, luồn lách như con
dế trũi giữa những hố bom , cắt từng khúc giây kẽm gai, gỡ từng trái mìn,
trái pháo sáng , tiến vào cao điểm. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ của một
chiến sỹ , hệ thống báo động sẽ rung lên , bom đạn sẽ đồng loạt chụp
xuống đầu đơn vị.
Mặt trận Khe Sanh
|
Với kỹ thuật điêu luyện, cán bộ chiến sỹ trong trung đội trinh sát của Nghĩa
không để xảy ra sai sót nào. Họ bò vào tận cao điểm , vẽ từng ụ súng,
tháp canh, quan sát kỹ cả hành vi của lính Mỹ tắm
dưới chân tháp nước dã chiến cười đùa trêu chọc nhau. Nghĩa
đánh dấu tỷ mỷ vào bản đồ và ghi nhớ từng chi tiết trong óc. Bất ngờ
trước ống nhòm của Nghĩa , hiện lên một người lính Mỹ ngồi trên vách hào,
say xưa ngắm tấm ảnh một đứa bé gái. Anh ta không để ý gì tới chung
quanh. Khẩu súng M16 dựa vai, đôi mắt đắm đuối nhìn tấm ảnh.
Anh đưa tấm ảnh lên môi, âu yếm hôn chùn chút, hôn đi hôn
lại, nước mắt ứa ra.
Lần đầu tiên Nghĩa nhìn thấy người lính Mỹ biểu
lộ tình cảm với con. Thì ra họ cũng có gia đình, cha mẹ, vợ con, họ
cũng như mình, biết yêu thương, đắm đuối, chứ đâu phải là những
người lính đánh thuê khát máu như trong những bài học ở nhà trường
phổ thông, những bài lên lớp chính trị của chính trị viên và những bài thơ Tố
Hữu?
Buổi chiều trôi đi châm chạp, căng thẳng như một sợi dây đàn, trong lòng Nghĩa
bỗng nặng trĩu một cảm giác mới lạ. Hình ảnh người lính Mỹ âu yếm hôn hít
ảnh con gái cứ lởn vởn trước mắt Nghĩa .
Khi trung đội rút ra khá xa thì bất ngời chạm trán một trung đội Mỹ từ Tà
Cơn nống ra. Cuộc tao ngộ chiến bên dòng suối cạn khiến một chiến
sỹ trung đội Nghĩa hy sinh, phía đối phương hai người chết một bị
thương. Vì đã xế chiều, rừng núi âm u, nên toán lính Mỹ rút chạy , bỏ lại hai
xác chết và người lính bị thương.
Đó là một người lính rất trẻ, da trắng, cao khoảng một mét bảy, mặt thon, mắt
sâu. Anh ta bị thương vào đầu gối, gãy chân, không đi được. Nghĩa
dìu anh ta một đoạn, mệt quá không đi tiếp được nữa.
Cần phải rút nhanh khỏi trận địa, nếu không có thể đối phương
sẽ bắn pháo hủy diệt. Đó là kinh nghiệm đúc kết từ thực tế
xương máu . Người lính Mỹ bị thương đã ngăn cản cuộc rút lui cấp tốc của đơn
vị.
Trung đội trưởng Thành nói với Nghĩa:
- Không bắt tù binh nữa, khử thằng Mẽo đi!
Nghĩa nhìn khuôn mặt hiền lành của người lính Mỹ, nói với Thành:
- Nó còn trẻ quá , đừng giết nó!
Thành gắt:
- Cậu thương thằng ác ôn hả?
- Nó là lính chiến như tụi mình !
- Cậu mất lập trường rồi! Bắn đi!
- Tôi không đồng ý bắn tủ binh!
Thành thét lên ra lệnh:
- Bắn ! Chần
chừ chết cà nút bây giờ!
Nghĩa vẫn không chấp hành. Thành chĩa nòng súng vào ngực người lính
Mỹ. Người lính Mỹ hiểu số phận của mình, nhắm mắt lại chờ đợi.
Nghĩa bỗng nhớ đến hình ảnh người lính trên cao điểm lúc nãy. Anh gạt khẩu súng
của Thành sang một bên, lấy thân mình che cho người lính Mỹ.
Thành trợn mắt nói :
- Tôi cảnh cáo đồng chí!
Nghĩa không nói gì, đẩy Thành ra . Thành hậm hực ra
trung đội rút nhanh khỏi trận địa, bỏ Nghĩa lại với ngưới lính Mỹ
bị thương.
Nghĩa lấy băng cá nhân của mình, băng vết thương cho người
lính Mỹ. Anh ta ra hiệu khát nước, Nghĩa tháo bi đông nước
của mình đưa cho anh ta , và chỉ tay về phía đơn vị anh ta vừa rút quân.
Người lính Mỹ nắm chặt bàn tay Nghĩa nói “Thank”. Nghĩa để người
lính mỹ lại cùng bi đông nước, chạy theo trung đội.
Những cuộc họp kiểm điểm từ tổ đảng, chi bộ đến hội đồng quân nhân liên tục
dành cho Nghĩa. Bao nhiêu tội trạng chụp xuống đầu Nghĩa. Nào là
mất lập trường, nhụt ý chí chiến đấu, biến chất , thoái hóa, phản bội.
Nghĩa bị khai trừ đảng, cách chức trung đội phó, bị giam giữ nghiêm
ngặt, chờ đưa ra Tòa án binh.
Cũng may trận đánh Khe Sanh cuối tháng 7-1968 ta thắng, Nghĩa được miễn trách
nhiệm hình sự. Nhưng từ đó Nghĩa không được tham gia chiến đấu mà được
biến chế vào một đơn vị hậu cần, chuyên phát rẫy tăng gia, gùi gạo, gùi
đạn. Tháng 8-1969, trong một lần gùi gạo, Nghĩa bị tập kích, bị bắt
làm tù
binh, bị giam ở đảo Phú Quốc, năm
1972, được trao trả ở bờ sông Thạch Hãn.
Nghĩa kể:
- Tôi về quê, mang theo bản lý lịch bị khai trừ đảng,cách chức vì
tư tưởng thoái hóa, mơ hồ, đồng lõa với giặc. Xã đội trưởng nói với tôi:
- Người ta đi chiến đấu mang vinh quang về cho địa phương, còn anh mang về vết
nhục, biết bao giờ chúng tôi mới tẩy rửa được đây?
Bố mẹ tôi không dám bước chân ra ngoài đường vì cả làng xôn xao bàn tán tôi bị
kỷ luật , bị đơn vị đuổi về.
Cô Chuyên , ngày trước có cảm tình với tôi, trong thời gian tôi tại ngũ thường
qua lại, gắn bó với bố mẹ tôi. Bây giờ thấy tôi Chuyên lánh mặt.
Sau tám năm đi bộ đội trở về, tôi không được hưởng một tí quyền lợi, chế
độ, lại bị khinh bỉ như kẻ phạm tội, tôi buồn quá làm đơn xin đi kinh tế mới.
Chủ nhiệm hợp tác xã nói với tôi:
- Anh xin đi tự do thì phải tự lo lấy . Trước khi đi phải thanh toán hết các
khoản nợ của hợp tác!
Bố mẹ tôi có năm người con. Hai chị gái lấy chồng xa. Thằng em kế tôi nhập ngũ
1968 hy sinh 1969 . Cô gái út đang học lớp mười. Trong những năm tôi tại ngũ ,
gia đình sống nhờ vào hơn sào ruộng phần trăm, trong đó có
tiêu chuẩn của tôi. Giờ người ta bảo tôi bị kỷ luật không cho hưởng tiêu
chuẩn, đòi lại ruộng phần trăm, bắt phải bồi thường 300 kg thóc. Không có
thóc, bố mẹ tôi đành phải gán ngôi nhà cho hợp tác trừ nợ. Tôi cùng bố mẹ và
đứa em gái rời nhà đi lúc nửa đêm, như trốn chạy khỏi quê hương, sợ nhìn thấy
hàng xóm.
Nghĩa lên Phú Thọ làm nghề xẻ gỗ thuê. Tám năm sau anh mới lấy vợ và sinh được
thằng con trai đầu lòng. Không ngờ gần chục năm ở Tây Nguyên , Nghĩa đã bị
nhiễm chất độc màu da cam, nên con anh bị di chứng, thường lên cơn động kinh,
dặt dẹo rất khó nuôi. Mỗi ngày mấy lần nhìn con lên cơn động kinh co giật , vợ
chồng anh chỉ biết quỳ xuống kêu van trời Phật.
Năm tháng qua đi, Nghĩa và gia đình sống chiu lủi, nghèo hèn
như thế. Anh không còn nhớ đến những chuyện xảy ra. Anh cặm cụi làm ăn , kiếm
tiền chạy chữa bệnh cho mình và đứa con trai .
Trong khi ấy, ở tận cuối trời, lại có một con người luôn nhớ
đến anh. Đó là người lính Mỹ , Wyliam Coper.
Buổi chiều
tháng 7-1968, ở Khe Sanh, sau khi được Nghĩa băng bó vết thương và tha
chết, Coper đã bắn một phát pháo hiệu gọi cấp theo quy định của quân đội
Mỹ. Đồng đội của Coper đã tìm đến dòng suối cạn, đưa anh về căn cứ,
và chuyền về Sài Gòn chữa vết thương. Từ giờ phút ấy Wyliam Coper giữ
chiếc bi đông của Nghĩa bỏ lại như một báu vật. Sợ mình chết,
bị thất lạc, anh gửi chiếc bi đông đó cho mẹ ở bang Wasington, và
viết thư, kể cho mẹ nghe về người lính Quân đội nhân dân Việt Nam , có
tên và số đơn vị khắc trên bi đông đã cứu sống mình như thế nào.
Năm 1970, Wyliam Coper được trở về Mỹ và giải ngũ. Anh
vào học trường đại học nông nghiệp , sau đó lấy vợ, sinh được một
con gái,và trở thành chủ trang trại trồng nho theo nghề cha mẹ. Dù cuộc
sống hạnh phúc, đủ đầy nhưng không lúc nào Coper quên hình ảnh người lính trẻ
đối phương cứu mình.
Anh tìm mọi cách dò la tin tức, liên hệt với cả cơ quan phối hợp tìm
hài cốt binh lính chiến tranh( M.I.A) để tìm đơn vị của
Nghĩa. Khi Mỹ- Việt bình thường hóa quan hệ, anh đã tham gia
vào một tổ chức trợ nạn nhân chất độc da cam để có cơ hội sang Việt Nam tìm Nghĩa.
Hàng chục năm qua đi với một quyết tâm không biết mệt mỏi, bay qua bay lại Việt
Nam 26 lần, vượt qua bao nhiêu nhòm ngó, hạch sách, kỳ thị, Wyliam Coper đã tìm
được Nghĩa. Và sau đó Wyliam Coper đã tìm mọi cách đưa con anh Nghĩa sang Mỹ
chữa bệnh, rồi vào học trường đại học nông nghiệp nơi trước Wyliam Coper đã
học. Đã hai lần Nghỉa được Wyliam Coper mời qua Mỹ thăm con và gia đình anh.
Tôi
không muốn kể tỉ mỉ cuộc tìm kiếm của Wyliam Coper và những việc anh đã làm để
giúp đỡ gia đình người cựu chiến binh Lê Hữu Nghĩa bạn tôi, bởi cho đến bây giờ
vẫn chưa hết những điều mà người ta gọi là “nhạy cảm”. Anh Nghĩa nói với tôi:
- Vừa qua tôi sang Mỹ thăm con và được gia đình ông Coper đưa đi khám bệnh, tẩy
chất độc da cam, và làm cho bộ răng giả. Vừa về nước đã bị gọi lên chính quyền
chất vấn là sang Mỹ phát biểu những gì? Có nói xấu đảng nhà nước không? Được bao
nhiêu tiền? Số phận tôi và con tôi vẫn còn bị họ nắm trong tay anh ạ!
Chiếc loa phát thanh treo trên cây xoan bỗng vang lên
bài hát “Việt Nam trên đường chúng ta đi, ...mà vui sao ta chẳng nói
nên lời...ta đi giữa tình thương của đảng" và thông báo kết quả
100 % nhân dân trong xã hoan nghênh bản dự thảo sửa đổi Hiến Pháp của
đảng là sáng suốt, hợp lòng dân.
Anh
Nghĩa lại 'rít' một điều thuốc lào, nhả khói, và nhổ toẹt một bãi
nước bọt xuống sân rồi nhìn về phía cái loa trên cành xoan đầu ngõ!
M.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét