Trãi thảm cho cửa địa ngục, vì sao?
Có phải con người Việt Nam đang sống ở dưới mức cam chịu, luật pháp Việt Nam thì quá yếu ớt hoặc ngành giáo dục hiện nay không còn đủ ý thức mình đang là gì trên đất nước này? Sự kiện trẻ em trong trường học bị công an tự tiện xông vào bắt đi, dẫn đi và tra tấn, dẫn đến thương tật hoặc tử vong đang diễn ra nhức nhối, nhưng mọi thứ cứ như bị dằn xuống, im lặng và trôi qua.
Điều thất nhân tâm mới nhất, là chuyện công an thôn ở huyện Tịnh Sơn, Quảng Ngãi đã tự ý đi vào trường THCS Tịnh Bắc, xã Tịnh Bắc để bắt em Nguyễn Tấn Tâm giữa giờ học, đem về đồn tra tấn để buộc em phải nhận tội ăn trộm. Sau đó, công an thôn – như một cách che chở lộ liễu qua việc cung cấp thông tin hạn chế từ địa phương, chỉ được cho biết tên là Danh – đã buộc mẹ em Tâm đến ký giấy xác nhận tội của em. Như mọi gia đình thôn quê ở miền trung, sợ hãi đồn công an và chốn công quyền, bà Trương Thị Thái, mẹ của em vội vã ký vào giấy vì nghe lệnh của công an là “ký vào, mới được cho về”, hơn nữa bà quá lo lắng khi thấy con mình bị bắt từ sáng, mà đến 7 giờ tối mới được công an thôn cho gọi.
Đầu năm 2016, lá thư tuyệt mệnh của học sinh Tâm gửi lại cho gia đình sau khi uống thuốc trừ sâu, chọn cái chết để đòi lại danh dự của mình, trở thành tuyên ngôn máu của hiện thực học đường mà ngành giáo dục Việt Nam phải cúi mặt, nếu còn chút lương tri.
Từ lúc nào, nhà trường ở Việt Nam trở thành cánh cổng phụ dẫn đến đồn công an một cách công khai như vậy?
Trường hợp công an đột nhập trường THCS Tịnh Bắc bắt em Tâm đi, có thể được coi là điều bất ngờ của thầy cô, ban giám hiệu nhà trường, nhưng lẽ ra em Tâm phải được nhà trường bảo lãnh đi về cho hết giờ học, thông báo hiện tượng bất thường này cho phụ huynh em Tâm để tránh điều đáng tiếc nói trên. Hoặc ít nhất nhà trường đã phải cử người đến đồn công an để làm người giám hộ cho em Tâm.
Rất nhiều người khi đọc bản tin về cái chết của học sinh Nguyễn Tấn Tâm, đã thở dài nói rằng với tình trạng cường quyền và vô pháp của công an ở các vùng nông thôn, nhà trường có biết thì cũng đành cam chịu. Bạn có tự hỏi, nếu sự sợ hãi không có bóng dáng của pháp luật đó cứ được duy trì mãi, liệu sẽ có bao nhiêu sinh mạnh trẻ nhỏ còn treo lơ lửng trong môi trường học đường?
Rất nhiều người khi đọc bản tin về cái chết của học sinh Nguyễn Tấn Tâm, đã thở dài nói rằng với tình trạng cường quyền và vô pháp của công an ở các vùng nông thôn, nhà trường có biết thì cũng đành cam chịu. Bạn có tự hỏi, nếu sự sợ hãi không có bóng dáng của pháp luật đó cứ được duy trì mãi, liệu sẽ có bao nhiêu sinh mạnh trẻ nhỏ còn treo lơ lửng trong môi trường học đường?
Hãy nhìn lại biểu đồ của ngành giáo dục, liên quan đến đến vấn nạn công an ngang nhiên dẫn độ trẻ em giữa giờ học (trong đó cũng không ít vụ chính nhà trường làm “mai mối” cho những tội ác đó). Biểu đồ đó tăng dần trong hình ảnh lạm quyền của công an địa phương, cũng như coi thường luật pháp. Từ năm 2007, khi dư luận xã hội bùng lên chuyện em Huỳnh Thị Ngọc Trâm, học lớp 5 ở trường tiểu học An Hiệp, tỉnh Đồng Tháp bị chính nhà trường giao cho công an tra tấn để xét xem em có lấy trộm tiền quỹ 47.000 đồng của lớp không, khiến em trở nên hoảng loạn và bị câm trong một thời gian dài mà không hề có sự bồi thường thoả đáng nào. Ghê sợ hơn, học sinh tiểu học mới 7 tuổi như em Lại Thị Thắm ở trường tiểu học Trung Lập Thượng, Củ Chi, Tp.HCM cũng từng bị dắt giao cho công an thẩm tra, ngay trong lúc em đang ở lớp, vì nghi em trộm tiền. Chuyện vừa diễn ra vào năm 2012, là một trong những cột mốc chạy dài đến hiện tại, với vô số sự kiện bạo lực học đường bắt đầu từ người lớn, và hôm nay là cái chết của em Nguyễn Tấn Tâm.
Chẳng lẽ, đối với học đường, ngành công an không thể tiêu hoá nổi khoản 9 điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nghiêm cấm các hành động có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em tình nghi vi phạm pháp luật? Và điều luật được in rành rành công khai đó, đối với các thầy cô, vẫn không đủ là chỗ dựa để bảo vệ học trò mình thay vì cam chịu, như biến nhà trường thành cánh cổng phụ của đồn công an, trong trường hợp em Tâm?
Cách đây không lâu, Bộ Giáo dục có ra thông báo, kêu gọi phụ huynh cẩn trọng trước nạn bắt cóc trẻ em ở trước cửa trường. Chua chát thay, số liệu về bắt cóc của kẻ lạ thì rất thấp, nhưng số liệu về việc công an bắt đi công khai, nhục hình và gây thương tật cho học sinh thì rất rõ, thậm chí được ghi ở trang bách khoa điện tử. Thật ngạc nhiên, khi cần thì Bộ giáo dục có thể vận dụng mọi ngành công an địa phương trong việc để bảo đảm cho những kỳ thi “sạch” theo ý muốn của mình, nhưng gần 10 năm, kể từ sự kiện em Ngọc Trâm, Bộ Giáo dục sao không thể gửi nổi một công văn khuyến cáo các công an địa phương nên hợp tác văn minh để giữ gìn môi trường cao quý của ngành giáo dục?
Nói về chuyện giá trị riêng tư của ngành giáo dục, lại chợt nhớ câu chuyện của anh bạn định cư ở nước ngoài. Những ngày đầu ở xứ người, do không quen đường xá, anh bạn khi đưa con lên xe bus của nhà trường, liền lái xe đi theo để học thuộc đường, phòng trường hợp phải đi đón về sớm. Được 2 ngày, cảnh sát đến tận nhà kiểm tra xem có đúng là phụ huynh không, còn nếu không thì sẽ bị cấm đi theo xe bus học sinh, do bị nghi ngờ là kẻ bắt cóc. Sau khi nghe chuyện, cảnh sát còn dặn anh bạn rằng phải nhớ ghé vào trường làm một I.D tag (thẻ nhận dạng phụ huynh) thì mới có thể được phép đón con về. Viên cảnh sát cho biết thêm, ngay cả trường hợp ông được nhờ đưa học sinh về, ông phải ký vào sổ và ghi rõ họ tên, chức vụ của nhà trường.
Chuyện nhà trường ở xứ người thì vậy, còn trong trường hợp em Tâm, sau khi công an thôn thấy chuyện trở nên rắc rối từ cái chết của em, nơi này đã vội vàng tuyên bố rằng học sinh Tâm từng có tiền án trộm cắp hơn 10 vụ. Ngay cả cô phó hiệu trưởng trường THCS Tịnh Bắc, cô Nguyễn Thị Thu Hoanh nghe mà phải sửng sốt trước trò tiểu xảo này. Cô khẳng định rằng mình vẫn biết em Tâm là một học sinh ngoan. Đúng là người chết hai lần, thịt da nát tan.
Một môi trường giáo dục được tôn trọng là ước muốn không của riêng ai. Một không gian văn minh và riêng tư của nhà trường phải thuộc về pháp luật, chứ không thể thuộc vào quyền lực riêng của một bí thư hay một công an xã. Nỗi đau của các phụ huynh có con cái đối diện với vấn nạn lạm quyền vô pháp phải trở thành những bài học cho đất nước. Cái chết của học sinh Nguyễn Tấn Tâm không thể bị lãng quên vô ích, nó là tiếng kêu về một tương lai khác của học đường Việt Nam: nơi đó phải là nơi trải thảm cho đường đến tương lai, chứ không thể là đường trải thảm dành cho cửa địa ngục.
Nhac si Tuan Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét