14 thg 4, 2013

Truyện ngắn ANH CU BỊP của nhà văn Nguyễn Quang Lập.



Mình biết anh cu Bịp từ năm 1967, anh hơn mình gần chục tuổi, năm đó mình 11 tuổi, anh đã 19, 20 tuổi rồi. Vào khoảng tháng 8 năm đó nhà mình  được tin anh Huy chết trôi ở huyện Tuyên. Anh Huy là anh thứ tư của mình, nhà nghèo quá học hết lớp 7 anh bỏ học đi làm công nhân đường bộ cho gia đình đỡ một miệng ăn. Anh Huy đi làm được 7 tháng  nhà mình mới nhận được thư, mạ mình mừng quá cầm thư anh khoe khắp làng.
Thư về đúng ba ngày thì tin anh Huy chết trôi ở huyện Tuyên ồn khắp làng. Cũng chẳng biết ai đưa tin đầu tiên, ai cũng bảo nghe người ta nói. Năm đó lũ lụt to lắm, huyện Tuyên cứ đến mùa lũ lụt thế nào cũng có nhà trôi người chết, nghe vậy ai cũng tin. Mạ mình khóc lăn khóc lóc suốt ngày đêm, không chịu ăn uống gì cả. Sốt ruột quá, dù đang lũ lụt ba mình vẫn quyết định  lên huyện Tuyên xem sao. Ba mình đi buổi sáng, buổi chiều anh cu Bịp mò đến nhà mình liền.

Anh  khoác ba lô vào nhà, nói con ở đơn vị với thằng Huy. Mạ mình rú lên túm tay anh hỏi dồn dập. Anh nói cười xởi lởi, nói đồn đại tào lao đó, thằng Huy vẫn bình thường mà. Mình mới 11 tuổi chẳng biết nói gì cứ ôm cột nhà nhìn vết sẹo mảnh vắt ngang cổ anh, hình như có ai đó đã định chém đứt cổ anh nhưng không thành. Bé tí có biết gì đâu nhưng nhìn anh mình vẫn thấy nghi nghi. Có lẽ anh cu Bịp hôi quá, hễ anh mở miệng là hôi rình. Bộ đội, TNXP mình gặp đã nhiều, không ai hôi và nói nhiều như anh.

Anh ngồi kể chuyện lia xia, nói thằng Huy thế này thằng Huy thế kia. Mạ mình sướng lắm cười hể hả, mình lại thấy những gì anh kể chả giống anh Huy gì cả. Mình cắt ngang lời anh, nói răng anh Huy không viết thư? Anh cười to, nói quên quên, cháu chưa kể, cháu ra tận cổng đơn vị rồi thằng Huy mới biết cháu về phép. Nó chạy đuổi theo dặn có mấy câu chứ không kịp thư từ gì cả. Tất nhiên mạ mình tin sái cổ, bà giữ anh lại nhà ăn cơm, đãi đằng đủ món. Bà chạy mượn đâu được hai chục đồng đưa cho anh cu Bịp, nói nhờ cháu nói với thằng Huy cố gắng ăn uống bồi bổ vào. Rồi bà vui vẻ kể, nói thằng Huy nhà bác tằn tiện lắm. Hắn đi vô Đồng Hới, bác cho hắn một đồng, đến chiều quay về trả lại bác nguyên xi một đồng. Anh cu Bịp cười ha ha, nói được rồi được rồi, bác để cháu trị  thằng Huy cho. Nhất định cháu phải bắt hắn ăn uống bồi bổ. Nghe thế mạ mình cười tít mắt.

Anh cu Bịp ra đi ôm theo hai chục đồng với một bọc to quà cáp mạ mình gửi cho anh Huy. May cho anh, anh đi chừng nửa giờ thì ba mình từ huyện Tuyên trở về, nói thằng Huy không chết, nó chuyển quân sang Cự Nẫm, không ở  huyện Tuyên nữa. Mạ mình ôm mặt rú lên, nói ôi cha trời ơi, tui mất hai chục đồng rồi. Ba mình  nghe thế tức lắm, đời ông ghét nhất bọn lừa đảo bịp bợm. Ông cố đuổi theo, lùng sục khắp nơi không thấy anh cu Bịp đâu cả, đến làng nào cũng nghe một trường hợp bị lừa như nhà mình. Anh cu Bịp tung tin ai đó bị chết rồi giả đò đóng vai người cùng đơn vị với người đó về gia đình báo cho gia đình biết người đó còn sống. Thế là chuột sa chĩnh gạo, anh được ăn uống đãi đằng và ôm một mớ tiền đóng quà của người nhà gửi cho người đó rồi biến thẳng. Chẳng ai biết anh ở đâu tên gì, người ta gọi đại là thằng cu Bịp.

Tưởng chuyện anh cu Bịp đến đó là hết, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mình lại gặp anh khá nhiều lần, lần nào cũng biết anh bịp mình hẳn hoi nhưng chẳng làm được gì tốt.

Mười năm sau, năm 1977 mình đang học năm thứ ba Bách Khoa Hà Nội. Cứ thứ bảy mình lại ra bến xe Kim Mã nhảy xe bus đi Sơn Tây thăm cô bồ. Hôm đó mình vừa mua vé xong thì gặp ngay anh Cu Bịp. Anh đứng ngay trước mặt mình nước mắt lưng tròng mếu mếu máo máo, nói anh ơi con gái tui bị tai nạn nằm ở bệnh viện Việt Đức…Mình nhận ra anh ngay nhờ vết sẹo mảnh vắt ngang cổ và nhờ cái miệng hôi rình của anh. Mình chộp lấy tay anh, nói anh cu Bịp nhớ tui không? Sắc mặt anh không hề thay đổi, vẫn nước mắt lưng tròng vẫn mếu mếu máo, nói xin anh nhón tay làm phúc. Mình nghiến răng vặn tay anh, nói đ. mẹ ông trả ngay hai chục đồng của mạ tui, trả ngay! Anh khóc rú lên, nói ối anh ơi, mạ anh cho tui hai chục đồng để tui cứu con tui, răng rồi cũng có ngày tui trả lại, chừ tui chỉ xin anh một hai đồng thôi, một hai đồng thôi, cắn cỏ xin anh, lạy anh trăm ngàn mớ lạy. Anh bù lu bù loa khóc to nói to, nói mạ anh là dì ruột tui, dì tui cho tui hai chục đồng răng anh đòi lại. Tui xin anh tiền anh đã không cho còn đòi tiền dì ruột tui cho tui. Mọi người quay lại nhìn mình, những cái nhìn khó chịu và khinh bỉ. Chẳng biết nói thế nào mình đành buông tay anh bỏ đi. Được thể anh chạy theo níu áo mình, nói chỗ con cậu con dì, xin anh một hai đồng thôi, một hai đồng thôi. Đúng là chưa bao giờ mình bị rơi vào tình trạng này, vừa điên tiết vừa xấu hổ. Hai mốt tuổi đầu chẳng biết làm sao, chỉ biết đấm anh ta một phát rồi bỏ chạy.

Mười năm sau (lại mười năm sau, khỉ thế!), năm 1987 mình đang làm báoVăn hóa đời sống ở Huế, anh Văn Lợi cử mình về Hương Điền viết cái kí, tình cờ gặp cô bé xưa cùng hát hò kịch cót với nhau ở đội văn nghệ sư đoàn 375.( Viết đến đây tự nhiên quên biến mất tên cô bé). Cô bé đưa mình về nhà cô chơi. Nhà cô cách phố huyện chừng chục cây số. Về tới nhà không có ai, cô bé nói anh chờ em tí để em đi tìm mạ em. Lát sau cô quay về kéo mình đi ngay, nói anh  ra đình mà xem, cả làng em đang ở đó, mạ em cũng đang ở đó không chịu về. Mình hỏi chuyện chi, cô bé mắt trợn miệng há, nói ua chầu hay lắm, thánh về làng em, thánh chữa bách bệnh, bệnh chi cũng khỏi. Mình cười, không nói gì lẳng lặng theo cô bé xem ông thánh này là thánh thật hay là lang băm.

Mình tới đình làng sững sốt thấy cả mấy trăm người, không, có khi cả ngàn người, ngồi chật kín sân đình, trong khi phía ngoài mọi người đang lũ lượt kéo tới. Cô bé nói không chỉ người làng em mô, nhiều người  các làng khác cũng tới. Thánh là thiên sứ nhà trời chỉ về đây đúng một ngày đêm, mạ em nói rứa. Nhác trông mọi người ai nấy mặt mày nghiêm trọng, thành kính ngồi thành hàng lối chờ đến lượt thánh gọi vào, tuyệt không ai gọi to nói lớn, hết thảy đều thầm thầm thì thì, rất kinh. Mình thấy lạ là trong tay ai cũng cầm sẵn bát nước lạnh, hỏi vì sao, cô bé bảo bát nước  để thánh làm phép xong thì uống. Đó là bát nước thánh, uống vào bệnh gì cũng lành.

Máu tò mò khiến mình cố bươn lên phía trước xem thánh là ai, là thế nào. Nhờ có cái thẻ nhà báo nên bà con đều nhường lối cho mình.Vào sâu trong đình vẫn không thấy thánh đâu, cô bé bám theo mình nói thánh ngồi ở hậu cung. Phải ngồi đây chờ khi thánh gọi mới được vào, dù anh là gì đi nữa nếu thánh không gọi cũng không được vào. Mặc kệ, mình cứ cố chen lên. Đến hậu cung gặp ngay hai ông già đứng canh kiên quyết không cho mình vào. Mình năn nỉ mãi, nói cháu chỉ xem mặt thánh cái là ra ngay. Vừa lúc một người trong hậu cung  đi ra, người khác bưng bát nước đi vào. Qua hai lần vén màn cho người vào, ra mình thấy rành rành cái ông thánh chính là anh cu Bịp.

Mình liều nhảy đại vào, nói này anh cu Bịp, anh còn dám bịp cả mấy trò này nữa à? Tưởng anh cu Bịp giật mình nhảy tót ra khỏi hậu cung. Ai dè anh vẫn mắt nhắm nghiền, tay cầm nén nhang, miệng lẩm nhẩm khấn như không hề có chuyện gì xảy ra. Hai ông già lôi cổ mình ra. Mình nói cháu là nhà báo, cháu sẽ vạch trần. Hai ông già chỉ mặt mình mắng át đi, nói tỉnh trưởng, bộ trưởng đến đây xúc phạm thánh tôi cũng tóng cổ, đừng nói nhà báo với nhà béo. Mình cự lại, cố nói to cho mọi người nghe. Hai ông già bịt miệng mình lôi ra khỏi hậu cung.

 Bỗng có người nói thánh gọi thánh gọi, ngoảnh lại thấy anh cu Bịp đang tươi cười vẫy vẫy, nói vào đây con vào đây con. Mình đi tới, hai ông già ấn mình quì xuống, đặt vào tay mình bát nước lạnh, nói ngửa mặt nhắm mắt nghe thánh truyền. Mình cũng ngửa mặt nhắm mắt xem anh cu Bịp giở trò gì. Chẳng biết anh nói gì, làm gì, khoảng một phút sau anh ghé tai mình rít lên khe khẽ, nói cút cha mày đi cho tau làm ăn, không tao bảo dân xé xác mày ra. Mình mở mắt, anh cu Bịp đang cầm nhang tay khua miệng  khấn, dáng điệu uy nghi như thánh nhập trần.

Ngay sau đó mình bị tống cổ ra khỏi hậu cung, không dám ho he nữa, sợ lắm. Đến anh cu Bịp còn có dân, hỏi sao không sợ? Hi hi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm thông tin blog