11 thg 9, 2013

Nghệ Sỹ BA VÂN : Sự Trung Thực Trong Nghệ Thuật Cải Lương và Điện Ảnh




 Lượt kể : 30/4/1975 trở về trước, ở miền Nam đoàn hát Dạ Lý Hương là đại ban lớn nhất so với các đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, Hương Mùa Thu, tập đoàn Kim Chung (có 5 đoàn) … trên sân khấu nầy cộng với tài nghệ của cặp soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng đã giúp nhiều nghệ sĩ nổi danh như : NS Bạch Tuyết qua các vỡ tuồng Tuyệt Tình Ca 1,2,3, Nỗi Buồn Con Gái, Sương Mù Trên Non Cao ….hình như biệt danh Cải Lương chi bảo của nghệ sĩ Bạch Tuyết có cũng từ đoàn hát nầy. Kép độc Văn Chung trở nên danh hài Văn Chung …….



Giữa năm 1973, mùa mưa, nhóm chúng tôi đi mua dàn đoàn hát cải lương Dạ Lý Hương về địa phương hát cho vui cửa, vui nhà : rạp hát là Đình An Hòa, xã Hòa Bình (nay là xã Hòa An, huyện Chợ Mới – An Giang).

Gặp nhau tại thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới – AnGiang), thương lượng giá cả, địa điểm và số xuất hát xong, ký Hợp đồng luôn.

Còn nhớ : Anh Tư Hiếu, trưởng đoàn đoàn hát nhờ riêng 1 việc :

- Đoàn hát nầy, các đào kép hát đa số nổi tiếng như : Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Trang Bích Liễu, Quái kiệt Ba Vân, Phương Quang, Thanh Tú, cặp Hoàng Giang – Kim Giác …. Họ rất khó tánh, ngủ trong đình chắc họ không chịu đâu, nhờ các anh hỏi các nhà dân chung quanh đình, mướn giúp tôi chổ ở tạm, 1 nhà ở được vài ba người, tiền mướn nhà chúng tôi trả, tiền bạc không thành vấn đề …còn đám chúng tôi thì ngủ đâu cũng được .

Chuyện nầy không khó,  chúng tôi nghĩ chắc được thôi vì nghe tên các đào kép nổi danh ai mà không ngưỡng mộ, nếu có 1 nghệ sĩ ở trong nhà không chừng họ lại thích nữa. Chúng tôi hứa với anh Tư Hiếu.

Sự việc không đơn giản, không như mình nghĩ, hàng chục cái nhà, chúng tôi năn nỉ thuê muốn gãy lưỡi (thật sự chỉ cần 1 chiếc giường dành cho 2 người là được) vẫn không được, nghe có đoàn Dạ Lý Hương về hát thì khoái, nhưng cho nghệ sĩ ở nhờ thì không ! Vì họ cho là : đào kép hát ở trong nhà thì xui xẻo lắm ! Bó tay, nhưng lúc ấy có điện thoại di động đâu mà báo cho anh Tư Hiếu hay kịp thời .

Dỡ khóc, dỡ cười. Thất hứa với anh Tư Hiếu rồi.

Hôm đoàn hát dọn đến, chúng tôi năn nỉ lắm : anh Minh (Y tá chích thuốc) vị nễ lắm (nói thật anh Minh trốn quân dịch) cho NS Bạch Tuyết ở. Hoàng Giang – Kim Giác giận lắm đi xe honda ôm sang Long Xuyên mướn khách sạn ở. Chiều 2 ông bà sang phà đi xe honda ôm (phương tiện vận chuyển hành khách duy nhất ở vùng nầy thời ấy) xuống đình An Hòa hát (khoãng cách 5 km), hát xong trở về phà An Hòa, bao đò dọc (giờ nầy phà nghỉ đưa) sang Long xuyên nghỉ …

Số còn lại : Bác Ba Vân và phu nhân (lúc nầy Bác Ba đã 65 tuổi, người lớn tuổi nhất trong đoàn), NS Ngọc Giàu và phu quân Ba Hóa, Phương Quang, Thanh Tú, Trang Bích Liễu…. đều trãi chiếu cập theo hậu liêu trong đình ngủ, nghỉ ….. kể cả ông trưởng đoàn Tư Hiếu .

Sau đêm hát đầu, trưa hôm sau, dọn dẹp vệ sinh, sắp sửa ghế đẳng… trong đình , để chuẩn bị cho xuất hát kế tiếp, rãnh rang bắt chuyện với Bác Ba Vân.

- Không mướn được nhà, để hai bác lớn tuổi, ngủ trên nền gạch nầy, bọn cháu áy náy quá, bác Ba có phiền không ạ ?

- Năm 7,8 tuổi Bác đã đi hát rồi, còn đình, chùa, miếu nào từ Nam ra Bắc mà Bác không từng ngủ, quen rồi mấy cháu ạ ! Đứng áy náy !

Trông bác Ba vui vẽ, sẳn máu nghề nghiệp, phỏng vấn luôn :

- Thưa bác Ba, trong cuộc đời đi hát của bác, vào Nam ra Bắc những mấy lần (nên nhớ năm 1954 Việt Nam chia cắt làm 2, năm ấy tôi chỉ vài ba tuổi thôi), có kỹ niệm nào vui hay buồn, bác Ba kể cho nghe với .

- Kỹ niệm thì nhiều lắm, không thể nhớ hết được, phần còn nhớ mà kể thì phải mấy ngày mới xong. Có kỹ niệm nầy, không vui, không buồn nhưng thú vị. Số là khi đoàn hát, hát ở Móng Cái – Quảng Ninh vào khoãng năm bốn mươi mấy gì đó ! buổi tối thì hát ở đình Móng Cái thuộc Việt Nam, sáng đi bộ khoãng 100 thước là sang bên Tàu ăn hủ tiếu, uống cà phê, vì phía Việt Nam không có chợ và quán cà phê nào cả … hát ở Việt Nam, ăn điểm tâm, uống cà phê bên Tàu : sang chứ  ? thú vị chứ ?

- Thưa bác Ba trong các loại tuồng hát, thì loại tuồng nào dễ, loại tuồng nào khó ạ ?

- Tuồng hát thì không có khó hay dễ, mà ở chổ các nghệ sĩ có chịu khó rèn luyện, học tập hay không mà thôi. Có cái dạng nầy : loại tuồng kiếm hiệp, hương xa … thì không kén trang phục, ăn mặc sao cũng được, càng rực rỡ càng ăn khách, còn các loại tuồng lịch sử, dã sữ, La mã …  thì cách ăn mặc, trang phục của triều đại nào phải đúng với triều đại ấy, không được phép sai, nên khi dựng các tuồng tích nầy thì các ông thầy tuồng (đạo diễn) phải hết sức cẩn trọng, không để sơ sót. Không riêng gì ở nghệ thuật cải lương mả ở nghệ thuật thứ bảy (điện ảnh) cũng thế .
……………………………………………………………………………….
Cách đây 40 năm, nghệ sĩ Ba Vân còn bảo như thế, dù là phát biểu bên lề… người nghệ sĩ chân chính họ quí trọng nghệ thuật là như thế !

Còn bây giờ thì như thế nào ? kể từ năm 1975 đến nay : hai nền nghệ thuật cải lương và điện ảnh vẫn chưa có 1 tác phẩm nào nổi bật và lưu hậu thế cả.

Năm ấy, các báo đưa tin, đoàn làm phim của Pháp khi quay phim Người Tình, khoản tiền chi cho việc mướn vớt và thả lục bình trôi theo dòng nước (đoạn sông Tiền từ Sa Đéc – Mỹ Thuận) là mấy mươi triệu VNĐ, ông đạo diễn mới hài lòng.

Xem các phim lính VNCH đọ sức, đọ trí với lính GPMN, kết cuộc thì phía GPMN thắng, chuyện nầy hẳn nhiên rồi,  nhưng các đạo diễn dựng phim quá cẩu thả, không chú trọng đến cách ăn mặc của các diễn viên đóng các vai sĩ quan, binh sĩ VNCH. Nội dung phim miễn bàn, nhưng nên nhớ thời ấy các sĩ quan, binh sĩ VNCH mái tóc của họ đều bị buộc hớt ngắn cả (quân phong, quân kỷ), tay áo phải xăng lên khỏi cùi chỏ, quần thì gom ống …. Đàng nầy tóc tai diễn viên dài chấm vai, quân phục thì xộc xệch …  Lịch sử vừa sang trang, thời gian mới đây thôi mà việc tái hiện lại cho chính xác cũng không làm được nữa hay sao ? Trong tuồng cải lương “Hai Chiều Ly Biệt”, để thể hiện vai Hoàng đế Mông Kha, kép độc Trường Xuân phải hy sinh mái tóc của mình, cạo đầu trọc lóc, thật là độc đáo, qua tuồng hát nầy anh kép độc Trường Xuân được gọi là kép trọc Trường Xuân, danh nổi như cồn !

Một bộ phim 1 thời xôn xao “Mùi ngò gai” của hãng phim Gia đình Việt và Công ty C J Media (Hàn quốc) hợp tác sản xuất, phim nầy bây giờ đã đi vào quên lãng, nhưng diễn viên đóng vai chính trong phim nầy, bây giờ lại nổi đình, nổi đám không phải vì tài đóng phim mà là trình diễn trang phục sexy, khoe hàng khủng … làm nhức đầu Bộ Văn Hóa, Cục biểu diễn nghệ thuật …. Ôi Việt Nam đất nước tôi !

Có đoạn cô Vi (nhân vật chính do Phương Trinh và Ngọc Trinh đóng) cùng các bạn học rũ nhau đến nhà người bạn để phụ tiếp gia đình người bạn đó thu hoạch khoai lang. Ở miền Tây  : An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp hầu như đều có trồng khoai lang cả, khoảng 3,4 tháng thì thu hoạch, thế mà ông đạo diễn hay đoàn làm phim  không dựng hay quay được 1 cảnh các nông dân đang thu hoạch khoai lang thật hay sao ? (nông dân gọi là đào khoai hay dỡ khoai).

Nhà của nhân vật chính : ba mẹ của cô Vi (Việt Anh – Kim Xuân đóng), ở nông thôn thuôc diện nghèo, ban đêm lại đốt đèn măng xông, treo giủa nhà, sang quá, khi xem thấy lạc lõng và vô lý của phim làm sao ấy !

Trước 30/4/1975, ở thôn quê, chỉ gia đình khá giả trở lên mới có đèn măng xông, 1 ấp có được mươi cái là nhiều rồi, khi có đám tiệc trong nhà mới đốt, bình thường thì đèn ống khói hoặc đèn dầu hiệu ABC là sáng nhà rồi, vì đèn măng xông rất tốn dầu hỏa. Sau 30/4/1975 loại đèn nầy hầu như không còn sử dụng nữa, vì dầu hỏa đâu mà đốt (thời bao cấp, dầu hỏa mua theo tiêu chuẩn về thắp đèn bánh ú còn chưa đủ kia mà, để lâu thì hen, rĩ, những nhà có đèn thì bán phế liệu, hoặc treo giữa nhà để hoài cổ chơi …. Cái khó ló cái khôn, không biết ông kỹ sư nào sáng chế ra đèn néon bóng 3 tấc, 6 tấc xài bằng bình ắc cuy thật tiện, ánh sáng cũng không thua kém đén măng xông, xài 5,7 ngày hết điện thì sáng hôm sau mang bình điện đến tiệm xạc , chiều đến lấy về… thời kinh tế thị trường cạnh tranh quyết liệt, các tiệm xạc đến tận nhà lấy bình, chiều giao tận nhà …..   nên hình ảnh nhà nghèo mà ban đêm đốt đèn măng xông thấy không ổn chút nào ! Đoàn làm phim tìm mua được 1 cái măng xông (ruột đèn, rất dễ vỡ) để đốt được, cũng tài đấy !

Đôi khi các tiểu tiết xem ra rất sơ sài nầy, nếu không khéo lại làm hỏng cả một bộ phim lớn đấy. Như hai bộ phim khủng : Lý Công Uẩn (100 tỷ) Huyền sử thiên đô (60 tỷ), đến bây giờ vẫn chưa đem ra chiếu được, vì các trang phục của các diễn viên mặc bị các nhà phê bình cho là giống Tàu quá … chứ đâu phải là lỗi của nội dung bộ phim đâu.

Sự trung thực rất cần trong mọi mặt của cuộc sống, chứ không riêng gì ở nghệ thuật cải lương và điện ảnh, nhưng xã hội hiện nay đi tìm sự trung thực sao mà khó quá !

Chuyện Bác Ba Vân – Quái kiệt Ba Vân, hát cải lương bên Việt Nam, ăn điểm tâm và uống cà phê bên Tàu xem cũng thú vị chứ quí vị ?

08/9/2013   TRỊNH-KIM-THUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog